2.1 ĐẶC ĐIỂM CƠ BẢN CỦA ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU
Kiên Giang là tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, nằm ở phía tây Nam của Việt Nam, diện tích đất tự nhiên 6.346 km2. Dân số 1.705.539 người, mật độ dân số 268 người/ km2, nguồn lao động dồi dào 1.121.000 người. Kiên Giang là một tỉnh có cả đồng bằng, rừng, núi, biển và hải đảo; điều kiện về tài nguyên, đất đai, khí hậu tạo cho Kiên Giang có nhiều lợi thế về phát triển nông nghiệp, đánh bắt, nuôi trồng chế biến thủy hải sản, sản xuất vật liệu xây dựng và đầu tư phát triển du lịch với nhiều loại hình du lịch phong phú, đa dạng
Kiên Giang ở trong vùng vịnh Thái Lan, gần các nước Đông Nam Á (ASEAN) như: Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Philipine; có địa hình đa dạng, bờ biển dài, có nhiều sông núi và hải đảo, tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng giao lưu kinh tế với các nước trong khu vực, là cầu nối các tỉnh miền Tây Nam Bộ với bên ngoài.
Kiên Giang cách thành phố Hồ Chí Minh 250 km, cách thành phố Cần Thơ 115 km, có các tuyến thủy và đường bộ Quốc lộ 80, QL 61, QL 63, đường Hà Giang) nối liền với các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt tuyến đường Xuyên Á từ Cămpuchia sẽ đi qua tỉnh Kiên Giang; hiện nay có sân bay Rạch Giá và sân bay Phú Quốc; sắp tới sẽ xây dựng sân bay quốc tế Phú Quốc. Sẽ xây dựng cảng biển quốc tế An Thới, cảng Vịnh Đầm, cảng Bãi Đất Đỏ ở huyện đảo Phú Quốc, cảng Bãi Nò ( Hà Tiên), cảng nước sâu Nam Du (Kiên Hải); nạo vét luồng và nâng cấp cảng Hòn Chông để đón tàu 20.000 tấn.
Hệ thống thông tin liên lạc ở Kiên Giang, cơ bản đáp ứng yêu cầu của khách du lịch và các nhà đầu tư. Cơ sở hạ tầng những năm gần đây phát triển khá, giao thông nội ô các thị trấn, thị xã được nâng cấp, các tuyến giao thông liên huyện, liên ấp, liên xã đã được lưu thông cả bằng đường bộ, đường thủy, những tuyến đường này đã đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi về vị trí địa lý, khí hậu, con người, thêm vào đó cơ sở hạ tầng phát triển là yếu tố rất tốt đã trao cơ hội cho hoạt động các ngân hàng. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Kiên Giang có trên 26 ngân hàng lớn nhỏ và theo thống kê của ngân hàng nhà nước tháng 01 năm 2012: huy động vốn trên địa bàn năm 2011 là 14.967 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế 23.984 tỷ đồng, cho thấy được khu vực này có tiềm năng về phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng. Trong sự cạnh tranh khốc liệt giữa các ngân hàng hiện nay thì việc đưa ra các chiến lược phát triển và duy trì mối quan hệ với khách hàng là nhân tố quyết định sự tồn tại của ngân hàng.