Người Mẹ điểm tựa vững vàng nơi hậu phương

Một phần của tài liệu đặc điểm trường ca hữu thỉnh (Trang 60 - 62)

Trong tấm lòng người chiến sĩ, có một khoảng rộng nhất, sâu nhất dành cho quê hương – hậu phương lớn. Hậu phương gắn bó máu thịt với chiến trường, hậu phương là động lực, là sức mạnh vô tận. Và người mẹ là hình ảnh lớn lao nhất, tập trung nhất của quê hương, của hậu phương. Ở đây người mẹ là biểu trưng cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là điểm tựu vững vàng nơi hậu phương. Có thể khẳng định hình tượng người mẹ là một trong những hình tượng nổi bật trong kho tàng văn học Việt Nam, cũng như trong thơ ca kháng chiến. Với Hữu Thỉnh người mẹ luôn là người dõi theo bước chân người lính, đó là miền nhớ và cũng là điểm tựa, là sức mạnh tinh thần giúp người lính vượt qua mọi trở ngại, gian nan. Có thể thấy bất cứ lúc nào, cả lúc vui lẫn lúc buồn, khi thảnh thơi cũng như khi lo nghĩ, người lính đều nhớ đến mẹ ở nhà. Anh nói thật thà như trẻ thơ: Mẹ là người chúng con thương nhớ nhất (Sức bền của đất).

Hình ảnh người mẹ tiễn con ra trận với miếng trầu luôn thắm đỏ trên môi đã làm ấm lòng người lính, là vùng tin cậy phía sau mỗi khi họ nhớ về. Vào chiến trận với bao gian khổ, buồn vui, nhưng có lẽ nỗi nhớ mẹ luôn dâng

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

ngập cõi lòng người lính. Nó trở thành vật báu, là bến nghỉ chân thanh bình mỗi khi họ nhớ về. Khi khoác ba lô lên đường mỗi người lính quên sao được những lời mẹ dặn:

Con không dám nhìn mẹ lâu Mái chèo khua sóng đánh

Nước ngấn lưng đê sẫm lời mẹ dặn Mùi trầu cay ấm hoài trên vai

(Sức bền của đất)

Hình ảnh Nước ngấn lưng đê sẫm lời mẹ dặn đã cho ta thấy được cái bịn rịn và tình thương của mẹ dành cho những người lính khi ra trận. Kể làm sao hết, đếm làm sao xuể những lời dặn dò, thương nhớ của mẹ dành cho các anh. Chỉ biết nó đầy ắp như nước ngấn lưng đê, nó ăm ắp và bao la như biển cả. Chính những vất vả, lo toan đã tiếp thêm sức mạnh cho người lính chiến thắng được kẻ thù:

Những cánh đồng in dấu chân của mẹ Cứ ngày ngày ra khẩu lệnh cho tôi

(Đường tới thành phố)

Tác giả đã khắc họa một hình tượng bà mẹ khổ đau gắn liền với đức hy sinh vô bờ bến, một đức hy sinh thầm lặng, cao cả, thủy chung và thiêng liêng. Hình ảnh bà mẹ gánh rạ giữa đồng ám ảnh tâm trí người đọc không chỉ bởi sức nặng của gió, cao cả hơn, chính những điều bình dị ấy đã tạo nên chất thép trong tâm hồn mỗi người lính.

Hữu Thỉnh không cố ý tìm những cách nói độc đáo, mới lạ khi nói về mẹ, anh chỉ kể những hình ảnh bình dị, những hình ảnh, những sự việc bình thường, song cũng chính vì vậy mà gần gũi thân thiết biết bao:

Mẹ đang xếp cho anh bộn bề giá sách Nhưng nhớ thương thì biết xếp vào đâu Những điểm 9, điểm 10 không còn an ủi mẹ

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

Ta còn tìm thấy hình ảnh người mẹ kiên trung trong trang thơ của Tố Hữu với niềm tự hào sâu sắc. Họ - những người mẹ Việt Nam sống muôn đời với đất nước, núi sông của nhân dân Việt Nam:

Một dòng máu đỏ lên trời. Má ơi, con đã nghe lời má kêu

Nước non muôn quý ngàn yêu Còn in bóng má sớm chiều Hậu Giang

(Bà má Hậu Giang – Tố Hữu)

Người lính trong thơ Hữu Thỉnh mềm yếu mà cũng vô cùng vĩ đại. Cái

mềm yếu rất người ấy đã cho ta thấy được cái dũng mãnh, cái vô biên trong

tâm trí họ. Thì ra khi ở chiến trận, người lính luôn nhớ về mẹ, luôn hướng về

mẹ và coi đó là bệ đỡ cao nhất, là điểm tựa vững vàng giúp họ vượt qua bao

gian khó, hiểm nguy. Với họ, mẹ là ngọn đuốc sáng soi đường cho mỗi bước đi của người lính.

Như vậy, hóa thân vào chân dung người mẹ, Hữu Thỉnh đã cho ta thấy cái lam lũ, tảo tần và giàu đức hy sinh của người lính. Hữu Thỉnh đã khắc họa một hình tượng bà mẹ khổ đau gắn liền với đức hy sinh vô bờ bến, một đức hy sinh thầm lặng, cao cả, thủy chung và thiêng liêng. Không ai khác chính mẹ là điểm tựa vững vàng nơi hậu phương, là mặt trời ấm áp sưởi ấm trái tim người lính mỗi khi gặp khốn khó, nguy cùng. Nụ cười thầm lặng, nước mắt thầm lặng, cái chết thầm lặng của bà mẹ trong thơ Hữu Thỉnh là nét phẩm chất chung của các bà mẹ Việt Nam, phụ nữ Việt Nam. Đối với Hữu Thỉnh, mẹ là ngọn nguồn của tất cả, là vui sướng tột cùng, là tự hào cao độ, là thương nhớ không nguôi, là tình yêu vô biên, là ánh sáng dõi theo suốt cuộc đời người lính trẻ.

Một phần của tài liệu đặc điểm trường ca hữu thỉnh (Trang 60 - 62)