Chợ quê là bộ phận quan trọng trong tổng thể kết cấu hạ tầng của xã hội nông thôn của huyện Tân Yên cũng như nhiều địa phương khác. Hoạt động chính là mua bán. Chợ ra đời xuất phát từ nhu cầu trao đổi, mua bán các sản phẩm của nền kinh tế tiểu nông đa nghề. Đây cũng là nơi mọi người ngoài việc đến giao thương còn giao lưu về các mặt của đời sống văn hóa xã hội. Sự
đổi mới, mở cửa và phát triển của nền kinh tế thị trường đã thúc đẩy nền kinh tế hàng hóa phát triển, đời sống của nhân dân không ngừng được nâng cao, nhu cầu về vật chất và tinh thần ngày càng lớn, số người đi chợ mua bán và trao đổi sản phẩm đông hơn rất nhiều.
Ở đó, có những người nông dân mang sản phẩm của họ sản xuất ra để bán rồi mua về những mặt hàng thiết yếu phục vụ cho cuộc sống hàng ngày, họ trao đỏi qua lại với nhau, người dân là người sản xuất nhưng cũng chính là người tiêu thụ hàng hóa, góp phần vào việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế của một miền quê.
Người ta nói “Buôn có bạn, bán có phường”, Phường không chỉ là
tổ chức của những người cùng nghề như phường săn, phường mộc, phường vải,… mà còn là những đơn vị hành chính cấp cơ sở.
Từ thời xa xưa cho đến bây giờ, ở Tân Yên, người buôn bán, thợ thủ công và cả người nông dân nữa đều ở đan xen. Chợ quê không nhiều lời mời chào ngon ngọt, đon đả, mà họ gặp nhau chào hỏi thân mật, chân thành, có khi gặp người thân hoặc bà con lối xóm, người bán vừa bán vừa cho, không một đắn đo gì, còn người mua tuy áy náy nhưng cũng không thể từ chối được, một cử chỉ tuy rất nhỏ nhưng làm cho không gian chợ luôn ấm áp tình người. Như vậy, do tính chất của nền sản xuất tiểu nông, nhỏ lẻ quy định tính cách của người dân ở mỗi làng quê, nơi mà lũy tre làng đã ăn sâu và trong tiềm thức của họ.
Cũng xuất phát từ nền kinh tế tiểu nông, nhỏ lẻ, một số nông dân trong lúc nông nhàn đã tranh thủ thời gian để chạy chợ, mặc dù ít nhưng cũng kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống gia đình.
Do tính chất mua bán đó nên phần nào đã ảnh hưởng đến nề nếp và hoạt động của chợ, làm cho không gian chợ thêm bừa bộn, lộn xộn, thiếu trật tự. Những người này thường không cần bỏ nhiều vốn, chỉ là những gánh rau, thúng lạc, đấu đỗ… nên lãi cũng rất ít, nặng về trao đổi sản phẩm hơn.
Nhìn chung trong hoạt động của mạng lưới chợ ở huyện Tân Yên, sự tham gia của người nông dân vẫn rất đông đảo, chủ yếu vẫn bán những sản phẩm như lương thực, thực phẩm do chính họ tự làm ra trên chính mảnh đất của họ và mua về những sản phẩm họ không tự sản xuất được như thịt, trứng, cá, … và một số công cụ sản xuất khác như cày, bừa, cuốc, xẻng,… hay những mặt hàng thiết yếu trong sinh hoạt hàng ngày như mắm, muối, dầu,…
Ngoài những người buôn bán trên, là những người thương nhân với danh nghĩa trao đổi hàng hóa mang giá trị thương mại, lưu thông trên thị trường. Đó chính là kết quả do tác động của nền kinh tế hàng hóa, cùng với quá trình đô thị hóa nông thôn ngày càng diễn ra mạnh mẽ ở nhiều vùng nông thôn, mạng lưới chợ đã được gắn kết chặt chẽ hơn và tác động qua lại lẫn nhau. Tầng lớp thương nhân này đóng vai trò quan trọng trong việc luân chuyển hàng hóa từ nơi này sang nơi khác và ngược lại, nguồn hàng hóa được nhập từ nhiều nguồn khác nhau, có thể là chợ đầu mối, cũng có khi là thu mua tại các ruộng, gốc cây của người nông dân trong huyện và những vùng lân cận. Những người nông dân này phần lớn xuất thân từ những người nông dân hoặc trong gia đình có truyền thống buôn bán từ trước. Ban đầu họ buôn bán nhỏ, hoạt động ở một dịa bàn nhỏ hẹp, nhưng dần về sau họ tích lũy thêm được vốn và kinh nghiệm, nhận thấy làm ăn có lãi nên trở thành những người buôn bán chuyên nghiệp, những chuyến buôn của họ xa dần, và họ lấy hàng từ chợ đầu mối sau đó bán giao lại các cửa hàng, các chợ trong địa bàn huyện hoặc những nơi có nhu cầu. Hoạt động của tầng lớp thương nhân có tác dụng to lớn đối với sự phát triển của chợ và ngược lại, sự phát triển của chợ cũng giúp người thương nhân hoạt động mạnh hơn, buôn bán rộng và lớn hơn.
Ngoài ra, trong thành phần buôn bán ở chợ trên địa bàn huyện Tân Yên, đây cũng chính là thành phần đông đảo nhất – đó chính là những người phụ nữ. Không như thời phong kiến, ngày nay người phụ nữ đã
khẳng định được vai trò và năng lực của mình, ngày càng nắm giữ nhiều vị trí quan trong của đất nước. Hiện nay, người phụ nữ vẫn đóng vai trò là lực lượng buôn bán chính ở các làng xã, họ đã dần thoát khỏi tư tưởng hạn chế của những lễ giáo phong kiến, họ rất năng động trong nền kinh tế thị trường. Phẩm chất của người phụ nữ ngày càng được rèn rũa và phát huy, họ là những người mẹ, người chị, người vợ tần tảo sớm hôm, chịu thương chịu khó, không quản nắng mưa, chắt chiu, cần cù chuẩn bị những mẹt hàng từ mờ sáng để cho kịp những phiên chợ.
Ngoài những tầng lớp trên, tham gia vào hoạt động mua bán ở chợ còn có các tàng lớp khác, đó là những người cán bộ, công chức, trong những ngày nghỉ, hoặc thời gian rảnh rỗi họ lại vào chợ mua mớ rau, vài lạng thịt, ít cá tôm … để phục vụ cho nhu cầu cuộc sống gia đình của họ. Rồi học sinh của các trường trên địa bàn chợ đóng đến mua quyển sách, đồ dùng học tập, nhà xa trưa không về thì ở lại ăn cơm,…
Trên đây, chúng ta có thể thấy thành phần tham gia trao đổi, mua bán ở chợ cũng rất đông đảo, đa dạng, bao gồm nhiều thành phần, gồm cả gái, trai, lớn, bé… tạo nên không khí chợ rất sôi nổi, náo nhiệt trong những ngày chợ phiên ở thôn quê.