Về cấu trúc không gian của chợ nói chung đều có tính năng động và có những thay đổi phù hợp với quá trình phát triển của nó. Diện mạo của chợ cũng phụ thuộc vào sự hình thành của chợ đó theo tính tự phát hay hình thành theo quy hoạch của chính quyền địa phương nơi hình thành chợ đó. Ban đầu, chỉ là những tụ điểm buôn bán nhỏ, thường họp ở những nơi thuận tiện cho việc đi lại, trao đổi mua bán. Tụ điểm mua bán thường ở đầu làng hoặc cuối làng, ở bến nước hoặc đình làng. Chọn địa điểm họp chợ rất quan trọng, hợp với nguyện vọng của người dân, sự đồng thuận của đông đảo quần chúng nhân dân thì mới tồn tại lâu dài và bền vững:
Muốn cho gần chợ mà chơi Gần sông tắm mát, gần nơi đi về.
Sau đó, dần dần mới phát triển thành chợ với việc dựng lên những dãy lều tạm bợ bằng cây que, nứa lá. Cấu trúc không gian của chợ lúc đó cũng rất đơn giản, phần lớn phụ thuộc vào tiềm lực kinh tế của làng đó. Nhìn chung về quy mô cấu trúc của chợ thời gian này cũng chưa có gì đáng kể, có thể đó là những bãi đất trống công cộng của làng xã, với vài mái lều tranh tạm bợ, vài tấm liếp bao quanh với mái rơm, rạ che mưa nắng.
Trước năm 1945, Phủ Yên Thế (trong đó có Yên Thế hạ - Tức huyện Tân Yên ngày nay) có 5 chợ lớn, trừ chợ Bố Hạ ở Yên Thế thượng họp 6 phiên (2, 7, 12, 17, 22 và 27) còn phần lớn các chợ đều nằm ở Yên Thế hạ. Theo Bắc Giang địa chí của Trịnh Như Tấu, 1937, Yên Thế hạ có các chợ và các phiên dưới đây:
Bảng 1.1: Số lượng chợ ở huyện Tân Yên trước năm 1945
Tên chợ Các phiên (Theo âm lịch)
Chợ Mọc 1,6 Chợ Rừng Quanh 5,10 Chợ Nhã Nam 5,10 Chợ Bỉ 2,5,7,10 Chợ Cầu treo 1,4,6,9 Chợ Kim Tràng 4,9 Chợ Rào 4,7 Chợ Vồng 4,7 Chợ Dĩnh 1,6 Chợ Lục Liễu 3,6 [19; tr.184] Trong các chợ trên, chợ Nhã Nam là một trong những chợ có tiếng ở tỉnh Bắc Giang, giao lưu dễ dàng với các vùng trong tỉnh. Nhân dân ở đây trước kia thường có câu:
- Nhã Nam có chợ thông thương Nón ô đi lại rợp đường cái quan.
- Nhã Nam phố đẹp, người đông
Ai đi đến đó thì không muốn về.
Từ sau năm 1954, hòa chung với không khí thi đua lao động và xây dựng kinh tế mới, cùng với chủ trương xây dựng vùng kinh tế mới của Đảng và chính phủ, dân cư huyện Tân Yên đã đông đúc hơn, nhân dân không ngừng thi đua tăng gia sản xuất, nông sản phẩm làm ra ngày một nhiều, nhu cầu trao đổi mua bán ngày một tăng, tác động lớn đến mạng lưới chợ ở huyện Tân
Yên. Chợ thời kì này bắt đầu có sự thay đổi mạnh mẽ về quy mô, diện tích và các mặt hàng bày bán tại chợ.