Quy mô tổ chức và hoạt động của hệ thống chợ

Một phần của tài liệu Mạng lưới chợ nông thôn ở Huyện Tân Yên tỉnh Bắc Giang (1986 đến 2010) (Trang 75 - 76)

Về quy mô tổ chức của mạng lưới chợ huyện Tân Yên từ năm 1986 đến nay có nhiều thay đổi lớn, đó là những biến đổi tích cực trên phương diện của một chợ cũng như tất cả các chợ trên địa bàn huyện Tân Yên. Trước đây chỉ có chợ Mọc (thị trấn Cao Thượng) ở trung tâm của huyện được đầu tư xây dựng kiên cố, với quy mô lớn, các gian hàng được xây dựng kiên cố và bố trí quy củ, khá hợp lý trong cấu trúc của chợ. Còn các chợ còn lại trên địa bàn huyện đều được xây dựng với quy mô nhỏ,được tổ chức khá đơn giản, các gian hàng chỉ được dựng tạm bợ bằng lều tranh, vách nứa, chủ yếu là ngồi dưới đất để đáp ứng nhu cầu mua bán vài mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất nông nghiệp và cuộc sống hàng ngày. Còn hiện nay, hầu hết các chợ trong địa bàn huyện đã được xây dựng kiên cố hoặc bán kiên cố , nhiều khu vực có mái che, Chợ Mọc cũng như nhiều chợ khác của huyện đều được mở rộng diện tích và quy mô như chợ Mọc, chợ Bỉ, chợ Nhã Nam, chợ Kim Tràng, chợ Rào, chợ Lữ Vân... Hầu hết các chợ đều đã xây tường bao quanh, được quy hoạch một cách gọn gàng, quy củ và hợp lý hơn. Việc phân bổ các chợ trên địa bàn huyện cũng thể hiện sự đồng đều, trải đều trên địa bàn huyện, đảm bảo sự phân bố đều về dân cư và diện tích trên địa bàn huyện tạo thành mạng lưới chợ và các ngày phiên xen kẽ nhau giữa các chợ gần tạo nên tính năng động, linh hoạt của mạng lưới chợ nông thôn ở huyện Tân Yên.

Về hoạt động của mạng lưới chợ huyện Tân Yên từ năm 1986 trở lại đây có nhiều khởi sắc. Trước năm 1986 do đất nước còn nhiều khó khăn, tình trạng tập trung bao cấp trong nền kinh tế, chính sách chưa hợp lý làm khan

hiếm hàng hóa, hoạt động của mạng lưới chợ không được đông đúc và đều đặn, tuy số chợ ít nhưng các loại hàng hóa rất đơn giản. Từ năm 1986 trở lại đây, đặc biệt từ những năm 90 trở đi, do chính sách hợp lý trong phát triển kinh tế, sự phát triển của nền kinh tế hàng hóa được quan tâm, số chợ được tăng lên, các phiên họp diễn ra đều đặn, hàng hóa trong các chợ đa dạng, phong phú, nhiều chủng loại, từ hàng nông sản đến sản phẩm thủ công nghiệp, hàng công nghiệp, từ hàng nội địa cho đến hàng hóa nhập ngoại, lưu lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường ngày càng lớn, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người dân. Nếu như trước kia người đi chợ phải đi từ sáng sớm, đi xe đạp, thậm chí đi bộ gần chục cây số để đến chợ, nhưng chưa chắc đã mua được hàng hóa đúng ý định của mình. Bây giờ, người đi chợ đã đi lại dễ dàng và thuận lợi hơn rất nhiều, người mua có thể thoải mái lựa chọn những mặt hàng theo ý muốn của mình.

Có thể nói hoạt động của của mạng lưới chợ nông thôn ở huyện Tân Yên đã nói lên bộ mặt của một vùng quê trung du đang chuyển mình mạnh mẽ trong công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa của đất nước. Hiện nay UBND huyện Tân Yên đang có những dự án lớn và những chính sách hợp lý để đưa hoạt động của mạng lưới chợ ở huyện Tân Yên nói riêng cũng như nền kinh tế của huyện nói chung ngày càng phát triển, đáp ứng được đòi hỏi của nền kinh tế thị trường đang có nhiều biến động, đưa huyện Tân Yên có những bước phát triển ngày càng mạnh mẽ và vững chắc trên con đường công nghiệp hóa và hiện đại hóa.

Một phần của tài liệu Mạng lưới chợ nông thôn ở Huyện Tân Yên tỉnh Bắc Giang (1986 đến 2010) (Trang 75 - 76)