Để có được những gian hàng bày bán tại chợ cho mỗi một phiên chợ mới đó là cả một quá trình và tốn bao mồ hôi, công sức của những người nông dân cũng như những thương nhân, họ phải thức khuya, dậy sớm, lao động cật lực, không quản nắng mưa để có được những gian sản phẩm đó. Hoạt động của mạng lưới chợ, sự phong phú của các loại hàng hóa phần nào phản ánh một cách khá rõ nét sự chuẩn bị của các thương nhân, người đi chợ và nguồn hàng cho những phiên chợ đó. Đó là những nét chung của tất cả các chợ chứ không chỉ riêng tại các chợ trên địa bàn huyện Tân Yên. Các chợ được phân bổ tương đối đều trong địa bàn huyện và những ngày họp thường được tổ chức so le nhau giữa các ngày trong tháng, tuy
nhiên cũng có chợ trùng phiên. Đối với các thương nhân buôn bán không cố định ở một chợ mà thay đổi theo phiên ở các chợ, nay chợ Liên Chung, mai chợ Lục Liễu, hôm khác lại chợ Kim Tràng, hôm nay phiên này ở gần nhưng ngày mai phiên khác có thể lại ở xa, có chợ gần 2,3 km nhưng cũng có chợ người bán hàng phải đi xa 15 – 20 km, cho nên sự chuẩn bị hàng hóa cho mỗi phiên chợ là yếu tố rất quan trọng, vì nó phụ thuộc vào loại hàng, nguồn hàng cho mỗi phiên chợ. Đó thường là những người buôn bán liên tục, hay còn gọi là buôn chuyên.
Còn những người không chuyên thì họ thường chỉ buôn bán ở một đến hai chợ, thường thì mùa nào thức ấy, có thể là gánh rau muống, vại dưa cà, quả mướp, mớ rau đay, vài mớ tỏi, hành, cũng có khi con gà, con vịt, cân thóc, đấu gạo… Đó là những sản phẩm do gia đình làm ra, họ không cần phải mất quá nhiều thời gian để chuẩn bị cho mỗi buổi họp chợ. Nếu phải đi chợ xa thì họ phải chuẩn bị, sắp xếp, chằng buộc từ hôm trước, hôm sau đến phiên chợ thì chỉ việc đi.
Đối với những người chuyên làm nghề buôn bán thì tùy loại hàng họ phải tính toán chuẩn bị hàng để kịp phiên chợ. Chẳng hạn như những người bán thịt lợn, từ mấy hôm trước họ đã phải đi tìm nguồn hàng, định giá cả và hẹn ngày bắt, có thể thịt ngay tại cửa truồng rồi cân móc hàm, sáng sớm khoảng 3 giờ sáng họ đã phải dậy để đi mổ lợn, khoảng 5 giờ, 5 rưỡi sáng là đã có thịt lợn trên phản, lên sạp hàng của mình. Trong những ngày lễ, tết, nhất là tết Nguyên Đán, họ phải thịt đến ngày cuối của năm trước, mỗi ngày mỗi thợ phải giết mổ hàng chục con lợn. Hay những người làm bún, bánh, họ phải chuẩn bị gạo, xay bột và làm từ chiều tối hôm trước, cũng có khi dạy sớm để làm cho bún, bánh được nóng, khoảng 6 giờ sáng là đã ra đến sạp hàng để bày bán… Còn những người buôn bán
ít thì họ chỉ phải đến các lò mổ trong huyện hoặc lấy theo mối quen để về bán. Hay những người buôn bán hoa quả tươi thì phải đi các nơi để lấy hàng, thường thì họ phải đi xuống các chợ đầu mối để nhập hàng như chợ Thương, nếu số lượng nhiều hơn thì họ phải đến các chợ đầu mối lớn và xa hơn như Long Biên, Lạng Sơn… Thường thường mỗi lần nhập hàng, những người buôn này lấy với số lượng lướn và bán trong vòng vài ba ngày, vì họ phải đi mua hàng xa. Các loại hàng hóa khác bày bán trong chợ cũng vậy, họ cũng phải qua quá trình chuẩn bị, đi lấy hàng từ các chợ đầu mối khác và về bày bán tại các chợ.
Trong tất cả các mặt hàng, ở các chợ liên xã, liên làng thường lên chợ huyện (Chợ Mọc) lấy hàng, người buôn bán ở chợ Mọc lại đi đến các chợ đầu mối xa hơn để nhập hàng.
Qua một vài dẫn chứng trên, chúng ta hình dung được phần nào công việc chuẩn bị hàng hóa cho mỗi phiên chợ. Để chuẩn bị cho một phiên chợ chúng ta thấy người bán hàng phải trải qua quá trình chuẩn bị rất vất vả, đổ mồ hôi, công sức, thức khuya, dạy sớm để chuẩn bị được hàng hóa cho mỗi phiên chợ.