Đối với sự phát triển, giao lưu văn hóa

Một phần của tài liệu Mạng lưới chợ nông thôn ở Huyện Tân Yên tỉnh Bắc Giang (1986 đến 2010) (Trang 86 - 88)

Chợ - một phần văn hoá không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Chợ làm nên những tập quán, tạo lời ăn tiếng nói, hình thành phong thái ứng xử. Dù ngày mai nền kinh tế thị trường có biến đổi cuộc sống của chúng ta như thế nào, tin rằng chợ Việt - với sức mạnh nội tại bền bỉ của nó - vẫn trường tồn.

Có thể nói, chợ là bộ mặt kinh tế - chính trị của một địa phương và là nơi phản ánh trình độ phát triển kinh tế - xã hội, phong tục tập quán của một vùng dân cư. Đối với người dân, khi đi chợ ngoài mục tiêu mua bán còn lấy chợ làm nơi giao tiếp, gặp gỡ, thăm hỏi người thân, trao đổi công việc. Như vậy chợ không chỉ là nơi buôn bán, lưu thông hàng hóa mà chợ huyện Tân Yên nói riêng cũng như các chợ trên cả nước nói chung còn có vai trò là nơi giao lưu văn hóa. Trong nền kinh tế hàng hóa,hình thành mối quan hệ đa chiều, trước kia người dân chỉ biết đến những gì xảy ra trong lũy tre làng còn rất ít biết đến những gì đã diễn ra ở các địa phương khác, đồng thời những phong tục cổ hủ, lạc hậu đã kìm hãm sự phát triển của một làng quê. Thì nay, những phương tiện thông tin đại chúng ngày càng nở rộ, người dân thường xuyên tiếp xúc với những phương tiện thông tin đó như ti vi, đài, báo, loa phóng thanh của xã, huyện,... đồng thời thị trường buôn bán không chỉ dừng lại ở lũy tre làng mà ngày càng mở rộng từ vùng này sang vùng khác, vì vậy người dân có điều kiện

tiếp cận với những lối sống văn minh mới, các nền văn hóa tiến bộ giao thoa với nhau thâm nhập vào đời sống của dân cư Tân Yên.

Điều đó còn được thể hiện trong đời sống sinh hoạt và bữa ăn hàng ngày của người dân thôn quê, trước kia người dân phải chạy ăn từng bữa, thành phần bữa ăn rất đơn giản, "ăn bữa sáng, lo bữa tối", nhưng ngày nay, đời sống vất chất được nâng cao, nhu cầu "ăn no, mắc ấm", "ăn chắc, mặc bền" được thay bằng "ăn ngon, mặc đẹp", người dân không phải chạy ăn từng bữa nữa, không phải thu gom, tích lũy nhiều như trước kia, cần thứ gì, chợ có thể đáp ứng nhanh nhu cầu của người dân. Như vậy, chợ tác động đến văn hóa còn biểu hiện qua cách ăn mặc của người dân, mặc đẹp đã trở thành nhu cầu của tất cả các thành phần và lứa tuổi. Trong các gian hàng bày bán ở chợ, đủ các loại mẫu mã, màu sắc, các kiểu thời trang phục vụ cho mọi thành phần của người dân, phù hợ với xu thế chung.

Chợ là nơi tập trung mọi người dân trong làng, trong xã, trong huyện, vì thế mà tin tức qua chợ cũng được lan tỏa đi khắp nơi. Chứng tỏ chợ là nơi mọi người gặp gỡ, trao đổi thông tin. Qua chợ người dân hiểu được thông tin thời sự và văn hóa trong và ngoài nước.

Chợ còn là nơi thể hiện những đức tính tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, thực tế thì vai trò của người phụ nữ trong việc buôn bán, chạy chợ từ trước đến nay vẫn được đề cao, qua chợ có thể tìm được người phụ nữ đảm đang, tháo vát, biết quán xuyến công việc gia đình, chợ chính là thước đo về đức hạnh của người phụ nữ, và dân gian đã coi đó là một trong những tiêu chuẩn để cho người con trai tìm vợ:

"Trai khôn tìm vợ chợ đông Gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân"

Vậy nên, chợ cũng là nơi để người phụ nữ thể hiện khả năng của mình nhất là phụ nữ ở vùng nông thôn như huyện Tân Yên.

Đối với các thương nhân buôn bán, rất quan tâm đến yếu tố tâm linh, nếu mở đầu một phiên chợ mà gặp người mua khó tính, kì kèo giá cả thì cho rằng người đó "via nặng"; nếu không đuổi tà thì hàng hóa sẽ ế ẩm, vì vậy mà họ đốt vài tờ giấy huơ huơ trước kệ hàng để bán hàng được thuận tiện hơn. Hay mở đầu phiên chợ của một năm mới, người buôn bán thường chọn ngày để bán lấy ngày, những ngày này họ mở hàng rất ít, bán lấy ngày, lấy may, mong cho một năm làm ăn xuôn xẻ. Cũng trong dịp đầu năm mới, tạm gác lại chuyện buôn bán, người buôn bán thường đi lễ phật cầu may ở các đình chùa trong và ngoài tỉnh để cầu cho một năm làm ăn phát đạt, may mắn...

Có thể nói văn hóa chợ đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân làng quê. Đến chợ, mỗi người đều tìm được niềm vui, niềm an ủi, lời chia sẻ, lời mách bảo cho cuộc sông tốt hơn. Chợ còn giúp ta biết được tình người, tình quê mặn mà, ấm áp và gần gũi. Có những người già, khi tuổi đã cao không thường xuyên đi chợ được, họ thường hỏi con cháu mình chợ quê mình dạo này ra sao, như nhớ một điều gì sâu lắng trong tâm hồn.

Tại một số chợ nhân dịp Tết, lễ, nhiều trò chơi dân gian gắn liền với những hoạt động văn hóa được tổ chức như chọi gà, chơi cờ tướng...để thắt chặt tình đoàn kết cộng đồng và giữ gìn phong tục, tập quán quê hương.

Tóm lại, hoạt động của văn hóa chợ nông thôn phản ánh một nét văn hóa đặc trưng, đó cũng là văn hóa đặc trưng của làng quê Bắc bộ, góp phần làm đa dạng và phong phú bản sắc của nền văn hóa đó. Đồng thời, qua quá trình trao đổi, giao lưu hàng hóa giữa các làng, các vùng nông thôn qua mạng lưới chợ cũng như quá trình tiếp xúc, hòa nhập về văn hóa tạo nên sự đồng nhất về văn hóa mang nhiều sắc thái ở làng quê Tân Yên đặt nền tảng cho sự thống nhất trong đa dạng của nền văn hóa Việt Nam.

Một phần của tài liệu Mạng lưới chợ nông thôn ở Huyện Tân Yên tỉnh Bắc Giang (1986 đến 2010) (Trang 86 - 88)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)