Các điều kiện ngoại cảnh như thời tiết, khí hậu: nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng… của chuồng nuôi đều ảnh hưởng đến sức đẻ trứng của gia cầm. Trong các yếu tố này thì nhiệt độ là yếu tố quan trọng nhất. Nhiệt độ thấp quá hay cao quá đều không có lợi cho chim và làm giảm sức đẻ trứng.
Khi nhiệt độ dưới 20oC, chim bắt đầu phải huy động thêm năng lượng để duy trì thân nhiệt của cơ thể, hiệu quả sử dụng thức ăn giảm xuống, tiêu tốn thức ăn/10 quả trứng sẽ cao hơn ở 20oC. Ngược lại khi nhiệt độ cao hơn 20oC, chim cần thải nhiệt, lượng thức ăn thu nhận có xu hướng giảm. Tác động bất lợi đến năng suất trứng rõ rệt hơn khi nhiệt độ chuồng nuôi vượt quá 24oC, để giúp cho quá trình thải nhiệt, chim phải tăng cường độ hô hấp, dẫn đến mất nhiều CO2, đã làm kiềm hóa máu, quá trình trao đổi chất của chim không bình thường, ảnh hưởng đến sức khoẻ và khả năng sinh sản. Nhiệt độ môi trường cao không những làm giảm năng suất trứng mà còn giảm chất lượng trứng: vỏ trứng mỏng hơn bình thường, nhiều trứng đẻ ra không có vỏ đá vôi.
Nếu không khí trong chuồng nuôi bão hoà hơi nước sẽ gây hại cho cơ thể. Muốn đẩy lượng hơi nước thừa ra bên ngoài cần có hệ thống thông khí. Độ ẩm của không khí trong chuồng nuôi tốt nhất là 65 - 70%, về mùa đông, độ ẩm không nên vượt quá 80%. Sự thông thoáng tốt không chỉ giúp đảm bảo độ ẩm thích hợp trong chuồng nuôi mà còn đẩy các khí độc ra ngoài, đảm bảo một môi trường sống phù hợp với chim.
Ngoài nhiệt độ và độ ẩm thì chế độ chiếu sáng (thời gian và cường độ) có ảnh hưởng rõ rệt đến sức đẻ trứng của chim. Trong thời kỳ hậu bị, cần hạn chế thời gian chiếu sáng để chim không bị thành thục quá sớm. Đối với chim đẻ trứng, cần chiếu sáng từ 14 - 17 giờ/ngày; nếu thời gian chiếu sáng tự nhiên không đủ, phải chiếu thêm vào buổi tối (đối với dà điểu và chim cút).
Với chim cút, cường độ chiếu sáng thích hợp nếu nuôi chuồng kín từ 5 - 10 lux/1m2 nền chuồng, nếu nuôi chuồng thông thoáng tự nhiên là 20 – 40 lux/1m2 nền chuồng.
Sức khoẻ
Tình trạng sức khoẻ chung của cả đàn có ảnh hưởng tới sản lượng trứng. Chim mắc bệnh truyền nhiễm và nhiều loại ký sinh trùng sẽ làm giảm số lượng cũng như chất lượng trứng. Nếu ống dẫn trứng không bình thường thì ở những con đà điểu cái có thể xuất hiện hiện tượng rụng trứng vào xoang bụng. Tinh dịch không thể vào để thụ tinh được. Những con cái bị bệnh này thường hay xệ bụng và được gọi là loại đà điểu “đẻ bên trong”.
Sa dạ con (hay âm đạo) thường xảy ra với những con cái chưa trưởng thành trong mùa sinh sản đầu tiên. Thêm vào đó, một số con cái có thể trở nên bị “táo bón trứng”, là hiện tượng chúng đẻ được hoặc đẻ ra trứng chưa hoàn chỉnh. Người ta không thể sờ được trứng trong bụng dưới, trường hợp này, cần phải siêu âm hoặc chụp tia x quang để chẩn đoán chính xác.
Các yếu tố về tâm lý
Tâm trạng căng thẳng cũng có thể ảnh hưởng tới sản lượng đẻ trứng của đà điểu. Những con đang trong thời kỳ sinh sản phải được đưa vào các bãi sinh sản riêng của chúng ít nhất là 30 ngày trước khi bắt đầu đẻ trứng. Thời gian này sẽ vô cùng quan trọng để cho chúng ổn định cuộc sống và làm quen với môi trường xung quanh trước khi bắt đầu sinh sản. Di chuyển đà điểu trong mùa sinh sản chắc chắn sẽ làm giảm sản lượng trứng của chúng cho tới khi chúng quen với bãi quây mới.
Thường xuyên thu gom trứng là một việc rất quan trọng để chúng tiếp tục đẻ trứng. Nếu không thường xuyên thu gom trứng sẽ làm cho chúng ngừng đẻ hoàn toàn trong một thời gian dài. Khi thu gom trứng nên cẩn thận tránh làm bẩn và dập trứng.
Nếu nuôi theo đàn (ở những bãi nhốt có từ hai con đực trở lên) thì vị trí đặt các thùng hoặc máng đựng nước và thức ăn và nước uống phải được đặt ở những chỗ thích hợp trên khắp cả bãi.
Chuồng chim cút đẻ cần yên tĩnh, không có tác động mạnh về âm thanh, ánh sáng hay người lạ....
3.2. SỨC SINH SẢN
Sức sinh sản của chim là số trứng đẻ ra, tỷ lệ thụ tinh và tỷ lệ ấp nở. Chỉ tiêu tổng hợp quan trọng nhất để đánh giá sức sinh sản là số chim con loại I được sinh ra từ một chim mái trong một năm.
Trong chăn nuôi chim cút đẻ trứng thương phẩm, để giảm giá thành sản xuất, người ta không ghép chim trống trong đàn. Đối với các đàn chim này, người ta chỉ quan tâm đến khả năng đẻ trứng mà không quan tâm đến các chỉ tiêu ấp nở. Chính vì vậy, người ta thường chia ra sức sản xuất trứng và sức sinh sản. Mặc dù hai vấn đề này có liên quan chặt chẽ với nhau khi nuôi các đàn chim giống.
Đối với đàn chim giống, bên cạnh chỉ tiêu năng suất trứng, người ta đặc biệt quan tâm đến các chỉ tiêu: tỷ lệ thụ tinh, tỷ lệ ấp nở và tỷ lệ nuôi sống.
3.2.1. Tỷ lệ thụ tinh