KHÁI NIỆM VỀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ chuyên ngành xây dựng đường ô tô và đường thành phố Nghiên cứu các luận cứ khoa học lập quy hoạch giao thông vận tải thành phố Ðà Nẵng hướng đến sự phát triển bền vững (Trang 27 - 28)

2. MỤC ĐÍCH, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU CỦA LUẬN VĂN

2.1.KHÁI NIỆM VỀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Phát triển và hiện đại hoá GTĐT nhằm đảm bảo phát triển bền vững các đô thị trong tương lai là mục tiêu xuyên suốt, đây cũng chính là mục tiêu chung của toàn nhân loại.

Khái niệm về bền vững là một khái niệm rộng, nó bao hàm cả các yếu tố đầu ra và các nguồn ở đầu vào, bởi lẽ chúng có mối quan hệ nhân quả. Chẳng hạn một trong những nguyên nhân dẫn đến đầu ra thiếu ổn định là do sự hạn chế về khả năng nguồn đầu vào. Sự hạn chế khả năng nguồn đầu vào là do đặc tính của từng loại tài nguyên, cụ thể là:

- Đối với nguồn tài nguyên có khả năng tái tạo thì cần phải có thời gian tối thiểu cần thiết cho giai đoạn phục hồi và tái tăng trưởng.

- Đối với nguồn tài nguyên không có khả năng tái tạo thì sự tiêu dùng trước mắt sẽ làm mất khả năng sử dụng của các thế hệ sau.

Cũng có quan điểm cho rằng sự biến mất của nguồn tài nguyên hiện có không phải là điều quá lo ngại vì con người sẽ tìm ra nguồn lực khác để thay thế. Xét về lợi ích chung thì quan điểm này là một sai lầm lớn sẽ phải trả giá. Bởi vì thực tế cho thấy rằng mọi nguồn lực đều hữu hạn và thông thường thì khả năng tìm nguồn khác để thay thế là không có. Nếu không có sự quan tâm và chuẩn bị tốt cho thế hệ tương lai thì sự phát triển của nền kinh tế trong tương lai không khả quan hơn.

Vậy khái niệm một hệ thống kinh tế phát triển “bền vững” là gì? Đó là hệ thống kinh tế bảo đảm sự bền vững cho dòng đầu vào phải tăng trưởng kịp tốc độ tăng trưởng của đầu ra.

Một cách cụ thể hơn sự phát triển bền vững là đảm bảo tìm ra nguồn lực có khả năng tái tạo được thay thế cho các nguồn không thể tái tạo được đang ngày càng cạn kiệt, và nó cũng có nghĩa là thiểu hoá tác động tiêu cực đến môi trường.

Những năm đầu của thập kỷ 70, trước tình trạng sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên bừa bãi, nhiều nhà nghiên cứu về tài nguyên và môi trường đã ra khuyến cáo rằng: Đã đến lúc chúng ta cần phải cắt giảm nhu cầu dùng nguồn tài nguyên đầu vào cho sự phát triển kinh tế.

Tuy nhiên nhiều nhà kinh tế lại cho rằng: Sự tăng trưởng kinh tế gắn liền với nhu cầu tăng sử dụng nguồn đầu vào, bởi vậy yêu cầu phát triển bền vững nghĩa là: Chúng ta phải vừa đảm bảo sự phát triển nền kinh tế (tăng GDP) vừa sử dụng tối thiểu nguồn tài nguyên khan hiếm là khó có thể giải quyết được. Quan điểm chống tăng trưởng GDP thật sự mất khả năng giải quyết vấn đề nạn thất nghiệp và cảnh nghèo đói.

Trường phái đưa ra quan điểm về sự tăng trưởng kinh tế trên cơ sở phân tích liên quan đến việc duy trì sự bền vững của nguồn dự trữ tài nguyên thiên nhiên nói chung là khả thi cho thế hệ tương lai, cũng như cho hiện tại. Quan điểm này có nghĩa là điều chỉnh tỷ lệ sử dụng tài nguyên theo mức tăng của GDP, và khuyến khích chuyển sang sử dụng các nguồn tài nguyên có khả năng tái tạo. Cả hai biện pháp mà trường phái này đưa ra đều đòi hỏi bước nhảy vọt về công nghệ tiên tiến. Quan điểm của kinh tế thị trường tự do cho rằng chúng ta không cần thiết phải khuyến khích thúc đẩy sự bền vững. Hãy để nó phát triển tự nhiên. Vì các nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, do đó giá của chúng sẽ tăng và các nguồn tài nguyên thay thế sẽ được phát triển. Nếu như không có nguồn tài nguyên thay thế thì khi đó giải pháp công nghệ tiên tiến mới can thiệp.

Trên thực tế, thị trường sẽ không thể tự nó điều tiết được tất cả để đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Không ai có thể bảo đảm giải quyết được vấn đề môi trường một cách "tự nhiên".

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ chuyên ngành xây dựng đường ô tô và đường thành phố Nghiên cứu các luận cứ khoa học lập quy hoạch giao thông vận tải thành phố Ðà Nẵng hướng đến sự phát triển bền vững (Trang 27 - 28)