- Một đợt phát hành có thành công hay không thì giá phát hành đóng vai trò hết sức quan trọng. Giá phát hành phải đảm bảo được thị trường chấp nhận, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa cổ đông mới và cổ đông cũ. Đưa ra mức giá hợp lý, phù hợp với phương thức phát hành là yếu tố quyết định đến thành công của đợt phát hành, quyết định phương án huy động vốn qua thị trường chứng khoán có thành công hay không.
+ Đối với việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu: Khi phát hành cho cổ đông hiện hữu thì quyền lợi của các cổ đông là bình đẳng, không bị ảnh hưởng do không có cổ đông mới làm xung đột quyền lợi. Ở đây có 2 khả năng để tổ chức phát hành lựa chọn tùy theo khả năng của cổ đông. Phương thức đơn giản nhất là phát hành bằng mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần hoặc chọn phương thức khác là phát hành cổ phiếu cao hơn mệnh giá. Ưu điểm của phương thức phát hành bằng mệnh giá là các cổ đông dễ chấp nhận nhưng có nhược điểm là không tạo ra thặng dư vốn, gây áp lực về chia cổ tức cho các cổ đông. Phương thức phát hành trên mệnh giá là
các cổ đông khó thông qua hơn nhưng lại tạo ra thặng dư vốn giúp doanh nghiệp giảm áp lực về cổ tức.
Phát hành theo phương thức này có nhược điểm là phải có một khoảng thời gian cho các cổ đông hiện hữu có nhu cầu có thể chuyển nhượng quyền mua.
+ Đối với việc phát hành cổ phiếu ra công chúng: Ở đây doanh nghiệp chào bán chứng khoán cho các nhà đầu tư trên thị trường (các nhà đầu tư có thể bao gồm cả cổ đông hiện hữu) thông qua phương thức bán đấu giá cổ phần. Các nhà đầu tư sẽ được mua theo thứ tự ưu tiên từ mức giá cao đến mức giá thấp cho đến khi bán hết cổ phần. Các doanh nghiệp lựa chọn phương thức này phải thực sự là các cổ phiếu có sức hấp dẫn, thu hút sự chú ý của công chúng đầu tư trên thị trường. Trong trường hợp này cần thiết phải xác định được giá khởi điểm của cổ phiếu phát hành thêm mang ra đấu giá. Giá khởi điểm này phải được các cổ đông hiện hữu đồng ý thông qua ý kiến biểu quyết tại đại hội đồng cổ đông. Tổ chức tư vấn phát hành phải đưa ra được giá khởi điểm này mang tính thuyết phục cao để đại hội đồng cổ đông thông qua. Thông thường tổ chức tư vấn phát hành sẽ căn cứ vào giá trị sổ sách, giá cổ phiếu theo phương thức chiết khấu dòng tiền, giá thị trường để cân đối đưa ra mức giá khởi điểm hợp lý. Mức giá thu được như thế nào thông qua đấu giá sẽ được thị trường quyết định. Nếu chọn được thời điểm phù hợp, các chương trình giới thiệu ấn tượng thì doanh nghiệp sẽ bán được cổ phần ở mức giá cao, đem lại thặng dư lớn.
+ Đối với việc phát hành riêng lẻ: Doanh nghiệp thường lựa chọn phát hành riêng lẻ cho các đối tác chiến lược. Việc xác định giá cho các đối tác chiến lược là công việc rất khó khăn, trước hết phải tạo sự đồng thuận trong các cổ đông cũ vì bán cổ phần cho các đối tác chiến lược thông thường với khối lượng lớn có thể làm thay đổi cơ cấu sở hữu của doanh nghiệp. Mặt khác, ở đây rõ ràng là có sự “pha loãng” cổ phiếu nên phải thuyết phục được các cổ đông cũ của công ty bằng mức giá hợp lý. Mặt khác, đối với các đối tác chiến lược khi bỏ tiền đầu tư vào doanh nghiệp họ cũng phải tính toán đến lợi ích trước mắt và lâu dài nên cũng đòi hỏi một mức giá hợp lý. Do vậy, tổ chức phát hành phải tìm được “điểm cân bằng về giá” trong trường hợp này.Cũng tương tự như xác định mức giá khởi điểm như đã nêu
trên, mức giá phát hành cho đối tác chiến lược cũng được căn cứ theo giá trị sổ sách của cổ phiếu, giá cổ phiếu xác định theo các phương pháp khác nhau (phương pháp luồng cổ tức, phương pháp chiết khấu dòng tiền…), giá thị trường hiện hành của cổ phiếu. Xác định mức giá cho cổ đông chiến lược theo phương thức phát hành riêng lẻ thậm chí còn quan trọng hơn nhiều so với xác định giá khởi điểm cho đấu giá vì theo phương thức đấu giá thì sẽ được thị trường đánh giá lại lần nữa theo quan hệ cung cầu xác định mức giá bình quân thị trường, trong trường hợp phát hành riêng lẻ chỉ có một mức giá cố định được đưa ra nên việc xác định giá là rất quan trọng.
- Xác định giá trong trường hợp có bảo lãnh phát hành: Trong trường hợp có bảo lãnh phát hành hoặc đồng bảo lãnh phát hành thì việc xác định giá có một số đặc điểm khác với các hình thức xác định giá nêu trên. Thông thường giá bảo lãnh phát hành chính là giá khởi điểm của đợt phát hành hoặc một mức giá khác do hai bên thỏa thuận. Mức giá bảo lãnh càng cao thì phí thu được từ đợt phát hành càng lớn vì phí được xác định bằng mức phí bảo lãnh X Tổng số tiền thu được từ đợt phát hành. Trong đó tổng số tiền thu được từ đợt phát hành = ∑ Giá phát hành X số lượng cổ phiếu.