1.2.3.1 Cổ phiếu
Cổ phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp cổ đông đối với một phần vốn cổ phần của tổ chức phát hành.
Khi một công ty phát hành cổ phiếu để huy động vốn, số vốn cần huy động được chia thành nhiều phần nhỏ bằng nhau gọi là cổ phần. Người mua cổ phần gọi là cổ đông. Cổ đông được cấp một giấy chứng nhận sở hữu cổ phần gọi là cổ phiếu và chỉ có công ty cổ phần mới phát hành cổ phiếu. Như vậy, cổ phiếu chính là một chứng thư chứng minh quyền sở hữu của một cổ đông đối với một công ty cổ phần và cổ đông là người có cổ phần thể hiện bằng cổ phiếu. Cổ phiếu có thể ghi tên hoặc không ghi tên.
Cổ phiếu là loại chứng khoán vốn. Cổ đông chính là chủ sở hữu đơn vị phát hành tương ứng với tỷ lệ vốn góp tại công ty. Thời gian đáo hạn của cổ phiếu dài bằng thời gian tồn tại của công ty cổ phần. Quyền và lợi ích hợp pháp của cổ đông chính là quyền và lợi ích của người sở hữu vốn.
Quyền và lợi ích của cổ đông bao gồm quyền, lợi ích vật chất và quyền, lợi ích phi vật chất. Quyền và lợi ích vật chất bao gồm: quyền nhận cổ tức, hưởng giá trị gia tăng vốn từ hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị phát hành, nhận lại phần vốn tương ứng với tỷ lệ vốn góp khi công ty chấm dứt hoạt động, quyền chuyển nhượng vốn góp… quyền và lợi ích phi vật chất bao gồm quyền tham gia quản lý đơn vị phát hành, quyền biểu quyết, quyền mua trước cổ phiếu của đợt phát hành bổ sung cổ phiếu,…
Cổ phiếu bao gồm cổ phiếu phổ thông (còn gọi là cổ phiếu thường) và cổ phiếu ưu đãi:
Cổ phiếu phổ thông: là loại cổ phiếu phổ biến được phát hành xác nhận đầy đủ các quyền và lợi ích hợp pháp của cổ đông tại công ty cổ phần, cổ tức của cổ phiếu phổ thông phụ thuộc kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị phát hành. Công ty cổ phần bắt buộc phải có cổ phiếu phổ thông. Người nắm giữ cổ phiếu phổ thông gọi là cổ đông phổ thông.
Cổ đông phổ thông không được rút phần vốn góp của mình tại công ty cổ phần dưới mọi hình thức trừ trường hợp được công ty hoặc người khác mua lại cổ phần. Cổ đông phải tuân thủ điều lệ và quy chế quản lý nội bộ công ty, chấp hành quyết định của đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị.
Cổ phiếu ưu đãi: Là loại cổ phiếu xác nhận một số quyền và lợi ích của cổ đông ở mức cao hơn so với các cổ đông phổ thông. Tuy nhiên, họ sẽ bị hạn chế ở một số quyền và lợi ích khác. Cổ phiếu ưu đãi bao gồm cổ phiếu ưu đãi cổ tức, cổ phiếu ưu đãi biểu quyết và cổ phiếu ưu đãi hoàn lại.
Cổ phiếu ưu đãi cổ tức: là cổ phiếu được trả cổ tức ở mức cao hơn so với cổ tức của cổ phiếu phổ thông hoặc được trả với mức ổn định hàng năm. Cổ tức được chia hàng năm gồm cổ tức cố định và cổ tức thưởng. Cổ tức cố định không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty. Mức cổ tức cố định cụ thể và phương thức xác định cổ tức thưởng được ghi trên cổ phiếu ưu đãi cổ tức.
Cổ phiếu ưu đãi biểu quyết: là cổ phiếu có số phiếu biểu quyết nhiều hơn so với cổ phiếu phổ thông. Số phiểu biểu quyết của mỗi cổ phiếu biểu quyết do Điều lệ
công ty quy định. Cổ phiếu ưu đãi biểu quyết chỉ phát hành cho một số đối tượng đặc biệt, người nắm giữ cổ phiếu ưu đãi biểu quyết không được quyền chuyển nhượng cho người khác.
Cổ phiếu ưu đãi hoàn lại: là cổ phiếu được công ty hoàn lại vốn góp bất cứ khi nào theo yêu cầu của người sở hữu hoặc theo các điều kiện được ghi trên cổ phiếu của cổ phần ưu đãi hoàn lại. Cổ đông nắm giữ cổ phiếu ưu đãi hoàn lại không có quyền biểu quyết, không có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông, không có quyền đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.
1.2.3.2 Trái phiếu
Trái phiếu là công cụ nợ do các cơ quan công quyền, các công ty đang hoạt động phát hành nhằm huy động vốn trên thị trường trong đó các trái chủ được cam kết sẽ thanh toán cả gốc và lãi trong một thời hạn nhất định.
Về bản chất, phát hành trái phiếu chính là một hình thức vay nợ. Người mua và người sở hữu trái phiếu được gọi là trái chủ và chính là chủ nợ của đơn vị phát hành. Trải chủ được hưởng các quyền và lợi ích của một chủ nợ. Họ sẽ được ưu tiên thanh toán tiền lãi và hoàn trả tiền gốc khi đơn vị giải thể hoặc phá sản. Thời gian đáo hạn của trái phiếu là hữu hạn. Có thể là: ngắn hạn – 1 năm; trung hạn - 3 đến 5 năm; dài hạn – trên 5 năm. Chủ thế phát hành trái phiếu không chỉ bao gồm các công ty cổ phần mà còn bao gồm các loại hình doanh nghiệp khác. Ngoài ra, Chính phủ trung ương và chính quyền địa phương cũng có thể phát hành trái phiếu huy động vốn trên thị trường.
Tiền lãi trái phiếu thường là ổn định so với mệnh giá – lãi suất cuống phiếu, cũng có trái phiếu có lãi suất thả nổi – căn cứ vào mức lãi suất chuẩn nào đó cộng thêm với biên lãi. Người ta thường xếp trái phiếu vào loại chứng khoán có thu nhập ổn định. Lãi suất của các loại trái phiếu tại các thời điểm khác nhau phụ thuộc vào nhu cầu vốn trên thị trường.
Lượng cung cầu vốn đó lại tùy thuộc vào chu kỳ kinh tế, động thái chính sách của Ngân hàng Nhà nước, mức độ thâm hụt ngân sách của Chính phủ và phương thức tài trợ thâm hụt đó. Lãi suất trái phiếu cũng phụ thuộc vào mức độ rủi ro của mỗi nhà phát hành và từng đợt phát hành. Cấu trúc rủi ro của lãi suất sẽ quy
định lãi suất của mỗi trái phiếu. Rủi ro càng lớn, lãi suất càng cao. Thời gian đáo hạn của trái phiếu cũng có ảnh hưởng đến lãi suất. Nếu các trái phiếu có mức rủi ro như nhau, nhìn chung thời gian đáo hạn càng dài thì lãi suất càng cao.
Khi công ty làm ăn thua lỗ thì vẫn phải trả lãi trái phiếu, không cắt giảm hoặc bỏ như cổ phiếu. Nếu công ty ngừng hoạt động, thanh lý tài sản, trái chủ được trả tiền trước người có cổ phần ưu đãi và cổ phần phổ thông. Nhưng nếu công ty có lợi nhuận cao, công ty có thể chia thêm cổ tức cho người có cổ phần, thì trái chủ vẫn được hưởng lãi ở mức cố định.
Trái phiếu bao gồm nhiều loại khác nhau. Tùy thuộc vào từng tiêu chí phân chia sẽ có nhiều loại khác nhau:
- Căn cứ vào hình thức thể hiện: trái phiếu được chia thành trái phiếu vô danh hoặc trái phiếu ghi danh.
+ Trái phiếu vô danh: là trái phiếu không mang tên trái chủ, cả trên chứng chỉ cũng như trên sổ sách của tổ chức phát hành. Những trái phiếu trả lãi đính theo tờ chứng chỉ, và khi đến hạn trả lãi, người giữ trái phiếu chỉ việc xé ra và mang nó tới tổ chức phát hành hoặc ngân hàng, hoặc công ty chứng khoán, hoặc kho bạc để nhận lãi. Khi trái phiếu đáo hạn, người nắm giữ nó mang chứng chỉ tới một trong các nơi trên theo quy định của tổ chức phát hành để nhận lại khoản cho vay.
+ Trái phiếu ghi danh: là loại trái phiếu có ghi tên và địa chỉ của trái chủ, trên chứng chỉ và trên sổ của tổ chức phát hành. Hình thức ghi danh có thể chỉ thực hiện cho phần vốn gốc, cũng có thể là ghi danh toàn bộ, cả gốc lẫn lãi. Dạng ghi danh toàn bộ mà đang ngày càng phổ biến là hình thức ghi sổ. Trái phiếu ghi sổ hoàn toàn không có dạng vật chất, quyền sở hữu được xác nhận bằng việc lưu giữ tên, mã số đăng ký người sở hữu trên hệ thống lưu ký hoặc phần mềm chuyên dụng.
- Theo chủ thể phát hành: trái phiếu được chia thành trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp.
+ Trái phiếu chính phủ: là công cụ vay nợ dài hạn do chính phủ phát hành nhằm mục đích bù đắp thâm hụt ngân sách, tài trợ cho các công trình công ích hoặc làm công cụ điều tiết tiền tệ.
Trái phiếu chỉnh phủ là loại chứng khoán không có rủi ro thanh toán và cũng là loại trái phiếu có tính thanh khoản cao. Do đặc điểm đó, lãi suất của trái phiếu chính phủ được xem là lãi suất chuẩn để làm căn cứ ấn định lãi suất của các công cụ khác có cùng kỳ hạn.
+ Trái phiếu doanh nghiệp bao gồm những loại sau: trái phiếu có đảm bảo và trái phiếu không đảm bảo.
* Trái phiếu có đảm bảo: là trái phiếu được đảm bảo bằng những tài sản thế chấp cụ thể, thường là BĐS và các máy móc thiết bị. Người nắm giữ trái phiếu này được bảo vệ ở một mức độ cao trong trường hợp công ty phá sản, vì họ có quyền đòi nợ với một tài sản cụ thể.
* Trái phiếu không đảm bảo: là trái phiếu không được đảm bảo bằng tài sản mà được đảm bảo bằng uy tín của tổ chức phát hành. Nếu công ty bị phá sản, các trái chủ của trái phiếu này được giải quyết quyền lợi sau các trái chủ có đảm bảo, nhưng trước cổ đông.
* Trái phiếu chuyển đổi: Trái phiếu không đảm bảo còn có một dạng đặc biệt đó là trái phiếu có thể chuyển đổi. Trái phiếu này cho phép trái chủ được quyền chuyển trái phiếu thành cổ phiếu của công ty phát hành khi đáo hạn hoặc theo tỷ lệ của từng năm nắm giữ. Trái chủ cũng có thể được tự do lựa chọn chuyển đổi thành cổ phiếu hoặc không chuyển đổi mà nhận lại vốn gốc khi đáo hạn. Lãi suất của trái phiếu có thể chuyển đồi thường thấp hơn lãi suất của trái phiếu thường.
* Trái phiếu kèm quyền mua BĐS là một dạng đặc biệt của trái phiếu doanh nghiệp. Trái phiếu được các doanh nghiệp BĐS phát hành, các trái chủ sở hữu trái phiếu sẽ được kèm theo quyền mua sản phẩm BĐS của doanh nghiệp. Lãi suất của trái phiếu kèm quyền mua BĐS thường thấp hơn lãi suất của trái phiếu thường. 1.2.3.3 Chứng khoán phái sinh
Chứng khoán phái sinh là các chứng khoán được phát hành trên cơ sở các chứng khoán đã có nhằm các mục tiêu khác nhau như phân tán rủi ro hoặc tìm kiếm lợi nhuận. Chứng khoán phái sinh bao gồm nhiều loại như: quyền chọn(options), giao dịch tương lai (futures), quyền mua cổ phần (right), chứng quyền (warrant)…