Vấn đề nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh là vấn đề mà các doanh nghiệp nói chung và các công ty BĐS niêm yết tại Sở GDCK TPHCM nói riêng hướng đến. Chỉ có bằng cách nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh mới có thể là minh chứng thuyết phục nhất đối với các nhà đầu tư bỏ vốn vào doanh nghiệp. Một doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng doanh thu lợi nhuận ấn tượng tăng trưởng qua từng năm hoạt động sẽ là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định bỏ vốn của nhà đầu tư vào doanh nghiệp. Có thể nói nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh là yếu tố cốt lõi để huy động vốn của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán, dòng vốn trên thị trường sẽ chảy đến những ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp có hoạt động hiệu quả và có khả năng sinh lời cao.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh đối với mỗi doanh nghiệp BĐS với các đặc điểm riêng có của mình cần tìm ra những giải pháp đặc thù, tuy nhiên cần chú trọng một số giải pháp sau:
- Quan tâm tới việc xây dựng và phát triển đội ngũ lao động của doanh nghiệp. Hiệu quả của mỗi quốc gia, ngành và doanh nghiệp phụ thuộc lớn vào trình độ văn hoá, chuyên môn, tay nghề, kỹ năng, năng lực của đội ngũ lao động. Muốn vậy phải thường xuyên tạo điều kiện cho người lao động nâng cao trình độ, kích thích tinh thần sáng tạo và tính tích cực trong công việc bằng các hình thức khuyến khích vật chất và tinh thần.
- Nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng vốn trong doanh nghiệp. Việc đảm bảo đầy đủ, kịp thời và sử dụng có hiệu quả vốn sẽ là nhân tố quan trọng tác động đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp cần phải có kế hoạch sử dụng hiệu quả và phải có những biện pháp phòng chống những rủi ro; phải xác định cơ cấu vốn hợp lý, chặt chẽ thích ứng với quy mô doanh nghiệp, tránh không lạm dụng vốn vay quá mức, đặc biệt là vốn ngắn hạn...
- Nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý doanh nghiệp. Xây dựng tốt mối quan hệ giữa người quản lý và người lao động, luôn tôn trọng và khuyến khích tính tự chủ sáng tạo của lực lượng lao động tạo ra sức mạnh tổng hợp phát huy hiệu quả của các yếu tố sản xuất, đặc biệt là yếu tố con người. Cần tăng cường chuyên môn hoá, kết hợp đa dạng hoá cùng với những phương án quy mô hợp lý cho phép khai thác tối đa lợi thế quy mô giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào. Việc tổ chức, phối hợp với các hoạt động kinh tế thông qua các hình thức tổ chức liên doanh, liên kết nhằm phát huy sức mạnh chung, tăng khả năng cạnh tranh và tiêu thụ trên thị trường là một trong các biện pháp tăng hiệu quả kinh doanh.
- Nắm bắt, dự đoán kịp thời, chính xác tình hình diến biến của thị trường BĐS, dự báo nhu cầu trong tương lai để doanh nghiệp có kế hoạch kinh doanh phù hợp. Với từng dự án BĐS cụ thể, doanh nghiệp phát triển hợp lý các sản phẩm BĐS phù hợp với nhu cầu của thị trường.
- Cơ cấu lại sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu thị trường: các sản phẩm BĐS không phù hợp với nhu cầu thực tại của thị trường thì cần phải được cơ cấu lại. Sản phẩm BĐS hiện nay phải hướng đến đối tượng khách hàng có nhu cầu thực tế, mua để ở chứ không phải để đầu cơ.
- Hạ giá thành sản phẩm BĐS. Hạ giá thành sản phẩm bất động sản chính là doanh nghiệp giảm giá vốn nhưng vẫn phải giữ nguyên chất lượng sản phẩm BĐS. Hạ giá thành, giảm giá bán, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Các giải pháp mà doanh nghiệp có thể sử dụng để hạ giá thành sản phẩm là: tiết giảm chi phí quản lý doanh nghiệp; cải tiến kỹ thuật trong thi công, tiết kiệm nguyên vật liệu, thời gian,…; giảm chi phí bán hàng, tiếp thị, marketing,…
-Quản trị môi trường. Các khía cạnh thuộc về môi trường kinh doanh ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của DN như: cơ chế chính sách của Nhà nước về BĐS và thị trường BĐS, tình hình kinh tế thế giới, trao đổi quốc tế, hệ thống chính trị; mối quan hệ song phương giữa các quốc gia; các hiệp định đa phương điều khiển mối quan hệ giữa các nhóm quốc gia; các tổ chức quốc tế,...Vì vậy, muốn
hoạt động kinh doanh có hiệu quả cần phải quản trị môi trường. Đó là việc thu thập thông tin về quy hoạch tổng thể và quy hoạch cụ thể vùng lãnh thổ, dự đoán, ước lượng những thay đổi, bất trắc của môi trường trong và ngoài nước, đưa ra những biện pháp đối phó nhằm giảm bớt những tác động, những tổn thất có thể có do sự thay đổi, bất trắc đó. Thậm chí, nếu dự đoán trước được sự thay đổi môi trường ta có thể tận dụng được những thay đổi này, biến nó thành cơ hội cho hoạt động kinh doanh BĐS của doanh nghiệp.