Việc thiếu vốn trong sản xuất, kinh doanh là điều thường thấy trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và không phải lúc nào doanh nghiệp cũng giải quyết dễ dàng về vấn đề huy động vốn. Để giải quyết bài toán thiếu vốn trong hoạt động kinh doanh các doanh nghiệp BĐS phải linh hoạt lựa chọn các hình thức huy động vốn. Việc huy động vốn ngắn hạn hay dài hạn tùy thuộc vào tình hình triển khai dự án BĐS của doanh nghiệp. Lựa chọn huy động vốn chủ sở hữu hay vốn nợ tùy thuộc vào tình hình tài chính của doanh nghiệp. Doanh nghiệp lựa chọn hình thức nào và kênh huy động vốn nào còn phụ thuộc vào chính sách tín dụng của các
tổ chức tín dụng, thị trường chứng khoán và tình hình thị trường BĐS. Các kênh huy động vốn mà doanh nghiệp BĐS có thể sử dụng là:
Kênh huy động vốn từ ngân hàng và các tổ chức tín dụng: Đây là kênh huy động vốn đang được sử dụng nhiều nhất và là một kênh huy động vốn hiệu quả của các doanh nghiệp BĐS nói riêng và các doanh nghiệp nói chung. Doanh nghiệp BĐS có thể vay vốn từ ngân hàng theo các hình thức: Hạn mức tín dụng, vay dài hạn, vay tài trợ dự án BĐS,… Các ngân hàng và tổ chức tín dụng sở hữu một khối lượng vốn dồi dào, mang lại điều kiện hiệu quả cho việc chuyển tiền nhàn rỗi từ người dân đến các khách hàng cần vay vốn. Số lượng vốn dồi dào của ngân hàng nên các doanh nghiệp có thể vay một khối lượng tiền lớn. Các doanh nghiệp BĐS có dự án tốt, khả thi thì dễ dàng được các ngân hàng và tổ chức tín dụng cho vay để triển khai. Tuy nhiên cũng còn phụ thuộc vào tình hình của thị trường BĐS và thực tế hoạt động kinh doanh BĐS của doanh nghiệp mà ngân hàng và các tổ chức tín dụng có cho vay hay không. Trong giai đoạn khó khăn hiện nay của thị trường BĐS thì các ngân hàng và tổ chức tín dụng đã hạn chế cho vay và cũng không còn cho vay nhiều vã dễ dãi như giai đoạn trước.
Kênh huy động vốn trên thị trường chứng khoán: Các doanh nghiệp BĐS nói riêng và các doanh nghiệp nói chung có thể huy động vốn được thông qua kênh này. Đây là một kênh huy động tương đối mới và mới phát triển từ năm 2000 đến nay. Thông qua thị trường chứng khoán, các doanh nghiệp BĐS có thể huy động được vốn chủ sở hữu và vốn nợ. Các doanh nghiệp phát hành thêm cổ phiếu để huy động vốn chủ sở hữu và phát hành trái phiếu để huy động vốn nợ. Doanh nghiệp có phát hành chứng khoán huy động vốn được hay không phụ thuộc vào chính doanh nghiệp và tình hình thị trường chứng khoán. Doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tốt, thị giá cổ phiếu cao thì dễ phát hành hơn các doanh nghiệp làm ăn kém và thị giá cổ phiếu thấp. Trong giai đoạn thị trường chứng khoán sôi động thì phát hành chứng khoán huy động dễ hơn giai đoạn thị trường chứng khoán ảm đạm, khó khăn.
Kênh huy động vốn từ các khách hàng: Là kênh huy động vốn hữu hiệu vì doanh nghiệp không phải trả lãi khách hàng. Khách hàng có nhu cầu mua sản phẩm BĐS góp vốn theo từng giai đoạn của dự án. Khi dự án mới bắt đầu triển khai,
doanh nghiệp huy động vốn của khách hàng thông qua “Hợp đồng góp vốn”. Khi dự án BĐS đủ điều kiện bán sản phẩm ra thị trường thì doanh nghiệp huy động vốn thông qua “Hợp đồng mua bán”. Tuy không phải trả lãi nhưng doanh nghiệp cũng phải mất chi phí vốn thông qua chiết khấu giảm giá bán BĐS đối với khách hàng góp vốn sớm, góp vốn nhiều.
Kênh huy động vốn từ các đối tác, nhà cung cấp: Các doanh nghiệp BĐS có thể dựa vào nguồn tín dụng mở rộng do mua hàng hóa của các nhà cung cấp dựa trên “tài khoản mở” như là một nguồn tài trợ ngắn hạn. Hình thức tín dụng này được gọi là hình thức “tín dụng thương mại” và hoàn toàn khác so với các hình thức tín dụng ngắn hạn khác vì nó không phải do các định chế tài chính tài trợ. Khi doanh nghiệp BĐS quyết định sử dụng nguồn này phải luôn luôn nghĩ tới hậu quả lâu dài của tín dụng thương mại. Bởi nếu doanh nghiệp trì hoãn thanh toán các hóa đơn mua hàng, thường dẫn đến hậu quả là các nhà cung cấp sẽ không sẵn sàng tiếp tục cung cấp hàng hóa của họ, hoặc nếu tiếp tục thì sẽ bán với giá cao hơn. Tuy nhiên, có một yếu tố mà các doanh nghiệp BĐS có dự định sử dụng tín dụng thương mại sẽ thu được nguồn lợi là phần chiết khấu (nếu có) dành cho nó. Sở dĩ có khoản chiết khấu này là do các nhà cung cấp nhận thấy người sử dụng tín dụng thương mại phải chịu phí tổn rất cao nên họ áp dụng chiết khấu nhằm hấp dẫn khách mua hàng.Tín dụng thương mại thường luôn sẵn sàng để phục vụ các doanh nghiệp vì nó không do các định chế tài chính tài trợ, do đó có thể nói nó là nguồn tài trợ không do vay mượn.
Kênh huy động vốn từ nhà đầu tư nước ngoài: Đây là một kênh huy động vốn cũng như kêu gọi đầu tư vào BĐS khá hiệu quả nếu doanh nghiệp huy động được. Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào doanh nghiệp không chỉ có vốn mà còn cả chất xám, kỹ nghệ kinh doanh tạo lập phát triển BĐS và kinh nghiệp đi trước của mình. Các doanh nghiệp có thể thu hút nguồn vốn này thông qua việc bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, thành lập các liên doanh, liên kết mà doanh nghiệp BĐS góp dự án BĐS còn nhà đầu tư nước ngoài góp vốn để phát triển dự án.