giám sát của cổ đông đối với doanh nghiệp
Ban kiểm soát trong doanh nghiệp giữ vai trò quan trọng đối với sự minh bạch và lành mạnh trong các hoạt động của doanh nghiệp. Theo quy định của pháp luật thì Ban kiểm soát thực hiện giám sát Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc trong việc quản lý và điều hành công ty; chịu trách nhiệm trước Đại hội đồng cổ đông trong thực hiện các nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên ở một số doanh nghiệp vai trò của Ban Kiểm soát chưa được phát huy đúng mức, đôi khi bị nhầm lẫn với vai trò Ban Kiểm soát là tổ chức thuộc của Hội đồng quản trị. Đã có nhiều vụ việc xảy ra như Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty sử dụng nguồn vốn của Công ty vào những mục đích không theo các quy định của Công ty, thành viên Ban Lãnh đạo lợi dụng điều hành hoạt động của Công ty để trục lợi cá nhân mà không quan tâm đến lợi ích công ty, quyền lợi của cổ đông. Ban kiểm soát công ty phải hoạt động độc lập nhằm kiểm tra tính hợp lý, hợp pháp, tính trung thực và mức độ cẩn trọng trong quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh, trong tổ chức công tác kế toán, thống kê và lập báo cáo tài chính. Thẩm định báo cáo tình hình kinh doanh, báo cáo tài chính hàng năm và sáu tháng của công ty, báo cáo đánh giá công tác quản lý của Hội đồng quản trị. Ngoài ra, đối với các vấn đề phức tạp hoặc các vấn đề còn có ý kiến khác nhau thì Ban Kiểm soát công ty có thể thuê tư vấn độc lập để thực hiện các nhiệm vụ được giao. Do vậy, Đại hội đồng cổ đông cần thông qua ngân sách hàng năm của Ban kiểm soát ở mức hợp lý để có thể đảm đương được các nhiệm vụ do Đại hội đồng cổ đông giao phó.
Tuy nhiên, hoạt động của Ban Kiểm soát phải tuân thủ các quy định của pháp luật, không được gây gián đoạn, khó khăn trong việc quản lý, điều hành doanh nghiệp. Việc kiểm tra của Ban kiểm soát không được cản trở hoạt động bình thường của Hội đồng quản trị, không gây gián đoạn điều hành hoạt động kinh doanh của công ty.
Do vậy, thành viên Ban kiểm soát của Công ty là phải là người có trình độ chuyên môn nghiệp vụ giỏi và rất công tâm, chính trực bảo vệ quyền lợi của cổ đông công ty.
Một trong những ưu điểm của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán là hoạt động theo mô hình công ty cổ phần sẽ tạo ra được sự giám sát của các cổ đông, sự giám sát của xã hội đối với hoạt động của công ty cổ phần. Việc giám sát này nhằm làm minh bạch hóa hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tạo dựng niềm tin trong công chúng đầu tư nên có thể thuận lợi và dễ dàng hơn trong việc huy động vốn của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán. Công ty cổ phần phải khuyến khích cổ đông trao đổi về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, những vấn đề cổ đông thắc mắc phải được giải thích rõ ràng, thỏa mãn yêu cầu của các cổ đông. Một số doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán có nguồn gốc là doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, nhà nước nắm cổ phần chi phối thông qua các đại diện phần vốn nhà nước có biểu hiện không quan tâm trả lời thỏa đáng các câu hỏi của các nhà đầu tư nhỏ dẫn đến những phản ứng không tốt của cổ đông. Mặc dù quyền quyết định thông qua các quyết định vẫn thuộc về các đại diện phần vốn nhà nước nhưng nhà đầu tư nhỏ có cảm giác họ bị bỏ rơi, lạc lõng và hầu như không có quyền gì trong công ty mà mình đã bỏ vốn ra đầu tư. Do vậy, đại diện lãnh đạo Công ty cần giải thích rõ ràng, chi tiết có tính thuyết phục cao tại đại hội đồng cổ đông, có như vậy mới hình thành một văn hóa minh bạch, tôn trọng trong quan hệ với cổ đông.
Để tăng cường được vai trò của các cổ đông trong việc giám sát hoạt động của Công ty, cần phát huy được vai trò của Ban Kiểm soát Công ty trong vai trò làm cầu nối giữa các cổ đông và doanh nghiệp. Căn cứ vào yêu cầu của cổ đông hoặc nhóm cổ đông, Ban Kiểm soát có quyền xem xét sổ kế toán và các tài liệu khác của công ty, các công việc quản lý, điều hành hoạt động của công ty bất cứ khi nào nếu xét thấy cần thiết hoặc theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông hoặc theo yêu cầu của cổ đông hoặc nhóm cổ đông. Khi có yêu cầu của cổ đông hoặc nhóm cổ đông, Ban kiểm soát thực hiện kiểm tra trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày kết thúc kiểm tra, Ban kiểm soát sẽ báo cáo giải trình về những vấn đề được yêu cầu kiểm tra đến Hội đồng quản trị và cổ đông hoặc nhóm cổ đông có yêu cầu.