Kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước

Một phần của tài liệu giải pháp tăng cường quản lý rủi ro tín dụng tại ngân hàng tmcp tiên phong (Trang 94 - 97)

CHƯƠNG III: GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ RỦI RO TÍN DỤNG TẠI NGÂN HÀNG TMCP TIÊN PHONG

3.3.2.Kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước

- Trung tâm Thông tin Tín dụng của Ngân hàng Nhà nước hiện đang cung cấp thông tin về dư nợ và tài sản đảm bảo của các khách hàng vay vốn cho các ngân hàng. Tuy nhiên, việc cung cấp thông tin về tài sản đảm bảo mới chỉ được thể hiện ở góc độ những tài sản được sử dụng để làm tài sản đảm bảo cho những khoản vay của công ty đó, mà chưa thể hiện một công ty có những tài sản đảm bảo nào tại những ngân hàng nào. Cụ thể trong trường hợp tài sản của công ty A được mang ra để thế chấp cho công ty B vay, thì khi tra CIC tài sản đảm bảo của công ty A sẽ không thể hiện tài sản đã thế chấp trên mà chỉ khi tra CIC của công ty B mới hiện ra thông tin về tài sản thế chấp này. Nếu các ngân hàng không để ý thì khách hàng có thể tiếp tục sử dụng lại chính tài sản đã thế chấp cho công ty khác ở ngân hàng khác. Dẫn đến rủi ro cho ngân hàng khi với một tài sản mà khách hàng có thể thế chấp ở nhiều ngân hàng khác nhau. Do vậy, kiến nghị Trung tâm CIC – NHNN khi cung cấp báo cáo về tài sản đảm bảo thể hiện rõ hai khoản mục: một là tài sản được sử dụng để làm tài sản đảm bảo cho những khoản vay của công ty đó, hai là công ty đó có những tài sản đảm bảo nào tại những ngân hàng nào.

- Nhanh chóng hoàn thiện Thông tư thay thế Quyết định số 493/2005/QĐ- NHNN, nhằm khắc phục hạn chế của Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN đồng thời thống nhất phương pháp, nội dung quản lý chất lượng tín dụng, phân loại nợ, trích lập, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong toàn hệ thống TCTD trên cơ sở đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng; Nội dung Thông tư được xây dựng theo các định hướng: Quy định thống nhất một phương pháp đánh giá chất lượng tín dụng (trừ các Quỹ Tín dụng nhân dân) trên cơ sở kết hợp đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng theo hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ và đánh giá thực tế tại các thời điểm đánh giá, phân loại; Hướng dẫn cụ thể các bước quy trình đánh giá, xếp hạng khách hàng để thống nhất thực hiện, trong đó quy định một số chỉ tiêu với các trọng số đánh giá cụ thể để phục vụ cho công tác quản lý; Trên cơ sở hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, yêu cầu TCTD xây dựng quy định nội bộ về quản lý chất lượng tín dụng, chính sách tín dụng để quản lý chất lượng tín dụng trong suốt quá trình từ khi thẩm định, xét duyệt, cấp tín dụng đến khâu kiểm tra, kiểm soát trong quá trình giải ngân, sau khi cấp tín dụng cũng như việc quản lý tài sản bảo đảm; chính sách dự phòng rủi ro để quản lý quá trình phân loại nợ, trích lập, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro và việc phát mại tài sản bảo đảm; việc phân cấp, ủy quyền và xác định quyền hạn, trách nhiệm của từng bộ phận, cá nhân có liên quan trong suốt các quá trình này; Đảm bảo ở mức tối đa khách hàng giống nhau phải được quản lý giống nhau, từ thẩm định, xét duyệt, cấp tín dụng, hồ sơ tín dụng đến quy trình đánh giá, xếp hạng, phân loại nợ, trích lập dự phòng, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro; đồng thời, giữa các TCTD đều thống nhất việc đánh giá, xếp hạng, phân loại nợ, trích dự phòng, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro.

KẾT LUẬN

Cùng với những khó khăn của nền kinh tế và cuộc khủng hoảng tài chính trên phạm vi toàn cầu, chất lượng tín dụng của NH TMCP Tiên Phong đang có những dấu hiệu giảm sút nghiêm trọng. Do đó nâng cao chất lượng tín dụng là nhiệm vụ hàng đầu của NH TMCP Tiên Phong trong giai đoạn hiện nay.

Dựa trên những cơ sở lý luận về rủi ro tín dụng và quản trị rủi ro tín dụng, luận văn đi sâu nghiên cứu thực trạng và nguyên nhân rủi ro tín dụng cũng như công tác quản lý rủi ro tín dụng tại NH TMCP Tiên Phong, chỉ ra những mặt hạn chế cần khắc phục. Từ đó, tác giả đã đưa ra những giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng quản lý rủi ro tín dụng trên cơ sở những quan điểm định hướng và mục tiêu trong giai đoạn phát triển sắp tới. Một số giải pháp nằm ngoài tầm quyết định của NH TMCP Tiên Phong, tác giả đã đề xuất và kiến nghị với NH Nhà nước.

Bài viết được dựa trên cơ sở kết hợp lý thuyết về rủi ro tín dụng trong kinh doanh ngân hàng cùng với kinh nghiệm thực tiễn trong công tác tín dụng của tác giả. Tuy nhiên, do những hạn chế về mặt lý thuyết và thực tiễn trong môi trường kinh doanh đang thay đổi nhanh chóng, nên đề tài nghiên cứu không tránh khỏi những thiếu sót – hạn chế, rất mong sự đóng góp ý kiến của các Thầy, Cô và các anh, chị, em đồng nghiệp. Qua đõy, Tụi xin chân thành cảm ơn PGS.TS Trần Đăng Khâm, người đã tận tình hướng dẫn Tôi hoàn thành luận văn này.

Một phần của tài liệu giải pháp tăng cường quản lý rủi ro tín dụng tại ngân hàng tmcp tiên phong (Trang 94 - 97)