. Mời giảng viên các trường đại học, viện nghiên cứu hoặc các tổ chức
1.2. Các biện pháp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn
1.2.1. Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cố định.
Qua phân tích có thể thấy, hiệu quả sử dụng vốn cố định của Trung tâm tương đối khả quan. Tuy nhiên, để không ngừng nâng cao sức sản xuất và sức sinh lời của tài sản tài sản cố định, đồng thời giảm đến mức tối đa hao phí sử dụng tài sản cố định cần có những biện pháp sau:
- Thường xuyên kiểm tra việc sử dụng các tài sản cố định. Mỗi bộ phận, phòng ban hay mỗi siêu thị cần có một chuyên viên kỹ thuật đảm trách công việc này, đồng thời kịp thời thu hồi khi không bảo quản tốt hay không có nhu cầu sử dụng để có biện pháp xử lý, nhằm phát huy năng lực máy móc, tránh lãng phí.
Thường xuyên kiểm tra thực trạng của tài sản cố định, trên cơ sở đó có kế hoạch (theo thứ tự ưu tiên) sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn kịp thời, tránh gây hư hỏng, ảnh hưởng đến chất lượng kinh doanh.
- Tận dụng sửa chữa tài sản cố định trong những thời gian siêu thị không mở cửa (sáng sớm, tối và đêm hoặc những ngày siêu thị đóng cửa kiểm kê hàng hoá) để không ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động kinh doanh của siêu thị.
- Lập quỹ dự phòng để bù dắp thiệt hại trong quá trình kinh doanh (như lạm phát; hao mòn vô hình…).
- Phải có phương pháp khấu hao phù hợp với đặc điểm của trung tâm. Những tài sản cố định đã hết khấu hao hoặc gần hết khấu hao nhưng đã hư hỏng, lạc hậu, không có khả năng sử dụng thì nên tiến hành thanh lý và đổi mới để đảm bảo chất lượng kinh doanh.
- Đối với những tài sản có giá trị lớn, nên mua bảo hiểm tài sản để phân tán bớt rủi ro, tạo nguồn bù đắp các tổn thất xảy ra trong quá trình hoạt động kinh doanh.
1.2.2. Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn lưu động.
Đối với một doanh nghiệp thương mại như Trung tâm Thương mại Intimex thì nguồn vốn lưu động là một nguồn vốn hết sức quan trọng. Như đã phân tích ở trên, mặc dù trong những năm qua trung tâm làm ăn có lãi nhưng việc quản lý và sử dụng vốn lưu động chưa thực sự có hiệu quả cao, chưa tận dụng hết được nguồn vốn lưu động của mình, thể hiện qua các chỉ tiêu về sức sản xuất, sức sinh lời, hệ số đảm nhiệm vốn lưu động… Điều này gây nhiều khó khăn và ảnh hưởng đáng kể đến doanh thu và lợi nhuận của Trung tâm vì vốn lưu động luôn chiếm phần lớn trong tổng số tài sản của Trung tâm. Để khắc phục những nhược điểm trong công tác quản lý vốn lưu động trong thời
gian qua, đồng thời tăng tính hiệu quả của việc sử dụng vốn trong thời gian tới cần có những giải pháp sau:
- Thường xuyên kiểm tra, nắm vững số dư tiền mặt, tiền gửi… Tránh trường hợp chi tiêu vượt quá số dư, đây là điều tối kỵ đối với các ngân hàng và các đối tượng có quan hệ. Trường hợp thiếu hụt tiền để thanh toán nhanh theo yêu cầu thì cần xem xét các nguyên nhân sau để khắc phục: hàng hoá ứ đọng không tiêu thụ được, chất lượng kém, giá thành cao… Trường hợp số dư tiền mặt, tiền gửi không đủ thanh toán cùng lúc cho nhiều đối tượng thì có thể thương lượng hay chi trả theo một trật tự ưu tiên theo chế độ thanh toán của pháp luật hiện hành. Ngoài ra, trung tâm cũng nên đa dạng hoá các nguồn vốn vay, mở rộng quan hệ, tìm những ngân hàng có lãi suất thấp, các điều kiện vay thuận lợi, thời hạn vay dài…
- Quản lý tốt công tác thanh toán: Mặc dù thiếu vốn kinh doanh phải đi chiếm dụng nhưng nguồn vốn của trung tâm vẫn bị các đối tượng khác chiếm dụng. Tất nhiên, việc chiếm dụng vốn đối với một doanh nghiệp kinh doanh cũng mang lại những lợi ích nhất định song nếu biết cân đối hai khoản vốn này thì công tác thanh toán của trung tâm sẽ tốt hơn, uy tín của trung tâm cũng được nâng cao. Đối với các khoản vốn bị chiếm dụng, trung tâm cần áp dụng các biện pháp hợp lý đối với từng đối tượng để đảm bảo thu hồi các khoản nợ của người mua. Kết hợp với những việc trên, trung tâm cũng cần theo dõi chặt chẽ các khoản phải thu, phải trả để có kế hoạch thu hồi vốn, thanh toán đúng hạn với Nhà nước, với Ngân sách, với các tổ chức tín dụng cá nhân nhằm giữ vững mối quan hệ, uy tín của trung tâm. Trong trường hợp cần thiết, khi các khoản nợ đối với nhà cung cấp, các bạn hàng đến hạn, trung tâm có thể lựa chọn vay với lãi suất thấp để trả nợ nhằm giữ mối quan hệ làm ăn kinh tế lâu dài.
- Hàng tồn kho: Việc này khá quan trọng vì hàng tồn kho chiếm một vị trí tương đối lớn trong tổng số tài sản lưu động của trung tâm. Việc giữ hàng tồn kho không hợp lý sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh do lượng vốn ứ đọng nhiều, chi phí quản lý tăng. Để lượng hàng tồn kho luôn ở mức hợp lý, trung tâm cần căn cứ vào lượng dự trữ cuối kỳ trước, lên kế hoạch nhu cầu kỳ tiếp theo có tính đến sự biến động của nhu cầu. Trung tâm phải đưa ra kế hoạch dự trữ hàng hoá hợp lý, dự trữ hàng hoá gồm: dự trữ thường xuyên, dự trữ theo mùa và dự trữ bảo hiểm. Trung tâm nên xem xét, tùy vào đặc điểm tiêu thụ của từng loại hàng hoá mà chọn cách dự trữ phù hợp. Trong giá trị hàng tồn kho còn chứa đựng cả phần giá trị của một số hàng hoá bị giảm giá, do đó còn cần xác định loại hàng nào bán chạy hay không, loại hàng nào nên tồn kho nhiều, loại hàng nào không nên tồn kho vì dễ giảm giá, thất thoát…
Như vậy, để có thể phản ánh chính xác nhất giá trị hàng tồn kho, đòi hỏi trung tâm phải hoạch định kế hoạch hàng tồn kho, trích lập quỹ dự phòng giảm giá hàng tồn kho, đồng thời việc trích lập này cũng nhằm bù đắp thiệt hại thực tế khi hàng hoá bị hư hỏng, giảm giá.