Chương 1 NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CỦA VIỆC NGHIÊN CỨU VÀ TỔNG QUAN VỀ ĐẠO CAO ĐÀI Ở NAM BỘ 1.1. Những vấn đề lý luận
1.1.2. Quan điểm tiếp cận của đề tài
Chúng tôi nhận thức, tôn giáo là một thành tố của văn hóa, bởi tôn giáo là sản phẩm của con người, do con người sáng tạo nên. Do đó, khi nghiên cứu về đời sống tôn giáo của cộng đồng tín đồ, chúng tôi chú trọng đến các hướng tiếp cận sau:
* Bối cảnh văn hóa
Bối cảnh văn hóa là nhân tố quan trọng cho việc hình thành và phát triển tôn giáo, đặc biệt chúng tôi quan tâm đến bối cảnh biến đổi văn hóa của tộc người, vì ngoài yếu tố phát triển nội tại do ảnh hưởng văn hóa trong khu vực, trong xã hội hiện đại còn có sự tác động của nhiều yếu tố khác như sự thay đổi về môi trường sống (gồm môi trường tự nhiên và xã hội) của tộc người, sự tiếp xúc giữa các tộc người khác nhau thông qua hôn nhân, buôn bán, lao động, di cư, truyền đạo…
Những biến đổi này có thể xét trên hai tính chất của văn hóa là tính truyền thống – hiện đại và tính cộng sinh văn hóa. Trong đó, tính truyền thống – hiện đại được dựa trên cơ sở tích lũy, lưu truyền và tái tạo những giá trị của văn hóa trong cộng đồng. Một nền văn hóa không bao giờ tồn tại trong sự bất biến, mà luôn trải qua những biến đổi, nhất là trong thời kỳ hòa nhập vào hệ thống xã hội hiện đại, khi các dân tộc không còn sống riêng biệt và khi quan hệ sản xuất hàng hóa, lối sống đô thị và sự thay đổi về quan hệ giáo dục không ngừng tác động vào các đặc điểm truyền thống tộc người. Do đó, nghiên cứu tôn giáo cần chú trọng đến sự biến đổi của bối cảnh văn hóa, nhất là chú trọng đến khía cạnh truyền thống – hiện đại trong văn hóa, nghĩa là nghiên cứu văn hóa truyền thống trong sự biến đổi, đổi mới của nó. Quy luật của sự vận động, biến đổi sẽ bảo đảm cho văn hóa tồn tại liên tục, không ngưng đọng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng quan tâm đến tính cộng sinh văn hóa. Sự cộng sinh văn hóa phổ biến nhất là cộng sinh giữa hai yếu tố văn hóa nội sinh và văn hóa ngoại sinh [75:110]. Trong lịch sử phát triển của tộc
22
người bao giờ cũng có quá trình hoạt động nội tại của văn hóa, được gọi là văn hóa bản địa- tức là yếu tố nội sinh, ngoài ra còn có yếu tố do tiếp nhận và ảnh hưởng từ bên ngoài, gọi là ngoại sinh. Khi các yếu tố văn hóa ngoại sinh hòa nhập với các yếu tố văn hóa nội sinh và lâu dần yếu tố ngoại sinh sẽ có xu hướng nội sinh hóa. Nói khác đi, đó là yếu tố ngoại sinh được nội sinh hóa. Trong quá trình phát triển văn hóa tộc người, yếu tố nội sinh luôn đóng vai trò chủ đạo, nó củng cố nền tảng bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc đó. Trên nền tảng văn hóa nội sinh, yếu tố văn hóa ngoại sinh du nhập vào sẽ được sàng lọc, chọn lựa để làm phong phú thêm cho nền văn hóa bản địa.
Trong tôn giáo cũng vậy, sự biến đổi về mặt văn hóa cũng dẫn đến sự biến đổi về mặt tôn giáo. Ví dụ một tôn giáo cũng sẽ có những biểu hiện niềm tin, hành vi tôn giáo khác nhau khi nó được truyền sang những nền văn hóa khác. Nguyên nhân của sự biến đổi văn hóa là do “sự thẩm thấu” qua bức màn văn hóa bản địa và bị chi phối bởi yếu tố bản địa trong văn hóa tộc người. Trong lịch sử tôn giáo, mỗi tộc người sẽ có cách biểu hiện niềm tin tôn giáo theo hành vi văn hóa của mình. Đạo Bàni ở người Chăm miền Trung Việt Nam là một ví dụ. Khi đạo Islam được truyền bá vào người Chăm miền Trung, một thời gian sau nó bị chi phối bởi những yếu tố bản địa để trở thành một đạo Bàni khác xa so với đạo Bà La môn hoặc Islam chính thống; hay như đạo Phật xuất phát từ Ấn Độ khi truyền sang Trung Quốc, Nhật Bản và các quốc gia Đông Nam Á cũng bị biến đổi rất nhiều, sự biến đổi đó gọi là “bản địa hóa” mà một trong những nguyên nhân chính là do văn hóa bản địa của tộc người chi phối. Theo quan niệm của các nhà khoa học thì tôn giáo sẽ khác nhau ở mỗi giai đoạn lịch sử, ở mỗi vùng, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia… kể cả tôn giáo có cùng nguồn gốc xuất phát. Nguyên nhân của sự khác nhau đó là do sự chi phối của nhiều yếu tố, từ yếu tố văn hóa của cộng đồng- xã hội đến yếu tố tự nhiên, yếu tố của không gian và thời gian.
Từ những phân tích trên, quan điểm của chúng tôi khi nghiên cứu về đời sống tôn giáo của tín đồ Cao Đài ở Nam Bộ là luôn tìm hiểu ở trạng thái động. Do bởi, động thái văn hóa là quá trình chuyển đổi văn hóa, trong đó có yếu tố văn hóa truyền thống bền vững được giữ lại, có yếu tố mất đi, có yếu tố được tái tạo, có
23
yếu tố biến đổi, cách tân v.v… Nghiên cứu dưới góc độ này, chúng tôi muốn lý giải những hiện tượng biến đổi về yếu tố văn hóa trong đạo Cao Đài và qua đó nhấn mạnh đến yếu tố thích nghi của tín đồ Cao Đài trong khu vực.
* Nhu cầu tôn giáo của con người
Theo các quan điểm đã phân tích, tôn giáo ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần của con người trong xã hội. Trong xã hội nguyên thủy, con người yếu đuối trước sức mạnh thiên nhiên, cũng như bất lực trong quan hệ xã hội, thường phải cầu viện vào những hình thái tôn giáo như tôtem, ma thuật (phép màu, bùa, yểm…), đạo phù thủy hay shaman giáo, để cầu cứu thần linh giúp họ tăng thêm sức mạnh, vượt qua những khó khăn, cũng như chiến thắng những bệnh tật, thiên tai và kẻ thù. Đến xã hội có giai cấp, mỗi dân tộc, tộc người, tổ chức xã hội, văn hóa, cộng đồng huyết thống, cá nhân… vẫn cầu viện đến thần linh, đến các thế lực siêu nhiên phù trợ cho cộng đồng được phát triển, cho cá nhân được che chở, chống lại thiên tai và những bất công, rủi may trong cuộc sống [176:169]. Như vậy, tôn giáo ra đời chính là chỗ dựa tinh thần khi con người gặp những khủng hoảng không thể giải quyết được trong cuộc sống hàng ngày. Nhu cầu này không phải ngẫu nhiên có, mà do điều kiện tự nhiên, điều kiện xã hội tạo nên.
Từ nhận định trên, chúng tôi cố gắng tìm hiểu nhu cầu của người dân Nam Bộ ở đầu thế kỷ XX về sự ra đời của một tôn giáo mới như đạo Cao Đài nói riêng và các tôn giáo khác nói chung.
* Quan điểm giới trong tổ chức tôn giáo
Giới là khái niệm được dùng để chỉ địa vị và vai trò của con người mang giới tính khác nhau trong xã hội theo qui định của nền văn hóa [195:108]. Mỗi nền văn hóa khác nhau sẽ có những qui định khác nhau về vai trò và địa vị cụ thể của nam và nữ trong xã hội. Sự khác nhau là do văn hóa trong xã hội đó qui định. Văn hóa còn qui định đến sự khác biệt giới trong cấu trúc xã hội của các tôn giáo trên thế giới. Các nhà khoa học đã chứng minh, ở những nơi có sự bình đẳng về giới thì vai trò của phụ nữ ngang với nam giới trong việc thực hiện những nghi lễ tôn giáo. Ở những xã hội theo chế độ phụ hệ, coi trọng nam giới, thì vai trò của người phụ nữ trong cấu trúc xã hội tôn giáo bị hạn chế [195:124]. Trong xã hội Islam,
24
phụ nữ rất hạn chế về việc thực hành tôn giáo. Họ không được đến Thánh đường hành lễ như nam giới, chỉ hành lễ tại nhà; nếu đến Thánh đường cũng không thể đứng hành lễ ở những vị trí trang trọng như nam giới. Họ không được quyền nắm giữ chức vụ trong tôn giáo. Hoặc trong các tôn giáo lớn khác như Công giáo, Phật giáo, Tin lành… vai trò của phụ nữ không thể sánh ngang với nam giới. Họ cũng không có những chức danh tôn giáo như nam giới. Nguyên nhân của vấn đề này là do qui định của xã hội, trong đó có sự chi phối từ yếu tố văn hóa.
Cao Đài là một tôn giáo được ra đời trong xã hội hiện đại, vậy yếu tố giới trong tổ chức tôn giáo như thế nào, ở mức độ nào? Chúng tôi sẽ cố gắng tìm hiểu, lý giải các hiện tượng giới trong đời sống tôn giáo của tín đồ Cao Đài ở Nam Bộ.