Chương 1 NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CỦA VIỆC NGHIÊN CỨU VÀ TỔNG QUAN VỀ ĐẠO CAO ĐÀI Ở NAM BỘ 1.1. Những vấn đề lý luận
1.2. Tổng quan về đạo Cao Đài ở Nam Bộ
1.2.2. Đạo Cao Đài ở Nam Bộ
* Quá trình hình thành đạo Cao Đài
Cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị ở Nam Bộ vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX càng trở nên trầm trọng với các sự kiện đàn áp chính trị của chính quyền thuộc địa, cảnh lầm than do đói kém, dịch bệnh diễn ra liên tục trong đời sống nông dân… Người dân tìm cách bám víu vào các tổ chức tôn giáo như Phật giáo hoặc các tôn giáo bản địa để có chỗ dựa tinh thần. Chính vì thế, tôn giáo ở Nam Bộ là một trong những nơi cứu cánh mà họ tìm đến. Cầu cơ tiếp xúc các đấng siêu linh nhằm bàn luận thời cuộc, đàm đạo thơ văn, xin thuốc chữa bệnh, xin tiên đoán vận mệnh đất nước trong tương lai… là phong trào tôn giáo, tâm linh ưa
46
thích của một bộ phận không nhỏ cư dân Nam Bộ lúc bấy giờ. Giới nhân sĩ, trí thức yêu nước cũng dựa vào hình thức cầu cơ để qui tụ lực lượng và che mắt chính quyền thuộc địa cho hoạt động chính trị của họ. Do đó, vào khoảng đầu thế kỷ XX, phong trào cơ bút đã phát triển mạnh mẽ trong các cơ sở tôn giáo ở Nam Bộ và trở thành một trong những hoạt động không thể thiếu trong đời sống tâm linh của một bộ phận không nhỏ cư dân Nam Bộ.
Phong trào cơ bút ở Nam Bộ được bắt nguồn từ Trung Quốc mà tiêu biểu là bắt nguồn từ đạo Minh Sư. Theo các tài liệu thư tịch, đạo Minh Sư là tôn giáo ra đời vào khoảng năm 618 – 907 dưới thời nhà Đường của Trung Quốc. Đạo Minh sư gắn liền với phái Thiền tông do Bồ Đề Đạt Ma, vị Tổ sư đời thứ 28 của Thiền tông Ấn Độ và là vị Tổ sư đời thứ nhất của Thiền tông Trung Quốc, truyền dạy tại Trung Quốc. Đến đời Lục tổ Huệ Năng, Thiền tông Trung Quốc được chia thành hai hệ phái. Hệ phái truyền giáo về phía Bắc sang các tỉnh Sơn Đông, Sơn Tây, Hà Bắc… đến các nước Hàn Quốc và Nhật Bản, gọi là Bắc thiền tông. Hệ phái truyền giáo về phía Nam từ Hồ Nam, Quảng Đông, Quảng Tây, Giang Tây đến Vân Nam… gọi là Nam thiền tông. Khi Lục tổ Huệ Năng qua đời, Thiền tông bị đình trệ. Sau đó, Mã Công Đạo Nhất và Bạch Ngọc Cư Sĩ gầy dựng lại Hệ phái Nam Thiền tông và trở thành hai vị Tổ thứ bảy của phái Thiền tông. Đến cuối đời nhà Châu (năm 955), Phật đường Nam Thiền tông bị đình trệ do triều đình ra lệnh phá hủy chùa chiền, am viện. Khi nhà Minh bị Mãn Thanh lật đổ, các quan thần của nhà Minh lập nên hai nhóm: quan võ lập nên Thiên Địa Hội; quan văn lập nên Minh Sư đạo dựa trên nền tảng của hệ phái Nam Thiền tông để trở thành những Hội kín núp dưới hình thức tôn giáo nhằm hoạt động chính trị với mục đích “bài Thanh phục Minh”.
Mục đích của các quan thần nhà Minh bất thành nên đã tìm đường lánh nạn sang Việt Nam và được chúa Nguyễn cho cư trú ở vùng đất Nam Bộ. Từ đó, đạo Minh Sư và Thiên Địa Hội có mặt ở tại đây [89].
Tại Nam Bộ, đạo Minh Sư gắn liền với tên tuổi của các vị như Đại lão sư Ngô Đạo Chương, Thái Lão sư Trần Đạo Minh, Thái Lão sư Vương Đạo Thâm…
Sau thời gian phát triển, đạo Minh Sư ở Nam Bộ chia thành ba Tông [71]:
47
- Tông Đức Kế do Thái Lão Vương Đạo Thâm lãnh đạo, có các chùa như Quảng Nam đường, Khánh Nam đường (Bình Thạnh), Nam Nhã đường (Bình Thủy- Cần Thơ), Mỹ Nam đường (Mỹ Tho), Vạn Bửu đường (Gò Công), Nam Tông đường (Hội An), Hòa Nam đường (Đà Nẵng).
- Tông Phổ Tế do Thái Lão sư Trần Đạo Quang lãnh đạo, có các chùa như Linh Quang đường (Hóc Môn), Long Hoa đường (Cai Lậy), Phổ Hòa đường (Mỹ Tho)...
- Tông Hoằng Tế do Thái Lão sư Lâm Đạo Ngươn (thường gọi là Lâm Xương Quang) lãnh đạo, có các chùa như Quang Âm đường (Thâm nhiên Long An), Quang Âm đường (TX Tân An) , Trọng Văn đường (Bình Điền).
Từ ba Tông này sau đó lại chia ra thành 4 chi khác nhau, gồm: Minh Đường, Minh Lý, Minh Thiện, Minh Tân [89].
- Minh Đường do Ngô Đạo Chánh truyền lại cho Thái Lão sư Lê Đạo Long (Lê Văn Tiểng) tại chùa Vĩnh Nguyên Tự ở Cần Giuộc, Long An.
- Minh Lý do Âu Minh Chánh (tên tục là Âu Kiệt Lâm) lập ra. Ngôi thờ tự của phái này đặt tại Tam Tông Miếu ở khu vực Bàn Cờ, đường Cao Thắng.
- Minh Thiện do ông Trần Hiển Vinh lập ra tại Chùa Ông ở Thủ Dầu Một.
- Minh Tân do Lê Minh Khá lập nên. Cơ sở thờ tự đặt tại Tam giáo điện Minh Tân ở Bến Vân Đồn, quận 4.
Bốn chi này hiệp với chi Minh Sư trở thành Ngũ chi Minh Đạo (CT:6). Tôn giáo này thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế và Diêu Trì Kim Mẫu tại chánh Điện;
thường xuyên tổ chức cầu cơ để tiếp xúc với các đấng Thiêng liêng.
Ở các đình, miếu đặc biệt là tại các chùa của Minh Sư thường xuyên tổ chức cầu cơ, tiếp điển với các đấng thiêng liêng, các vong linh quá vãng để tìm hiểu thế sự, vận mệnh quốc gia hoặc để xin toa thuốc chữa bệnh.
Tại Sài Gòn, nhóm cầu cơ mà sau này có vai trò quan trọng trong việc gầy dựng nền đạo Cao Đài ở Nam Bộ là nhóm của ông Ngô Văn Chiêu và ông Vương Quan Kỳ, còn gọi là nhóm Chiêu - Kỳ. Tài liệu của đạo Cao Đài cho rằng ông Ngô Văn Chiêu là người có công đầu trong việc gầy dựng nền đạo Cao Đài ở Nam Bộ.
48
Theo tài liệu, ông Ngô Văn Chiêu học trường Pháp (tốt nghiệp bằng Thành Chung của Trường Chasseloup Laubat Sàigòn – sau đổi thành trường Jean Jacques Rousseau và nay là trường Lê Quí Đôn), làm công chức thời Pháp thuộc, là người rất say mê thuật cầu cơ. Qua những buổi cầu cơ, ông Chiêu đã đặt niềm tin vào
“thế giới siêu linh”, một thế giới “hư ảo” mà nội dung tôn giáo đề cập.
Thế giới hư ảo đó là nơi tồn tại của các đấng siêu linh, trong đó “Cao Đài Tiên Ông” giáng đàn vào năm 1919 tại Tân An đã trở thành một trong những đấng siêu linh quan trọng trong “thế giới hư ảo” của đạo Cao Đài. Đấng “Cao Đài Tiên Ông” xuất hiện khi ông Chiêu cùng những người bạn tổ chức cầu cơ tại Tân An.
Sau đó, đấng siêu linh này thường xuyên xuất hiện trong những buổi cầu cơ của ông Chiêu tại Hà Tiên và Phú Quốc. Năm 1921, thông qua những buổi cầu cơ tại Phú Quốc, Đấng “Cao Đài Tiên Ông” đã nhận ông Chiêu làm đệ tử, khuyên ông ăn chay trường và tu luyện tâm pháp. Cũng trong năm này, ông Chiêu tạo hình tượng “Thiên nhãn” (Mắt trời) làm biểu tượng thờ cúng và đã cụ thể hóa “thế giới hư ảo” bằng cảnh “Bồng Lai” khi cho rằng mình đã được “Tiên ông” tưởng thưởng cho công phu tu hành bằng việc cho thấy “Tiên cảnh” (thế giới của sự giải thoát). Cuối năm 1924 đầu năm 1925, khi làm việc ở Dinh Thống Đốc Nam Kỳ tại Sài Gòn, ông Chiêu đã cùng ông Vương Quan Kỳ (người làm cùng sở), Đoàn Văn Bản (Đốc học Trường Cầu Kho), Nguyễn Văn Hoài, Võ Văn Sang, Lý Trọng Quí lập thành nhóm tu theo đạo Cao Đài tại Sài Gòn. Nhóm tu này do ông Chiêu đứng đầu và là người hướng dẫn.
Bên cạnh nhóm ông Chiêu, giữa năm 1925 tại Sài Gòn, một nhóm người cổ vũ tu theo đạo Cao Đài là các ông Phạm Công Tắc, Cao Quỳnh Cư, Cao Hoài Sang. Họ là những người đồng thanh khí (cùng yêu âm nhạc, sính thơ văn và đều tin có thế giới siêu hình hiện hữu) và là đồng hương, bạn học, đồng nghiệp nên thường qua lại chơi thân với nhau, thường xuyên tổ chức hội họp đàm đạo thơ văn và thế sự. Họ đến với đạo Cao Đài cũng xuất phát từ sự say mê tiếp xúc với “thế giới siêu linh” như nhóm của ông Chiêu, nhưng dưới một hình thức khác là “xây bàn”.
49
Theo các tài liệu ghi chép, năm 1925, bằng hình thức xây bàn, các Phạm Công Tắc, Cao Quỳnh Cư, Cao Hoài Sang đã trò chuyện được với chơn linh của cụ Cao Quỳnh Tuân (thân phụ của ông Cao Quỳnh Cư), Vương Thị Lễ (cháu của ông Vương Quan Kỳ), chơn linh của các thi sĩ và các bậc tiên thánh như thi sĩ Huỳnh Thiên Kiều (hiệu là Quí Cao), Đức Nhàn Âm Đạo Trưởng, Thanh Sơn Đại Sĩ (Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm), Đại tiên Lê Văn Duyệt… để cùng làm thơ, họa phú. Các ông Cư, Tắc, Sang còn tiếp xúc được với Diêu Trì Kim Mẫu và Cửu vị Tiên nương, đặc biệt tiếp xúc được với chơn linh của “Cao Đài Tiên Ông” dưới danh xưng ban đầu là AĂÂ. Cũng giống như ông Chiêu, Cao Đài Tiên Ông đã nhận các ông Cư, Tắc, Sang làm đệ tử để truyền đạo; sau đó có thêm sự tham gia của ông Lê Văn Trung, Trương Hữu Đức, Nguyễn Trung Hậu… Trong số các vị này, ông Lê Văn Trung là người có uy tín trong chính quyền thuộc địa bấy giờ.
Ông nguyên là Thượng nghị viện Đông Dương (Membre du Conseil Supérieur de L’Indochine), được chính phủ Pháp thưởng Đệ ngũ đẳng Bắc Đẩu Bội Tinh (Chevalier de l’ordre National de la Légion d’honneur) và được cử vào Hội Đồng Tư Vấn (Conseil Privé) năm 1912.
Cuối năm 1925, nhóm ông Cư, Tắc, Trung… hiệp với nhóm ông Chiêu, Kỳ, Bản… để hình thành nên nhóm tu theo đạo Cao Đài ở Sài Gòn, và bắt đầu công cuộc truyền bá tôn giáo mới.
Như vậy đến năm 1925, đạo Cao Đài đã bắt đầu được hình thành và phổ truyền bởi nhóm cơ bút Chiêu – Kỳ. Nhưng trước đó, đạo Cao Đài đã có một quá trình manh nha bằng việc tin tưởng vào các đấng siêu linh của ông Ngô Văn Chiêu. Nhận xét về ông Ngô Văn Chiêu, tác giả R.B. Smith cho rằng, “ông Chiêu dù được giáo dục bởi nền giáo dục Pháp, nhưng lại không bị ảnh hưởng bởi nó mà vẫn giữ được tín ngưỡng và văn hóa của người Việt Nam” [229:338]. Chính do vẫn giữ được văn hóa và tín ngưỡng truyền thống nên ông Chiêu đã tham dự vào nhiều đàn cơ cầu Tiên ở Thủ Dầu Một, Cái Khế… và cũng tự mình cùng với những người bạn lập thành nhiều nhóm cầu cơ ở Tân An, Hà Tiên, Phú Quốc, Sài Gòn… Trong những lần cầu cơ ấy, niềm tin vào các đấng siêu nhiên trong ông
50
càng lên cao, nhất là việc cầu thuốc chữa bệnh cho mẹ (CT:7) và cho người dân.
Niềm tin đó là cơ sở để hình thành nên nền tảng của đạo Cao Đài.
Xét về quá trình gầy dựng đạo Cao Đài của ông Ngô Văn Chiêu, người ta thấy rằng con đường tu đạo của ông đều bắt nguồn từ việc cầu cơ thỉnh Tiên như:
- Đàn cơ vào năm 1902 tại Thủ Dầu Một, một đấng siêu linh nhập đàn cho ông bài thi khuyên tu hành.
- Năm 1919, trong đàn cơ tại nhà ông ở Tân An, đấng siêu linh lại khen ông thông minh và xưng danh với ông là Cao Đài Tiên Ông.
- Năm 1921 tại chùa Quan Âm ở Phú Quốc, đấng siêu linh ấy lại buộc ông phải ăn chay trường ba năm, bắt đầu công việc học đạo và chỉ vẽ cách thờ tự. Lúc này danh xưng đầy đủ là “Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát” về một đấng siêu linh thường xuyên giáng đàn khuyên và dạy ông được tiết lộ.
Như vậy, đến lúc này cơ sở căn bản của một tôn giáo đã được hình thành trong bản thân của ông Ngô Văn Chiêu bằng việc tin tưởng vào các đấng siêu linh.
Theo nhận xét của Nguyễn Duy Hinh trong quyển Bước đầu tìm hiểu đạo Cao Đài do nhà xuất bản Khoa học xã hội – Hà Nội ấn hành năm 1995, thì không chỉ đến lúc này (năm 1921) ông Chiêu mới bắt đầu tu hành mà trước đó (năm 1919) việc tu hành của ông Chiêu theo Cao Đài đã được bắt đầu bằng việc lập nhóm cầu cơ tại Tân An. Tại đây, ông Chiêu đã biết đến danh Cao Đài, nhưng không hiểu đó là gì và luôn cầu cơ để hỏi thì chỉ được hai câu thơ:
“Cao Đài ứng hóa theo dòng chúng sanh Đố ai có biết cái danh Cao Đài”
Nhóm cầu cơ ở Tân An được ông Nguyễn Duy Hinh xem là nhóm tu đầu tiên của ông Chiêu và mang tính chất tổ chức đầu tiên của đạo Cao Đài. Nhóm tu thứ hai của ông Chiêu là khi ông lập nhóm cầu cơ ở Phú Quốc cùng với việc khởi đầu ăn chay trường và luyện đạo. Lúc này đạo Cao Đài đã có đấng tối cao (Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát), có biểu tượng thiêng liêng (Thiên nhãn), bỏ kinh điển cũ (không tụng kinh Minh Thánh nữa), đưa ra tiên cảnh Bồng Lai làm mục tiêu tu hành. Theo ông Hinh, như vậy đạo Cao Đài đã tương đối hoàn chỉnh những yếu tố cơ bản của một tôn giáo, nhưng chưa hoàn thiện. Khi ông Chiêu về
51
lại Sài Gòn thì lập nên nhóm tu thứ ba gồm ông Kỳ, ông Bản, ông Hoài, ông Sang.
Nhóm tu này có điện thờ, đàn cơ riêng, không phụ thuộc vào các đền chùa như trước. Đàn cơ Cầu Kho biểu trưng cho sự tồn tại như một thực thể tôn giáo độc lập của đạo Cao Đài [174:101-105].
Qua phân tích của ông Hinh cho thấy, đạo Cao Đài đã bắt đầu xuất hiện từ năm 1919, đến năm 1925 nó đã trở thành một thực thể tôn giáo độc lập với đầy đủ những yếu tố cơ bản của một tôn giáo. Điều đó, chứng tỏ ông Ngô Văn Chiêu có vai trò rất lớn trong việc gầy dựng mối đạo mới tại Nam Bộ vào nửa đầu thế kỷ XX bằng việc tiếp xúc các đấng thiêng liêng qua cơ bút.
Việc tổ chức lễ khai đạo tại chùa Từ Lâm, Tây Ninh vào năm 1926 chỉ là một hình thức nhằm hợp thức hóa đạo Cao Đài với chính quyền thuộc địa lúc bấy giờ và cũng nhằm mục đích công bố với cư dân rằng có một tôn giáo mới xuất hiện tại Nam Bộ.
Như vậy, từ cuối năm 1925 đến năm 1926, tại Nam Bộ có một tôn giáo mới mang tên Cao Đài ra đời. Tôn giáo này được hình thành với đầy đủ những yếu tố như:
- Về niềm tin tôn giáo: những người khởi xướng cho việc hình thành đạo Cao Đài đều tin tưởng vào một thế giới siêu thực; một thế giới tồn tại bởi các siêu linh, nơi đó có sự tồn tại của các vị Thần, Thánh, Tiên, Phật… và vong hồn của những người quá vãng, đó là cảnh “Bồng Lai”, một thế giới hoàn toàn khác thế giới trần tục. Do tin tưởng sự tồn tại của thế giới siêu thực đó mà những người như Ngô Văn Chiêu, Vương Quan Kỳ, Đoàn Văn Bản, Cao Hoài Sang, Phạm Công Tắc, Lê Văn Trung… đều là những bậc trí thức, có địa vị cao trong xã hội lúc bấy giờ, đã tìm cách tiếp xúc bằng các hình thức khác nhau như cầu cơ, xây bàn. Thông qua những lần tiếp xúc với thế giới siêu linh, những người này lại càng củng cố niềm tin của mình về sự tồn tại của các “chơn linh siêu việt” ở thế giới bên kia. Những nhân vật như Diêu Trì Kim Mẫu, Cửu Vị Tiên Nương, Ngọc Hoàng Thượng Đế, Lữ Đồng Tân, Bạch Hạt Đồng Tử… là những nhân vật tưởng như không thật, vốn chỉ được biết đến trong các truyện thần tiên của Trung Quốc thì nay lại xuất hiện, trò chuyện với các ông Cư, Tắc, Sang,.. thông qua thuật xây
52
bàn hoặc cầu cơ. Điều này đã làm cho các ông này “ngây ngất” và tin tưởng tuyệt đối vào sự tồn tại của thế giới siêu linh. Lại thêm những vong hồn quá vãng là cha, cháu, bạn của các ông Cao Quỳnh Cư, Vương Quan Kỳ, Nguyễn Trung Hậu quay trở về cùng tâm sự, đàm đạo thơ văn… lại một lần nữa củng cố niềm tin tôn giáo của những người này.
Tất cả những điều trên nói lên rằng, niềm tin về một thế giới bên kia cùng với sự tồn tại của các chơn linh siêu việt đã được củng cố ngay từ buổi đầu khi đạo Cao Đài có những yếu tố manh nha hình thành trong bối cảnh thế giới cũng quan tâm nghiên cứu về linh hồn. Đây chính là niềm tin để dẫn đến sự ra đời của một tôn giáo.
- Về nghi lễ tôn giáo: lễ nghi tôn giáo được thực hành nhằm dâng niềm tin tôn giáo lên các đấng siêu linh mà họ tôn thờ. Đấng siêu linh được tôn thờ chính là
“Cao Đài Tiên Ông”; biểu tượng tôn giáo được sử dụng để chiêm bái cho lễ nghi tôn giáo là hình tượng “Thiên nhãn” (mắt Trời).
Khi có đấng siêu linh và biểu tượng tôn giáo, ông Chiêu đã lập bàn thờ trong nhà và bắt đầu hành lễ. Mỗi ngày ông hành lễ bốn lần theo bốn thời: Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu. Kinh sách được dùng trong hành lễ là các bài Cửu Thiên, Nhụy Châu trích từ kinh sách của đạo Minh Sư. Lễ vật dùng để cúng là hoa, trà, rượu, quả.
Việc thờ cúng và hành lễ này được ông duy trì và truyền lại cho các ông Vương Quan Kỳ, Đoàn Văn Bản, Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Lê Văn Trung… nhằm mục đích biểu hiện niềm tin tôn giáo của mình.
- Chức sắc tôn giáo: Mặc dù các ông Ngô Văn Chiêu, Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang, Lê Văn Trung… trong những buổi đầu chưa có những chức phận tôn giáo rõ ràng, nhưng họ lại chính là những người đang thực hiện hành vi tôn giáo.
Ông Ngô Văn Chiêu trở thành người hành lễ chuyên nghiệp khi được giao trọng trách phải ăn chay trường, luyện đạo để giữ tâm pháp và truyền thụ cách thờ cúng và hành lễ cho những người khác. Các ông còn lại giữ vai trò buổi đầu như là những người hành lễ thông thường, phải học tập từ ông Chiêu và nhất nhất phải xem ông Chiêu là anh cả.