Chương 1 NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CỦA VIỆC NGHIÊN CỨU VÀ TỔNG QUAN VỀ ĐẠO CAO ĐÀI Ở NAM BỘ 1.1. Những vấn đề lý luận
1.1.4. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Đạo Cao Đài chính thức ra đời vào năm 1926, sau đó nhanh chóng phát triển thành một tôn giáo có số lượng tín đồ đông ở khu vực Nam Bộ. Từ quá trình ra đời, tồn tại, phát triển đến quá trình phân hóa, đạo Cao Đài luôn chịu sự ảnh hưởng bởi yếu tố chính trị, văn hóa, xã hội và tư tưởng của thời cuộc tại khu vực Nam Bộ. Chính vì vậy, từ lâu đạo Cao Đài đã trở thành đề tài được nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm, kể cả những người trong đạo. Đến nay, các công trình nghiên cứu về đạo Cao Đài dưới nhiều góc độ như lịch sử, văn hóa, tư tưởng, chính trị… đã được công bố. Tuy nhiên, do nghiên cứu ở những quan điểm và cách tiếp cận khác nhau, nên các lý giải, đánh giá về sự ra đời, về những hoạt động của đạo Cao Đài ở khu vực Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung trong các công trình này cũng khác nhau. Từ những kết quả đã được nghiên cứu,
32
công bố về đạo Cao Đài, chúng tôi tạm thời phân thành các nhóm công trình nghiên cứu như:
* Các công trình nghiên cứu về lịch sử của Đạo
Các công trình nghiên cứu về lịch sử đạo Cao Đài có thể kể đến như Cái án Cao Đài của Đào Trinh Nhất viết vào năm 1929. Đào Trinh Nhất là người thông thạo chữ Hán, nên được chức sắc Tòa thánh Tây Ninh tin tưởng giao nhiệm vụ dịch kinh sách Cao Đài ra tiếng Hán. Trong quá trình làm việc tại Tòa thánh Tây Ninh, ông đã viết Cái án Cao Đài, với nội dung trình bày về quá trình ra đời, giáo lý, cách thức hành đạo của Cao Đài. Ông Đào Trinh Nhất đã phân tích điều kiện xã hội ở Nam Bộ lúc bấy giờ và miêu tả các hoạt động cơ bút của các vị công chức để dẫn đến sự ra đời của đạo Cao Đài. Theo ông Đào Trinh Nhất, đạo Cao Đài là một tà giáo, không có những chính kiến rõ ràng, luôn biểu hiện sự hỗn tạp trong giáo lý, cách hành đạo, cũng như cơ cấu tổ chức. Do đó, ông cho rằng, đạo Cao Đài sẽ “ngăn trở sự tiến hóa, có hại cho sinh hoạt dân gian và đào sâu hố phân cách giữa giai cấp này với giai cấp kia” [90:155].
Sau khi Cái án Cao Đài ra đời, ông Băng Thanh, một chức sắc cao cấp của đạo Cao Đài, đã viết quyển Cải án Cao Đài vào khoảng năm 1930 nhằm phản biện lại quan điểm của ông Đào Trinh Nhất. Ông Băng Thanh cho rằng sự tổng hợp giáo lý mà đạo Cao Đài thể hiện là một khía cạnh đạo đức, một ý nghĩa sâu xa của đạo Cao Đài. Ông viết “Đạo Phật ví như mặt Nhựt, đạo Tiên cũng như mặt Nguyệt, đạo Nho cũng như Ngũ Tinh, bộ Nhựt – Nguyệt – Tinh, ba cái đó ở trên đời, thiếu một cũng không đặng. Nho để trị phần đời, Tiên để trị phần xác thân, còn Phật để trị về phần cốt tủy. Đó là cái ý cao thượng của Thượng đế đã sắp đặt trong nền đạo Cao Đài vậy” [120:8-27].
Ngoài hai tác phẩm trên, năm 1930, ông Nguyễn Trung Hậu, chức sắc cao cấp của đạo Cao Đài, viết quyển Đại đạo căn nguyên. Nội dung trình bày chi tiết về lịch sử hình thành đạo Cao Đài. Tác giả không đưa quan điểm của mình vào trong bài viết, chỉ miêu thuật chi tiết những sự kiện đã diễn ra trong đạo, từ việc thu nhận đệ tử đến việc trình Tờ Khai đạo lên Chính phủ Nam kỳ, tường thuật về Ngày khai đạo, sự kiện quỷ phá trong ngày khai đạo… Đây có thể được xem là
33
công trình lịch sử chi tiết của đạo Cao Đài từ khi manh nha hình thành đến khi dời cơ sở thờ tự về xây dựng Tòa thánh Tây Ninh vào năm 1927.
Từ năm 1948 đến năm 1949, Gabriel Gobron, một nhà văn người Pháp và cũng là tín đồ của đạo Cao Đài, đã xuất bản hai ấn phẩm liên quan đến lịch sử đạo Cao Đài tại Paris là Lịch sử đạo Cao Đài (Histoire du Caodaisme) và Lịch sử và triết học đạo Cao Đài (Histoire et Philosophie du Caodaisme). Trong hai tác phẩm này, G. Gobron đã phân tích khá rõ vai trò của Thần linh học trong việc hình thành và phát triển đạo Cao Đài. Ngoài ra, ông còn chú trọng giới thiệu giáo lý, luật lệ, lễ nghi, tổ chức giáo hội của tôn giáo này. Trong phần triết lý, ông viết
“đạo Cao Đài có giá trị liên kết các phần tử, liên kết những người đang sống của thời hiện tại trong tất cả các địa phương, với những người đã chết của thời quá khứ, và chuẩn bị cho kiếp tái sinh tương lai” [203].
Năm 1963, Huệ Lương, một chức sắc của đạo Cao Đài, cũng viết một công trình với tên Đại đạo tam kỳ phổ độ (Cao Đài giáo) – Sơ giản. Đây cũng được xem là công trình lịch sử của đạo, tuy tác giả sử dụng từ sơ giản để chỉ cho công trình của mình, nhưng nội dung của nó lại chi tiết, trình bày hệ thống về quá trình hình thành và phát triển đạo Cao Đài ở khu vực Nam Bộ. Ngoài ra, tác giả còn trình bày hệ thống giáo lý, lễ nghi, cũng như cách tổ chức của đạo Cao Đài.
Từ năm 1967 đến năm 1972, Đồng Tân, một tín đồ của đạo Cao Đài, đã viết hai quyển sách về lịch sử của đạo, đó là Lịch sử Cao Đài – Đại đạo tam kỳ phổ độ - phần vô vi (1967) và Lịch sử Cao Đài – Đại đạo tam kỳ phổ độ - phần phổ độ (1972). Hai công trình này được xem là nguồn sử đạo chi tiết và có giá trị về mặt tài liệu, vì những bài Thánh giáo của đạo Cao Đài được trích nguyên văn, giúp người đọc thấy rõ bối cảnh xã hội của đạo Cao Đài lúc bấy giờ. Các công trình này còn nêu rõ những mâu thuẫn trong nội bộ chức sắc của đạo Cao Đài từ năm 1927 đến năm 1934 để dẫn đến việc ra đời các chi phái trong đạo.
Năm 1970, R.B. Smith có bài “Giới thiệu về đạo Cao Đài” (An introduction to Caodaism) in trong tạp chí School of Oriental and African stuties số XXXIII.
Bài viết mang tính giới thiệu về một tôn giáo mới ở Nam Bộ của Việt Nam, đề cập đến quá trình hình thành và phát triển của đạo Cao Đài, trong đó nhấn mạnh đến
34
vai trò sáng lập của ông Ngô Văn Chiêu và những vị phò loan khác [229:337- 338].
Năm 1995, công trình Bước đầu tìm hiểu đạo Cao Đài do Đặng Nghiêm Vạn chủ biên đã giới thiệu một cách đầy đủ và chi tiết về đạo Cao Đài ở Nam Bộ.
Công trình tập trung giới thiệu các vấn đề chính yếu như lịch sử đạo Cao Đài, sinh hoạt và sức sống của đạo Cao Đài, cơ cấu tổ chức và lễ nghi của đạo… Trong phần lịch sử của đạo Cao Đài, công trình nêu lên rất nhiều sự kiện liên quan đến những nhân vật chủ chốt của đạo như ông Ngô Văn Chiêu, ông Phạm Công Tắc, ông Lê Văn Trung… và chia lịch sử của đạo ra từng giai đoạn cụ thể; mỗi giai đoạn gắn liền với những sự kiện trong đạo, tạo nên một hệ thống các sự kiện rõ ràng, minh bạch trong lịch sử tôn giáo Cao Đài.
Năm 1996, quyển Lịch sử đạo Cao Đài – thời kỳ tiềm ẩn (1920 – 1926) của Lê Anh Dũng được xuất bản, giới thiệu những tiền đề hình thành đạo Cao Đài ở Nam Bộ. Công trình này nghiên cứu về lịch sử của Đạo, nêu lên những nguyên nhân dẫn đến việc hình thành đạo và những nhân vật có vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng nền đạo Cao Đài ở thời kỳ đầu.
Năm 2004, Nguyễn Thanh Xuân bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ Khoa học Lịch sử với đề tài Quá trình ra đời và phát triển của đạo Cao Đài từ năm 1926 đến năm 1975. Đây là một công trình chuyên khảo về lịch sử đạo Cao Đài với các nội dung như quá trình ra đời và phát triển của đạo Cao Đài từ năm 1926 đến năm 1975 và ảnh hưởng của đạo Cao Đài đối với đời sống chính trị của đất nước. Qua nội dung của công trình, tác giả đã phân tích khái quát về dân cư, địa lý, văn hóa tín ngưỡng của vùng đất Nam Bộ, những chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, những bế tắc trong cuộc sống của cư dân Nam Bộ lúc bấy giờ và xem đây là nhân tố quan trọng để hình thành nên đạo Cao Đài ở Nam Bộ.
Tác giả còn phân tích những mâu thuẫn trong nội bộ chức sắc Cao Đài và xem đó như là nguyên nhân cốt lõi dẫn đến việc hình thành các chi phái của đạo trong quá trình phát triển.
Năm 2005, cũng tác giả Nguyễn Thanh Xuân đã tái bản có bổ sung quyển sách Một số tôn giáo Việt Nam, trong đó có phần giới thiệu về đạo Cao Đài, giới
35
thiệu về nguồn gốc ra đời, quá trình phát triển, giáo lý, lễ nghi và cách tổ chức giáo hội của Đạo.
* Các công trình nghiên cứu về tư tưởng, chính trị của đạo
Các công trình này có thể kể đến như Đạo Cao Đài và chính trị, của Phạm Kỳ Chưởng viết vào năm 1973 có nội dung đề cập đến việc hình thành và phát triển quân đội Cao Đài từ thập niên 30 đến năm 1954 và trình bày các giai đoạn phát triển của đạo Cao Đài trong lịch sử. Cùng nội dung này, năm 1974, tác giả Jayne S. Werner làm luận án tiến sĩ với tiêu đề Đạo Cao Đài: Đời sống chính trị của một phong trào tôn giáo hỗn dung của người Việt (The Cao Đài: The Politics of a Vietnamese Syncretic Religious Movement) và sau đó, năm 1981, dựa trên nội dung của luận án tiến sĩ này, bà viết ra quyển sách Chính trị nông dân và giáo phái tôn giáo: Nông dân và chức sắc trong đạo Cao Đài ở Việt Nam (Peasant Politics and Religious Sectarianism: Peasant and priest in the Cao Dai in Viet Nam). Trong công trình này, bà Werner xem đạo Cao Đài là phong trào nông dân lớn nhất Việt Nam thời thuộc Pháp, đã thu hút hàng vạn tín đồ là nông dân tham gia và có tầm ảnh hưởng đáng kể đến nền chính trị ở Nam Bộ lúc bấy giờ. Bà viết
“Đạo Cao Đài có một điều mới mẽ cho mọi người. Sự khéo léo kết hợp truyền thống Tam giáo và sự diễn giải rõ ràng, chính xác truyền thống Tam giáo, không những tạo ra sức hút văn hóa mãnh liệt mà còn đưa ra nguồn sinh lực mới”
[235:55]. Công trình của bà Werner có thể xem là công trình chuyên sâu về yếu tố chính trị của đạo Cao Đài trong giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX.
Năm 1975, một công trình với tên là Vị thế Cao Đài Tây Ninh trong quốc sử (lịch sử chính trị và quân sự từ năm 1937 – 1954) của Trần Văn Rạng, một chức sắc của đạo Cao Đài, được xuất bản. Công trình này giới thiệu về lịch sử hình thành và phát triển đạo Cao Đài ở Việt Nam, trong đó phân tích cơ cấu tổ chức của chi phái Tây Ninh và đề cập đến việc xây dựng quân đội Cao Đài của ông Nguyễn Quang Vinh, Giáo sư, Tổng tư lệnh quân đội Cao Đài lúc bấy giờ. Đây là công trình nhấn mạnh vị thế chính trị của đạo Cao Đài ở Nam Bộ từ năm 1937 đến năm 1954.
36
Năm 1993, trong tác phẩm Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng tháng tám, tập II phần “Hệ ý thức tư sản và sự bất lực của nó trước các nhiệm vụ lịch sử”, Trần Văn Giàu đã dành hơn 40 trang để giới thiệu về đạo Cao Đài ở Nam Bộ và nêu ra các ý kiến xem đạo Cao Đài như một phong trào tôn giáo mới mang màu sắc chính trị ở Nam Bộ. Quan điểm này cũng gần giống với quan điểm của bà Werner, khi Trần Văn Giàu viết “Trong một điều kiện cụ thể nào đó, đạo Cao Đài tuy là một tôn giáo vẫn, không nhiều thì ít, không trực tiếp thì gián tiếp, mang màu sắc và tính cách chính trị không làm cho dân sợ mà càng làm cho nhiều người chú ý đi theo” [52:216]. Có thể xem đây là chuyên khảo nhằm phân tích, đánh giá tư tưởng của đạo Cao Đài và nêu ra những lý do để đạo Cao Đài phát triển ở Nam Bộ vào nửa đầu thế kỷ XX.
Năm 2001, Phan Văn Hoàng viết quyển Cao Triều Phát – Nghĩa khí Nam Bộ. Nội dung giới thiệu về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của ông Cao Triều Phát, Chưởng quản Hội thánh Cao Đài Minh Chơn Đạo Hậu Giang, Chủ tịch Hội Cao Đài cứu quốc thống nhất mười hai chi phái, Giáo tông Hội thánh duy nhất Cao Đài Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Thông qua các sử liệu về ông Cao Triều Phát, tác giả đã công bố những tư liệu về phong trào chính trị của các chi phái Cao Đài, với các tổ chức chính trị yêu nước của tín đồ Cao Đài Minh Chơn Đạo trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp. Nhìn chung, đây là tác phẩm có giá trị về mặt sử liệu, liên quan đến hoạt động chính trị của các chi phái Cao Đài, trong đó nổi bật là chi phái Minh Chơn Đạo.
* Các công trình nghiên cứu về văn hóa của đạo
Năm 1929, G. Coulet, học giả người Pháp, đã cho xuất bản quyển sách Thờ cúng và tôn giáo ở các xứ Việt Nam trong Đông Dương [197] (Cultes et Religions de l’Indochine An-namite), trong đó đề cập đến đạo Cao Đài. Tác giả đã phân tích bối cảnh văn hóa – xã hội Nam Bộ vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX và cho thấy đây là một xã hội hỗn dung và con người Nam Bộ có tính khoan dung tôn giáo. Do đó, khi đạo Cao Đài của người Việt ra đời đã dung hòa tính hỗn dung truyền thống của dân tộc, nên trong giáo lý, tư tưởng và cách hành đạo của Cao Đài luôn biểu hiện tính dung hòa tôn giáo, và đặc biệt là yếu tố tam giáo truyền
37
thống của dân tộc được biểu hiện rất rõ nét trong đạo Cao Đài. G. Coulet còn phân tích tinh thần hỗn dung tôn giáo của người Việt đã dẫn đến sự pha trộn trong văn hóa tín ngưỡng của đạo Cao Đài, bằng chứng là thuật chiêu hồn của phương Tây và thuật cầu cơ của phương Đông được hội tụ trong đạo Cao Đài.
Năm 1975, Đinh Văn Khá viết luận văn cao học tại Trường Đại học Văn Khoa Sài Gòn với tiêu đề Đại lễ vía đức Chí Tôn trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (Tòa Thánh Tây Ninh). Nội dung đề cập chi tiết đến cách thức tiến hành đại lễ vía Đức Chí Tôn ở Tòa thánh Tây Ninh, trong đó phân tích rất rõ về vấn đề lễ nghi, lễ nhạc, học trò lễ… Cùng nội dung này, năm 1997, Lê Ngọc Hòa viết luận văn cao học về Lễ hội Cao Đài Tây Ninh; và năm 2006, Nguyễn Mạnh Tiến viết luận văn cao học về Lễ hội Cao Đài nhìn từ góc độ văn hóa.
Năm 2008, Huỳnh Thị Phương Trang viết luận án tiến sĩ Đạo Cao Đài hiện nay và ảnh hưởng của nó đến đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng người Việt ở Nam Bộ… Công trình này tập trung nghiên cứu về tổ chức tôn giáo của chi phái Tây Ninh và nêu lên những biến đổi của tổ chức tôn giáo này trong giai đoạn hiện nay. Tác giả đã dùng phương pháp định tính (điều tra bảng hỏi) để nghiên cứu và giải thích, minh chứng những ảnh hưởng của đạo Cao Đài đến đời sống tinh thần của cộng đồng người Việt ở Nam Bộ. Đây là công trình nghiên cứu công phu, có nội dung phong phú và có những nhận xét, đánh giá khoa học về đạo Cao Đài cũng như về những đóng góp của đạo Cao Đài ở khu vực Nam Bộ.
Tóm lại, nghiên cứu về đạo Cao Đài ở Nam Bộ đến hiện nay đã có không ít công trình được công bố. Nội dung của những công trình này đề cập đến nhiều vấn đề như lịch sử, tư tưởng chính trị, văn hóa… Nhưng, nghiên cứu về đời sống tôn giáo của tín đồ Cao Đài, đặc biệt là giải mã những chức năng của nghi lễ, tổ chức, hội đoàn tôn giáo… liên quan đến đời sống tín đồ thì đến nay vẫn chưa có công trình nào thực hiện; hoặc tìm hiểu mối quan hệ giữa văn hóa Nam Bộ với đời sống tôn giáo của tín đồ đạo Cao Đài đến nay vẫn chưa có công trình nào đề cập một cách rõ ràng. Do đó, đề tài của chúng tôi một mặt kế thừa những công trình đã công bố, mặt khác chúng tôi phải tự đi nghiên cứu, tìm hiểu, quan sát, phỏng