Bối cảnh văn hóa Nam Bộ trước khi đạo Cao Đài ra đời

Một phần của tài liệu luận án sự ĐÓNG góp của đạo CAO đài TRONG văn hóa NAM bộ và ẢNH HƢỞNG sắc THÁI của văn hóa NAM bộ (Trang 38 - 45)

Chương 1 NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CỦA VIỆC NGHIÊN CỨU VÀ TỔNG QUAN VỀ ĐẠO CAO ĐÀI Ở NAM BỘ 1.1. Những vấn đề lý luận

1.2. Tổng quan về đạo Cao Đài ở Nam Bộ

1.2.1. Bối cảnh văn hóa Nam Bộ trước khi đạo Cao Đài ra đời

Nam Bộ với diện tích trên 67.000km2, có 19 tỉnh thành (CT:5), là khu vực được người Việt khai phá cách đây hơn 300 năm. Đây là vùng đất tụ cư của nhiều thành phần tộc người, chủ yếu là người Việt, sau đó là người Khmer, Hoa, Chăm và các cư dân bản địa như S’tiêng, Châuro… ngoài ra nơi đây cũng có những người phương Tây sinh sống nên cũng là nơi hội tụ của nhiều dòng văn hóa khác nhau. Do đó, có thể nói văn hóa Nam Bộ từ cuối thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX là văn hóa của sự pha trộn, giao lưu văn hóa các tộc người và các dòng văn hóa Đông-Tây, thể hiện những đặc trưng như:

* Nam Bộ là một vùng văn hóa

Nói Nam Bộ là vùng văn hóa do bởi đây là khu vực có sự tương đồng về môi trường địa lý tự nhiên. Địa bàn Nam Bộ hiện nay là khu vực nằm trên thềm phù sa cũ và mới, thuộc khu vực của hai con sông Đồng Nai và Cửu Long cùng phụ lưu các con sông trên cũng như hệ thống kênh rạch chằng chịt (có tới 57.000km đường kênh rạch [35:313]) và là một vùng đồng bằng châu thổ phì nhiêu.

Khu vực Nam Bộ từ lâu đã có cư dân sinh sống. Theo cứ liệu khảo cổ học, cách đây khoảng 4.000 năm, vùng đất Nam Bộ đã có sự hiện diện của cư dân chủ nhân văn hóa Đồng Nai. Sau đó khoảng đầu thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VII, có sự hiện diện của cư dân của văn hóa Phù Nam, nhưng đến thế kỷ thứ VIII vùng đất Nam Bộ trở thành hoang vu. Đến khoảng thế kỷ XIII, cư dân Khmer ở Campuchia đến khai phá. Họ chọn những rẻo đất cao trên các giồng dọc các triền sông Tiền, sông Hậu để trồng lúa và hoa màu [35:314]. Nhưng để biến Nam Bộ từ vùng đất hoang vu, lầy trũng thành vùng đồng bằng trù phú thì phải nói đến công lao chủ yếu của người Việt.

Từ thế kỷ XVI, người Việt đã có mặt ở Nam Bộ, họ là những cư dân chủ yếu từ miền Trung vào với nguồn gốc xã hội khác nhau. Một số người là tù nhân bị

39

nhà nước phong kiến đưa vào khai hoang đồn điền. Một số người là giang hồ, dân nghèo đi biệt xứ tha phương, tìm đến đây để cư trú. Nhưng chủ yếu họ là binh lính, quan lại được đưa vào đây để bảo vệ, khai phá vùng đất mới, rồi ở lại [178:269].

Người Hoa cũng góp phần trong việc khai khẩn và phát triển vùng đất Nam Bộ. Năm 1672, Mạc Cửu dẫn theo một đoàn gồm 400 người đến khai phá vùng đất Hà Tiên. Năm 1679, Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên được chúa Nguyễn cho vào định cư vùng Mỹ Tho và Biên Hòa. Những người Hoa này được gọi là người Minh Hương, về sau họ nhập vào bộ phận người Việt ở Nam Bộ. Từ thế kỷ XVIII kéo dài cho đến năm 1954, người Hoa vẫn có nhiều đợt di cư đến Nam Bộ để sinh sống.

Người Chăm đến định cư ở Nam Bộ vào khoảng thế kỷ XIX. Họ được xem là cư dân hồi hương từ Campuchia về cư trú ở vùng An Giang, Tây Ninh, Đồng Nai, Sài Gòn…

Khai phá đất Nam Bộ là quá trình lao động vất vả và lâu dài của nhiều thế hệ cư dân nối tiếp nhau. Lưu dân người Việt, Khmer, Hoa, Chăm và các tộc người bản địa như S’tiêng, Châuro… đã đổ mồ hôi, xương máu để biến vùng đất hoang vu này trở thành vùng đồng bằng phì nhiêu như ngày nay. Trong quá trình cộng cư tại khu vực có sự tương đồng về môi trường địa lý – lịch sử, cùng cảnh nghèo khó, thân phận tha phương cầu thực, trải qua những khó khăn vất vả trong quá trình khẩn hoang, cũng như qua các cuộc hôn nhân giữa các tộc người… nên các dân tộc có nguồc gốc khác nhau đã cố kết với nhau, cùng cưu mang, đùm bọc lẫn nhau trong cuộc sống, từ đó dẫn đến quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa lẫn nhau giữa các tộc người.

Cũng chính do quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa ấy mà tín ngưỡng tôn giáo của cư dân Nam Bộ cũng dần biến đổi so với nguồn gốc ban đầu mà các lưu dân mang đến, như Phật giáo Bắc truyền và đạo Minh Sư là những ví dụ điển hình.

40

Phật giáo Bắc truyền được truyền vào Việt Nam từ rất sớm (khoảng TK I SCN) và có quá trình gắn bó với dân tộc Việt, góp phần quan trọng trong việc hình thành tâm lý, lối sống và phong tục tập quán của người Việt.

Khi truyền vào Nam Bộ, để phù hợp với hoàn cảnh khẩn hoang nên Phật giáo Bắc truyền đã có nhiều thay đổi. Các nhà sư Phật giáo Bắc truyền vào Nam Bộ cùng với những người khẩn hoang đã tạo dựng các ngôi chùa thành các trung tâm Phật học để truyền đạt tư tưởng giáo lý Phật giáo uyên thâm. Nhưng bên cạnh đó, yếu tố tín ngưỡng dân gian vẫn được lồng vào trong tư tưởng Phật giáo Nam Bộ. Tại Nam Bộ vẫn có không ít nhà sư không chỉ đảm nhận vai trò của một vị sư tôn giáo, phổ độ chúng sanh mà còn kiêm cả việc đuổi tà, trị quỷ bằng việc luyện bùa phép, roi thần để cứu chúng sanh [52:229]… hoặc việc sự xuất hiện một bộ phận “nhà sư miệt vườn”, học thuộc vài cuốn kinh để đi tụng cầu siêu trong các đám tang [179:37] cũng là một yếu tố mới lạ trong tôn giáo này ở Nam Bộ.

Bên cạnh đó, đạo Minh Sư cũng có những biến đổi khi được truyền vào Nam Bộ. Thoạt đầu đạo Minh Sư chỉ là một hội kín ở Nam Bộ do các cựu thần và thương nhân nhà Minh đem vào, sau đó, tôn giáo này phát triển và phân hóa thành các Tông như Tông Đức kế, Tông Phổ tế Tông Hoằng tế và từ đó chia ra thành 4 chi, gồm Minh Đường, Minh Lý, Minh Thiên Minh Tân. Bốn chi này hợp với chi Minh sư trở thành Ngũ chi minh đạo ở Việt Nam. Tôn giáo này có mối quan hệ đặc biệt với đạo Cao Đài ra đời sau này.

Về Phật giáo, chính tại Nam Bộ đã khởi phát hệ phái Phật giáo Nam truyền và hệ phái Khất sĩ của người Việt, trong khi đó ở miền Trung rất hiếm và ở miền Bắc không có hai hệ phái này. Đây cũng là một sắc thái độc đáo trong đời sống tín ngưỡng tôn giáo của người Việt Nam Bộ.

Ngoài ra, Nam Bộ còn là nơi phát sinh ra nhiều tôn giáo bản địa như Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Hòa Hảo, Cao Đài… Các tôn giáo này ra đời trong hoàn cảnh xã hội đương thời tại Nam Bộ, thể hiện sự hỗn dung văn hóa trong khu vực và mang tính cứu thế cho một bộ phận không nhỏ cư dân Nam Bộ lúc bấy giờ.

41

Như vậy, sự biến đổi và phát sinh những yếu tố mới trong tôn giáo ở Nam Bộ có thể được xem là sắc thái đặc trưng trong quá trình tồn tại đan xen giữa các tộc người. Nhờ đó, hệ thống tôn giáo của cư dân Nam Bộ dần có những điểm chung, bên cạnh những sắc thái tôn giáo riêng của từng dân tộc. Điểm chung nói trên là kết quả hoà đồng tôn giáo đặc sắc của khu vực Nam Bộ và là yếu tố biểu trưng của một vùng văn hóa.

Đề cập đến Nam Bộ như là một vùng văn hóa qua phân tích trên, trong đó yếu tố đặc trưng của vùng văn hóa mà chúng tôi muốn nhấn mạnh là yếu tố hội nhập văn hóa thông qua quá trình giao lưu tiếp xúc văn hóa giữa các tộc người. Sự hội nhập văn hóa này biểu hiện ngay từ buổi đầu định cư của các tộc người. Họ hội nhập với nhau để cùng tồn tại và phát triển. Hội nhập là một nhu cầu nhất thiết của lưu dân nhằm đối phó lại thiên nhiên mới và tạo nên tính cộng đồng ổn định trong xã hội. Do đó có thể khẳng định, việc hội nhập văn hóa đã được người dân Nam Bộ chấp nhận từ những ngày đầu khai phá và có thể từ đó đã trở thành tính cách đặc trưng của người Nam Bộ và cũng tạo thành một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng của các tộc người ở vùng văn hóa.

* Nam Bộ là nơi sớm tiếp xúc văn hóa phương Tây

Thực dân Pháp chính thức nổ súng xâm lược nước ta vào năm 1858. Năm 1862, ba tỉnh miền Đông rơi vào tay Pháp và đến năm 1867 toàn bộ khu vực lục tỉnh Nam Kỳ đều nằm dưới quyền kiểm soát của người Pháp. Nhưng không phải đến khi người Pháp đặt chân xâm lược nước ta thì cư dân Nam Bộ nói riêng và cư dân cả nước nói chung mới tiếp xúc văn hóa phương Tây mà trước đó, người Việt đã giao thương với người phương Tây. Riêng cư dân Nam Bộ đã tiếp xúc văn hóa phương Tây vào khoảng thế kỷ XVIII, khi các nhà truyền giáo, thương buôn đến hoạt động tại khu vực này. Lúc Nam Kỳ lục tỉnh trở thành thuộc địa của Pháp thì văn hóa phương Tây đã ít nhiều ảnh hưởng đến người dân Nam Bộ. Lúc ấy, để phục vụ cho chính sách mở rộng thuộc địa, thực dân Pháp đã cố gắng tạo ra thiết chế văn hóa mới theo kiểu phương Tây dưới hình thức cưỡng bức về mặt chính trị.

Nhưng, sự đối kháng về chính trị dẫn đến sự đối kháng về văn hóa, nên các nhà Nho yêu nước và đại bộ phận nhân dân đã quyết liệt phản đối văn hóa Pháp. Tuy

42

nhiên, với quyết tâm xây dựng thiết chế văn hóa mới của thực dân Pháp, cùng với việc phân biệt sự khác nhau giữa thực dân xâm lược và văn hóa, nên cư dân Nam Bộ đã dần tiếp thu, giao lưu tiếp biến và hội nhập với văn hóa Pháp, văn hóa phương Tây.

Sự giao lưu, hội nhập văn hóa phương Tây ở Nam Bộ trong suốt quá trình phát triển được thể hiện qua các lĩnh vực như chữ viết, giáo dục, truyền thông,…

- Về chữ viết, các giáo sĩ người Bồ Đào Nha đã dựa trên cách ký âm của Alexande de Rhodes và sự giúp sức của nhiều người Việt theo đạo Công giáo đã tạo ra chữ Quốc ngữ dưới hình thức Latinh hóa nhằm thay thế chữ Hán, chữ Nôm truyền thống của dân tộc. Do sự cưỡng bách của thực dân Pháp dưới nhiều hình thức, nên chữ Quốc ngữ đã dần dần ảnh hưởng đến diễn trình văn hóa giáo dục của dân tộc Việt Nam.

- Về giáo dục, trước khi thực dân Pháp đến xâm chiếm Việt Nam, Nho học chiếm vai trò chủ đạo. Sau khi đã đặt được nền móng đô hộ, thực dân Pháp dần thay đổi hệ thống giáo dục Nho học. Ở Nam Bộ, thực dân Pháp mở trường Pháp - Việt vào tháng 9 năm 1861, sau đó mở tiếp trường Thông ngôn vào tháng 7 năm 1864. Tháng 3 năm 1879, thực dân Pháp cho mở Sở học chính Nam kỳ, là mốc mở đầu cho chương trình giáo dục Pháp - Việt ở Sài Gòn. Việc mở trường học nhằm đào tạo đội ngũ trí thức Tây học mới để xây dựng đội ngũ quan lại, công chức cho chính quyền thuộc địa. Sau này, một bộ phận quan lại, công chức chính quyền Pháp như Ngô Văn Chiêu, Lê Văn Trung, Nguyễn Văn Ca, Nguyễn Ngọc Tương, Lê Bá Trang… đã gầy dựng và phát triển đạo Cao Đài ở Nam Bộ.

- Về truyền thông đặc biệt là báo chí, người Pháp đã cho xuất bản những tờ báo đầu tiên ở Nam Bộ như Nam Kỳ viễn chinh công báo (Le bulletin offieciel L’expedition de la Cochinchine) và Xã Công báo (Le bulletin des communes) vào năm 1861, Sài Gòn thời báo (Le Courrier de Saigon) xuất bản số đầu tiên vào năm 1862… Người Pháp dùng những tờ báo này phục vụ cho công cuộc khai hóa thuộc địa, nhưng cũng chính từ phương tiện truyền thông này, trí thức yêu nước Nam Bộ đã học hỏi người Pháp, đã dùng báo chí để tuyên truyền tư tưởng dân chủ tiến bộ phục vụ cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Tiêu biểu cho những

43

nhà báo yêu nước tiến bộ lúc bấy giờ là Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh… Họ đã đăng toàn văn Tuyên ngôn Đảng Cộng sản trên báo Tiếng chuông rè để truyền bá thức tỉnh dân chúng. Những tín đồ theo đạo Cao Đài cũng dùng báo chí để tuyên truyền tôn giáo của mình, như những bài viết của Nguyễn Phan Long đăng trên tờ báo Tiếng vọng Annam (L’Echo Annamite).

- Cơ cấu tổ chức hành chính ở Nam Bộ cũng được thay đổi. Năm 1832, khi Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt qua đời, vua Minh Mạng bãi bỏ Gia Định thành, tổ chức lại thành các tỉnh, gồm Gia Định, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên và kể từ đó xuất hiện tên Nam kỳ lục tỉnh. Đứng đầu mỗi tỉnh là Quan chủ tỉnh. Khi toàn xứ Nam kỳ rơi vào tay Pháp, chính quyền Pháp đã chia Nam kỳ thành các địa hạt (Inspection), rồi đến các hạt (Arrondissement), đứng đầu các hạt là các quan Tham biện. Sau năm 1899, Liên Bang Đông Dương được thành lập, gồm 5 xứ: Bắc kỳ (Tonkin), Trung kỳ (Annam), Nam kỳ (Cochinchine), Cao Miên (Cambodge) và Lào (Laos), trong đó Nam kỳ là xứ thuộc địa trực trị của Pháp, số còn lại được đặt dưới quyền bảo hộ của Pháp. Từ đó, cơ cấu hành chính của Nam kỳ được phân bố lại, trong đó người đứng đầu là Thống đốc Nam kỳ (Gouverneur de la Cochinchine), rồi đến Thanh tra chính trị và hành chính (Inspecteur des Affaires politiques et administratives), Chủ tỉnh (Administrateur – chef de province) và Chủ quận. Ngoài Chủ quận, các chức vụ trên đều do người Pháp nắm giữ. Chủ quận do người Việt đảm nhận và mang các chức danh của triều đình phong kiến như Quan huyện, Quan phủ, Quan đốc phủ sứ…

Trong xã hội, các giai tầng xã hội xuất hiện và có sự phân hóa sâu sắc với những tầng lớp như địa chủ phong kiến, tư sản, tư sản mại bản, tư sản dân tộc, tiểu tư sản, công nhân, nông dân,… trong đó giai tầng thấp nhất và bị áp bức, bóc lột nhiều nhất trong xã hội là nông dân và công nhân. Từ sự phân hóa này đã tạo ra mâu thuẫn trong xã hội Nam Bộ lúc bấy giờ và sự thua thiệt bao giờ cũng rơi vào giai tầng thấp. Thêm vào đó là nỗi nhục của người dân mất nước đã khiến nhiều sĩ phu và người dân lao động đứng lên đấu tranh để giành quyền sống, nên hàng loạt cuộc khởi nghĩa nổ ra ở Nam Bộ vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX

44

như khởi nghĩa của Trần Văn Thành, Trần Văn Chất, Nguyễn Trung Trực, Phan Xích Long… nhưng tất cả đều thất bại. Vì vậy, trong giai đoạn này, cuộc sống của người dân, đặc biệt là nông dân nghèo Nam Bộ rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Họ luôn tìm kiếm những chỗ mới cho cuộc sống của họ, và một trong những chỗ dựa tinh thần của họ lúc bấy giờ là các tôn giáo và kết quả là hàng loạt tôn giáo ra đời ở Nam Bộ.

Bên cạnh những yếu tố vừa nêu, Nam Bộ còn xuất hiện thêm Thuật chiêu hồn. Đây là một loại hình nói về cách thông công giữa người đang sống với người đã chết, giống với hình thức cầu cơ mà người Trung Quốc truyền sang Việt Nam thông qua đạo Minh Sư, chỉ khác nhau về cách thức thực hiện. Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi biết được hai hình thức này như sau:

- Về hình thức cầu cơ, muốn tiếp xúc được các đấng thiêng liêng, người cầu cơ phải sắp bàn thờ thật trang nghiêm, đốt nhang đèn để cúng bái; cần phải có ngọc cơ (Hình – H:42), mâm đựng cát hoặc bàn kiếng. Số người tham gia trong buổi cầu cơ ít nhất phải 5 người, trong đó 2 người làm đồng tử (người đồng âm, người đồng dương), 1 pháp đàn, 1 đọc giả, 1 điển ký. Hai đồng tử có nhiệm vụ cầm ngọc cơ; pháp đàn đứng chứng đàn, đọc kinh cầu đấng thiêng liêng nhập đàn.

Khi đấng thiêng liêng nhập vào hai đồng tử thì sử dụng ngọc cơ để viết chữ trên mâm cát hoặc trên bàn kiếng có đổ rượu lên trên. Đọc giả đứng ngay tại bàn cơ, đọc to những chữ được viết ra để người làm điển ký nghi lại.

- Về thuật chiêu hồn, Người thực hiện thuật chiêu hồn dùng một cái bàn nhỏ kê cao một chân để cho cái bàn bị khập khiểng. Hai người ngồi đối diện đặt tay trên mặt bàn. Một người ngồi ngoài để ghi ký tự khi bàn chuyển động, gõ chân xuống nền đất. Những người thực hiện thuật chiêu hồn có qui ước là gõ chữ theo mẫu tự Latinh. Ví dụ, gõ một nhịp là chữ A, hai nhịp liên tục là chữ B, ba nhịp là chữ C… sau đó các ký tự được ghép lại để trở thành chữ hoàn chỉnh, rồi ghép các chữ lại để trở thành câu. Hình thức thực hiện như trên trong đạo Cao Đài gọi là Xây bàn. Việc xây bàn thường tổ chức vào ban đêm ở ngoài trời. Người muốn xây bàn sau khi đã chuẩn bị xong mọi thứ liền khấn nguyện, yêu cầu vong linh nhập bàn, sau đó họ giữ cho không gian thanh tịnh và chờ đợi vong nhập. Khi vong

Một phần của tài liệu luận án sự ĐÓNG góp của đạo CAO đài TRONG văn hóa NAM bộ và ẢNH HƢỞNG sắc THÁI của văn hóa NAM bộ (Trang 38 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(348 trang)