Chương 2 ĐỜI SỐNG TÔN GIÁO CỦA TÍN ĐỒ CAO ĐÀI Ở NAM BỘ 2.1. Đức tin của tín đồ Cao Đài
2.3. Tổ chức của đạo Cao Đài
2.3.2. Chức năng của tổ chức tôn giáo
Từ những phân tích trên cho thấy chức năng của tổ chức đạo Cao Đài như sau:
* Chức năng thực hành nghi lễ
Chúng tôi nhận thấy, trong nghi lễ tôn giáo, vai trò và chức năng của các vị chức sắc trong từng tổ chức rất quan trọng. Họ được phân công giữ nhiệm vụ rất cụ thể trong việc thực hành nghi lễ:
- Chức sắc và chức việc Cửu trùng đài giữ nhiệm vụ thực hành nghi lễ.
Người chủ lễ (chứng đàn) tại Thánh thất phải có phẩm vị từ Lễ sanh trở lên, còn chủ lễ tại Đền thánh phải là người giữ phẩm vị từ Giáo sư trở lên. Trong các ngày Đại lễ, chứng đàn là người giữ phẩm vị cao nhất trong Ban hành lễ tại cơ sở.
Những người còn lại có nhiệm vụ thực hành và phục vụ như dâng lễ, tiếp lễ, đọc sớ…
- Chức sắc Hiệp thiên đài giữ vai trò giám đàn, kiểm soát hành vi của các tín đồ khi thực hành nghi lễ.
95
Khi hành lễ, từ đạo hữu đến chức việc, chức sắc, tùy theo từng phẩm vị mà mặc lễ phục trang nghiêm. Lễ phục của chức sắc bao gồm hai bộ : đại phục và tiểu phục (xem phần lễ phục ở chương 3); còn chức việc và đạo hữu chỉ một bộ. Khi hành lễ, tùy theo tính chất của từng buổi lễ mà tín đồ Cao Đài mặt lễ phục phù hợp. Việc mặc lễ phục nhằm thể hiện sự tôn kính của tín đồ đối với các đấng thiêng liêng của họ và cũng nhằm biểu hiện bậc công phu tu tiến mà họ đạt được đối với toàn thể tín đồ.
* Chức năng duy trì hoạt động và phát triển tôn giáo
Có thể khẳng định, tôn giáo phát triển là nhờ vào hệ thống tổ chức. Do đó, ngay từ khi đạo Cao Đài ra đời, hệ thống tổ chức đã được sắp đặt và dần hoàn thiện với cơ cấu Tam đài, lưỡng phái; trong đó chú trọng đến hai cơ quan hữu hình đài là Cửu Trùng đài và Hiệp Thiên đài. Đây là cơ cấu được tổ chức theo mô hình nhà nước. Hiệp Thiên đài như cơ quan tư pháp của đạo; Cửu Trùng đài như cơ quan hành pháp; ngoài ra còn có các Hội như Hội nhân sanh, Thượng hội, Hội thánh có chức năng như Quốc hội; Hệ thống Cửu viện có chức năng như các bộ, ngành; Ngoài ra còn có các Tòa Tam giáo giữ vai trò như viện kiểm soát, tòa án trong một nhà nước.
Hệ thống tổ chức được phân cấp từ trung ương đến địa phương (xem sơ đồ 6), trong đó cấp Hội thánh tương ứng với cấp trung ương, người đứng đầu Hội thánh là Giáo tông; cấp Khâm trấn đạo tương ứng với một vùng, người đứng đầu là Giáo sư; cấp Khâm Châu đạo tương ứng với một tỉnh, người đứng đầu là Giáo hữu; cấp Đầu tộc đạo tương ứng với một huyện, người đứng đầu là Lễ sanh; cấp Ban trị sự tương ứng với một xã, người đứng đầu là Chánh trị sự.
Như vậy, với việc phân cấp như trên, đạo Cao Đài đã tạo cho mình một hệ thống tổ chức khá phức tạp trong việc quản lý, duy trì và phát triển tín đồ từ cơ sở đến cấp trung ương. Mỗi tín đồ trong tổ chức tôn giáo đều phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình. Chính sự cố gắng ấy, tín đồ của đạo Cao Đài sẽ có những bước thăng tiến về địa vị và có được quyền lực cá nhân trong tổ chức.
- Sự thăng tiến của tín đồ trong tổ chức tôn giáo: Sự thăng tiến được biểu hiện qua từng cấp bậc trong hệ thống tổ chức của đạo Cao Đài. Một cá nhân muốn
96
đứng vào cấp bậc cao trong hệ thống tổ chức phải trải qua những bước thăng tiến của mình, nghĩa là phải đi từ thấp đến cao, phải luôn nỗ lực không ngừng trên con đường hành đạo. Từ đạo hữu bình thường muốn lên phẩm Thông sự hoặc Phó Trị sự phải trải qua 5 năm công nghiệp trong đường đạo, với những qui định như giữ trai kỳ (ăn chay ít nhất 10 ngày trong tháng), công quả, tu đạo và đặc biệt phải giữ đức hạnh, có uy tín trong cộng đồng tín đồ.
Từ Phó Trị sự lên Chánh Trị sự cũng phải trải qua 5 năm công nghiệp và muốn thăng tiến lên những phẩm vị cao hơn nữa, tín đồ của đạo Cao Đài phải không ngừng cố gắng trên con đường tu hành của mình. Chính sự nỗ lực đó là những nấc thang để tín đồ thăng tiến. Sự thăng tiến của tín đồ sẽ dần đưa họ đứng vào hàng ngũ tổ chức của đạo Cao Đài. Do đó, một tín đồ được giữ một phẩm vị nào đó trong tổ chức của đạo Cao Đài là một minh chứng khẳng định cho sự thăng tiến của họ trên con đường tu hành; phẩm vị càng cao đồng nghĩa với việc khẳng định sự thăng tiến càng lớn.
- Quyền lực của cá nhân trong tổ chức tôn giáo: Sự thăng tiến của tín đồ trong tổ chức tôn giáo cũng đồng nghĩa với việc thăng tiến về mặt quyền lực. Hệ thống tổ chức của đạo Cao Đài phân chia cấp bậc và quyền hạn của từng phẩm vị.
Người giữ phẩm vị càng cao sẽ có quyền hành càng lớn. Do đó, khi tín đồ đạt được một phẩm vị nào đó thì quyền lực của phẩm vị đó sẽ do họ nắm giữ. Ví dụ, Thông sự sẽ nắm quyền về mặt tư pháp của một địa phương; Chánh Trị sự nắm quyền làm chủ một Hương đạo (cấp địa phương), Lễ sanh nắm quyền làm chủ một Họ đạo…. Khi làm chủ một địa vị nào, họ toàn quyền điều phối công việc ở đó, cốt để nền đạo phát triển.
Chính vì thế có thể khẳng định, cơ cấu tổ chức của đạo Cao Đài cũng chính là cơ cấu tổ chức quyền lực, trong đó từng cá nhân theo địa vị của mình sẽ thể hiện những quyền lực khác nhau. Mục đích của việc thể hiện quyền lực cá nhân trong tổ chức tôn giáo là nhằm chức năng quản lý, duy trì và phát triển tôn giáo của họ.
97
Như vậy, sự thăng tiến của tín đồ sẽ gắn liền với quyền lực và nhờ có quyền lực mà các cá nhân trong tổ chức có thể duy trì phát triển tôn giáo Cao Đài ở Nam Bộ trong suốt những năm qua.
* Chức năng giới trong tổ chức: Đạo Cao Đài khác với các tôn giáo trước là trong tổ chức tôn giáo có sự tham gia của nữ giới. Nữ giới được xem trọng và quyền hành gần như tương đương với nam giới. Nam giới, giữ phẩm nhỏ hơn hoặc thọ phẩm sau nữ giới, vẫn phải phục tùng hoặc khiêm nhường trước nữ giới. Điều này chứng tỏ, yếu tố phân biệt giới trong đạo Cao Đài đã có sự chuyển biến theo xu hướng bình đẳng, nhưng vẫn chưa thật triệt để. Cụ thể, nữ giới vẫn không thể nắm giữ quyền Giáo tông hoặc Chưởng pháp ở Cửu Trùng Đài. Tại cơ quan Hiệp Thiện Đài, không có chức sắc là nữ giới. Nguyên nhân, theo giải thích của đạo Cao Đài là Dương phải luôn vượt Âm thì đạo mới phát triển. Nhưng thực chất, trong xã hội Nam Bộ, mặc dù phụ nữ có phần được xem trọng, nhưng tư tưởng
"trọng nam" vẫn chiếm vị trí đáng kể trong hệ tư tưởng xã hội. Do đó, mặc dù trong hệ thống tín ngưỡng dân gian Nam Bộ, vai trò của Thánh Mẫu và Nữ thần được đề cao, được thờ phụng ở nhiều nơi, nhưng trong cơ cấu xã hội, đặc biệt là trong các tổ chức tôn giáo, vị trí của nữ giới vẫn không thể ngang bằng nam giới, và đạo Cao Đài dù cố gắng thực hiện yếu tố "bình đẳng giới" trong cơ cấu tổ chức tôn giáo của mình, nhưng vẫn không thể vượt qua hệ tư tưởng này. Do đó, nữ giới vẫn chỉ giữ vị trí nhất định trong tổ chức tôn giáo của đạo Cao Đài.
Như vậy, tổ chức tôn giáo của đạo Cao Đài đã chứa đựng những chức năng quan trọng của nó nhằm duy trì sự ổn định xã hội trong tôn giáo Cao Đài như quan điểm mà R. Brown đã nhận định là duy trì sự toàn vẹn của hệ thống xã hội. Điểm đặc biệt trong tổ chức tôn giáo của đạo Cao Đài so với các tôn giáo khác là đã xem trọng vai trò nữ giới, mặc dù không triệt để như nam giới.