Chương 1 NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CỦA VIỆC NGHIÊN CỨU VÀ TỔNG QUAN VỀ ĐẠO CAO ĐÀI Ở NAM BỘ 1.1. Những vấn đề lý luận
1.1.3. Lý thuyết nghiên cứu
Từ việc xác định các hướng tiếp cận nêu trên, trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi vận dụng một số lý thuyết sau:
* Các lý thuyết liên quan đến vùng văn hóa
Vùng văn hóa là một khái niệm được đưa ra nhằm nghiên cứu sự tương đồng văn hóa và đặc trưng văn hóa của vùng, qua đó có thể phân biệt văn hóa của vùng này với vùng khác. Hiện nay, có nhiều trường phái lý thuyết về vùng văn hóa, trong đó có thể kể đến các trường phái của các nhà Nhân học Tây Âu với thuyết “Khuyếch tán văn hóa”, Bắc Mỹ với thuyết mang tên “vùng văn hóa (culture area)” và Xô Viết với tên “khu vực văn hóa – lịch sử” hay “vùng lịch sử – dân tộc học”.
- Trường phái Tây Âu
Thuyết Khuyếch tán văn hóa được bắt nguồn từ các công trình nghiên cứu của các học giả Âu – Mỹ khi đề cập đến các cụm từ thiên di, lan tỏa, mô phỏng…
nhằm giải thích cho các hiện tượng tương đồng văn hóa. Đến thập niên cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, thuyết Khuyếch tán văn hóa được phát triển và hình thành nên những trường phái như trường phái Văn hóa- lịch sử ở Đức và Áo, trường phái truyền bá văn hóa ở Anh,… Nội dung của lý thuyết này giải thích sự phát triển của các nền văn minh, văn hóa không phải là sự tiến hóa độc lập, mà cơ bản hoặc thậm chí chỉ bằng những sự vay mượn các thành tựu văn hóa hay bằng các
25
cuộc thiên di của các dân tộc. Tuy nhiên, lý thuyết này có những hạn chế khi phủ nhận vai trò hoạt động của con người, mà nhấn mạnh đến khía cạnh tinh thần và tôn giáo nên mạng nặng tính duy tâm [131:19-28].
- Trường phái Bắc Mỹ
Các thuyết liên quan đến vùng văn hóa do các nhà Nhân học Bắc Mỹ đưa ra cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX nhằm mục đích chống lại thuyết tiến hóa (CT:2) của E.B. Tylor và L.H. Morgan; và cũng nhằm phê phán thuyết khuyếch tán văn hóa (CT:3) của các nhà nghiên cứu phương Tây. Những người đặt nền tảng cho việc nghiên cứu vùng văn hóa có thể kể đến như Franz Boas, C.L.
Wissler…
Franz Boas phân tích, văn hóa của mỗi dân tộc được hình thành trong quá trình lịch sử, gắn liền với môi trường xã hội nhất định và trong điều kiện địa lý cụ thể [182]. Ông cũng nêu lên lý thuyết về sự biến đổi văn hóa khi nhận thấy đời sống xã hội của các dân tộc thường xuyên vay mượn từ các xã hội lân cận hơn là sáng tạo một cách độc lập. Sự biến đổi văn hóa là mối quan hệ qua lại giữa các xã hội khác nhau và chính mối liên hệ này đã tạo điều kiện cho sự giao lưu và thích nghi văn hóa. Ông đã tập trung mối quan tâm của mình vào các mô hình vay mượn văn hóa theo thời gian và xem đó là một hình thức nghiên cứu về vùng văn hóa, trong đó bao gồm nhiều loại hình văn hóa dẫn đến sự tương đồng, gần gũi với nhau trong vùng như nghi lễ, phong tục tập quán, phong cách âm nhạc, phương pháp làm đồ gốm…
C.L. Wissler đã từng nghiên cứu ở khu vực Bắc Mỹ và đưa ra khái niệm vùng văn hóa khi chia khu vực lãnh thổ cư trú của người Da đỏ (Indian) thành 8 vùng. C.L. Wissler nhận định mang tính nguyên tắc là nghiên cứu các vùng văn hóa nhất thiết phải bắt đầu từ việc phân tích một tổ hợp các yếu tố văn hóa, không thể nhìn nhận riêng rẽ từng yếu tố một, chúng hợp thành một thể thống nhất không thể chia cắt, đó chính là kết quả của quá trình lâu dài nhóm cư dân ấy thích ứng với những điều kiện của môi trường sinh thái. Theo Wissler, tổ hợp văn hóa là tập hợp những yếu tố văn hóa đặt trưng, gắn với trung tâm của vùng văn hóa [130:28- 31].
26
Như vậy, với trường phái Bắc Mỹ, các nhà lý thuyết rất xem trọng đến yếu tố giao lưu tiếp biến văn hóa (acculturation) giữa các tộc người trong cùng khu vực và đặc biệt là sự chi phối của môi trường, lịch sử đến việc hình thành các giá trị văn hóa tộc người.
- Trường phái Xô Viết
Học giả tiêu biểu cho trường phái này là Trêbôcxarốp và Trêbôcxarôpva, hai nhà khoa học này đã đưa ra thuyết khu vực văn hóa – lịch sử với nội dung:
“Khu vực văn hóa – lịch sử (vùng lịch sử – dân tộc học) là một vùng mà ở đó sinh sống những tộc người. Trong quá trình lịch sử lâu dài, giữa họ có những giao lưu, ảnh hưởng khăng khít với nhau, từ đó hình thành nên những yếu tố văn hóa chung thể hiện trong văn hóa vật chất, cũng như văn hóa tinh thần” [130:40]. Nội dung này nhấn mạnh đến yếu tố giao lưu và ảnh hưởng lâu dài giữa các tộc người trong một khu vực để tạo nên sự thống nhất cơ bản của vùng văn hóa. Sự thống nhất đó được biểu hiện qua các đặc trưng văn hóa như nhà cửa, trang phục, ăn uống, phương tiện đi lại, lễ nghi, phong tục, tín ngưỡng, lễ hội, các sáng tác tuyền miệng…
Như vậy, với các lý thuyết liên quan đến vùng văn hóa, chúng tôi có thể vận dụng để giải thích hiện tượng tương đồng văn hóa, biến đổi văn hóa, quan điểm giới và kể cả vấn đề không gian và thời gian trong tôn giáo Cao Đài mà chúng tôi đã nêu trong các hướng tiếp cận nghiên cứu của đề tài.
* Lý thuyết chức năng
Thuyết chức năng xuất hiện vào nửa đầu thế kỷ XX gắn liền với tên tuổi của Bronislaw Malinowski (1884-1942) và sau đó là Arthur Reginald Radcliffe Brown (1881 – 1955).
B. Maliknowski đã trải qua thời gian 6 năm (từ 1914 đến 1920) để nghiên cứu đời sống của dân đảo Trobriand và đã viết nhiều tác phẩm về các tập tục của người dân ở đây. Ông là người đặt nền tảng cho thuyết chức năng. Còn Radcliffe- Brown là người có tầm ảnh hưởng trong việc phát triển lý thuyết này. Quan điểm của Malinowski và Radcliffe Brown là không xem những tập tục của các xã hội có
27
quy mô nhỏ như là những tàn dư của một thời kỳ trước đó, mà phải giải thích theo chức năng hiện thời của chúng.
Có ba định nghĩa khác nhau về khái niệm chức năng mà các nhà lý thuyết chức năng đưa ra [223:28]:
1. Định nghĩa thứ nhất hiểu “chức năng” theo một nghĩa có vẻ toán học. Mọi tập tục đều có tương quan với tất cả những tập tục khác trong cộng đồng, vì vậy mỗi tập tục quy định tình trạng của những tập tục kia.
2. Định nghĩa thứ hai, do Malinowski sử dụng, được rút ra từ sinh học. Chức năng của các tập tục là để thỏa mãn những nhu cầu sinh học chủ yếu của cá nhân thông qua phương tiện văn hóa.
3. Định nghĩa thứ ba do Radcliffe-Brown lấy từ quan điểm của Durkheim.
Chức năng của mỗi tập tục là vai trò mà nó nắm giữ trong việc duy trì sự toàn vẹn của hệ thống xã hội.
Từ các định nghĩa trên cho thấy, B. Malinowski chú trọng đến chức năng của văn hóa. Theo ông, để giải thích các tập tục phải dựa vào chức năng hiện có của chúng và điều này sẽ làm cho việc kiểm chứng được dễ dàng và khoa học hơn.
Ông đưa ra hai ví dụ về chức năng trong tập tục của người dân đảo Trobriand là khi đóng thuyền đi biển, người thợ đóng thuyền thường đọc những lời thần chú trong quá trình hoàn thành chiếc thuyền; hoặc họ luôn thực hiện những nghi lễ
“bùa phép” khi đi đánh bắt ngoài biển khơi. Còn lúc đánh cá ở ven hồ hoặc tại vùng biển cạn, ít nguy hiểm đến tính mạng thì họ sẽ không có những nghi lễ liên quan đến “bùa phép”. Giải thích cho hai trường hợp này, Malinowski cho rằng, việc “đọc thần chú” và “làm bùa phép” là nhằm trấn an tâm lý của con người. Khi đọc thần chú, người thợ sẽ có được sự tự tin để hoàn thành con thuyền; cũng như khi làm bùa phép thì người đánh cá sẽ an tâm hơn khi đối mặt với biển cả [216].
Do đó, những tập tục xuất hiện trong đời sống cộng đồng đều gắn liền với một chức năng nào đó về mặt tâm lý của con người và những tập tục xuất hiện theo nguyên tắc của nó. Malinowski còn cho rằng, tìm những nguyên tắc khi cộng đồng thực hiện những tập tục cũng quan trọng không kém việc quan sát cộng đồng thực hiện tập tục đó. Vì vậy, ông đã xây dựng lý thuyết trên nguyên tắc sinh học có
28
quan hệ chặt chẽ với việc nghiên cứu các phương thức nhằm thỏa mãn những nhu cầu cuộc sống của con người trong ăn, ở, sinh hoạt. Từ chức năng được dùng ở đây theo nghĩa là “thỏa mãn nhu cầu sinh học chủ yếu (của cá nhân) thông qua những phương tiện của văn hóa”. Ông lập luận, văn hóa “là cách thức hữu hiệu và bền vững hơn để thỏa mãn những nhu cầu sinh học bẩm sinh của con người”
[223:31] và điều này tạo ra một bản sắc riêng biệt của tộc người. Do đó, thuyết chức năng là nền tảng xem văn hóa là một hệ thống cân bằng, vì vậy mà Malinowski lập luận, bất kỳ văn hóa nào trong tiến trình phát triển cũng đều tạo ra một hệ thống cân bằng, ổn định, trong đó mỗi bộ phận đều thực hiện chức năng của nó. Nếu triệt tiêu một yếu tố nào đó trong văn hóa thì toàn bộ hệ thống văn hóa tộc người sẽ lâm vào tình trạng suy thoái và hủy hoại. Do đó, ông thường lên án sự can thiệp thô bạo của các quan chức thực dân vào cuộc sống của cư dân bản địa. Sự can thiệp đó chứng tỏ sự thiếu hiểu biết về những giá trị của các nền văn hóa. Ông nhấn mạnh truyền thống theo cách nhìn sinh học là hình thức thích nghi của tập thể cộng đồng đối với môi trường của nó. Tiêu diệt truyền thống kéo theo tổ chức xã hội sẽ mất đi, đó là điều không thể tránh khỏi [223:34].
Khác với Malinowski, A.Radchiffe Brown quan tâm đến chức năng văn hóa theo hướng cấu trúc. Ông dựa trên quan điểm của Durkheim khi cho rằng xã hội là một thực thể đặc biệt không đồng nhất với cá thể. Bất kỳ một hệ thống nào cũng được xác định bằng các đơn vị (yếu tố) cấu thành nó và các quan hệ giữa chúng.
Do vậy, chức năng của một tập tục là sự đóng góp của nó vào đời sống liên tục của “cơ thể xã hội”. Radchiffe Brown định nghĩa sự thống nhất chức năng là “một tình trạng trong đó tất cả mọi thành phần của một hệ thống xã hội cùng làm việc với nhau ở một mức độ hài hòa hoặc thống nhất nội bộ (để tiếp tục như một hệ thống), tức là không tạo ra những xung đột kéo dài mà không giải quyết hoặc điều chỉnh được” [223:37].
Mục đích của Radchiffe Brown là không giải thích sự đa dạng của xã hội loài người mà là khám phá những quy luật của hành vi xã hội. Khám phá bằng cách quan sát trong những loại xã hội nhất định sẽ tìm thấy có một số quan hệ xã hội đặc trưng nào đó. Theo ông, không phải mọi tập tục đều nhất thiết cần có một
29
chức năng tích cực và một số hệ thống xã hội có thể cao hơn những hệ thống xã hội khác do mức độ tích hợp (integration) của nó. Radcliffe Brown thừa nhận, ý tưởng thống nhất chức năng của một hệ thống xã hội là một giả thuyết và sự đối nghịch hay đối kháng giữa các nhóm bên trong xã hội là một tính chất vốn có của mọi hệ thống xã hội. Ông cũng nhận định, khi cơ cấu của một cơ thể động vật hiển thị một cách trực tiếp, thì cơ cấu xã hội không thể thấy trực tiếp được, mà phải suy luận từ việc quan sát những điều lặp đi lặp lại trong các hành động của những người tham dự. Theo ông, trong một hệ thống xã hội, một tập tục hay thể chế có thể được thay thế bởi một cái khác mà chính hệ thống xã hội không bị tan vỡ. Các xã hội có thể thay đổi theo cách mà các cơ thể động vật thường không thay đổi được.
Tuy nhiên trong những thập niên gần đây, thuyết chức năng đã bị phê phán như cho rằng quan điểm của B. Malinowski là không sáng tỏ khi cho rằng thể chế xã hội chỉ dựa trên những nhu cầu, do đó không thể có cái nhìn rõ hơn về đời sống xã hội [6:93].
Theo chúng tôi quan niệm, thuyết chức năng nêu trên có giá trị để giải thích cho nhu cầu về một tôn giáo trong đời sống con người và đến nay nếu tiếp cận tôn giáo dưới hình thức nhu cầu của một xã hội, của cộng đồng tộc người thì thuyết chức năng vẫn giữ được giá trị khoa học của nó. Trong trường hợp đạo Cao Đài thì chúng tôi có thể vận dụng lý thuyết này để giải thích về các chức năng trong đời sống tôn giáo của tín đồ Cao Đài.
* Nghi lễ chuyển đổi (Rites of passage)
Nghi lễ chuyển đổi là một phần trong thuyết cấu trúc, do nhà Dân tộc học người Pháp Arnold Van Gennep (1873-1975) đưa ra vào thế kỷ XX, sau đó được phát triển vào thập niên 60 của thế kỷ XX bởi các nhà Nhân học Mary Douglar, Victor Turner.
Nghi lễ chuyển đổi là nghi lễ đánh dấu sự thay đổi vị thế xã hội của con người. Nghi lễ chuyển đổi thường đi kèm với những lễ nghi xung quanh những sự kiện liên quan đến đời người như việc ra đời của một đứa trẻ, tuổi vào đời, hôn lễ, thượng thọ… Không giống với khái niệm chu kỳ đời người (circle life) thường
30
dùng để chỉ về chu kỳ sinh học (sinh ra - trưởng thành - kết hôn – già yếu - chết) [20:130], nghi lễ chuyển đổi là nghi lễ được tiến hành như một sự tiếp nhận khi một cá nhân được chuyển từ vị thế xã hội này sang một vị thế xã hội khác.
Theo Van Gennep, nghi lễ chuyển đổi có ba hình thức và ông sử dụng hai nhóm thuật ngữ tương đương để chỉ cho ba hình thức là: cách ly (separation), chuyển tiếp (transition) và tái hội nhập (incorporation); hoặc tương ứng với ba hình thức trước ngưỡng (preliminal), trong ngưỡng (liminal) và sau ngưỡng (postliminal) (CT:4).
Đưa ra lý thuyết này, Van Gennep muốn nhấn mạnh đến vai trò văn hóa, bằng cách thông qua những lễ nghi văn hóa mà vai trò và địa vị của con người được xác lập ở vị thế khác trước (có thể là cao hơn) trong xã hội, và cũng nhằm đánh dấu bước phát triển của con người về vị trí xã hội theo qui định của mỗi nền văn hóa.
Nghi lễ chuyển đổi gồm nhiều loại hình khác nhau tùy thuộc vào qui định của mỗi nền văn hóa. Nó có thể dựa trên nhiều yếu tố như sự phát triển về mặt sinh học của con người bằng việc đánh dấu những bước đi đầu đời, những lời nói đầu tiên của đứa trẻ, hoặc đánh dấu sự trưởng thành của cô gái qua các biểu hiện về mặt sinh học như việc có kinh nguyệt lần đầu tiên, mang thai lần đầu tiên hay sinh con lần đầu tiên…; cũng có thể dựa trên nghi lễ của tôn giáo bằng các lễ rửa tội, nhập môn, tẩy uế cơ thể, thăng chức giáo phẩm…; hay dựa vào lễ nghi của phong tục - tập quán như đầy tháng, thôi nôi, thành nhân, hỏi cưới, mừng thọ, hoặc cũng có thể dựa vào một số loại nghi lễ khác do nền văn hóa đó qui định như cắt tóc lần đầu tiên, tốt nghiệp, thăng chức…
Nghi lễ chuyển đổi không chỉ diễn ra một lần trong đời mà có thể diễn ra nhiều lần, nhiều nội dung khác nhau, nhằm đánh dấu sự thay đổi vị thế của con người trong xã hội.
Như vậy, nghi lễ chuyển đổi đề cập đến loại hình sinh hoạt văn hóa được thực hiện nhằm đánh dấu sự chuyển đổi vị thế của con người trong xã hội cũng như trong tôn giáo. Tùy theo qui định của mỗi nền văn hóa mà nghi lễ chuyển đổi được tiến hành dưới những hình thức khác nhau.
31
Trong đạo Cao Đài, nghi lễ chuyển đổi cũng được áp dụng khá rõ nét trên mọi đối tượng. Từ tín đồ bình thường đến chức sắc cao cấp trong đạo đều phải trải qua những nghi lễ liên quan đến việc chuyển đổi vị thế của mình. Do đó, chúng tôi muốn vận dụng khái niệm này để nghiên cứu về đời sống tôn giáo của tín đồ đạo Cao Đài ở Nam Bộ.
Ngoài ra, khi nghiên cứu về đời sống tôn giáo của tín đồ đạo Cao Đài, chúng tôi còn vận dụng thêm quan điểm lý thuyết của nhà nhân học William A. Haviland về việc tăng cường sức mạnh của cộng đồng trong nghi lễ tôn giáo. (Rites of intensification). Theo quan điểm của W.A. Haviland, nghi lễ được thực hiện nhằm giúp cộng đồng tôn giáo gắn chặt nhau hơn, giúp con người vượt qua những khủng hoảng trong cuộc sống và giảm đi những căng thẳng, gây cấn khi phải đối mặt với những khó khăn. Nguyên nhân là cộng đồng có cùng một niềm tin tôn giáo, nên cùng tham gia trong nghi lễ, cùng chia sẻ tâm thức tôn giáo và cùng thể hiện sự cộng cảm, từ đó thể hiện “chất keo” gắn kết cộng đồng, tạo nên tính thống nhất và sức mạnh của cộng đồng [75:176-177].
Trong đời sống tôn giáo của tín đồ đạo Cao Đài, nghi lễ được thực hiện khá nhiều và sức mạnh của cộng đồng cũng luôn biểu hiện thông qua những buổi thực hiện nghi lễ này.