Phòng bệnh tiêu chảy

Một phần của tài liệu Giáo trình nhi khoa y huế (Trang 166 - 169)

TIÊU CHẢY CẤP Ở TRẺ EM

8. Phòng bệnh tiêu chảy

Điều trị đúng một trường hợp tiêu chảy gồm phục hồi nước bằng dịch uống (ORT) và nuôi dưỡng có thể làm giảm tác hại của tiêu chảy như mất nước, suy dinh dưỡng và nguy cơ tử vong. Tuy nhiên dù tần suất các đợt tiêu chảy đã giảm đáng kể thì vẫn cần phải có các biện pháp làm giảm lan truyền vi khuẩn gây tiêu chảy và làm tăng sức đề kháng của cơ thể trẻ để chống lại các tác nhân gây bệnh.

Có 7 biện pháp được xác định như là những mục tiêu tuyên truyền.

8.1. Nuôi con bằng sữa mẹ

- Nuôi con bằng sữa mẹ đảm bảo được vệ sinh,

- Sữa mẹ chứa các thành phần miễn dịch bảo vệ cho trẻ khỏi mắc các bệnh nhiễm trùng đặc biệt là bệnh tiêu chảy.

- Sữa mẹ luôn luôn thích hợp với trẻ, dễ tiêu hóa và hấp thu.

- Sữa mẹ là thức ăn hoàn hảo, đủ chất, đủ thành phần dinh dưỡng và nước đáp ứng cho nhu cầu bình thường của trẻ trong 4 - 6 tháng đầu

- Nuôi con bằng sữa mẹ rẻ tiền.

- Nuôi con bằng sữa mẹ giúp cho đẻ thưa hơn.

- Những trẻ bú mẹ sớm làm tăng tình cảm mẹ con và sớm xác lập vị trí của đứa trẻ trong quan hệ gia đình.

8.2. Cải thiện tập quán cho trẻ ăn dặm

Ăn dặm là một quá trình tập cho trẻ quen dần với chế độ ăn của người lớn. Ăn dặm là một giai đoạn nguy hiểm vì trẻ không có thức ăn đủ giá trị dinh dưỡng, thức ăn cũng như nước uống có thể bị ô nhiễm bởi vì sinh vật gây bệnh, trong đó có nhiều tác nhân gây tiêu chảy.

8.3. Sử dụng nguồn nước sạch cho vệ sinh và ăn uống

Hầu hết các tác nhân bệnh tiêu chảy lây lan theo đường phân - miệng, thông qua thức ăn, nước uống bị ô nhiễm hoặc lây trực tiếp từ người này sang người khác. Cung cấp đủ nước sạch giúp vệ sinh được tốt hơn như rửa tay, rửa thực phẩm, dụng cụ chứa thức ăn được sạch sẽ. Những việc này có thể ngăn ngừa được lây lan tác nhân gây bệnh tiêu chảy.

8.4. Rửa tay

Rửa tay đặc biệt có hiệu quả trong việc phòng lây lan Shigella, một nguyên nhân quan trọng nhất gây lỵ.

8.5. Sử dụng hố xí

Phân người phải được xử lý làm sao để không dính vào tay và làm ô nhiễm nguồn nước. Cách tốt nhât là mọi người thường xuyên sử dụng hố xí hợp vệ sinh.

8.6. Xử lý an toàn phân trẻ nhỏ

Ở nhiều nơi, người dân thường cho phân trẻ em là vô hại. Nhưng thực tế trẻ em hay bị nhiễm trùng các vi sinh vật gây bệnh đường ruột và phân trẻ em là một nguồn bệnh nguy hiểm lây lan cho người khác. Đối với trẻ đang tiêu chảy hay bị nhiễm trùng không triệu chứng thì phân trẻ lại càng nguy hiểm.

8.7. Tiêm phòng sởi

Những trẻ em mắc bệnh sởi hay mới khỏi bệnh sởi trong vòng bốn tuần đầu thì dễ mắc tiêu chảy hay bệnh lỵ nặng và dễ tử vong.

BỆNH TIÊU CHẢY CẤP CÂU HỎI KIỂM TRA 1. Dấu hiệu mất nước nặng trong bệnh tiêu chảy :

A. Li bì hay lơ mơ B. Miệng và lưỡi khô C. Uống háo hức

D. Nếp véo da mất chậm E. Mắt trũng

2.Tử vong trong tiêu chảy cấp thường do:

A. Mất nước B. Sốt cao

C. Hạ đường máu D. Sốc phản vệ E. Xuất huyết

3.ORS có thể được dùng để bù dịch thành công trong các trường hợp sau ngoại trừ : A. Mất nước nhẹ

B. Mất nước trung bình C. Mất nước nặng

D. Bất dung nạp đường glucose E. Trẻ bị lỵ trực trùng

4. Loại dịch nào dưới đây không nên dùng để bù dịch bằng đường uống ở bệnh nhân mất nước :

A. Dung dịch ORS B. Nước khoáng C. Nước cháo muối D. Nước rau quả E. Nước ngọt giải khát

5. Nếu uống ORS trẻ bị nôn cần phải :

A. Ngưng cho uống ORS và thay bằng nước sôi để nguội B. Cho uống chống nôn

C. Chuyển sang chuyền tĩnh mạch

D. Đợi mười phút sau và cho uống ORS chậm hơn E. Cho uống nước cháo

6. Một bé gái 12 tháng nặng 10 kg, mất nước trung bình cần cho cháu uống bao nhiêu dung dịch ORS trong 4 giờ đầu :

A. 200 - 400ml B. 400 - 600ml C. 600 - 800ml D. 800ml - 1200ml E. 1200 - 1500ml

7. Sau đây là những hạn chế của bù dịch bằng đường uống, ngoại trừ : A. Đi tiêu trên 15ml/kg/24giờ

B. Nôn nhiều trên 3 lần/giờ C. Mất nước nặng

D. Từ chối uống

E. Pha và cho uống ORS không đúng cách ĐÁP ÁN

1A 2A 3D 4E 5D 6C 7A

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. WHO – Lỵ- tiêu chảy kéo dài -tiêu chảy phối hợp – Những hiểu biết về bệnh tiêu chảy-Bộ Y Tế- Chương trình CDD quốc gia .1990

2. Programme for the Control of Diarrhoeal Diseases. A manual for the treatment of diarrhoea.World Health Organization, Geneva. Document WHO/CDD/SER/80.2 Rev.

3. Phan Kim Ngân, Ỉa chảy kéo dài- Tài liệu giảng của bộ môn Nhi, Đại học Y Huế.

4. Bộ y tế-Xử trí lồng ghép các bệnh các bệnh thường gặp ở trẻ em, Nhà xuất bản y học, 2003

Một phần của tài liệu Giáo trình nhi khoa y huế (Trang 166 - 169)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(584 trang)