7.1. Phương pháp luận
- Tiếp cận hệ thống – cấu trúc: Xem xét cấu trúc vĩ mô của hoạt động DHTT là một hoạt động trong quá trình đào tạo của nhà trường, có mối quan hệ nhân quả với các hoạt động khác, cùng hướng vào thực hiện các mục tiêu giáo dục, đào tạo chung của nhà trường. Xem xét quản lý hoạt động DHTT là một nội dung của quản lý đào tạo nhà trường. Đồng thời, xem xét cấu trúc vi mô của hoạt động DHTT bao gồm hoạt động của người dạy, hoạt động của người học và hoạt động các lực lượng phối hợp khác. Làm rõ các yếu tố cấu thành và chi phối của từng hoạt động đó.
- Tiếp cận thực tiễn – phát triển: Mọi vấn đề về hoạt động DHTT và quản lý hoạt động DHTT tại cơ sở GDNN ở TP.HCM được luận giải theo quan điểm tiếp cận thực tiễn và phát triển. Nghĩa là phải đặt vấn đề hoạt động DHTT và quản lý hoạt động DHTT tại cơ sở GDNN ở TP.HCM trong bối cảnh thực tiễn của nhà trường, thực tiễn của địa phương, đất nước và bối cảnh toàn cầu hoá.
Tổng kết, đánh giá đúng thực trạng hoạt động DHTT và quản lý hoạt động DHTT tại cơ sở GDNN đã đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực lao động của các doanh nghiệp ở TP.HCM trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa hiện nay. Các biện pháp quản lý hoạt động DHTT tại cơ sở GDNN ở TP.HCM cần hướng vào giải quyết các bất cập trong thực tiễn, cải tạo thực tiễn DHTT hiện nay.
- Tiếp cận tích hợp: Tiếp cận tích hợp bao gồm tiếp cận theo các thành tố cấu trúc và nội dung các thành tố của quá trình DHTT và tiếp cận theo chức năng quản lý. Theo cách tiếp cận này, các thành tố cấu trúc của quá trình DHTT như mục tiêu dạy học, nội dung dạy học, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, phương tiện dạy học, hoạt động dạy, hoạt động học và kết quả của HĐDH và các điều kiện bảo đảm cho quá trình này được xem xét dưới góc độ tích hợp của các chức năng và nội dung quản lý.
- Tiếp cận theo chu trình cải tiến chất lượng liên tục (PDCA)
Chất lượng nói chung, chất lượng quản lý hoạt động DHTT tại cơ sở GDNN trong bối cảnh toàn cầu hoá không có điểm dừng mà được cải tiến liên tục theo chu trình Kế hoạch – Thực hiện – Kiểm tra – Hành động khắc phục/cải tiến (Kế hoạch - Plan; Thực hiện - Do; Kiểm tra - Check; Hành động khắc phục/cải tiến - Act / PDCA) (phương diện hành động khắc phục/cải tiến được
nhấn mạnh trong luận án về đổi mới phương thức quản lý, cơ chế quản lý hoạt động DHTT).
Dựa theo tiếp cận PDCA để xác định nội dung quản lý hoạt động DHTT tại cơ sở GDNN ở TP.HCM trong bối cảnh toàn cầu hóa. Một cơ sở GDNN thực hiện tiếp cận này sẽ không ngừng nâng cao chất lượng DHTT, tạo được niềm tin cho giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và các bên liên quan, thông qua đó tạo được uy tín cho cơ sở GDNN. Đây được coi là nguyên tắc cơ bản và được ứng dụng rộng rãi cả trong lý luận và thực tiễn quản lý chất lượng nói chung, được chúng tôi sử dụng trong quản lý hoạt động DHTT tại cơ sở GDNN trong bối cảnh toàn cầu hoá của đề tài luận án này.
7.2. Phương pháp nghiên cứu
7.2.1. Phương pháp nghiên cứu lý luận
Phân tích, tổng hợp, hệ thống hóa và khái quát hóa các nội dung từ tài liệu, công trình nghiên cứu trong và ngoài nước cùng các văn bản pháp quy liên quan để xây dựng cơ sở lý luận và bộ công cụ khảo sát cho nghiên cứu thực tiễn.
7.2.2. Phương pháp nghiên cứu thực tiễn
- Phương pháp điều tra bằng bảng hỏi: Thiết kế và sử dụng phiếu điều tra để thu thập thông tin về thực trạng quản lý DHTT, làm cơ sở đề xuất các biện pháp quản lý phù hợp.
- Phương pháp phỏng vấn sâu: Phỏng vấn để khai thác các đặc điểm cụ thể của hoạt động và quản lý DHTT tại TP.HCM trong bối cảnh toàn cầu hóa.
- Phương pháp nghiên cứu sản phẩm hoạt động: Nghiên cứu các sản phẩm DHTT như hệ thống học liệu, kế hoạch dạy học, biên bản họp, đánh giá hiệu quả.
- Phương pháp tổng kết kinh nghiệm: Phân tích và tổng kết kinh nghiệm từ thực tiễn, rút ra các biện pháp hữu ích và loại trừ những sai lầm trong quản lý DHTT.
- Phương pháp chuyên gia: Lấy ý kiến từ các chuyên gia để đánh giá về các giải pháp đề xuất.
- Phương pháp khảo nghiệm: Khảo nghiệm nhận thức về tính cần thiết và khả thi của các biện pháp đề xuất.
- Phương pháp thử nghiệm: Thử nghiệm biện pháp để chứng minh tính khoa
học, phù hợp và khả thi của biện pháp đã đề xuất.
7.3. Phương pháp thống kê toán học
Sử dụng thống kê toán học và phần mềm SPSS để nhập, xử lý số liệu, lập bảng biểu, phân tích và đưa ra kết luận từ các kết quả nghiên cứu.