TOÀN CẦU HÓA VÀ TÁC ĐỘNG CỦA TOÀN CẦU HÓA TỚI DẠY HỌC TRỰC TUYẾN TẠI CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP

Một phần của tài liệu Quản lý hoạt động dạy học trực tuyến tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh trong bối cảnh toàn cầu hóa (Trang 49 - 52)

CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC TRỰC TUYẾN TẠI CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP TRONG BỐI CẢNH TOÀN CẦU HÓA

1.3.1. TOÀN CẦU HÓA VÀ TÁC ĐỘNG CỦA TOÀN CẦU HÓA TỚI DẠY HỌC TRỰC TUYẾN TẠI CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP

Toàn cầu hóa là quá trình hình thành hệ thống các quan hệ liên kết giữa các tổ chức trong nhiều lĩnh vực và trên phạm vi toàn cầu. Với tổ chức là doanh nghiệp hay thậm chí là một cơ sở giáo dục, toàn cầu hóa như là một chiến lược kinh doanh dịch vụ với hai đặc điểm cơ bản: thực hiện đầu tư từ nước ngoài và coi thị trường toàn cầu là thị trường chung nhất.

Toàn cầu hóa là xu hướng tất yếu của thời đại, có những đặc trưng cơ bản như sau:

Kinh tế: Toàn cầu hóa là một giai đoạn phát triển mới của quá trình quốc tế hóa kinh tế. Toàn cầu hóa sẽ xóa bỏ ranh giới giữa các quốc gia và hình thành nền kinh tế thị trường thống nhất toàn thế giới. Xu thế này đi kèm với tự do hóa các thể chế kinh tế trong phạm vi quốc gia và hình thành các luật lệ và quy tắc mới trên khu vực và toàn cầu.

Chính trị: Toàn cầu hóa là xu thế quốc tế hóa các vấn đề chính trị thế giới, tạo ra những liên minh chính trị xuyên quốc gia.

Văn hóa: Toàn cầu hóa là sự hội nhập và kết tinh của nhiều nền văn hóa khác nhau, tạo cơ hội cho sự phát triển công dân toàn cầu.

Xã hội: Toàn cầu hóa giúp xây dựng một xã hội công bằng, văn minh, dân chủ, nhưng cũng làm gia tăng bất bình đẳng giữa người giàu và người nghèo ở trong từng quốc gia và giữa các quốc gia với nhau.

Khoa học và công nghệ: Toàn cầu hóa là kết quả của sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật và công nghệ, đặc biệt là CNTT và viễn thông toàn cầu. Khoảng cách về thời gian và không gian không còn ý nghĩa với các hoạt động của con người và của tổ chức.

Môi trường sinh thái: Toàn cầu hóa là biện pháp giải quyết các vấn đề môi trường sinh thái, không thể giải quyết theo hướng cục bộ mà phải giải quyết trên góc độ toàn cầu.

Trong lĩnh vực văn hóa giáo dục, toàn cầu hóa là sự hội nhập và kết tinh của nhiều nền văn hóa giáo dục khác nhau qua mạng viễn thông và CNTT toàn cầu, qua sự lan rộng của các quảng cáo tìm kiếm thị trường văn hóa giáo dục mới. Toàn cầu hóa

trong lĩnh vực giáo dục đòi hỏi phải công nhận giáo dục là một dịch vụ và tuân thủ theo các phương thức cung cấp dịch vụ của WTO. Dịch vụ giáo dục là một nội dung trong Hiệp định chung về Thương mại Dịch vụ (GATS). Theo đó, phương thức cung ứng dịch vụ giáo dục trong bối cảnh toàn cầu hóa gồm bốn phương thức như sau:

- Cung ứng xuyên quốc gia (Cross border): Một thành viên có thể cung ứng dịch vụ giáo dục từ nước mình đến bất cứ quốc gia nào trong WTO, bao gồm cung ứng dịch vụ đào tạo chương trình, giáo trình và giáo dục trực tuyến từ xa.

- Tiêu thụ ngoài nước (Consumption abroad): Quốc gia thành viên có thể cung cấp dịch vụ từ nước mình cho người tiêu thụ ở bất cứ quốc gia nào trong WTO, chủ yếu là dịch vụ du học và đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động toàn cầu.

- Hiện diện thương mại (Commercial presence): Việc cung cấp dịch vụ của một quốc gia thành viên có thể cung cấp dịch vụ tới các quốc gia khác thông qua hiện diện thương mại. Với giáo dục, điều này thể hiện ở chỗ một tổ chức giáo dục của một quốc gia thành viên có thể mở hoạt động giáo dục đào tạo của mình tại các quốc gia thành viên khác.

- Sự lưu chuyển công dân tự do (Presence of natural persons): Việc cung cấp dịch vụ của nước thành viên có thể cung cấp dịch vụ thông qua sự lưu chuyển công dân tự do đến bất cứ nước thành viên nào khác. Với giáo dục, điều này chủ yếu thực hiện thông qua di chuyển hoạt động giảng dạy, đào tạo, nghiên cứu giữa các trường, viện, học viện, các cơ sở giáo dục và đào tạo, các công ty giáo dục trong tất cả các nước thành viên.

Với sự công nhận giáo dục là một dịch vụ và tuân thủ theo các phương thức cung cấp dịch vụ giáo dục như trên, toàn cầu hóa đã đặt ra những thời cơ và thách thức mới đối với lĩnh vực giáo dục của Việt Nam hiện nay.

1.3.1.1. Cơ hội

- Có điều kiện hoàn thiện và phát triển bền vững hệ thống giáo dục quốc dân với mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài nhằm đáp ứng cho nhu cầu đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.

- Mở rộng hợp tác quốc tế trong giáo dục để nâng cao chất lượng giáo dục. Thông

qua hợp tác quốc tế, có thể đào tạo được nguồn nhân lực có khả năng đáp ứng những nhu cầu cấp bách của quá trình phát triển kinh tế - xã hội đang đặt ra ở Việt Nam.

- Mở rộng du học tại chỗ và làm giảm tỷ trọng du học nước ngoài, góp phần tiết kiệm ngoại tệ.

- Nguồn đầu tư cho giáo dục sẽ đa dạng hơn, phong phú và lớn hơn. Ngày càng có nhiều nguồn vốn từ tư nhân và các tổ chức nước ngoài đầu tư cho dịch vụ giáo dục.

Điều này sẽ giúp cho giáo dục có thêm điều kiện để phát triển. Năng lực và tiềm năng hoạt động của hệ thống giáo dục quốc dân được khai thác triệt để, cung ứng nhiều cơ hội thuận lợi cho sự phát triển giáo dục.

- Tiếp thu có chọn lọc các kinh nghiệm giáo dục tiên tiến trên thế giới về các phương diện: nội dung đào tạo, phương pháp giáo dục, phương tiện quản lý giáo dục, xây dựng đội ngũ giáo viên, đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục. Hướng tới xây dựng hệ thống giáo dục học tập suốt đời trong một xã hội học tập.

- Đổi mới quản lý giáo dục theo hướng quản lý bằng pháp luật, bằng các văn bản pháp quy và tăng quyền tự chủ và tính trách nhiệm xã hội cho các cơ sở giáo dục. Gia tăng tính cạnh tranh lành mạnh đối với tất cả các cơ sở giáo dục, làm cho nền giáo dục nước ta ngày càng thích ứng được với xã hội, với nhu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập được với xu thế phát triển giáo dục của thế giới.

- Tranh thủ cơ hội để mở cửa liên thông giáo dục nước ta với khu vực và thế giới. Có chiến lược và kế hoạch khai thác thị trường giáo dục của nước ta ra nước ngoài. Tiến đến ký kết các hiệp định công nhận học vị, chứng chỉ, văn bằng, tạo nhiều cơ hội về sự thừa nhận của nước ngoài đối với những ngành nghề đào tạo có chất lượng ở nước ta và những ngành học đặc thù chỉ có thể đào tạo ở Việt Nam.

Tận dụng môi trường ổn định, an ninh chính trị, quốc phòng và với học phí rẻ để thu hút lưu học sinh các nước đến nước ta học tập.

1.3.1.2. Thách thức

- Giữ vững bản sắc dân tộc và giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa của nền giáo dục Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa.

- Chuyển từ tư duy giáo dục bao cấp sang tư duy giáo dục thị trường định hướng

xã hội chủ nghĩa. Chuyển đổi cơ chế quản lý giáo dục theo yêu cầu mới.

- Những nguồn lực đảm bảo cho nền giáo dục thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa đầy đủ. Nhân lực, vật lực, tài lực, tin lực, pháp lực và kinh nghiệm quản lý thị trường giáo dục đang trong quá trình hình thành.

- Nảy sinh những mâu thuẫn mới trong nền giáo dục thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Mâu thuẫn giữa tính ngắn hạn, không ổn định của kinh tế thị trường với tính dài hạn, ổn định tương đối của giáo dục; giữa tính nhân văn của giáo dục với tính khốc liệt của cạnh tranh thị trường; tính cạnh tranh thị trường giáo dục làm gia tăng tính không công bằng trong giáo dục.

Một phần của tài liệu Quản lý hoạt động dạy học trực tuyến tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh trong bối cảnh toàn cầu hóa (Trang 49 - 52)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(221 trang)
w