TÁC ĐỘNG TỪ BỐI CẢNH HIỆN NAY CỦA CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP LẦN THỨ TƯ

Một phần của tài liệu Quản lý hoạt động dạy học trực tuyến tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh trong bối cảnh toàn cầu hóa (Trang 68 - 77)

CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC TRỰC TUYẾN TẠI CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP TRONG BỐI CẢNH TOÀN CẦU HÓA

1.4. NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC TRỰC TUYẾN TẠI CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP TRONG BỐI CẢNH TOÀN CẦU HOÁ

1.5.1. TÁC ĐỘNG TỪ BỐI CẢNH HIỆN NAY CỦA CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP LẦN THỨ TƯ

Cuộc CMCN 4.0 (Fourth industrial Revolution - FIR) đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu, không chỉ tạo ra sự thay đổi trong lĩnh vực kinh tế mà còn tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Cuộc CMCN 4.0 được đặc trưng bởi Internet thông minh, công nghệ di động không dây, trí tuệ nhân tạo và sự kết nối vạn vật, không chỉ tạo ra “môi trường cộng sinh” giữa người và robot mà còn tạo

ra "môi trường cộng sinh” giữa thế giới ảo và thế giới thực. Theo dự báo, trong tương lai không xa, con người có thể cấy ghép các thiết bị robot vào cơ thể hoặc cài đặt vào các đồ dùng mạng mặc, trang sức để kết nối internet, hỗ trợ cho những chức năng nào đó cần thiết đối với hoạt động của bản thân.

Trong giáo dục sẽ xuất hiện các thiết bị dạy học thông minh gắn với từng cá nhân người dạy và người học, như kính internet, tai nghe internet có thể giúp đọc dịch ngoại ngữ trực tiếp, hoặc giải những bài toán phức tạp, xử lý các tình huống trong dạy học. Các nhà trường sẽ xuất hiện các chuyên ngành đào tạo mới, các loại hình giáo dục, đào tạo mới, như đào tạo trực tuyến, ĐTTX, nhà trường ảo, lớp học ảo, nhóm bạn học ảo, phòng thí nghiệm ảo, thư viện số. Sự liên kết trong đào tạo trực tuyến, ĐTTX, giữa lớp học thực với lớp học ảo sẽ diễn ra khá phổ biến. Đó là các điều kiện về công nghệ đảm bảo cho sự phát triển đa dạng của các loại hình DHTT.

Trong lĩnh vực GDNN, những tác động của cuộc CMCN 4.0 là vô cùng mạnh mẽ và có tính khốc liệt. Cuộc CMCN 4.0 mang lại nhiều lợi ích lâu dài về hiệu quả và năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, giúp mở rộng thị trường và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cuộc CMCN 4.0 tạo điều kiện để đổi mới tư duy, đổi mới nội dung, phương pháp, phương tiện và hình thức tổ chức đào tạo, học tập thông qua kết nối các thiết bị thông minh, các lớp học ảo, lớp học trực tuyến,… Quá trình số hóa đang diễn ra trong lĩnh vực giáo dục nói chung, tại cơ sở GDNN nói riêng.

Không chỉ số hóa các nguồn tài liệu mà quan trọng hơn là số hóa trong quản lý nhà trường. Nghĩa là, các hoạt động quản lý được thực hiện theo quy trình công nghệ thông minh, giảm bớt được các khâu, các bước chờ đợi theo phương thức quản lý thủ công truyền thống.

Tuy nhiên, cuộc CMCN 4.0 cũng đem lại không ít thách thức, đặc biệt là với TTLĐ và hệ thống GDNN của Việt Nam. Cuộc CMCN 4.0 đang tạo ra một làn sóng mới “làn sóng thứ 3” trong giáo dục, đào tạo đang tấn công vào “làn sóng thứ 2”, bắt buộc các cơ sở GDNN chỉ có một cách lựa chọn duy nhất là phải đẩy nhanh tiến độ đổi mới căn bản, toàn diện từ tư duy giáo dục đến nội dung, chương trình, phương pháp, phương tiện, đổi mới mọi khâu, mọi bước, mọi thành tố của quá trình đào tạo nghề. Tính khốc liệt của CMCN 4.0 là bắt buộc các cơ sở GDNN phải tự

đổi mới và đổi mới phải phù hợp với sự vận động, phát triển của thực tiễn. Nếu không đổi mới hoặc đổi mới không tương thích với quá trình vận động, phát triển của cuộc CMCN 4.0 thì sẽ bị tụt hậu và tự hủy diệt.

Điểm yếu của lao động Việt Nam hiện nay, kể cả lao động đã qua đào tạo nghề là kỹ năng, ngoại ngữ và tác phong làm việc công nghiệp. Trong khi đó, cuộc CMCN 4.0 sẽ làm giảm nhu cầu lao động ở các nhóm ngành vốn xưa nay sử dụng nhiều lao động và tạo ra nhiều việc làm ở các ngành nghề đòi hỏi trình độ tư duy, sáng tạo cao như CNTT, thiết kế, hóa học, kiến trúc, thương mại,…

Cuộc CMCN 4.0 sẽ tạo ra TTLĐ 4.0, cùng với đó là hệ thống GDNN 4.0.

Điều này đòi hỏi những kỹ năng mới trong lao động cần phải truyền tải và thực hiện trong hệ thống GDNN. Bên cạnh những kỹ năng chuyên môn, hệ thống GDNN cũng phải chú trọng đến kỹ năng số, kỹ năng ngoại ngữ, năng lực sáng tạo, kỹ năng khởi nghiệp…

Ở Việt Nam GD&ĐT nói chung và GDNN nói riêng cần phải tận dụng các thành tựu của cuộc CMCN 4.0 để đổi mới phương thức đào tạo, kết hợp dạy học trực tiếp với DHTT, góp phần nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Yêu cầu chung đối với các cơ sở GDNN là phải đổi mới phương thức quản lý, xây dựng được hệ thống tổ chức nhà trường và phương thức quản lý phù hợp với yêu cầu thực tiễn của cuộc CMCN 4.0.

1.5.2. Tác động từ xu thế hội nhập, hợp tác quốc tế và yêu cầu của thị trường lao động

Xu thế hội nhập, hợp tác quốc tế và yêu cầu của TTLĐ là hai trong những yếu tố thời đại có tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến GDNN và DHTT tại cơ sở GDNN hiện nay.

Xu thế hội nhập, hợp tác quốc tế không chỉ tác động đến lĩnh vực kinh tế mà còn tác động đến văn hóa, giáo dục, chính trị, xã hội; tác động đến môi trường và điều kiện đảm bảo cho sự phát triển của GDNN nó chung, DHTT nói riêng. Quá trình hội nhập, hợp tác quốc tế vừa tạo ra các thời cơ thuận lợi, đồng thời cũng đặt ra những vấn đề toàn cầu, những khó khăn, thách thức cho GDNN và đào tạo nghề.

Đặc biệt, từ khi Việt Nam gia nhập WTO (11/1/2007), ký Hiệp định chung về thương mại dịch vụ GATS (General Agreement on Trade in Services), công nhận giáo dục là 1 trong 12 nhóm ngành dịch vụ, điều đó đã có tác động mạnh đến GDNN ở Việt Nam. GDNN, đào tạo nghề ở Việt Nam vừa có cơ hội để tiếp cận với các quốc gia, các nền kinh tế hiện đại trên thế giới có trình độ phát triển cao về GDNN và đào tạo nghề. Qua đó có thể mở rộng các phương thức hợp tác đào tạo, trao đổi, học tập lẫn nhau, tiếp thu kinh nghiệm, nâng cao trình độ về GDNN, đào tạo nghề. Đó là điều kiện đảm bảo cho các phương thức DHTT tại cơ sở GDNN được thực hiện.

Tuy nhiên, xu thế hội nhập, hợp tác quốc tế cũng đặt ra cho GDNN, đào tạo nghề của Việt Nam những thách thức, khó khăn, bất cập mới. Những cơ sở GDNN của Việt Nam thường có quy mô nhỏ lẻ, phương thức đào tạo nghề mang nặng tính kinh nghiệm truyền thống sẽ khó có thể đứng vững trong cuộc cạnh tranh bình đẳng với các cơ sở GDNN của các quốc gia có nền kinh tế phát triển cao. Hội nhập càng sâu, kinh tế càng phát triển, TTLĐ càng mở rộng thì yêu cầu về chất lượng đào tạo nghề càng cao. Điều đó đặt ra mâu thuẫn giữa nhu cầu cao của TTLĐ với khả năng có hạn của các cơ sở GDNN ở Việt Nam.

TTLĐ là hệ quả của xu thế hội nhập, hợp tác quốc tế tác động trực tiếp đến các hoạt động đào tạo nghề tại cơ sở GDNN. Đặc trưng của TTLĐ là cầu và cung lao động. Sự phát triển nhanh của nền kinh tế Việt Nam đã đặt ra nhu cầu về số lượng, chất lượng nguồn nhân lực lao động. Điều đó đặt ra yêu cầu cho các cơ sở GDNN. Hoạt động đào tạo nghề tại cơ sở GDNN phải đổi mới toàn diện để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của TTLĐ.

Tác động của TTLĐ đã làm thay đổi căn bản phương thức tuyển dụng, sử dụng lao động, đồng thời thay đổi phương thức đào tạo và quản lý đào tạo tại cơ sở GDNN. Từng bước hình thành quan hệ (cơ chế) hai bên (ở cấp cơ sở) và quan hệ (cơ chế) ba bên ở cấp quốc gia, cũng như tổ chức đại diện các bên (Nhà nước, người sử dụng lao động và người lao động) trong quan hệ lao động, bảo đảm hài hòa lợi ích các bên. Đây là những vấn đề đặt ra đòi hỏi các cơ sở GDNN phải đổi mới phương thức quản lý trong quá trình đào tạo nghề.

Tác động của TTLĐ thúc đẩy số lượng người lao động qua đào tạo tăng lên cả về số lượng và chất lượng. TTLĐ trở thành động lực thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chuyển mạnh lao động nông nghiệp sang làm việc khu vực sản xuất hàng hóa, kinh tế, có quan hệ lao động.

Tuy nhiên, TTLĐ Việt Nam mới hình thành đang trong giai đoạn hoàn thiện, còn những hạn chế, chưa bắt kịp chuẩn mực nền kinh tế thị trường hiện đại, đầy đủ và hội nhập quốc tế. Điều đó đã tác động hạn chế trong quá trình phát triển đào tạo nguồn nhân lực lao động của các cơ sở GDNN.

Chính sách TTLĐ và chính sách về GDNN chưa hoàn thiện và chưa đủ mạnh để giải phóng triệt để mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm theo hướng bền vững. Quan hệ cung - cầu lao động trên TTLĐ chưa thật sự tương thích giữa cung và cầu. Các tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia của Việt Nam chậm được ban hành, nhiều nghề trọng điểm chưa có tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, một số nghề tiêu chuẩn còn thấp so với tiêu chuẩn kỹ năng nghề khu vực và các nước phát triển trên thế giới; việc tổ chức đánh giá, cấp chứng chỉ KNN chưa được triển khai rộng rãi. Do đó, trên thực tế, một số lao động đã qua đào tạo, GDNN nhưng chất lượng còn thấp. Đặc biệt, tình trạng thiếu nghiêm trọng lao động kỹ thuật trình độ cao, lao động trong một số ngành công nghiệp mới, nhất là khi Việt Nam đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới.

Kết cấu hạ tầng dịch vụ TTLĐ chưa hiện đại; năng lực dự báo cung - cầu lao động còn hạn chế; cơ sở dữ liệu TTLĐ chưa đầy đủ và cập nhật; hệ thống dịch vụ việc làm kết nối TTLĐ trong nước với TTLĐ quốc tế chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của cả người sử dụng lao động và người lao động trong nước cũng như ngoài nước.

Ngoài ra, trong bối cảnh hội nhập, hợp tác quốc tế có những yếu tố nảy sinh không lường trước tác động đến GDNN. Đó là những yếu tố do thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh và các yếu tố rủi ro khác sinh ra. DHTT là một phương thức có thể khắc phục các mâu thuẫn, bất cập của TTLĐ hiện nay.

1.5.3. Tác động từ chính sách đối với giáo dục nghề nghiệp, từ cơ chế quản

lý và năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp

Hoạt động DHTT tại cơ sở GDNN phụ thuộc vào chính sách, cơ chế quản lý và năng lực của đội ngũ CBQL các cấp. Chính sách đối với GDNN và cơ chế quản lý phù hợp với thực tiễn, năng lực của đội ngũ CBQL tốt sẽ là điều kiện đảm bảo cho quá trình đổi mới phương thức đào tạo tại cơ sở GDNN nói chung, DHTT nói riêng.

Ở tầm vĩ mô, chính sách là các văn bản QLNN về GDNN, là cơ sở để hoạch định chiến lược phát triển GDNN của quốc gia trong từng giai đoạn cụ thể. Chính sách đối với GDNN sẽ quy định xu hướng phát triển của GDNN. Cơ chế quản lý là những quy định về chức trách, nhiệm vụ và phương thức hoạt động của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống GDNN. Cơ chế quản lý phù hợp sẽ tạo ra môi trường thuận lợi cho các hoạt động DHTT tại cơ sở GDNN.

Năng lực của đội ngũ CBQL là tầm nhìn và khả năng phát hiện, xử lý các tình huống của CBQL trong tổ chức GDNN. Năng lực của CBQL quy định mức độ khai thác, phát huy các nguồn lực đảm bảo cho các hoạt động DHTT tại cơ sở GDNN.

Trong thực tiễn, Bộ LĐTH&XH, Bộ GD&ĐT cùng ban hành các văn bản chỉ đạo về DHTT. Các trung tâm GDTX, các cơ sở GDNN vừa đào tạo nghề, vừa đào tạo văn hóa, chịu sự quy định của cả 2 Bộ. Nếu các văn bản không nhất quán sẽ tạo khó khăn cho tổ chức thực hiện tại cơ sở GDNN.

1.5.4. Tác động từ phẩm chất, năng lực của giáo viên và học sinh, từ nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học trực tuyến tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Hoạt động DHTT chịu sự tác động của các thành tố cấu trúc quá trình đào tạo.

Mỗi thành tố có vai trò, vị trí khác nhau nhưng liên kết chặt chẽ với nhau trong một hệ thống cấu trúc, luôn vận động trong mối quan hệ tương tác lẫn nhau, thúc đẩy lẫn nhau cùng hướng thới thực hiện mục tiêu chung của quá trình đào tạo nghề.

Giáo viên và học sinh là những chủ thể trực tiếp thực hiện các hoạt động DHTT. Hoạt động của hai chủ thể này tác động đến các thành tố cấu trúc của quá trình đào tạo nghề, liên kết và thúc đẩy các thành tố trong hệ thống luôn vận động đồng bộ với nhau. Mức độ phát huy tác dụng của từng thành tố trong hệ thống phụ thuộc vào năng lực của các chủ thể này.

Nội dung, chương trình đào tạo là “nguồn nguyên liệu” đảm bảo cho các hoạt động DHTT của giáo viên và học sinh. Nội dung, chương trình đào tạo tiên tiến, hiện đại, cập nhật trình độ phát triển của lý luận và thực tiễn GDNN sẽ làm cho nội dung DHTT đảm bảo tính khoa học, hiện đại. Ngược lại, nội dung, chương trình đào tạo lạc hậu, không tương thích với trình độ phát triển của thực tiễn GDNN thì nội dung DHTT sẽ không đáp ứng được yêu cầu của người học. Trong thực tiễn, nội dung, chương trình đào tạo nghề ở các cơ sở GDNN hiện nay tuy có nhiều đổi mới nhưng nhìn chung vẫn chưa theo kịp sự vận động phát triển của các doanh nghiệp, chưa đáp ứng nhu cầu của TTLĐ.

Phương pháp và hình thức tổ chức hoạt động DHTT là những thành tố quan trọng trong quá trình dạy học tại cơ sở GDNN. Phương pháp và hình thức tổ chức hoạt động DHTT là quy trình công nghệ tác động vào nội dung, chương trình đào tạo, chế biến “nguồn nguyên liệu” đó thành phẩm chất, năng lực hoạt động nghề nghiệp của học sinh. Đôi khi nội dung, chương trình đào tạo tốt nhưng phương pháp và hình thức tổ chức hoạt động DHTT chưa phù hợp dẫn đến kết quả hoạt động dạy và học chưa đáp ứng được nhu cầu.

1.5.5. Tác động từ cơ sở vật chất và các điều kiện đảm bảo cho hoạt động dạy học trực tuyến tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

CSVC là công cụ đảm bảo cho hoạt động của cán bộ, giáo viên, học viên và nhân viên tại cơ sở GDNN. Trong bối cảnh của cuộc CMCN 4.0 hiện nay, mọi hoạt động đào tạo nghề đều phải có công cụ tương thích. Công cụ lao động không chỉ hỗ trợ cho hoạt động của các chủ thể mà nó còn là phương tiện tương tác của các chủ thể để tạo ra sản phẩm. CSVC là điều kiện đảm bảo cho các hoạt động đổi mới giáo dục.

CSVC và các điều kiện đảm bảo cho hoạt động DHTT tại cơ sở GDNN bao gồm các trang thiết bị vừa phải đảm bảo cho hoạt động DHTT, vừa phải đảm bảo cho hoạt động GDNN. Thực tiễn GDNN hiện nay cho thấy, một số trường trung cấp, cao đẳng có CSVC, trang thiết bị đảm bảo cho HĐDH, thực hành nghề tương đối tốt nhưng cơ sở vật chất và các điều kiện đảm bảo cho hoạt động DHTT lại chưa đầy đủ. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hệ thống máy chủ và hạ tầng kết nối mạng chưa có đủ băng thông, chưa đủ năng lực đáp ứng nhu cầu truy cập của

người dùng. Hệ thống quản lý điều hành hoạt động DHTT chưa hoàn thiện. Một số không ít các cơ sở GDNN còn tình trạng mua sắm máy móc, trang thiết bị không đồng bộ giữa phần cứng với phần mềm và phần thông tin, dẫn đến tình trạng không sử dụng được. Điều đó có tác động rất lớn đến kết quả của hoạt động DHTT tại cơ sở GDNN hiện nay.

Kết luận chương 1

DHTT ở các nhà trường nói chung, tại cơ sở GDNN nói riêng là một yêu cầu tất yếu trong quá trình đổi mới GD&ĐT. DHTT là hoạt động dạy học hiện đại được hình thành, manh nha phát triển từ các PPDH khác nhau trong lịch sử giáo dục.

DHTT chỉ được phát triển mạnh, đa dạng trong bối cảnh toàn cầu hóa, cùng với xu thế hội nhập, hợp tác quốc tế và sự phát triển mạnh mẽ của CNTT.

Đối với cơ sở GDNN, DHTT là họt động dạy học tối ưu giúp cho các cơ sở GDNN có thể liên kết đào tạo nghề trong nước và quốc tế thuận lợi hơn, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo NNL chất lượng cao đáp ứng nhu cầu hội nhập của TTLĐ. Đặc điểm của GDNN tạo ra nhiều ưu thế cho phép các hoạt động DHTT có thể khai thác sử dụng tốt nhất thành tựu của cuộc CMCN 4.0 nói chung và thành tựu của CNTT nói riêng.

Quá trình phát triển của DHTT tại cơ sở GDNN đã và đang đặt ra những yêu cầu mới về đổi mới phương thức quản lý. Quản lý hoạt động DHTT tại cơ sở GDNN về cơ bản vẫn tuân theo lý luận chung về quản lý đào tạo ở các nhà trường, đồng thời phải cập nhật những vấn đề phát triển mới của lý luận giáo dục hiện đại trong bối cảnh toàn cầu hóa, xu thế hội nhập, hợp tác quốc tế và sự tác động của cuộc CMCN 4.0.

Một phần của tài liệu Quản lý hoạt động dạy học trực tuyến tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh trong bối cảnh toàn cầu hóa (Trang 68 - 77)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(221 trang)
w