CHƯƠNG 3: BIỆN PHÁP QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC TRỰC TUYẾN TẠI CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TRONG BỐI CẢNH TOÀN CẦU HÓA
3.2.3. CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG, KHAI THÁC, SỬ DỤNG THIẾT BỊ DẠY HỌC HIỆN ĐẠI VÀ HẠ TẦNG CÔNG NGHỆ ĐẢM BẢO CHO HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC TRỰC TUYẾN TẠI CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TRONG BỐI CẢNH TOÀN CẦU HOÁ
3.2.3.1. Mục tiêu của biện pháp
Mục tiêu tổng quát của biện pháp này nhằm xây dựng quy chế quản lý các nguồn lực đảm bảo cho các hoạt động DHTT, tạo ra sự động bộ giữa mua sắm phát triển và khai thác sử dụng. Tránh thất thoát tài chính, tận dụng tối đa nguồn ngân sách cho việc đầu tư, xây dựng, mua sắm thiết bị của nhà trường. Bao gồm ban hành quy chế quản lý các hoạt động xây dựng, mua sắm cơ sở vật chất, trang thiết bị, phân bổ nguồn lực đảm bảo cho các hoạt động DHTT. Ban hành các văn bản quản lý hoạt động khai thác sử dụng các nguồn lực đảm bảo cho các hoạt động DHTT.
Mục tiêu cụ thể của biện pháp này nhằm tổ chức, chỉ đạo các hoạt động xây dựng và khai thác, sử dụng hợp lý, có hiệu quả các nguồn lực đảm bảo cho hoạt động DHTT. Bao gồm xây dựng kế hoạch mua sắm và kế hoạch khai thác sử dụng;
tổ chức lực lượng xây dựng, mua sắm và khai thác sử dụng các nguồn lực trong hoạt động DHTT tại các cơ sở GDNN.
Mục tiêu chuyên biệt của biện pháp này nhằm giúp cho đội ngũ CBQL và giáo viên tại các cơ sở GDNN biết tổ chức xây dựng, khai thác sử dụng cơ sở hạ tầng công nghệ và các nguồn lực bảo đảm cho hoạt động DHTT đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Biết xác định các nội dung quản lý và cách thức quản lý các nguồn lực góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động DHTT tại các cơ sở GDNN.
3.2.3.2. Nội dung và cách thức thực hiện biện pháp
Một là, nâng cao chất lượng đường truyền internet phục vụ dạy học trực tuyến: DHTT là hình thức người học và người dạy sử dụng kết nối Internet để tạo lớp học trực tuyến kết hợp cả bài giảng và sự tương tác qua lại. Hình thức dạy học này được truyền phát và sử dụng các hình ảnh âm thanh thông qua các thiết bị điện tử thông minh hiện nay. Các bài giảng, tài liệu của giáo viên sẽ được đăng tải trên nền tảng Internet, chỉ cần có tài khoản người học có thể truy cập vào các bài giảng mọi lúc mọi nơi. Đường truyền Internet ổn định là điều kiện tiên quyết để thực hiện
các hoạt động DHTT. Đây có thể coi là một yếu tố quan trọng đầu tiên trong quá trình DHTT giúp giáo viên kết nối những bài giảng của mình đến cho người học một cách đầy đủ.
Để nâng cao chất lượng đường truyền internet phục vụ DHTT đòi hỏi các cơ sở GDNN cần phải có một đường truyền mạng ổn định không bị giật lag trong suốt quá trình giảng dạy, ưu tiên sử dụng mạng wifi cạnh thiết bị giảng dạy hoặc cũng có thể sử dụng 4G nếu đảm bảo được chất lượng gói mạng. Hệ thống GDNN cần cùng các cơ quan chức năng phối hợp với các nhà mạng để nâng cấp chất lượng đường truyền internet phục vụ cho hoạt động DHTT.
Hai là, tổ chức hướng dẫn cho cán bộ, giáo viên, học viên khai thác, sử dụng các nền tảng công nghệ đảm bảo cho hoạt động DHTT: Kỹ năng sử dụng công nghệ thành thạo là một yêu cầu tất yếu đối với giáo viên và học viên trong DHTT.
Nếu như dạy và học theo hình thức truyền thống chỉ cần am hiểu nắm bắt sử dụng công nghệ ở một mức tối thiểu nào đó là có thể hoàn thành nhiệm vụ thì hoạt động của giáo viên, học viên theo hình thức DHTT phải có kiến thức và kỹ năng về sử dụng công nghệ khá thuần thục.
Hệ thống nền tảng công nghệ đảm bảo cho hoạt động DHTT bao gồm nhiều nội dung khác nhau, nhưng trong bối cảnh hiện nay, các cơ sở GDNN cần tập trung hướng dẫn cho cán bộ, giáo viên và học viên những nội dung cơ bản sau:
- Xây dựng, khai thác, sử dụng hệ thống quản lý học tập LMS (Learning Management System). Để quản lý hoạt động DHTT, các cơ sở GDNN phải xây dựng được hệ thống quản lý học tập hướng vào hỗ trợ cho hoạt động dạy và học, xoay quanh các hoạt động của người dạy và người học.
Hệ thống LMS chuyên nghiệp được thiết kế khoa học, thân thiện với người dùng; Bài giảng được số hóa chuẩn SCORM (Sharable Content Object Reference Model), giáo trình, tư liệu dạy và học được lưu trữ cloud thuận tiện sử dụng; Hệ thống quản lý Admin đơn giản, dễ dàng vận hành, sử dụng. Hệ thống quản lý hoạt động học LMS chứa các hoạt động của người dạy và hoạt động của người học.
Thông qua các hoạt động này, cả người dạy và người học sẽ điều chỉnh hành vi lựa chọn phương pháp dạy và học phù hợp.
- Xây dựng, khai thác, sử dụng hệ thống quản lý nội dung lưu trữ và phân tích các nguồn học liệu (LCMS - Learning Content Management System). LCMS thường được hiểu là hệ quản trị nội dung hoặc quản lý học liệu. Hệ thống quản lý nội dung học tập là phần mềm quản lý kho nội dung học tập qua mạng, cho phép tổ chức lưu trữ và phân phát các nội dung học tập tới người học. Hệ thống quản lý nội dung học tập LCMS có sự phối hợp chặt chẽ với hệ thống quản lý học tập LMS để truyền tải nội dung học tập tới người học và phần mềm công cụ soạn bài giảng để tạo ra các nội dung học tập.
Hệ thống quản lý học liệu LCMS có chức năng lưu trữ tài liệu học tập trên hệ thống thư viện để truy cập trực tuyến; các nguồn dữ liệu được sắp xếp theo một hệ thống thuận tiện cho việc khai thác, sử dụng. Lưu trữ bài giảng, bài tập chuyên nghiệp; thực hiện các hoạt động nộp và giao bài tập nhanh chóng, dễ dàng.
- Xây dựng, khai thác, sử dụng hệ thống quản trị đào tạo (EMS - Education Management System). Sử dụng phần mềm EMS để tập trung vào các quy trình quản trị mang tính hành chính như thông tin của người học, các hoạt động tài chính, thời khoá biểu, học bạ… EMS không đi sâu vào việc tổ chức các nội dung dạy và học, không bao gồm hoạt động dạy và học nhưng có vai trò hỗ trợ cho hoạt động dạy và học trong DHTT.
- Xây dựng, khai thác, sử dụng hệ thống thông tin học viên (SIS - Student Information System). Khai thác, sử dụng phần mềm SIS dùng để quản lý thông tin học viên. Bao gồm các tài khoản, thông tin về học bạ của học viên. Quản lý toàn bộ dữ liệu học viên để dễ dàng khai thác, sử dụng. SIS có thể là một phần của EMS, tuy nhiên đây là ứng dụng có mức độ chuyên sâu cao hơn. Trong DHTT có thể sử dụng SIS để nắm bắt đặc điểm và năng lực cá nhân của học viên.
- Xây dựng, khai thác, sử dụng các phần mềm và các công cụ hỗ trợ DHTT trên cùng một hệ thống. Dạy và học trực tuyến được tích hợp nhanh gọn trên cùng 1 hệ thống. Dạy và học đồng bộ trên 1 hệ thống, không mất thời gian chuyển đổi qua lại giữa các nền tảng. Nhiều tính năng trao đổi, tương tác, hỗ trợ học tập như lớp học trực tiếp: tương tác, viết bảng, nháp điện tử,...Giảng dạy xuyên suốt, đồng đều chất lượng, không bị ngắt quãng. Kiểm soát được chất lượng dạy và học của giáo viên, học viên thông qua việc ghi hình tự động.
- Hệ thống luyện thi thông minh; Tạo phòng thi và thi Online tại cùng một thời điểm dễ dàng; Tạo bài kiểm tra, đề thi đa dạng dưới mọi hình thức: tự luận, trắc nghiệm, điền từ, kéo thả...Tự động chấm điểm, đánh giá chính xác theo thang điểm chuẩn trong mọi chứng chỉ thi
- Tích hợp công nghệ AI tối ưu hiệu quả toàn diện, bắt kịp xu hướng phát triển của trí tuệ nhân tạo. Bao gồm: Công nghệ AI tiên tiến hỗ trợ hoạt động chuẩn bị và tiến hành giảng dạy của giáo viên. AI phân tích năng lực của từng học sinh, phân lớp theo mỗi trình độ. AI hỗ trợ đổi mới phương pháp DHTT, hỗ trợ giáo viên chấm điểm và phát hiện lỗi; hỗ trợ học viên tự học; giải đáp những câu hỏi, thắc mắc… .
- Hoàn thiện các điều kiện đảm bảo cho dạy và học trực tuyến. Hệ thống phần mềm DHTT được sử dụng riêng hoặc kết hợp các phần mềm như: Phần mềm tổ chức DHTT trực tiếp, hệ thống quản lý học tập trực tuyến và hệ thống quản lý nội dung học tập trực tuyến.
Đối với phần mềm tổ chức DHTT trực tiếp có chức năng: Giúp giáo viên tổ chức triển khai DHTT trực tiếp để giảng bài và hướng dẫn, giao nhiệm vụ học tập đồng thời cho tất cả học viên tham dự trong cùng một không gian học tập thông qua kênh hình, kênh tiếng, kênh chữ (chia sẻ màn hình máy tính), chuyển tải học liệu DHTT đến học viên; giúp học viên tương tác, trao đổi thông tin theo thời gian thực với giáo viên và những học viên khác trong cùng một không gian học tập.
Ba là, xây dựng cơ chế quản lý cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo cho hoạt động DHTT tại các cơ sở GDNN phù hợp với xu thế đổi mới giáo dục và đào tạo hiện nay: Cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo cho hoạt động DHTT tại các cơ sở GDNN rất đa dạng, gồm nhiều hạng mục và thường xuyên phát triển theo nhu cầu hiện đại hóa của nghề nghiệp đào tạo và sự tác động của cuộc CMCN 4.0. Vì vậy, các cơ sở GDNN phải có chiến lược đầu tư mua sắm, phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo cho hoạt động DHTT phù hợp với kế hoạch phát triển của nhà trường trong từng giai đoạn. Nội dung này bao gồm ban hành quy chế quản lý các hoạt động xây dựng, mua sắm cơ sở vật chất, trang thiết bị, phân bổ nguồn lực đảm bảo cho các hoạt động DHTT theo hướng xã hội hóa. Cơ chế phối hợp giữa nhà trường với doanh nghiệp ở TP.HCM tham gia đóng góp xây dựng cơ sở vật chất,
mua sắm trang thiết bị giáo dục cho các cơ sở GDNN. Ban hành các văn bản quản lý hoạt động khai thác sử dụng các nguồn lực đảm bảo cho các hoạt động DHTT.
Cách thức thực hiện như sau: Ban Giám hiệu nhà trường trung cấp, cao đẳng chủ trì xây dựng, ban hành quy chế, chính sách tạo hành lang pháp lý trong xây dựng, phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục của nhà trường. Căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ của nhà trường, căn cứ đặc điểm ngành nghề đào tạo và căn cứ các văn bản pháp quy để xây dựng cơ chế quản lý cho thích hợp. Cơ chế quản lý của nhà trường bao gồm các quy định về mua sắm, xây dựng và các quy định về bảo quản, khai thác sử dụng trang thiết bị đảm bảo cho hoạt động DHTT tại các cơ sở GDNN. Đặc biệt, cần phải dựa trên các văn bản pháp quy để xây dựng cơ chế phối hợp giữa nhà trường với doanh nghiệp để huy động sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp cho phù hợp. Cơ chế quản lý mới được xây dựng theo hướng chuyển từ cơ chế quản lý bao cấp của nhà nước sang cơ chế quản lý tự chủ, tăng trách nhiệm tự quản cho các cá nhân, tập thể trong nhà trường, hướng vào thực hiện mục tiêu xã hội hóa giáo dục.
3.2.3.3. Điều kiện thực hiện biện pháp
Có chính sách cụ thể về tài chính và các điều kiện đảm bảo cho hoạt động DHTT tại các cơ sở GDNN. Đầu tư cho hoạt động DHTT phải được đưa vào phần cứng trong những khoản đầu tư cho giáo dục, đào tạo và phát triển của các cơ sở GDNN.
Có sự cam kết phối hợp giữa các cơ sở GDNN với các doanh nghiệp ở TP.HCM. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập, hợp tác quốc tế hiện nay, từng cơ sở GDNN phải chủ động trong việc liên kết với các doanh nghiệp trong nước và quốc tế để tiếp cận với các phương tiện kỹ thuật hiện đại, đi trước, đón đầu trong đầu tư, mua sắm trang thiết bị.
Có cơ chế tự chủ về các điều kiện đảm bảo cho hoạt động DHTT tại các cơ sở GDNN. Cơ chế tự chủ toàn phần hoặc từng phần cho phép các cơ sở GDNN chủ động tìm kiếm các nguồn lực đảm bảo cho hoạt động DHTT. Đồng thời, cho phép các cơ sở GDNN có thể liên kết, phối hợp hoạt động DHTT tại cơ sở GDNN với nhau và với các doanh nghiệp trên địa bàn để hỗ trợ lẫn nhau về các điều kiện đảm bảo.