CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC TRỰC TUYẾN TẠI CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP TRONG BỐI CẢNH TOÀN CẦU HÓA
1.2. NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ DẠY HỌC TRỰC TUYẾN TẠI CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP
1.2.1. DẠY HỌC TRỰC TUYẾN
1.2.1.1. Khái niệm
Thuật ngữ DHTT (E-Learning, viết tắt của cụm từ Electronic Learning) là tổng hợp của hình thức giáo dục điện tử (E-education) và đào tạo từ xa (Distance learning), dựa trên công cụ máy tính và môi trường Web. DHTT ra đời đã mang đến sự đổi mới tích cực về phương pháp dạy và học của nền giáo dục quốc dân nói chung và GDNN nói riêng.
Hiện nay trên thế giới và Việt Nam, thuật ngữ DHTT có nhiều quan niệm và cách hiểu khác nhau. Có thể thấy, những quan niệm về DHTT được nhiều tác giả đề cập đều có điểm chung xoay quanh việc học tập dựa trên CNTT và truyền thông cùng với mối liên hệ giữa người dạy, người học thông qua các HĐDH, nội dung, phương pháp giảng dạy. Tổng quát vấn đề có nghĩa, DHTT là quá trình sử dụng các phương tiện điện tử, CNTT và truyền thông nhằm thực hiện chuyển giao, chia sẻ kiến thức giữa người dạy và người học, xóa bỏ những giới hạn về thời gian và không gian.
Tuy có nhiều quan niệm khác nhau, nhưng tựu chung DHTT có những đặc điểm nổi bật sau:
Thứ nhất, DHTT dựa trên CNTT và truyền thông; đó là công nghệ mạng, kỹ thuật đồ họa, kỹ thuật mô phỏng, công nghệ tính toán…
Thứ hai, hiệu quả của DHTT cao hơn so với cách dạy học truyền thống, do DHTT có tính tương tác cao dựa trên multimedia, tạo điều kiện cho người học trao đổi thông tin dễ dàng hơn, cũng như đưa ra nội dung học tập phù hợp với khả năng
và sở thích của từng người.
Thứ ba, DHTT đã và đang trở thành xu thế tất yếu trong nền giáo dục hiện đại của các nước trên thế giới.
Từ sự phân tích lý luận trên đây có thể rút ra khái niệm DHTT như sau: DHTT là một HĐDH từ xa được ra đời trong thời đại CNTT với sự hỗ trợ của một máy vi tính, điện thoại thông minh kết nối mạng đối với một máy chủ ở nơi khác có lưu trữ sẵn bài giảng điện tử và phần mềm cần thiết, người dạy và người học có thể tương tác với nhau qua màn hình ảo trong toàn bộ quá trình dạy học.
Hoạt động DHTT là hoạt động giảng dạy và học tập ở các lớp học trên Internet.
Người dạy và người học sẽ sử dụng phần mềm, nền tảng học trực tuyến, ứng dụng truyền âm thanh, hình ảnh và các thiết bị dạy học thông minh như laptop, smartphone, máy tính bảng nhằm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ dạy học theo chương trình, kế hoạch đã xác định. Giảng viên có thể truyền tải hình ảnh và âm thanh qua đường truyền băng thông rộng hoặc kết nối không dây (WiFi, WiMAX), mạng nội bộ (LAN). Các bài giảng, tài liệu dưới dạng văn bản, hình ảnh, video,… được đưa lên các nền tảng và người dùng có thể dễ dàng truy cập và học mọi lúc, mọi nơi.
Hoạt động DHTT là phương thức dạy học thông qua các thiết bị điện tử thông minh có kết nối internet. Trong DHTT có 2 khái niệm mà người dùng hay nhầm lẫn đó là: công cụ dạy học online và nền tảng giáo dục trực tuyến. Công cụ dạy học online là các phương tiện giúp người dạy và người học cùng tham gia vào cùng một thời điểm và có thể tương tác với nhau. Một số công cụ hỗ trợ học online thông dụng là: Zoom, Skype, Hangouts, Google Meet. Nền tảng E-Learning là phần mềm học trực tuyến cho phép tổ chức các buổi học trong thời gian thực và các khóa học trực tuyến nơi người học có thể truy cập bất cứ thời gian nào, sử dụng tài liệu được tải lên hệ thống để tự học.
DHTT là kết quả phát triển của công nghệ dạy học. Đó là sự kết nối giữa KHGD với KHCN. DHTT đang trở nên phổ biến không chỉ trong đại dịch Covid mà trong thời đại công nghệ số. Mức độ phát triển của DHTT phụ thuộc vào trình độ phát triển của KHGD nói riêng và của KHCN nói chung.
1.2.1.2. Cơ sở khoa học của dạy học trực tuyến
Cơ sở khoa học của DHTT được dựa trên nhiều phương diện của các khoa học khác nhau như: cơ sở Triết học, Tâm lý học, Giáo dục học, cùng với các ứng dụng CNTT trong giáo dục và dạy học và lợi ích của DHTT mang lại.
a) Cơ sở Triết học của DHTT
DHTT phản ánh mối liên hệ biện chứng giữa hoạt động dạy với hoạt động học, giữa nhận thức trực quan với nhận thức trừu tượng của học sinh. Hoạt động dạy và hoạt động học được thực hiện theo quy luật thống nhất biện chứng giữa logic nội dung với logic hình thức. Nhận thức là quá trình phản ánh tích cực, tự giác và sáng tạo thế giới khách quan vào bộ óc con người trên cơ sở thực tiễn nhằm khám phá những tri thức về thế giới khách quan.
b) Cơ sở Tâm lý học của DHTT
Vai trò của Tâm lý học trong DHTT: Tâm lý học đóng vai trò quan trọng trong việc hiểu, áp dung và phát triển các phương pháp DHTT hiệu quả. Các nghiên cứu Tâm lý học đã chỉ ra rằng, việc kích thích nhiều giác quan cùng lúc có thể tăng cường sự tập trung, hứng thú và hiệu quả học tập của người học. DHTT cho phép kết hợp các yếu tố như âm thanh, hình ảnh và video, các phương tiện trực quan,...
để tạo ra môi trường học tập sinh động, qua đó thúc đẩy hoạt động nhận thức của người học.
Tác động lên các giác quan và hoạt động nhận thức: DHTT tác động lên nhiều giác quan của người học, không chỉ dừng lại ở việc nghe bài giảng mà còn bao gồm nhìn thấy hình ảnh, video minh họa và tương tác trực tiếp với nội dung học tập thông qua các hoạt động thực hành trên màn hình. Việc này giúp kích thích hoạt động nhận thức, từ đó tăng khả năng ghi nhớ và tiếp thu kiến thức. Ví dụ, trong một bài giảng về khoa học, người học có thể xem các đoạn phim minh họa về thí nghiệm, nghe mô tả của giảng viên và tự tương tác với các mô hình ảo, giúp quá trình học tập trở nên thú vị và hiệu quả hơn.
Cá nhân hóa và tự điều chỉnh: DHTT còn hỗ trợ người học tự điều chỉnh tốc độ học tập của mình, giúp họ học theo nhịp độ riêng, phù hợp với khả năng cá nhân.
Đây là một yếu tố quan trọng trong Tâm lý học giáo dục vì DHTT cho phép học viên kiểm soát quá trình học tập, từ đó giảm bớt áp lực và tăng cường tính chủ
động, tự giác. Các nghiên cứu cho thấy rằng, khi người học có quyền tự quản lý quá trình học tập, họ thường có kết quả học tập tốt hơn [72, pp.64-70].
Khuyến khích tính tích cực và tự tin: Các hoạt động tương tác trong DHTT, như các bài kiểm tra nhanh, trò chơi học tập và các cuộc thảo luận trực tuyến, giúp học viên cảm thấy hứng thú và tự tin hơn trong việc thể hiện ý kiến và kiến thức của mình. Những hoạt động này khuyến khích học viên tham gia tích cực hơn, từ đó cải thiện kỹ năng tư duy phản biện và giải quyết vấn đề [35].
c) Cơ sở Giáo dục học của DHTT
Nguyên lý và triết lý giáo dục trong DHTT: Giáo dục học là nền tảng định hướng cho việc xây dựng và phát triển các phương pháp DHTT, đặc biệt là việc áp dụng công nghệ để nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập. DHTT dựa trên bốn trụ cột giáo dục mà UNESCO đã chỉ ra: “Học để biết, học để làm, học để tự khẳng định mình, học để biết cách sống cùng nhau.” Các trụ cột này được tích hợp vào DHTT, giúp người học không chỉ tiếp thu kiến thức mà còn phát triển các kỹ năng sống và làm việc quan trọng.
Thiết kế môi trường học tập đa dạng và linh hoạt: Với sự hỗ trợ của công nghệ, các cơ sở giáo dục có thể thiết kế các môi trường học tập ảo, nơi người học có thể tham gia vào các hoạt động tương tác như thảo luận nhóm, mô phỏng thực hành và đánh giá trực tuyến. Các chương trình học được xây dựng theo hướng cá nhân hóa, cho phép điều chỉnh nội dung học tập phù hợp với năng lực và sở thích của từng người học. Ví dụ, các khóa học trực tuyến có thể cung cấp các bài tập khác nhau cho người học có trình độ khác nhau, từ cơ bản đến nâng cao, đảm bảo mọi người đều có thể học theo cách phù hợp nhất với mình [44].
Đa dạng hóa phương pháp và hình thức dạy học: DHTT tạo điều kiện để giáo viên áp dụng linh hoạt các PPDH như giảng dạy dựa trên dự án, học tập qua tình huống thực tế, và mô phỏng. Giáo viên có thể sử dụng slides, videos, các tài liệu liên kết ngoài để kết nối nội dung các môn học, từ đó tạo ra các bài học tích hợp, phong phú. Việc tích hợp các phương pháp và công cụ dạy học khác nhau giúp tăng cường sự đa dạng và hiệu quả của quá trình giảng dạy, giúp người học tiếp cận với kiến thức từ nhiều góc độ [54].
Tăng cường khả năng tiếp cận và mở rộng phạm vi giáo dục: DHTT phá vỡ rào
cản không gian và thời gian, cho phép người học có thể học mọi lúc, mọi nơi, đặc biệt là những người ở vùng sâu, vùng xa hoặc có lịch trình bận rộn. Người học có thể truy cập tài liệu học tập từ các nguồn đa dạng như thư viện số, các trang web học thuật, và các nền tảng giáo dục mở. Điều này giúp mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục cho tất cả mọi người, đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo nghề và đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động hiện đại [57].
d) Cơ sở khoa học công nghệ của DHTT
Bản chất của DHTT là sử dụng thành tựu của KHCN để thực hiện phương thức dạy học từ xa, ở đó sự tương tác giữa người dạy và người học được thực hiện trong môi trường ảo. DHTT được thực hiện trong môi trường ảo rất đa dạng, phong phú và sát với thực tiễn, giúp cho người học có thể kết hợp nhận thức trực quan với tư duy trừu tượng; gia tăng sự gắn bó giữa nhà trường với thực tiễn, giữa học với hành. Cuộc CMCN 4.0 đang thay đổi thế giới. Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI), rô-bốt, dữ liệu lớn (Big Data) và mạng lưới vạn vật kết nối công nghệ (IoT) đã tác động đến toàn bộ các khía cạnh trong đời sống, trong đó có ngành giáo dục. Sự tác động của CMCN 4.0 đã thâm nhập vào mọi khâu, mọi bước, mọi thành tố của quá trình dạy học. Chuyển đổi số trong giáo dục là một xu hướng tất yếu trong bối cảnh CMCN 4.0. Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy quá trình này phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Điều đó vừa đặt ra yêu cầu bắt buộc, vừa tạo ra cơ sở tiền đề cho quá trình dạy học phải vận dụng những thành tựu của KHCN.
Tác động của cuộc CMCN 4.0 đã và đang tạo ra các nền tảng công nghệ cho sự đổi mới giáo dục ở các nhà trường. Có thể ứng dụng trong giáo dục với các phương thức cơ bản như sau:
Thứ nhất, sử dụng thành tựu của cuộc CMCN 4.0 để hiện đại hóa các phương tiện, thiết bị dạy học; vận dụng các thành tựu của công nghệ số thực hiện số hóa các nguồn tài liệu dạy học, xây dựng các thư viện số, xây dựng nhà trường thông minh.
Thứ hai, phát triển phương thức DHTT, mở các lớp học từ xa, tạo cơ hội cho nhiều đối tượng có thể tham gia học tập, thực hiện học mọi lúc, mọi nơi. Những bài giảng trực tuyến của giáo viên có thể lưu thành các file mềm dùng cho học sinh tự học, tự nghiên cứu khi cần thiết.
Thứ ba, xây dựng các quy trình công nghệ trong quản lý nhà trường, quản lý
chương trình, nội dung dạy học, quản lý đội ngũ người dạy, người học và các nguồn lực của nhà trường. Thực hiện số hóa trong quản lý nhà trường.
Như vậy, DHTT là một xu hướng tất yếu của thời đại công nghệ, được thực hiện đồng thời với quá trình chuyển đổi số trong giáo dục nói chung và đây cũng là một xu hướng chủ đạo trong đổi mới GDNN hiện nay ở các trường nghề.
đ) Lợi ích của DHTT
DHTT mang lại nhiều lợi ích như:
Tiết kiệm thời gian và chi phí: Người học không cần phải di chuyển đến lớp học, giảm thiểu chi phí đi lại và thời gian.
Tính linh hoạt: Người học có thể chủ động về thời gian và địa điểm học, dễ dàng cân bằng giữa học tập và công việc cá nhân.
Tăng cường tương tác: Các công cụ trực tuyến cho phép người học dễ dàng trao đổi, thảo luận và hợp tác với nhau, tạo môi trường học tập năng động và hiệu quả.
Tiếp cận nguồn tài liệu phong phú: Người học có thể truy cập vào các tài liệu học tập từ nhiều nguồn khác nhau, nâng cao kiến thức và kỹ năng.
Như vậy, DHTT là một hoạt động đào tạo hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển của công nghệ và nhu cầu học tập của người lao động trong thời đại mới. Việc áp dụng DHTT cần được triển khai đồng bộ, hiệu quả để phát huy tối đa lợi ích và khắc phục những thách thức gặp phải.