8. Cấu trúc luận văn
1.2. Thể tài hồi ký - tự truyện
1.2.1. Thể tài hồi ký
Hồi ký là một thể tài thuộc thể loại ký văn học. Theo Từ điển thuật ngữ văn học do Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi đồng chủ biên, hồi ký (mesmoires: tiếng Pháp) là “một thể loại thuộc loại hình kí, kể lại những biến cố đã xảy ra trong quá khứ mà tác giả là người tham dự hoặc chứng kiến”[9, tr.127]. Nó ra đời rất sớm, từ thời cổ Hy Lạp. Hồi ức của Kxênophôn và Xôcrát và những ghi chép của ông về các cuộc hành quân của người Hy Lạp (thế kỷ V trước CN) thường được coi là những tác phẩm hồi kí cổ xưa nhất.
150 thuật ngữ văn học do Lại Nguyên Ân chủ biên cho rằng: tác phẩm hồi kí là một thiên trần thuật từ ngôi tác giả (tôi tác giả không phải là tôi hư cấu ở một số tiểu thuyết, truyện ngắn) kể về những sự kiện có thực trong quá khứ mà tác giả tham gia hoặc chứng kiến. Cùng quan điểm như vậy, tác giả Phương Lựu đã đưa ra đặc điểm của hồi kí: “chủ thể trần thuật phải là người trong cuộc, kể lại những sự việc trong quá khứ. Hồi kí có thể nặng về người hoặc việc, có thể theo dạng kết cấu - cốt truyện hoặc dạng kết cấu liên tưởng”[24, tr.436].
Theo L.I.Timôfeep trong cuốn Nguyên lý lý luận văn học (tập 2) viết: “Một trong hàng loạt hình thức của văn học nghệ thuật, mà cơ sở là những sự kiện lịch sử đã tồn tại trong thực tế. Đó là những hồi kí (Quá khứ và ý nghĩa) của Gecxen đã khái quát hóa và miêu tả theo quan điểm mỹ học những sự kiện thực trong đời sống của tác giả. ở đây cốt truyện dựa vào các biến cố đã được biết trước, nhiệm vụ của tác giả chỉ là trình bày nó ra một cách cụ thể và giải thích nó theo quan điểm mỹ học... những điều mà tác giả cho là gần gũi đối với mỹ cảm của tác giả ”[41, tr.182].
Hồi ký được viết theo nhiều hướng khác nhau: có tác phẩm chủ yếu nhằm miêu tả mối liên hệ của bản thân mình với cuộc sống thông qua những bức tranh xã
hội rộng lớn; có tác phẩm lại tập trung miêu tả cuộc sống với những điều gần gũi và trực tiếp của bản thân mình trong quá khứ... Nhưng dù được viết dưới dạng nào, hồi ký cũng phải là những trang viết chân thành, nghiêm khắc và khách quan, trong đó tác giả tự đánh giá để soi lại những hành vi, suy nghĩ, việc làm trong những chặng đường của quá khứ. Khác với các sử gia và nhà viết tiểu sử, người viết hồi ký chỉ tiếp nhận và ghi chép phần hiện thực mà tác giả nhìn rõ hơn cả dựa trên cơ sở những ấn tượng và hồi ức riêng trực tiếp của mình. Hơn nữa, bản thân người viết hồi ký luôn luôn được mô tả, trình bày ở bình diện thứ nhất. Hồi ký thường khó tránh khỏi tính phiến diện và ít nhiều chủ quan của thông tin, tính không đầy đủ của sự kiện, song sự không đầy đủ của nó do sự diễn đạt sinh động trực tiếp của cá nhân tác giả lại có một giá trị như là một tài liệu xác thực đáng tin cậy.
Theo giáo sư G.N.Pospelov trong cuốn giáo trình Dẫn luận nghiên cứu văn học (tập 1), trong hồi ký xuất hiện những hình ảnh mà tác giả của chúng đặt ra một nhiệm vụ khác và miêu tả các hiện tượng đời sống không phải vì tính điển hình của chúng, mà là vì tính cá biệt không lặp lại của chúng, nếu như tính cá biệt ấy có ý nghĩa về một mặt nào đó. Đó là các hình tượng ghi chép sự thực (faktographya).
Thông thường các hình tượng ấy được tạo ra là để ghi lại các sự kiện của cuộc sống riêng, của sinh hoạt gia đình có ý nghĩa quan trọng đối với con người. Có khi chúng được xây dựng để ghi nhớ các sự kiện của đời sống xã hội. Các hình ảnh ghi chép sự thực có một cái gì chung với các hình ảnh minh họa. Nhà ký sự ghi chép việc thật cũng cần phải bảo đảm tính chính xác khi truyền đạt các chi tiết cá biệt của sự kiện xảy ra, về đạo lí, anh ta không có quyền xuyên tạc hay bịa đặt chúng. Anh ta có thể biểu thị thái độ đối với các nhân vật và sự kiện được miêu tả bằng cách lựa chọn và nhấn mạnh một vài chi tiết có ý nghĩa quan trọng đối với anh ta mà thôi. Như vậy, các hình ảnh ghi chép sự thực chỉ tái hiện các hiện tượng đời sống đáng kể trong tính cá biệt của chúng. Cũng giống như các hình ảnh minh họa, các hình ảnh ghi chép sự thực không biến đổi tính cá biệt của các hiện tượng, trình bày chúng đúng như là chúng vốn có trong hiện thực.
Ở nước ta xuất hiện nhiều tập hồi ký cách mạng có giá trị như: Những năm tháng không thể nào quên của Võ Nguyên Giáp, Bất khuất của Nguyễn Đức Thuận, Hồ Chí Minh qua kí ức các nhân chứng lịch sử của Đinh Chương, Con
đường theo chân Bác của Hoàng Quốc Việt. Bên cạnh những tác phẩm hồi ký cách mạng, hồi ký của các nhà văn (hồi ký văn học) cũng có một vị trí đặc biệt. Nhiều nhà văn như Nguyễn Công Hoan, Đặng Thai Mai, Vũ Ngọc Phan, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Huy Cận, Anh Thơ, Vũ Bằng... đã viết hồi ký văn học theo những cách viết khác nhau. Hồi ký của nhà văn chính là một điểm tựa, một căn cứ quan trọng để tìm hiểu sự nghiệp tác giả, hiểu khung cảnh xã hội và những người đương thời với tác giả. Điểm nổi bật trong các tác phẩm hồi ký văn học là sự xuất hiện đậm đà của
“cái tôi” trần thuật. Sự thật cuộc sống được thể hiện trực tiếp qua sự cảm nhận của tác giả. Tác giả chứng kiến trực tiếp hiện thực, lựa chọn và trình bày sự kiện. Tác giả đóng vai trò “nhân chứng” trực tiếp dẫn dắt độc giả, giúp độc giả tin tưởng vào những điều người viết trình bày, vì vậy mà vốn sống, kinh nghiệm và tài năng của tác giả hồi kí quyết định giá trị của tác phẩm. Các nhà văn trong việc tự khám phá bản thân mình trên từng chặng đường sáng tác nghệ thuật phải giải đáp được các câu hỏi: “Tôi là ai? Tôi đã trở thành nhà văn như thế nào? Tôi cùng các nhà văn khác lao động, sống trong cùng một đời sống xã hội, văn học như thế nào?”. Những cái tôi tinh túy, cái tôi tài năng cần được coi trọng. Họ phải tìm cho mình một con đường đi bằng những nỗi khát khao lớn của nhà văn chân chính. Làm được như vậy thì tác phẩm của họ sẽ tạo nên những tiếng vang nhất định. Những sự kiện văn học trong quá khứ, những số phận văn chương sẽ được tái hiện theo một cách nhìn nhận mới. Do vậy, hồi ký dần được định hình, vươn lên và được đánh giá cao hơn. Nhiều người tìm đến hồi ký như một phương tiện để bộc lộ, để giãi bày.
Như vậy là một thể tài của thể ký, hồi ký mang trong mình những đặc điểm chung của thể loại bao hàm nó, đồng thời nó cũng có những đặc trưng riêng của mình. Điều đó giúp ta phân biệt giữa hồi ký với các thể tài khác của thể ký như ký sự, phóng sự, nhật ký,... Đúng như G.S. Hà Minh Đức đã nhận xét về bản chất của các thể ký này: “Ký sự nghiêm ngặt tái hiện những sự kiện phong phú của đời sống;
hồi ký ghi lại những diễn biến của câu chuyện theo bước đi của thời gian, qua sự hồi tưởng; bút ký, tùy bút thể hiện một cách linh hoạt việc phản ánh cuộc sống khách quan và bộc lộ những suy tưởng chủ quan”[8, tr.323]. Tuy nhiên, nằm trong những đặc điểm chung của kí văn học, các thể trên cũng ảnh hưởng thâm nhập, tác động đan xen lẫn nhau. Trong quá trình phát triển, vận động của thể loại, hồi kí
cũng nhận được sự thâm nhập, đan xen ảnh hưởng của những yếu tố cùng loại. Sự ảnh hưởng có tính “phẩm chất” này khiến hồi kí có mối quan hệ mật thiết với các thể loại kí trong văn học hiện đại.