Đến với những trang hồi ký của Ma Văn Kháng, người đọc như được khám phá một kho tri thức vô cùng phong phú, đa dạng về nhiều chuyên ngành khoa học và nhiều lĩnh vực của cuộc sống: lịch sử, địa lí, văn hóa, kinh tế, chính trị, luật pháp.
Hơn năm mươi năm trụ vững với nghiệp cầm bút, bắt đầu từ truyện ngắn Phố Cụt (1961) đến tiểu thuyết Bóng đêm (2011), từ một anh giáo trẻ ngày nào hăm hở, nhiệt tình lên miền núi dạy học, đến khi trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau, từ một cây bút trẻ Ma Văn Kháng đến nhà văn Ma Văn Kháng được nhiều độc giả biết đến như bây giờ, Ma Văn Kháng đi nhiều viết nhiều. Đến đâu ông cũng quan sát, ghi chép, góp nhặt, rồi “tích cóp” những chất liệu của cuộc sống thường nhật vào trong “ngăn kéo” ký ức của mình. Hồi kí trước hết thể hiện sự uyên bác của nhà văn về vùng đất và con người nơi đã đến. Chỉ cần đọc những dòng hồi ký nói về vùng đất Kim Liên, quê hương của nhà văn, ta thấy ở đó có rất nhiều kiến thức về lịch sử, địa lí. “Kim Liên vốn là một làng cổ, nằm ở bên trục đường quốc lộ số 1, sát kề cửa ô Đồng Lầm mở ở phía Nam, một trong năm cửa ô của Thủ đô Hà Nội... Kim Liên trước gọi là Kim Hoa, xa xưa nữa có tên là Đồng Lầm. Tên Đồng Lầm có lẽ được đặt từ thời Lý. Đến thời Hậu Lê, Lê Thần Tông niên hiệu Vĩnh Tộ, tên thật là Lê Duy Kỳ (1619- 1629) năm Kỷ Mùi - nhị niên, thì tên làng từ Đồng Lầm được đổi là Kim Hoa. Kim Hoa theo chữ Hán dịch là Bông hoa bằng vàng, có thể là tên một công chúa đương thời... Như vậy làng tôi có ba tên: Đồng Lầm - Kim Liên - Kim Hoa. Tên nào cũng đẹp đẽ và có ý nghĩa cao quý” [15, tr.19]. Vốn hiểu biết dày dặn
về nền văn hóa, phong tục tập quán nơi đang sống cũng là một thế mạnh của nhà văn khi viết về vùng đất và con người nơi đó. Chẳng hạn, khi đi làm thuế nông nghiệp ở thôn đồng bào Giáy, nhà văn viết về phong tục tập quán của người Giáy.
Người Giáy rất hiếu khách. “Người Giáy hút thuốc lào cả nam lẫn nữ. Khách đến, việc đầu tiên là chủ nhà đưa điếu đã nạp sẵn mồi thuốc ở nõ và que đóm ngâm cháy bén... Trong một cuộc họp, cái điếu chuyển vòng, liên tục sôi ùng ục và khói bay mù mịt cả gian nhà” [15, tr.70]. Đặc biệt, người Giáy có mỹ tục Vươn Giáy, tức Hát Giáy. Đó là một đặc sản văn hóa của người Giáy ở Lào Cai. “Hát Giáy có nhiều loại, nhiều đẳng cấp. Thông thường là những bài hát đối đáp, giao duyên, kể chuyện lữ khách nơi địa giới. Cao cấp là hát những bài đối ứng, miêu thuật cuộc du hành lên thượng giới, chẳng hạn lên tới trời... Có cảm tưởng, người hát đến đây là đi vào cõi mê...”[15, tr.75]. Số bài hát, Giáy có tới hàng ngàn bài. Cũng có tới hàng nghìn câu răn đời, châm biếm thói hư tật xấu, phổ biến kinh nghiệm trồng trọt, cổ động sản xuất. Ngoài hát Giáy còn có thổi kèn, có kể chuyện cổ. Cùng với sự hiểu biết về bản sắc văn hóa là những thông tin về pháp luật của cái tôi tác giả. Tuy nhiên đó không phải là những thông tin được cung cấp khô khan trừu tượng mà được cụ thể qua từng dẫn chứng. Những thông tin ấy vừa tác động đến lí trí, thỏa mãn nhu cầu hiểu biết của độc giả, vừa đem đến cho họ những chân giá trị thẩm mĩ cao.
Bên cạnh những hiểu biết về các lĩnh vực khác nhau, hồi ký cung cấp cho chúng ta nhiều nhất là những hiểu biết của nhà văn về lĩnh vực văn học. Ông cho rằng “nghệ thuật là cái gì đó rất trừu tượng, nó được ngấm dần vào huyết mạch, con tim, trí não ta, trở thành một vận động không tự giác ở trong ta, chi phối ta từ cách nắm bắt, khai thác hiện thực cho đến cách cấu tứ, bố cục và sử dụng ngôn ngữ”[15, tr.112] và tài năng vô song của người viết văn xuôi trước hết là ở chỗ anh ta biết cách sống hòa mình, nhập cuộc với đời sống ở tất cả các cung bậc của cảm hứng, cảm xúc, ý nghĩ lớn nhỏ. Đồng thời, nhà văn cũng phải là người chịu khó tích lũy về vốn sống, để rồi từ đống nguyên liệu ngổn ngang ngày thường, phân biệt vuông với tròn, ngắn với dài, bỏ thô lấy tinh, chọn lọc ra những giá trị trường cửu,
xếp sắp lại, để trí tưởng tượng cất cách bay vào những miền hư cấu xa xôi, cặm cụi một thân một mình, bằng say mê và tận tụy tận sức tận lực tạo dựng nên một tòa tháp văn chương thật tráng lệ nguy nga. Trong hồi ký và trong các tiểu luận của mình, Ma Văn Kháng đã nhiều lần nhấn mạnh về lao động công phu, nghiêm ngặt, cần mẫn của nhà văn cả trong tư duy và cách viết, để tác phẩm là một sự sáng tạo mới, hoàn chỉnh. Nếu chỉ ỷ vào tài năng thiên bẩm mà không chịu bồi dưỡng, chăm sóc cho cái mầm tài năng đó phát triển, nảy nở, thăng hoa - thì cái vốn quý ban đầu kia chẳng chóng thì chày sẽ cạn kiệt, lụi tàn, khô héo. Trên cơ sở đó, Ma Văn Kháng đã làm rõ việc nhà văn cần luôn học miệt mài, mê mải ở 3 loại Trường:
Trường đời, Trường kiến văn và Trường nghề. Ông cho rằng nếu nhà văn biết đặt mình tiếp cận và liên thông với cội nguồn kiến thức văn hóa, văn nghệ truyền thống của dân tộc mình và tinh hoa tri thức của nhân loại; luôn chăm lo giữ gìn vị thế và uy tín của tên tuổi bằng cách không ngừng rèn luyện thành thục tay nghề và đổi mới kỹ năng nghề nghiệp, thì anh ta có thể tạo được những tác phẩm để đời. So với nhiều bậc đàn anh, nhà văn Ma Văn Kháng được đào tạo bài bản. Ông khẳng định không chút đắn đo: “Đối với tôi, trong sự hình thành những cơ sở đầu tiên của một nhà văn, tất cả đều là nhờ thầy cô”. “Và nếu hôm nay tôi có được bạn đọc công nhận là nhà văn thì công lao tạo nên tôi, trước hết là thuộc về nhà trường, nơi trau dồi lý tưởng sáng đẹp, nơi dạy tôi tình yêu đối với tiếng Việt, nơi cho tôi thấy cái đẹp kì lạ, cái sức mạnh vô hình, lớn lao của ngôn ngữ ông cha, trong đó, ở bậc tiểu học là sự manh nha và cảm tính; sâu sắc, ấn tượng mạnh mẽ hơn ở bậc trung học và hoàn thiện trọn vẹn, kể cả tự một tình yêu bền vững tới tri thức và kĩ năng sử dụng tiếng Việt cùng cách thức tạo lập nên các giá trị văn học, ở bậc Đại học”[15, tr.39,40]. Và nhà trường bao giờ “cũng vẫn là cái vườn ươm gây mầm các tài năng văn chương; vì ít nhất nó cũng góp phần làm cho nhà văn có được khái niệm kiến thức văn hóa của mười nghìn năm trước mình”[15, tr.42]. Đặc biệt tình yêu văn chương và năng lực cảm thụ nó, sáng tạo nó, là cả một quá trình hình thành và được thầy vun xới. Như vậy, nhà trường Đại học tạo cho nhà văn một vốn cơ bản, khá vững chắc để có được hiểu biết cần thiết về văn học cổ kim, đông tây. Rồi Trường
Viết văn, bồi dưỡng thêm tri thức về nghề nghiệp. Hơn nữa, công việc làm biên tập các báo, nhà xuất bản giúp ông rèn giũa văn chương “làm thầy” người viết về câu chữ, yêu cầu nghiêm ngặt về diễn tả, biểu cảm, thể hiện để đạt độ cao hàm súc cũng là vẻ đẹp văn chương, đòi hỏi một tầm cao về cảm thụ và phân tích. Nhiều năm phụ trách tạp chí Văn học nước ngoài đã khiến ông học tập những tinh hoa văn học thế giới, những khuynh hướng, những trào lưu hiện đại nhất. Đó chính là những thời cơ để nhà văn rèn luyện, bồi dưỡng năng lực cảm nhận và sáng tạo văn chương.
Ma Văn Kháng luôn học hỏi, kế thừa tinh hoa của các bậc tiền bối văn chương. Ông trưởng thành một phần không nhỏ là nhờ sự chỉ bảo, tâm truyền khẩu truyền của các bậc đàn anh. Nhà văn chân thành học tập ở đồng nghiệp, kể cả các bạn trẻ, nhưng đặc biệt là tầm sư học đạo các bậc trưởng lão. Ma Văn Kháng đi miền núi cũng vì mê Truyện Tây Bắc, mê cảnh, mê người một vùng quê của sáng tác văn chương. Học hỏi thực sự, thấm nhuần và sáng tạo với niềm hãnh diện chân chính, ông viết về một vùng quê hương thân thiết và tự nhận đó là cái “miền núi của mình”, mang dấu ấn đặc sắc riêng. Sau Tô Hoài, có thể coi Ma Văn Kháng là người tiếp tay, tiếp sức mạnh mẽ để tạo ra một dòng văn học mang hương vị, sắc thái riêng của miền núi. Ông cũng như nhiều nhà văn khác, không hề có dị ứng với lý luận sách vở. Ngay từ thời đi học đại học nhà văn đã đọc và có ấn tượng sâu sắc với rất nhiều cuốn sách lý luận văn học của Việt Nam và của nước ngoài. Ông đọc gần như không bỏ sót một tác phẩm văn xuôi nào của bạn bè, kể từ tiểu thuyết, truyện ngắn đến tản văn. Kể từ tác giả đã nổi tiếng, đến các tác giả mới vào nghề. Thân cũng như sơ. Đọc sách của các nhà văn lớp trước, lớp cùng thời và lớp các nhà văn trẻ. Ông tâm sự: “suốt những năm tháng sống ở tỉnh lẻ Lao Cai, tôi là con mọt sách.
Tôi bắt đầu công việc tập viết bằng truyện ngắn... Tôi đọc gần như không sót một tập truyện ngắn nào của các nhà văn Việt Nam và thế giới xuất bản hồi đó. Từ Chékhov, Maupassant, Lỗ Tấn tới Tô Hoài, Chu Văn, Nguyễn Kiên... kể cả các nhà văn trẻ lúc đó mới nổi lên mà tôi rất thích, như Trần Kim Thành, Hoàng Tiến, Châu Diên... Để bắt đầu viết tiểu thuyết, tôi đọc gần như hết các tiểu thuyết đã xuất bản đương thời”[15, tr.112]. Ông coi đó là những cuốn sách vào nghề, những cuốn sách
nhập môn. Đọc để cảm nhận thêm các khía cạnh khác của cuộc đời, của những vùng thẩm mỹ còn chưa được biết tới. Và đọc để thẩm thấu. Vì “Thẩm thấu là người thầy dạy tốt nhất. Thẩm thấu có nghĩa là tinh lọc là ngấm nghía dần dần. Để tất cả nhuần nhuyễn vào máu thịt, biến thành bản năng tự nhiên, thành vô thức. Thành một thứ gọi là linh cảm, linh giác, tiên thiên, nghĩ là viết như thế mà không cần hiểu tại sao lại viết như thế”[20, tr.66,67]. Cứ như vậy, ông đã đọc, đã học được bao kinh nghiệm nghề nghiệp và “nhận ra một cách đầy đủ nhất tất cả sự thiêng liêng đẹp đẽ của văn chương và chức trách lớn lao cao quý của nhà văn”[15, tr.190] từ những buổi gặp gỡ với các văn nghệ sĩ. Mỗi lần được học tập, mỗi đợt đi thực tế sáng tác là một lần mở ra trước mắt nhà văn một vùng trời mới “trong tôi, một sức sống mới đang nảy mầm, cựa động. Tôi rũ ra khỏi mình nỗi day dứt, buồn phiền và mặc cảm tự ti, tôi muốn đoạn tuyệt, đoạn tuyệt hẳn với những trang viết trước đây của mình”[15, tr.193]. Từ chính con đường đi của mình, nhà văn nhận ra: chỉ đi vào đời sống, “cày sâu cuốc bẫm” nó thì vẫn là chưa đủ, khó mà bay cao vươn xa. Còn phải học thêm nhiều từ thầy cô, bạn bè và sách vở. Và tự học nữa. Một khi kiến văn được mở rộng, vốn sống trực tiếp được bổ sung bằng vốn sống gián tiếp và lý luận dẫn dắt, những con chữ sẽ trở nên cứng cáp, sức lực dồi dào, vóc dáng mạnh mẽ như con người. Thành ra có thể nói nghề văn là nghề tự đào tạo. “Đó là một nghề cần học hỏi suốt đời. Học nghề mải mê, không biết mệt, nếu anh còn tiếp tục sống với cái nghề vất vả cực nhọc và tràn đầy niềm vui này” [20, tr. 67,68].