2.3. Cái nhìn nghệ thuật ( của người kể chuyện) trong hồi ký
2.3.2. Cái nhìn nghệ thuật trong hồi ký của Ma Văn Kháng
2.3.2.1. Cái nhìn khách quan, chân thực
Hồi ký - tự truyện của Ma Văn Kháng - như tên gọi của nó Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương - qua những tư liệu đời sống về gia đình và những người cùng thời, đã khắc họa một cách ám ảnh một thời kỳ của đời sống xã hội đang trên bờ vực thẳm, tất yếu phải đổi mới để tồn tại và phát triển. Rất nhiều sự kiện của lịch sử, của cuộc đời đã được nhà văn thuật lại một cách chân thực và khách quan. Có cái cao cả, có cái tầm thường, có cái thô nhám, xù xì góc cạnh. Đó là một bức tranh xã hội phồn tạp, một đời sống chưa trọn vẹn. Ấn tượng khủng khiếp về nạn đói 1945 được nhà văn viết rất chân thực “những thân xác người chết đen thui như những bộ xương khô nằm trần trụi hoặc được phủ manh chiếu rách nằm chỏng trơ bên lề đường, hè phố... Những bóng người vật vờ như hồn ma khoác bao tải đi lại, nằm ngồi trong các gian chợ... những đoàn lũ trẻ con người lớn đi ăn xin bu vào trước cửa mỗi nhà...”[15, tr.31]. Rồi kháng chiến chống Pháp bùng nổ, cả thế hệ những người con ưu tú của đất nước đã hi sinh tình cảm cá nhân gia đình hăm hở lên đường khát khao dâng hiến toàn bộ tâm sức cho sự nghiệp giai cấp. Đó là tâm trạng chung của một thế hệ trong đó có nhà văn. Thời kì miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, những bất cập của công việc làm ăn tập thể, những câu chuyện đau lòng trong những ngày xây dựng chính quyền non trẻ ở Lào Cai đã được nhà văn ghi lại bằng cái nhìn chân thực, khách quan nhất. Đặc biệt, cuộc sống thời bao cấp với bao cùng cực và đói nghèo được nhà văn miêu tả một cách sâu sắc và thấm thía. Chẳng hạn, cơm ăn hàng ngày không đủ no, phải độn thêm ngô, khoai, sắn.
Đói quá, thế là cả nước lúc này chả còn ai không đi buôn. Từ anh cán bộ quan chức cao cấp trong bộ máy Chính phủ cho đến những “nhà văn buôn cũng tài tình chẳng kém”[15, tr.243]. Những chuyện tiêu cực trong xã hội thì cứ nhan nhản ra, chỗ nào
cũng có những con phe, bọn buôn lậu. Nạn ăn cắp diễn ra tràn lan trong tất cả các bộ phận. Thợ dệt thì ăn cắp cuốn sợi, chiếc thoi. Thợ xây thì ăn cắp từng cân xi măng. Một trong những biểu hiện của cơ chế bao cấp, phân phối là cảnh xếp hàng:
“xếp hàng như một sinh hoạt tất nhiên”[15, tr. 250]. Thời bao cấp người ta quan niệm “không sợ nghèo chỉ sợ không công bằng”[15, tr. 250]. Nhưng công bằng làm sao được nếu cứ phân phối theo kiểu: năm người được nhận một lốp Sao Vàng, hai người nam được phân một quần đùi, một người được mua một bao Sông Cầu, một bao Điện Biên, năm lưỡi dao cạo râu. Đúng là “Cái cứt gì cũng phân. Phân như cứt”[15, tr.249] thật chua chát. Mặt trái của cơ chế thị trường, có sự chi phối của đồng tiền đã làm cho xã hội đảo điên, bạn bè phản bội nhau như gia đình anh Thứ, chị Ngọc “phải dọn nhà đi nơi khác để lại căn nhà tích cóp cả đời mới có được để gán nợ”[15, tr.310]. Chế độ cải cách hành chính có những chuyện “nghĩ mà buồn mà thương cho kiếp con người”[15, tr.527]. Thời kỳ này, muốn giải quyết bất cứ công việc gì là phải biết “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”, “đồng tiền bôi trơn các mối quan hệ! Đó là thông lệ. Lớ ngớ không hiểu thì thiệt vào thân”[15, tr.535].
Tất cả những sự kiện lớn của lịch sử dân tộc đã để lại ấn tượng sâu đậm trong tâm trí nhà văn. Đặc biệt, cái nhìn của Ma Văn Kháng thể hiện sự tỉnh táo khách quan hiếm thấy khiến trên từng trang hồi ký của ông người đọc cảm nhận cả những thay đổi lớn lao của đất nước, cả những bi kịch một thời đã qua.
Hiện thực đời sống văn học được phản ánh một cách nhanh nhạy nhất, trần trụi nhất đem lại niềm tin vào tính chân thực cho độc giả. Ở lĩnh vực nào cũng có sự hạn chế và những bất cập về đánh giá chuẩn mực con người, về sự ra đời của những cuốn sách, về những cái yếu kém của văn nghệ. Với phương châm “nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật” để phản ánh hiện thực, nhà văn đã không ngần ngại nói ra những bất cập, những khuất lấp, những mặt trái của những tấm huân chương, của những thành tích nổi trội trong đời sống văn học. Bất cập về khâu xuất bản và phát hành sách. Bất cập cả về việc kết nạp hội viên mới, về các cuộc thi văn chương
“mất đi rồi tính khách quan, nghiêm túc cần có ở các cuộc chấm thi văn chương.
Mất đi rồi một cách rất lạ lùng”[15, tr.435]. Người dự thi còn biết đến “gu” hay ý
kiến khen chê của từng vị ban giám khảo, hiện tượng tác giả chạy giải dưới nhiều hình thức. Cái mối quan hệ cá nhân vốn lằng nhằng rắc rối thì nó đã ngoằng cả vào việc đại sự này. Ông cũng cho biết sự bất cẩn, vô tâm và thái độ “mặc kệ nó” trong công tác Hội. Giải thưởng vẫn trao đều, sách thì có mà tác phẩm thì không, khiến cho người ta nghĩ đến “một vụ mùa thất bát trong văn chương”[15, tr.472]. Khi làm báo cáo tổng kết tình hình sáng tác văn học, nhà văn đã phải “gồng mình lên, dùng hết vốn liếng chữ nghĩa để chống đỡ, để giải thích, để chiêu tuyết tình cảnh văn chương không mấy vui vẻ này”[15, tr. 472]. Nhà văn đã hi vọng và chờ đợi sự chuyển động đáng mừng ở các tác giả trẻ, tài năng xuất hiện đột phá bất ngờ.
Nhưng cuối cùng, đến khóa VI, ông phải xin thôi giữ chức Trưởng ban sáng tác chỉ vì đã bất lực, đã hết lý lẽ và hết cả chữ để viết báo cáo. Thế mới biết, văn chương là một công việc nặng nhọc quá sức người bình thường. Đồng thời, văn chương là một vùng bí ẩn, cũng là duyên phận con người. Những người quan tâm đến lịch sử văn học đều không thể quên số phận cá nhân những văn nghệ sĩ bị oan trái, sống cuộc sống nghèo khổ. Những khó khăn về ăn ở là thử thách cay nghiệt đối với mỗi nhà văn. Ma Văn Kháng không né tránh, với cái nhìn chân thực nhất ông đã dựng lên những chân dung nghệ sĩ đáng thương trong thời mở cửa dở khóc dở cười trước những đứa con tinh thần chết yểu của mình. Nguyễn Dậu là một nghệ sĩ có số phận tác phẩm như thế. Cuốn Những linh hồn trắng ra đời trong sự tâm huyết, mong mỏi của nhà văn, đó sẽ là một cuốn vàng ròng dâng cho ngành công an. Đọc thì nhà biên tập nào cũng thích nhưng nói đến xuất bản thì không ai dám nhận. Nó bị sửa đi sửa lại nhiều lần. Nhưng mấy năm sau nó lại quay trở về Nhà xuất bản Lao Động với cái tên mới Chúa Trời ngủ gật. Đã có giám định của Thái Kế Toại - trưởng phòng A25 nói rõ lí do nhà xuất bản nấn ná chưa in và đưa ra những chỗ cần được sửa chữa. Nguyễn Dậu gật đầu đồng ý sửa. Đến tháng tư năm 1993 cuốn sách được đưa xuống nhà in Thống Nhất. Nhưng cuốn sách được đắp chiếu ở nhà in mà không được ra mắt bạn đọc. Cuốn sách không vi phạm bất cứ một luật nào của Việt nam nhưng tại sao nó không được phát hành? Nguyễn Dậu buồn và viết đơn xin ra khỏi Hội Nhà văn. Sau đó, ông ốm phải vào viện và ông đã viết thư dặn dò cẩn thận về
cuốn sách. Nhưng nó không bao giờ được xuất hiện trước công chúng bởi cuốn sách bị người ta chở đến một cơ sở seo giấy ở Yên Phong - Hà Bắc để nghiền thành bột.
Tác giả của nó đã khóc hu hu ở nhà một người bạn. Thật đúng là “sự tiến hóa bao giờ cũng nhọc nhằn”[15, tr.393]. Nguyễn Dậu, một đời long đong cơ khổ mà vẫn hoàn nguyên một khối tình trọn vẹn yêu thương cuộc đời.
Với cái nhìn trung thực, khách quan, Ma Văn Kháng làm hiện diện con người trong đời sống xã hội, những người có quan hệ với ông một cách đúng mực, đánh giá họ không thiên kiến, xem họ là hình mẫu phải học tập. Đó là đồng chí Bí thư tỉnh ủy Trường Minh, một người mẫu mực, không lợi ích riêng tư, sống có tư cách, có phẩm chất một nhà lãnh đạo chính trị, bản lĩnh vững vàng kiên định. Đồng chí Dương Việt Tiến có tác phong oai vệ, thẳng thắn, không nể nang và có phần
“hơi hắc xì dầu” nên có anh em không thích. Sau này nhà văn nhận ra vẻ đẹp sâu xa thầm kín bên trong tâm hồn con người khô cằn của “một con người tôi kính trọng và quý mến thật sự, tuy là có hơi muộn”[15, tr.127]. Rồi số phận của những người thầy giáo, những người bạn vong niên với nhà văn được miêu tả rất thật. Thầy Nguyễn Vinh Biểu, một con người tràn đầy tình yêu nghề, yêu đời đã lên các thôn bản để dạy học. Thầy bị liệt vào quần chúng cổ xưa, lạc hậu, xa rời quần chúng, cá nhân cao độ. Sống giữa tập thể công nông nghèo khổ mà thầy vẫn giữ nguyên tác phong sinh hoạt được hun đúc từ nền giáo huấn gia phong không còn phù hợp. Thầy vẫn cứ “một mình một nết, một phong độ, một quan niệm riêng, tuổi càng cao càng kết đọng thành một khối nguyên thuần không phân tỏa”[15, tr.163]. Thầy Biểu là một giá trị văn hóa bị coi là lỗi thời không phù hợp phải bài trừ quyết liệt. Thầy chấp nhận nỗi oan nhưng vẫn kiên trinh theo đuổi sự nghiệp giáo dưỡng con người miền núi. Sau thầy Biểu là thầy Khánh Tình “mười chín tuổi, tâm hồn phơi phới chỉ một tâm nguyện được hiến dâng tuổi trẻ cho lí tưởng”[15, tr.168] xung phong lên miền núi dạy học. Thầy luôn khao khát vươn tới sự hoàn thiện đẹp nhất trở thành một nhà văn, người chiến sĩ Cộng sản trẻ trên mặt trận giáo dục. Thế nhưng thầy bị liệt vào hàng ngũ những kẻ cần phải uốn nắn, rèn luyện. Bởi lúc nào thầy cũng cặm cụi với sách vở, xa rời thực tế và quần chúng. Thầy không được công nhận là đối tượng
cảm tình Đảng lại đúng lúc vợ thầy sinh đôi “không may hai cháu yểu mệnh ngay khi lọt lòng mẹ, không một đồng nghiệp nào tới an ủi hỏi han... mình thầy trong đêm ôm xác hai con lên rừng... để đào hố chôn con”[15, tr.171]. Thầy đau đớn, uất nghẹn. Thầy thất vọng hoàn toàn vì mộng ước không thành. Thầy về quê giữa buổi kinh tế thị trường nhưng vẫn sôi sục ý chí rửa hận. Thầy kiếm sống bằng nghề mộc sau đó chuyển sang nghề kiếm được nhiều tiền hơn dù nó bẩn thỉu và ghê tởm, nghề
“thu nhặt nhân tâm thiên hạ - nghề hót phân người”. Giờ thì mọi sự đã qua, thầy đã tạo lập cho mình và vợ con một cuộc sống thung dung. Nhưng hai con mắt đa cảm của thầy vẫn còn vương nỗi buồn thăm thẳm. Những trang hồi ký rất chân thực về những con người đã cống hiến tuổi trẻ cho sự nghiệp dân tộc miền núi. Đó là những trang văn thật cảm động và trĩu lòng về số phận và con đường riêng của mỗi lớp người, mỗi con người. Điều quan trọng hơn là từ những trang hồi ký ta thấy ông đã phác thảo chân dung của bản thân một cách chân thực, không thiên vị, không né tránh. Không cần hư cấu, phóng đại, những tư liệu sống của nhà văn đã giúp chúng ta thấy được con người ông - một con người chân thực luôn biết mình, biết người.
Thái độ khách quan ấy càng làm chúng ta yêu quý trân trọng nhà văn và thêm được những tư liệu quan trọng trong những câu chuyện ông kể lại.
Có thể nói, với cái nhìn khách quan, chân thực của nhà văn khiến cho bức tranh hiện thực lịch sử xã hội và đời sống con người được tái hiện đa diện đa chiều.
Muôn vàn những nhức nhối của cuộc sống được nhà văn đưa lên trang sách khiến ta thấm thía hơn bao giờ hết cái đa đoan, đa sự của con người trong đời sống thường nhật hôm nay. Nhưng có lẽ ở một số chỗ trong hồi ký, do cái nhìn chân thực của nhà văn đã đụng chạm đến những cái chưa tiện nói đến nên trong quá trình biên tập tác phẩm bị lược đi. PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thiện so sánh với bản gốc thì cuốn sách đã bị lược đi dăm chục trang [trong bản in đã chừa các ký hiệu (...) vào những chỗ đó để người đọc nhận ra, chấp nhận sự hẫng hụt, đứt đoạn khi đang đọc bị cuốn hút bởi mạch văn trôi chảy], phần chính yếu, căn cốt trong bố cục 26 chương của sách vẫn được tôn trọng. Hi vọng, vài năm tới, trong một tình thế khác, khi tái bản
theo yêu cầu bạn đọc, cuốn sách sẽ hiện diện với sự đầy đủ, hoàn chỉnh của nó như bản thảo gốc lần đầu!