Thể tài hồi ký - tự truyện

Một phần của tài liệu Yếu tố tự truyện trong hồi kí và tiểu thuyết một mình một ngựa của ma văn kháng (LV00930) (Trang 25 - 28)

8. Cấu trúc luận văn

1.2. Thể tài hồi ký - tự truyện

1.2.2. Thể tài hồi ký - tự truyện

Với những giới thuyết ở trên, có thể thấy rằng hồi ký và tự truyện là những thể loại rất gần nhau. Chúng đều là thể loại văn học viết về chính bản thân mình (écriture de soi) bao gồm cả tự truyện, hồi ký, nhật ký, thư riêng. Trong giáo trình Lý luận văn học (tập 2) do G.S. Trần Đình Sử chủ biên cũng cho rằng: hồi ký là một dạng tự truyện của tác giả, cung cấp những tư liệu quá khứ mà đương thời chưa có điều kiện nói ra được. Theo Bách khoa toàn thư Wikipedia thì sự khó khăn trong việc phân định loại thể của tự truyện so với hồi ký sẽ chỉ được các nhà nghiên cứu, phê bình văn học giải quyết với từng trường hợp cụ thể, tác phẩm nhấn mạnh ở khía cạnh tự truyện hơn hay hồi ký hơn mà thôi. Ý thức được như vậy, chúng ta thấy ranh giới giữa tự truyện và hồi kí rất khó xác định nhưng giữa chúng vẫn có những điểm khác biệt. Trước hết là ở đối tượng trung tâm của tác phẩm. Hồi ký không nhất thiết phải kể về cái tôi mặc dù “tôi” là người kể chuyện. Bên cạnh câu chuyện về mình, hồi ký còn tập trung thể hiện bức tranh của thời đại hoặc đi sâu tìm hiểu những mảnh đời khác nhau nhưng đều có liên quan với người kể chuyện trong quá khứ. Trong trường hợp đó thì cái “tôi” chỉ là “chất dẫn” của mạch cảm hứng, của mối quan hệ. Trong khi đó, tự truyện lại xoáy vào cá nhân người viết, là câu chuyện của cái “tôi” tác giả - người kể chuyện. Người kể chuyện tự viết về cuộc đời mình, tái hiện đoạn đời đã qua trong tính toàn vẹn, cụ thể cảm tính, phù hợp với lí tưởng xã hội nhất định. Trong khi hồi ký không nhằm vào việc miêu tả quá trình hình thành nhân cách của cá nhân trong tương quan với hoàn cảnh. Những câu chuyện đời tư khi chưa nổi lên thành các vấn đề xã hội cũng không phải là đối tượng quan tâm của hồi ký. Ngược lại, tự truyện chú trọng tới việc tìm hiểu, lí giải cái “tôi”. Tại sao cái “tôi” trong quá khứ lại trở thành cái “tôi” của ngày hôm nay?

Sự kiện về tiểu sử của nhà văn chỉ là chất liệu hiện thực được sử dụng với những mục đích nghệ thuật khác nhau. Hồi kí chú ý nhiều đến việc ghi chép chính xác sự thực, không có hư cấu trong khi tự truyện quan tâm nhiều hơn đến những giá trị văn chương nên cho phép hư cấu. Tác giả của hồi ký luôn có ý thức để đạt tới tính xác

thực cao nhất trong khi tác giả của tự truyện lại coi tính chân thực của những điều kể ra là tiêu chuẩn để đánh giá. Trước đây trong tự truyện truyền thống cũng ngầm mang hiệp ước về sự thực, nhưng ngày nay tự truyện đã được cách tân hình thức diễn đạt trong đó mạch truyện bị cắt đứt, thực hư lẫn lộn, nghi vấn là bạn đồng hành của độc giả... Vì vậy, người ta không còn đọc tự truyện như một bản lí lịch tự thuật mà coi nó như là một tác phẩm nghệ thuật. Thời gian ra đời của hồi ký và tự truyện cũng khác nhau: hồi ký thường được viết khi tác giả đã về già, đã từng trải mình, đã sống qua bước đi của thời gian và các mốc biến cố, sự kiện. Huy Cận cho rằng “viết hồi ký là sống lại một lần nữa cuộc đời mình, mà cũng là san sẻ cho người khác trong thiên hạ vui buồn của mình, thân phận của mình và phần nào trải nghiệm dọc đời tôi đã sống”. Tự truyện có thể viết bất cứ lúc nào trong cuộc đời bởi mục đích chính của nó là khẳng định sự tồn tại của cái “tôi” và chủ đề để suy tưởng thường gắn với một sự kiện nhất định. Mặt khác, hồi ký chú ý đến tính xác thực của sự kiện, tự truyện lại chú trọng nhiều tới sự thực của nội tâm. Do đó, trong tự truyện nhu cầu muốn được tâm sự, giãi bày bộc bạch của người kể chuyện cũng nhiều hơn so với hồi ký.

Như vậy ranh giới giữa hồi ký và tự truyện đã có những tiêu chí riêng để phân định phạm vi của chúng. Mặc dù vậy, vẫn phải khẳng định rằng đây là hai thể tài có nhiều yếu tố đan xen lẫn nhau, cùng lấy quá khứ của cái tôi làm đối tượng chính để miêu tả hoặc lấy cái tôi ấy để soi rọi vào cuộc đời chung, là “đầu mối liên lạc” cho những gì nhắc tới trong tác phẩm. Sự phân chia ranh giới giữa chúng chỉ mang tính tương đối. Trong thực tế có rất nhiều tác phẩm khó có thể xếp riêng vào một thể loại nào bởi chúng có sự thâm nhập, pha trộn những yếu tố của thể loại khác. Chẳng hạn trong hồi kí có sự đan xen của yếu tố tự truyện, là một dạng tự truyện của tác giả khi người viết lấy mình làm nhân vật chính của đối tượng miêu tả. Do đó sự thuần khiết của thể tài hồi kí không còn nữa, nó được bổ sung những yếu tố tích cực của tự truyện, hồi kí sẽ trở nên có giá trị và hấp dẫn hơn. Tất nhiên không phải tác phẩm hồi ký nào cũng có yếu tố tự truyện như hồi ký cách mạng, hồi ký về các danh nhân, hồi ký ghi chép về một thời đã qua là hồi ký nhân chứng, ghi chép lại sự việc, con người trong quá khứ. Hồi kí chỉ trở thành tự truyện khi nó viết

về chính bản thân mình, soi rọi vào thế giới bên trong của mình, lí giải sự hình thành nhân cách và vị trí xã hội quan trọng như họ đang có.

Với những lí giải trên có thể khẳng định hồi ký - tự truyện là một tiểu loại thuộc thể hồi ký. Tức nó là hình thức tồn tại của tác phẩm văn học với những đặc điểm tương đối ổn định trong lịch sử về các mặt như: ngôn ngữ, bố cục, thể thức, dung lượng. Nó không chỉ có đặc trưng hình thức mà còn có nội dung đặc trưng.

Hồi ký - tự truyện mang trong nó những đặc điểm chung của thể loại bao hàm nó (thể hồi ký), đồng thời nó cũng có những đặc trưng riêng để phân biệt với các thể tài khác. Thể hồi ký - tự truyện vừa đảm bảo tính chân thực của con người và sự kiện trong hồi ký, vừa hướng vào cái tôi cá nhân đặc biệt là sự hình thành phẩm chất, nhân cách của chính người viết. Sức hấp dẫn của một tác phẩm hồi ký - tự truyện không phải chỉ ở giá trị thông tin, sự kiện mà còn hấp dẫn bởi một thế giới bí ẩn của nhân cách, của nội tâm con người và một cách viết thu hút độc giả. Vì vậy, những nhà văn có riêng một vùng đất thân thuộc, một giọng văn độc đáo và một tư duy nghệ thuật sắc sảo, định hình sẽ viết hồi ký - tự truyện, tạo nên một bức tranh sinh động về thể tài hồi ký trong đời sống văn học nước nhà. Tuy nhiên để cuốn hồi ký - tự truyện thực sự có giá trị cần phải có cái tài biết khai thác, một cái tâm biết chia sẻ và một tầm hiểu biết nhất định của ngòi bút tài hoa.

Dựa vào khung lí thuyết được xác định như trên, chúng tôi xác định cuốn hồi ký Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương của Ma Văn Kháng là một cuốn hồi ký - tự truyện (mang đặc điểm của hồi ký và đặc điểm của tự truyện). Bởi vì

cuốn sách không chỉ giới hạn trong sự kể lại một cách trung thực mắt thấy tai nghe và nhớ lại theo cách viết và yêu cầu của hồi kí, mà hơn thế, nó còn được miêu tả, dựng lại một cách tạo hình, sống động với ngôn từ, bút pháp, phong cách của một cây bút văn xuôi tài hoa, lão thực. Qua từng trang sách, hiện lên rõ nét bức tranh của đời sống xã hội trải dài trong non một thế kỷ với chân dung phong phú các loại người xuất hiện trong mối quan hệ với tác giả hoặc trong sự quan sát chăm chú của ông theo góc nhìn của nghề viết văn”[38, tr.20]. Để hoàn thành cuốn hồi ký - tự truyện này, ông đã ít nhiều tham khảo cách viết tự truyện của J.J.Rousseau trong Những lời bộc bạch (1782-1789) và hồi ký văn học của các bậc đàn anh như Nguyên Hồng, Tô Hoài, Tố Hữu, Vũ Bằng... Do đó mà thu hút vào trong cuốn sách

này đồng thời những ưu thế của cả cách viết hồi ký lẫn tự truyện. Đây là một đóng góp quan trọng của nhà văn đối với nền văn học đương đại.

Một phần của tài liệu Yếu tố tự truyện trong hồi kí và tiểu thuyết một mình một ngựa của ma văn kháng (LV00930) (Trang 25 - 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)