2.3. Cái nhìn nghệ thuật ( của người kể chuyện) trong hồi ký
3.2.1. Hình bóng tác giả trong nhân vật trung tâm của tiểu thuyết
Ma Văn Kháng cho rằng: “Với riêng tôi, mỗi cuốn tiểu thuyết đều ứng với một đoạn đời, một phần cuộc sống của mình. Không phải là tự thuật, nhưng tôi luôn thấy, không nhiều thì ít, mình luôn phải có mặt trong những cuốn truyện loại tự sự dài hơi như vậy”[20, tr.253]. Quan niệm tiểu thuyết ứng với một “đoạn đời”, một phần đời mình, tất yếu sẽ dẫn đến việc các câu chuyện trong tiểu thuyết chính là hình bóng câu chuyện mà tác giả đã trực tiếp sống, trải nghiệm, tham dự hoặc quan sát, những nhân vật trong tiểu thuyết là có phần dựa vào những người tác giả đã gặp, đã biết, đã hiểu, đã gắn bó. Điều này thể hiện rõ trong tiểu thuyết Một mình một ngựa. Với hình thức xưng danh trần thuật không phải ở ngôi thứ nhất mà là ở ngôi thứ ba, tác giả vẫn giữ khoảng cách giữa nhân vật và người kể chuyện, nhưng vẫn có thể bộc lộ một cách tận cùng những gì mà cá nhân nếm trải, những điều thầm kín riêng tư đậm dấu ấn cái tôi tác giả. Cái tôi tác giả không lộ diện mà được đại diện bởi nhân vật Toàn. Nhà văn luôn bộc lộ suy tư, những nghiền ngẫm của mình thông qua lời nhân vật. Chính vì vậy, chúng ta sẽ thấy hình ảnh nhà văn, câu
chuyện về những suy tư của ông qua nhân vật trung tâm của tiểu thuyết - nhân vật Toàn.
Trong tác phẩm, nhân vật Toàn được xây dựng có lý lịch gần giống với tiểu sử nhà văn: sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, có năng khiếu văn chương, là giáo viên dạy văn công tác ở một tỉnh miền ngược. Đang là một giáo viên dạy Văn, Toàn được điều sang làm thư ký cho Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai. Mặc dù Toàn cho rằng mình bị miễn cưỡng nhưng anh vẫn chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh của cấp trên. Và đó là một chuẩn mực của đạo đức, của cái đẹp nhân cách. Anh hiểu rằng “thế là anh đã bước sang một hoàn cảnh sống mới, hoàn toàn mới rồi. Nhói lên trong anh một nỗi hẫng sụt và nao dậy trong lòng anh một niềm nhớ tiếc thăm thẳm cùng một nỗi buồn man mác, một nỗi buồn thoáng chút ủy mị, nhưng vô cùng sâu xa. Một nỗi buồn ứa lệ. Nỗi buồn thân phận. Nỗi buồn của một cuộc chia tay”[16, tr.10]. Và như thế là một bước ngoặt lớn đã hiện ra thật bất ngờ trước con đường đời của anh.
Anh phải chia tay với tất cả những gì đã gắn bó máu thịt, tâm cảm anh trong hơn chục năm qua, kể từ bầu không khí anh đang hít thở tới ảnh hình, âm thanh anh từng lưu giữ. Quan trọng hơn, anh phải “chia tay với cuộc sống một ông giáo. Một cuộc sống được kiến tạo trong đều hòa, thầm lặng và bình yên. Một cuộc sống thành thật và say mê”[16, tr.10]. Anh bắt đầu làm quen với một hoàn cảnh sống mới, với các mối quan hệ mới, một kiểu sống mới mà anh cho rằng có biết bao ái ngại, nghi ngờ và hệ quả là thế nào thì hoàn toàn còn ở phía trước, còn chưa biết!
Toàn được đẩy vào môi trường mới mẻ, lạ lẫm như kiểu nhân vật thử thách. Và trước cái nhìn của Toàn, không gian ấy được mở ra từng lớp, các nhân vật lần lượt xuất hiện và bộc lộ chân tướng. Những quan sát và chiêm nghiệm của Toàn mang dấu ấn của bản thân nhà văn, một giáo viên dạy Văn ở miền ngược, một con người luôn tự nghiền ngẫm cuộc sống và có sự độc lập trong tư duy. Người lãnh đạo đứng đầu, ông Quyết Định, người đã điều chuyển Toàn về đây công tác lại xuất hiện sau cùng, sau đám cán bộ văn phòng Tỉnh ủy, sau các ủy viên Thường vụ và sau Yên, người vợ xinh đẹp, tràn đầy sức sống của ông. Nhưng đó lại là hình ảnh sáng chói và đường nét nhất: luôn vững vàng, bách chiến bách thắng. Đó là sự từng trải và
khôn khéo ở Hội nghị Mường Thông trong hiện tại. Đó là vẻ đẹp kiêu hùng khi một mình một ngựa vào tận hang ổ của thổ ty, chúa đất trong quá khứ. Hình ảnh đẹp đẽ, tráng lệ ấy trở đi trở lại trong suy nghĩ của Toàn, khơi nguồn cảm hứng cho những suy ngẫm về con người, thời đại và lịch sử. Thời đại của cuộc cách mạng long trời lở đất đã tạo nên giá trị của người anh hùng Quyết Định mà ông và thế hệ ông không thể cưỡng, không được phép cưỡng lại. Đời người có khi trải qua khoảnh khắc chói lọi lạ lẫm, một tuổi trẻ hào hùng và lãng mạn như thế, ánh hào quang của quá khứ hắt chiếu vào thực tại, là ông Bí thư Tỉnh ủy quyền uy nhưng bất lực trong chính bản thân mình. Toàn cũng nhận ra biểu tượng “một mình một ngựa” ấy kiêu hùng, dũng mãnh nhưng cũng cô độc, lẻ loi giữa đám đông, giữa tập thể cán bộ văn phòng Tỉnh ủy mỗi người mỗi kiểu.
Qua lời nhân vật Toàn ta thấy được những suy tư, nghiền ngẫm của nhà văn về cuộc sống, về con người, về lịch sử cách mạng. Những quan niệm ấy không phải chỉ được phát biểu qua những lời văn theo dạng đúc kết, chiêm nghiệm. Nó hiện hữu một cách sinh động qua cuộc đời, tính cách của chính những nhân vật trong tiểu thuyết. Nhà văn quan niệm cuộc sống không dễ dàng, đầy bất trắc và khó khăn khôn lường. Nhưng con người không bao giờ chịu khuất phục và đầu hàng. Con người bị đẩy vào những khó khăn, thử thách, họ luôn phải đấu tranh với khó khăn để vượt lên, để khẳng định mình. Chính vì vậy, ta gặp trong tiểu thuyết của Ma Văn Kháng kiểu nhân vật đối mặt với thử thách, tức nhân vật bị đẩy vào những khó khăn, tình huống mới lạ, thử thách... buộc họ phải tự vượt mình để khẳng định cái đẹp trong nhân cách. Ngay từ buổi đầu cầm bút, Ma Văn Kháng đã lựa chọn làm người tôn vinh cái đẹp, cho dù đó có thể là cái đẹp từ trong tổn thương, mất mát, những cái đẹp giản dị trong đời sống hàng ngày. Qua những nhân vật lí tưởng, hội tụ đầy đủ vẻ đẹp phẩm chất, nhân cách, đạo đức, Ma Văn Kháng thể hiện niềm tin yêu tha thiết vào những giá trị tốt đẹp của con người: họ không bao giờ thôi hướng tới hi vọng và những buồn đau của họ lại là một miền đất nuôi nấng vẻ đẹp bất hủ của con người.
Trước cuộc sống không dễ dàng ấy, nhà văn quan niệm con người là một khối đa diện có cả vẻ đẹp, sự cao quý có cả những thói tật, những góc cạnh tối tăm, bỉ tiện, nhỏ mọn. Năm con ngựa kéo cỗ xe Ban Thường vụ, như cách nói hình ảnh của ông Đồng, hiện lên mỗi người một vẻ đầy tì vết. Duy có ông Quyết Định có thể coi là tuấn mã, nhưng “còn rất hay nể nang, ngại va chạm, thấy đúng không dám bênh, thấy sai không dám chống lại... Ngựa Gia thì nóng nảy, bộp chộp. Ngựa Văn Hiến thì láu cá, tinh ma, hăng xằng vô lối. Ngựa Ké Lanh thì già nua lẩm cẩm.
Ngựa Đình thì lờ ngờ, ngô ngọng món tập đọc còn chưa sạch nước cản...”[16, tr.72]. Toàn cũng nhận ra ở ông Văn Hiến, dù mang bản chất là một “tay cố nông láu cá”, hạn chế về trình độ học vấn và tầm nhận thức, nhưng vẫn cần thừa nhận rằng Văn Hiến có “cái miệng ăn nói sắc sảo, cái đầu chịu khó tư duy và có tác phong quyết đoán”. Những điểm mạnh ấy trong tính cách con người Văn Hiến, phải chăng chính là lí do khiến ông được lựa chọn là người thay thế ông Quyết Định sau này. Bản thân những người giúp việc trong văn phòng O Tròn, dưới sự quan sát của Toàn cũng hiện lên như những thực thể hòa trộn đầy đủ cả ưu và khuyết điểm:
“Ông Căn có quá trình, đã kinh qua lãnh đạo cấp Ty, nhưng bị kỉ luật, bất mãn, lại buông tuồng, bộp chộp, thiếu hẳn nề nếp khoa học trong công việc... Ông Bình thì chín chắn, căn cơ, tốt bụng đấy, nhưng hiền lành, rụt rè quá... Kiến thì dám đốp chát đương đầu. Nhưng Kiến tính tình tếu táo, bỗ bã, giao cho trách nhiệm phó văn phòng, trông nom việc hậu cần, nhà bếp là quá sức rồi...”[16, tr.276]. Toàn nhận ra con người, trong quá trình vươn lên không ngừng để hoàn thiện bản thân mình, vẫn còn rơi rớt lại biết bao thói tật, xấu xa. Đó là sự nhỏ nhen, ích kỉ, đố kỵ lẫn nhau giữa những người trong cùng một tập thể, giữa những đồng nghiệp, đồng chí. Xét cho cùng, con người, đúng như trên thực tế bản thể của nó, luôn là những khối đa diện, bất toàn.
Quan niệm cách mạng là một cuộc phiêu tán lớn nhất của loài người. Cuộc chiến đã qua còn lưu danh những chiến công oai hùng, nhưng lịch sử cũng ngậm ngùi những hạn chế, sai lầm của một thời đại. Đó là bệnh chủ quan duy ý chí, chống lại quy luật của tự nhiên, của xã hội, dẫm lên con người cá nhân, quyền lợi cá nhân
để máy móc xây dựng một chủ nghĩa tập thể lý tưởng, bình quân chủ nghĩa. Một cuộc cách mạng chân chính, theo Toàn, là không được phép bỏ qua lợi ích cá nhân:
“Con người ta trước hết là một cá thể. Làm gì thì làm cũng không thể quên điều ấy.
Nói rộng ra thì một cuộc cách mạng càng không thể quên điều ấy, không thể triệt tiêu lợi ích cá nhân đuợc. Vấn đề của mọi cuộc cách mạng là giải phóng sức sáng tạo của mỗi cá nhân”[16, tr.99]. Bất chấp quy luật tự nhiên, tình hình thực tiễn, dùng cái uy tập thể để bắt người dân đồng loạt trồng lúa mì, đưa chiếc máy xúc khổng lồ lên đỉnh dốc cheo leo như ông Văn Hiến. Thất bại là dĩ nhiên. Sai lầm và hạn chế ấy đã được lịch sử nhìn nhận lại, rút ra bài học thấm thía cho công cuộc đổi mới lao động, đổi mới sản xuất. Trong cái nhìn lần đầu tiên của Toàn khi được chứng kiến tài năng lãnh đạo của người Bí thư Tỉnh ủy ở Hội nghị Mường Thông.
Toàn thấm thía rằng: “Chính trị là thủ đoạn, là quyền biến, là sự từng trải, là một thái độ khẳng định và khéo léo. Hơn nữa, còn là sự mê hoặc...”[16, tr.44]. Cái nhìn đó của Toàn cũng chính là cái nhìn của nhà văn về cuộc sống, con người, về lịch sử cách mạng. Mượn lời nhân vật, từ góc nhìn của nhân vật, tác giả kín đáo thể hiện sự chia sẻ, và cảm thông: “Mấy tháng qua sống với mọi người ở môi trường mới, Toàn đã nhận ra chân dung của lớp người này. Chính trị là cả một công cuộc mò mẫm gian nan và luôn quá sức với họ. Họ có nhiều nhược điểm. Họ chẳng tốt hơn những người ở các lĩnh vực khác nhưng cũng chẳng xấu đâu. Và đặt Toàn vào vị trí của họ, chắc gì Toàn có thể làm nổi như họ”. Và “Nhọc nhằn quá, cuộc sống có bao giờ hiện ra ở hình thái hoàn hảo đâu. Mọi người ai cũng phải đánh vật với chính mình, chả ai sung sướng, trọn vẹn cả. Tội nghiệp”[16, tr.246]. Do vậy, thấm đượm trong tiểu thuyết Một mình một ngựa là cái nhìn thể tất bao dung của nhà văn.
Theo quy ước của Philippe Lejeune, người kể chuyện trong tự truyện đồng nhất với nhân vật chính và đồng nhất với tác giả. Tuy nhiên, từ đời thực đến cái tác giả kể lại, được viết ra đã là một khoảng cách, bởi vậy sự đồng nhất tác giả - người kể chuyện - nhân vật chính trong tự truyện ngày nay chỉ là tương đối. Trong tiểu thuyết Một mình một ngựa, Toàn được xây dựng là nhân vật trung tâm đồng thời cũng là người kể chuyện trong tác phẩm. Nhân vật Toàn tuy không hoàn toàn là tác
giả nhưng có nhiều điểm trùng khớp với con người tác giả. Ma Văn Kháng dường như hòa cùng tâm trạng Toàn để tự đánh giá bản tình ca về cuộc đời, lời của tác giả như hòa xen với nhân vật. Những quan sát, chiêm nghiệm của Toàn mang dấu ấn của bản thân Ma Văn Kháng. Đúng như ông khẳng định: cái nhân vật mang tên Toàn ấy mang dấu ấn của tôi chứ không phải hoàn toàn là tôi. Trong tác phẩm, ngoài nhân vật Toàn, ngay cả việc xây dựng hệ thống nhân vật phụ, ta cũng thấy thể hiện rất rõ yếu tố tự truyện của tác giả. Những đồng sự của Toàn cũng chính là đồng sự của Ma Văn Kháng mà ông đã có dịp bày tỏ trong hồi ký của mình, tất nhiên, họ đã được thay bằng một cái tên khác. Chẳng hạn, nhân vật Bí thư Tỉnh ủy ngoài đời thực có tên Trường Minh nhưng trong tiểu thuyết ông được thay bằng tên Quyết Định... Qua những nhân vật này, nhà văn đã làm được điều mà ông mong muốn: “vẽ lại chân dung những con người mà mình đã từng sống và làm việc qua con mắt của một ông giáo, một tiểu trí thức, trong tinh thần thực sự cầu thị. Nghĩa là cố gắng gọi đúng tên sự vật, không tô hồng, huyền thoại hóa họ và nhất là không tô đen bóp méo, phủ định sạch trơn”[20, tr.273].