Trong hồi ký, cái tôi tác giả còn hiện ra với cốt cách một nghệ sĩ hết sức tài hoa. Trước hết là sự tài hoa trong cách tổ chức kết cấu của một cuốn hồi ký. Kĩ thuật tổ chức, sắp xếp sự kiện thể hiện ngay từ đoạn mở đầu của hồi ký. Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương được mở đầu như một thước phim quay chậm về một buổi lễ Vu Lan ở đình Kim Liên. Đó là buổi lễ để tưởng nhớ về những người đã khuất, để người sống có dịp gặp gỡ nhau trong không khí thiêng liêng thành kính, cùng hướng về tổ tiên. Từ đó tác giả có dịp nói về nguồn gốc, lai lịch của quê
hương, gia đình, bản thân. Cho đến khi kết thúc tác phẩm Ma Văn Kháng để những trang cuối cùng nói về ngôi nhà mơ ước cả đời mình trong niềm ngây ngất sung sướng khôn xiết. Sau bao vất vả, nhọc nhằn lăn lộn với cuộc đời chìm nổi nơi miền ngược miền xuôi, đến bây giờ đến độ tuổi ngoài vòng tử vi mới được sống như mong ước. Kết thúc này phần nào khiến ta suy nghĩ về sự nhọc nhằn của nghề văn và thân phận người nghệ sĩ. Với kết cấu của một cuốn hồi ký như vậy cho thấy từ trước đến sau Ma Văn Kháng vẫn luôn là nhà văn của cuộc sống đời thường, luôn quan tâm đến mọi lo âu, buồn vui đa đoan phức tạp của cuộc đời. Cuộc đời theo nghĩa bình dị nhất.
Sự tài hoa của nhà văn được thể hiện trong nghệ thuật xây dựng nhân vật.
Thông thường mỗi nhà văn đều có một thế giới nhân vật riêng, với thói quen khai thác nhân vật theo một cách riêng. Theo đó nhân vật có thể là thật hoặc hư cấu, nhưng thường dựa trên những nguyên mẫu nhất định và mang dấu ấn sự trải nghiệm của chính tác giả. Hồi ký có tham vọng rút ngắn khoảng cách giữa nghệ thuật và cuộc đời. Khi xây dựng nhân vật các nhà văn cần phải sử dụng tất cả các phương tiện thủ pháp trong xây dựng nhân vật để thuyết phục người đọc rằng nhân vật đó là con người có thật và có địa chỉ chính xác. Trong hồi ký Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương các nhân vật hiện ra cụ thể rõ nét với những lí lịch không thể rõ ràng hơn. Chẳng hạn, như cách nhà văn giới thiệu về nhân vật Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Trường Minh, tên khai sinh là Hoàng Khải Luận. “Đồng chí Trường Minh, người Tày, quê ở Bắc Kạn, thuộc lớp cán bộ được cách mạng đào tạo khi còn rất trẻ. Năm 1943, mười tám tuổi, đồng chí đã được đi học lớp Quân Chính kháng Nhật... Hiền lành, giản dị và tận tụy, đó là cảm nghĩ đầu tiên của tôi về người lãnh đạo cao nhất tỉnh này” [15, tr.116]. Nhân vật những người phụ nữ (là mẹ, là vợ, là Nàng Thơ...) hiện lên với vẻ đẹp thuần khiết, mộc mạc, chân chất, được nhà văn miêu tả với thái độ hết sức trân trọng. Người mẹ “nhân hậu, cao cả, đẹp như bà Tiên, như Phật Bà trong hình ảnh người bà ở tiểu thuyết Côi cút giữa cảnh đời”
[15, tr.296]; người vợ Hoàng Thu Phòng, một phụ nữ “cơ chỉ, dè sẻn trong chi tiêu, mẫu mực trong lối sống của một người mẹ, người vợ hiền thục, nhịn nhuờng”[15,
tr.236] cũng là một người mẹ “chịu đói cho con ăn, mặc rách cho con có một cái áo, một cái quần. Chịu khổ, thiếu thốn, thiệt thòi đủ điều... Suốt đời chỉ biết dạy con những điều đạo đức tốt đẹp và đức nhịn nhường. Phúc đức tại mẫu”[15, tr.297].
Còn viết về Nàng Thơ của mình - Thu An, nhà văn đặc biệt chú ý đến những yếu tố
“hình” và “sắc” để làm rõ “vẻ đẹp thuần phục ở lứa tuổi chín chắn,...tươi đẹp mặn mà,...vóc người óng ả. Phong tư lộng lẫy, dáng điệu phong lưu, tình tứ, hiểu biết...
khéo léo trong giao tiếp, ứng xử. Thông minh, dí dỏm”[15, tr.408]... Đặc biệt là những người thầy, người bạn văn chương thuộc nhiều thế hệ được ông miêu tả rất thật, rất gần gũi như Tô Hoài, Nguyễn Thành Long, Nguyễn Đình Thi, Đào Xuân Quý, Ngô Văn Phú, Nguyễn Tuân... Có đến hàng trăm người, mỗi người một vẻ, một tạng tính cách, một con đường đời và số phận với những lối rẽ, kết cục không ai giống ai. Cùng với việc giới thiệu về họ, nhà văn còn khơi gợi trí tò mò của người đọc qua việc hé mở thông tin hấp dẫn về các nhân vật này. Họ đã “kết tinh sự muôn hình muôn trạng về nhân tình thế thái”[38, tr.22]. Hơn nữa, bằng sự khéo léo của mình, nhà văn đã biết kết hợp kể, tả cùng khả năng lựa chọn, khai thác những chi tiết, sự kiện li kì, hấp dẫn về số phận nghiệt ngã, về những hành trình gian khổ của họ để đến với nghề văn khiến chân dung nhân vật trở nên hết sức sinh động, mang dấu ấn riêng không dễ lẫn. Điều quan trọng là tác giả đã qua những con người cụ thể đó để khẳng định bản lĩnh, tài năng, sự cởi mở năng động của mỗi nhân vật.
Đồng thời cái tôi ấy muốn gửi gắm những vấn đề mang giá trị nhân sinh, và giá trị thời đại sâu xa hơn. Đó là việc nhìn nhận lại, đánh giá lại lịch sử. Bởi biết bao điều nhạy cảm của thời cuộc đã được khơi gợi ở đó: chiến tranh, đói khổ, oan trái, li tán, tha hương... Nó vượt xa giá trị của một cuốn hồi ký tả người, kể việc thông thường.
Trong hồi ký, thời gian trần thuật thường tuân theo lô gíc khách quan, theo trình tự không thể đảo ngược của cuộc sống nhằm làm nổi bật tính chất hiện thực của hình tượng nghệ thuật. Hồi ký Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương, Ma Văn Kháng có những mạch tư duy bố trí theo tuyến giúp người đọc dễ theo dõi tác phẩm. Ông đã chia tác phẩm của mình thành 26 chương, mỗi chương vận động theo một mạch câu chuyện. Có chương nói về những ngày tháng làm việc ở tỉnh ủy,
có chương nói về chân dung các nhà giáo cùng dạy học ở Lào Cai, có chương là sự tổng hợp của tất cả các cuộc đi nước ngoài. Có chương lại giành riêng nói về Nàng Thơ hay nói về nỗi nhọc nhằn để có căn nhà mơ ước. Nếu xét trên phạm vi tổng thể thì hồi kí của Ma Văn Kháng xâu chuỗi những sự kiện mang tính vấn đề, chứa đựng ý đồ của nhà nghệ sĩ. Nhưng xét trong phạm vi hẹp ở từng trường đoạn ta sẽ thấy một sự đan xen giữa kể và tả, giữa hồi tưởng, liên tưởng và hiện thực rất linh hoạt, điểm nhìn có sự thay đổi luân phiên, khi là của nhà văn, khi là của nhân vật... và sợi dây kết nối các đoạn mạch thời gian chính là dòng cảm xúc của nhà văn. Cách trần thuật tài tình này góp thêm một minh chứng nữa cho sự say mê cuộc sống con người và tài năng viết hồi ký của nhà văn Ma Văn Kháng.
Sẽ chưa đủ nếu nói đến sự tài hoa của cái tôi Ma Văn Kháng mà không nhắc đến vẻ đẹp của ngôn ngữ. Bởi văn học là nghệ thuật của ngôn từ. Chữ nghĩa chính là nơi phô bày tất cả tài nghệ của nhà văn. Trong tác phẩm này, sự tài hoa của cái tôi tác giả thể hiện từ sử dụng câu chữ cho tới lối hành văn đa dạng và giàu hình ảnh, dấu vết ngôn ngữ mỗi vùng miền, mỗi thời kì mà tác giả đã đi qua đều có mặt.
Khi ở vùng Tây Bắc Ma Văn Kháng học lời ăn tiếng nói của quần chúng, về Hà Nội ông được học ngôn ngữ của người dân thành thị. Ông ghi lại những hình ảnh sắc nét bằng thứ ngôn ngữ của chính vùng miền mà ông đã sống. Chỉ xét đoạn nói về khi đi thực tế ở Đồng bằng sông Cửu Long, ngôn ngữ Nam Bộ phóng khoáng để lại dấu vết khi tái hiện cảnh sắc và con người vùng này. Uống rượu chỉ “sương sương” thôi nghĩa là uống cho đến khi mửa vọt cầu ao, là đổ cháo cho chó ăn. Có ông con rể ngặt lỗi lại hơn tuổi bố vợ, xưng hô thật là khó. Nhà văn đã ghi lại ngay từ mới nói về tình cảnh ngặt nghèo này: “hôm nay bản thân đến thăm cha vợ”! Thế là kho từ vựng tiếng Việt lại có thêm một từ mới!... Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương có sự kết hợp ngôn ngữ bình dị đời thường, đậm chất khẩu ngữ với lời tranh biện triết lí, ngoa ngữ thể hiện thái độ lập trường tư tưởng yêu ghét rõ ràng của người viết. Hai mươi sáu chương, chương nào cũng có những đoạn ngôn ngữ tự sự, miêu tả, biểu cảm, đánh giá kết hợp một cách hài hòa. Chẳng hạn như những đoạn ông viết về vùng Tây Bắc một thời nghèo đói, lạc hậu..., hay cuộc sống đa đoan
phức tạp ở đô thị trong những năm bên bờ vực thẳm của sự khủng hoảng. Lời văn trở nên biểu cảm đặc biệt với những sắc thái thẩm mĩ khác nhau. Đó là lời thông cảm, sẻ chia, lời lí giải biện chứng khi đã có độ lùi thời gian cần thiết để xem xét sự vật. Nhà văn đã dùng rất nhiều thành ngữ, tục ngữ, ngạn ngữ trong tác phẩm của mình để nói về nhân tình thế thái. Chẳng hạn khi nói về quan hệ ruột thịt thì “nhất con nhì cháu, thứ sáu mới đến người dưng”; khi lục đục gia đình giữa hai thế hệ, lủng củng quan hệ mẹ chồng nàng dâu thì “bên l. thì chắc, bên cặc thì lép”, những kẻ xấu xa đã hại ông anh bộ đội cả đời làm lính cụ Hồ mà phải chịu thiệt thì ông đã không tiếc lời văng ra những câu thành ngữ: “thằng cha con mẹ/ lập công lập cán”
gọi chúng là “đồ hớt lẻo”. Đoạn nói về nguyên nhân ấu trĩ là do cả một thời nhà văn đã lí giải bằng một thứ ngôn ngữ ngậm ngùi, có khi đưa ra những câu như “xã hội chủ nghĩa (XHCN) có nghĩa là xếp hàng cả ngày”,“cái gì cũng phân, phân như cứt”, có khi lại lí giải khoan dung hơn: “nói cho đến cùng thì chúng tôi tồn tại nhờ một phần ở chế độ đó. Từ hạt gạo để ăn, chai dầu để nấu”... Có những đoạn nhà văn lại chen vào lời bình luận rất hay.Ví như vụ vợ chồng một người bạn tốt của gia đình bị lừa đến nỗi mất nhà mất cửa ông thốt lên: “thật là một cú ngã triết học”.
Trong hồi ký, ngôn ngữ được sử dụng hết sức phong phú, đa dạng, đằng sau những dòng hồi tưởng đầy khoan dung về một thời, ta thấy giọng đối thoại, tranh biện nhiệt tình lí giải của tác giả. Chính vì vậy, có thể nói, về ngôn ngữ, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Nguyễn Tuân đã được mệnh danh là các bậc thầy thì Ma Văn Kháng là lớp hậu sinh ưu tú. Đúng như G.S. Phong Lê nhận xét: “Đặc biệt là ngôn ngữ, nếu muốn tìm đến sự phong phú của ngôn ngữ - áp cận được vào thời hiện tại tôi nghĩ cần đọc Ma Văn Kháng, và trước đó là Tô Hoài”[12, tr.18].