Cái tôi giàu tình yêu thương và trách nhiệm

Một phần của tài liệu Yếu tố tự truyện trong hồi kí và tiểu thuyết một mình một ngựa của ma văn kháng (LV00930) (Trang 48 - 52)

Viết văn trước tiên là câu chuyện của tình yêu, của đam mê và tài năng, là dồn nén những ưu tư cá nhân, song với Ma Văn Kháng, viết còn là thái độ, là trách nhiệm công dân của một người yêu dân tộc mình. Với trách nhiệm và lương tâm của người cầm bút, nhà văn đã suy tư, trăn trở làm thế nào để miêu tả được dòng

chảy đa tạp của cuộc sống trong - đục hôm nay. Ông tâm sự: “Tôi gửi gắm niềm tin yêu của tôi vào tất cả những đắng cay xót xa của các thân phận. Bằng cách đó tôi biểu lộ tình yêu của tôi vào cái đẹp của cuộc sống”. Chính vì vậy, mà cuốn hồi ký có sự tìm tòi, thiết tha thể hiện mọi cái tốt đẹp của cuộc sống và con người. Viết về những năm tháng nhọc nhằn của đất nước nhưng ông vẫn gọi đó là những năm tháng nhớ thương. Những thử thách cay đắng của cuộc đời cũng chính là nơi ông tìm thấy cái đẹp ngân vang “trong bản chất vững vàng và tính chất bi tráng của cuộc sống vĩnh hằng... cuộc sống quanh tôi... kể cả những giai thoại và những số phận kì quặc của con người”[15, tr.247,248]. Ông thực sự muốn dùng sức mạnh ngòi bút của mình để mang tới những giá trị nhân văn cho con người và vì con người ở nghĩa rộng lớn nhất.

Ma Văn Kháng viết hồi ký thể hiện một tấm lòng giàu tình yêu thương và trách nhiệm với dòng họ, gia đình mình. Ngay từ những trang đầu của cuốn hồi ký nhà văn đã kể lại buổi lễ Vu Lan Rằm tháng Bảy của họ tộc với cảm xúc thiêng liêng thành kính... Sau bao trải nghiệm sâu xa của cuộc đời, con người ta đến một độ tuổi nào đó mới thấu hiểu niềm yêu thương, tình quê hương mới trở nên thân thiết. Khi trưởng thành mới nhận ra sự gắn bó máu thịt với tổ tiên, ông bà và được

trở về với cộng đồng như một phương cách để chống lại mặc cảm cô đơn, mối liên hệ của tôi với phả hệ gia đình về căn bản đã biến thành mối liên hệ huyết thống ở độ sâu tâm linh”[15, tr.18]. Quê hương là ngọn nguồn của tình cảm dù ông không có mấy kỉ niệm tuổi thơ ở đây, nhưng đã in dấu trong tâm linh nhà văn. Dòng hồi ức cho ta thấy nhà văn thực sự là người con, người chồng, người cha hết mực chỉn chu, yêu thương gia đình. Đối với ông, gia đình là một nhân tố quan trọng cấu thành nên sự thành danh của ông trên con đường văn chương. Từ những thành công trong nghề nghiệp thì người đầu tiên góp vào sự thành công đó chính là người vợ yêu quý của mình “không có bà ấy thì tôi chẳng làm được gì!” và “trong những may mắn của tôi thì may mắn lớn nhất là tôi có Phòng và những người gần cận rất thân yêu”[15, tr.437]. Sống xứng đáng với những gì mà người thân đã dành cho ông.

Những ngày đi dự lớp học tập Nghị quyết 12 cho cán bộ chủ chốt của tỉnh Lào Cai,

thương mẹ già và vợ con quá nên ngày nào học xong ông cũng xin phép về xem có giúp đỡ được gì không cho dù bị kỉ luật cảnh cáo toàn Đảng bộ. Sau này, khi về Hà Nội, sống trong căn buồng chật hẹp chỉ có 8 m2 “chứa chất đủ các mối quan hệ vợ chồng, mẹ con, bà cháu, chú cháu... bình thường vốn đã có mầm mống lủng củng rồi, chưa nói tới hoàn cảnh sống lúc này đang hết sức eo hẹp, nghèo nàn”[15, tr.229]. Trong hoàn cảnh ấy nhà văn thương vợ thương con chỉ biết khóc thầm,

nhìn những ngôi biệt thự, những cặp vợ chồng con cái người ta sởn sơ vui vẻ mà đau tủi”[15, tr.239]. Con ốm đau quặt quẹo rộc rạc người “thấy con nằm vắt trên vai bà nội như cái dải khoai héo”[15, tr.231] mà lòng như đứt từng khúc ruột. Ông phải nhịn nhường người thân và “cắn răng lại để làm việc, để kiên trì nhẫn nại”, mong có dịp đáp lại công lao trời biển của người thân. Cuốn sách cũng là dịp để ông thể hiện sự cảm động chân thành trước những công lao to lớn nhưng âm thầm của người vợ đối với mình. Vì vậy, ông cảm thấy “về già càng lúc càng muốn giành cho nhau nhiều điều tốt đẹp và thời gian hơn”[15, tr.436]. Đến khi người con rể mà ông thương yêu như con đẻ không may qua đời, cả nhà lại dồn vào gánh vác, chia sẻ với con gái. Ông lại đứng ra cùng các con làm nhà “một mái nhà sống chung cả bố mẹ và gia đình vắng người đàn ông của con gái”[15, tr.532]. Những trang viết về con gái thẫm đẫm tình yêu thương của người cha. Từ trước đến sau, Đinh Trọng Đoàn vẫn là một người con, người chồng, người cha mẫu mực, giàu tình yêu thương và trách nhiệm với gia đình.

Trong suốt đời văn của mình, ông đã đạt được nhiều thành tựu to lớn và có thể coi là “đỉnh cao” của văn học. Ma Văn Kháng đến với văn chương bằng một tình yêu sâu sắc và với tinh thần trách nhiệm cao. Ông đến với làng văn từ truyện ngắn đầu tay Phố cụt (Văn nghệ số 136, ngày 3.3.1961) nhưng cội nguồn văn chương nơi ông được khởi phát từ lâu. Với ông, không chỉ đợi đến khi làm thầy đứng lớp với bảng đen phấn trắng cùng các dụng cụ học tập hoặc làm nhà quản lý sự nghiệp giáo dục ở một tỉnh lẻ có nhiều bà con là người dân tộc thiểu số, ông mới khơi nguồn, phát lộ tiềm năng văn chương mà khi còn ở tuổi học trò, niên thiếu, rồi trung cấp, đại học và sau này vào tuổi tráng niên học nghề cầm bút ở Trường Bồi

dưỡng những người viết văn trẻ (Quảng Bá, Hà Nội) thì ông cũng không bao giờ quên công lao dạy dỗ của các bậc thầy dạy văn mà ông hân hạnh được truyền dạy.

Họ đã mở cánh cửa giúp ông và các đồng môn được tiếp xúc với các tác phẩm văn học ưu tú thuộc hàng kinh điển của kho tàng văn học thế giới, văn học dân tộc Việt Nam. Họ đã vun xới và thắp lên ngọn lửa của tình yêu và niềm khao khát cống hiến toàn bộ tâm hồn và sức lực của mình cho văn chương trong con người ông. Bằng niềm đam mê ấy ông đi tới quyết định tình nguyện lên Tây Bắc dạy học, làm nhà giáo, nhà văn, nhà báo. Ông viết: Dạo đó, “tôi đã đọc và rất mê Truyện Tây Bắc của Tô Hoài (...) và đã có một thôi thúc vừa da diết vừa mơ hồ trong tôi, nó cho tôi cái cảm giác rằng ở nơi đó tôi sẽ sống thoải mái và làm được một điều gì có ích”[15, tr. 44,45]. Nhiều năm trong nghề ở nơi vùng cao biên giới đã tích tụ trong Ma Văn Kháng những tri thức nền tảng để từng bước đi vào đại lộ của người viết văn chuyên nghiệp. Ông đến với văn chương không phải vì cái danh đơn thuần, cũng không phải vì đồng tiền nhuận bút. Ông yêu văn chương với một tình yêu thuần khiết và tận tụy với nó như đối với một đấng bề trên linh thiêng. Ngay cả khi ở độ tuổi ngoài bảy mươi, ông vẫn luôn sống trong tâm trạng đầy cảm hứng văn chương, cũng giống như khi viết những dòng đầu tiên của cuốn tiểu thuyết đầu tay Đồng bạc trắng hoa xòe rồi tiếp đó là những Mùa lá rụng trong vườn, Côi cút giữa cảnh đời, Đám cưới không có giấy giá thú... thôi thúc ông luôn luôn là một khát vọng cháy bỏng: gắng sức để đạt tới một cái đẹp thật tráng lệ trong văn chương... Ý thức về nghề đến từ từ theo một quá trình thẩm thấu, Ma Văn Kháng dốc hết tâm sức vào công việc một cách tỉ mỉ, kỳ khu “cặm cụi với từng con chữ”.

Trong hồi ký, ông nhiều lần nhấn mạnh về lao động công phu, nghiêm ngặt, cần mẫn của nhà văn cả trong tư duy và cách viết. “Cần phải làm việc hàng ngày với từng từ một. Viết là một nghề, một nghề gian khổ, đòi hỏi tập trung và kỉ luật cao độ”[15, tr.189]. Là một nhà văn giàu ý thức trách nhiệm, Ma Văn Kháng luôn duy trì một thói quen là cứ khoảng mười năm sau đọc lại những gì mình đã viết, “đọc như một biên tập viên khó tính sẽ thấy cái phải đỏ mặt xấu hổ, sẽ thấy cái gì còn lại, tạm để lại được chút ít cho độc giả, giúp độc giả thấy được đôi ba nét bóng hình

của cuộc sống của những ngày đã qua...”[15, tr.402]. Sau mỗi lần đọc, ông nhận ra mình “đang mòn đi, đang cũ đi, đang lặp lại mình theo một công thức có sẵn” và cảm thấy “đang sống mà như đã chết rồi”[15, tr.186]. Với thời gian, Ma Văn Kháng luôn tự hối thúc và trăn trở đáp ứng yêu cầu của thời cuộc mới và công chúng hôm nay. Mặc dù được giải thưởng cao, được tán dương nhiệt tình nhưng ông vẫn luôn làm việc với tinh thần cầu thị cao. Đó là một con người luôn say mê, hết lòng với sự nghiệp văn chương.

Hồi ký Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương, với lối kể chuyện thiên về một giọng người kể chuyện xưng “tôi”, hình tượng cái “tôi” tác giả hiện lên khá trọn vẹn. Sự hòa quyện cái say sưa nhiệt huyết, sự uyên bác, tài hoa và tinh thần trách nhiệm cao của một con người, một nhà văn... đã làm nên một nét phong cách riêng, hoàn thiện thêm phong cách văn chương của tác giả. Đồng thời, góp phần tạo nên sức lôi cuốn sâu sắc đối với người đọc sau khi thưởng thức chỉ một cuốn hồi ký của nhà văn.

Một phần của tài liệu Yếu tố tự truyện trong hồi kí và tiểu thuyết một mình một ngựa của ma văn kháng (LV00930) (Trang 48 - 52)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)