Chặng đường sống và làm việc ở Hà Nội

Một phần của tài liệu Yếu tố tự truyện trong hồi kí và tiểu thuyết một mình một ngựa của ma văn kháng (LV00930) (Trang 55 - 58)

2.2. Các chặng đường đời của tác giả thể hiện trong hồi ký

2.2.2. Chặng đường sống và làm việc ở Hà Nội

Sau khi đất nước thống nhất, giữa năm 1976, Ma Văn Kháng rời Lào Cai trở về Hà Nội. Một giai đoạn mới mở ra cho nhà văn biết bao khó khăn và gian khổ.

Trong hồi ký, ông tâm sự: “Cuộc sống những năm này hiện ra thật là khủng khiếp và tôi thật không hiểu vì sao hồi ấy tôi có thể chịu đựng được mà không phát điên, không rơi vào cơn khủng hoảng tâm thần!”[15, tr.227]. Sống trong căn buồng “chật đến chỗ nằm còn không đủ, viết lách ở trên mặt giường tấm phản. Sách vở tư trang, nồi niêu soong chảo đều nhét dưới gầm giường gầm phản. Còn ăn ra sao? đó là những năm dài con người bị ám ảnh vì miếng ăn hàng ngày”[15, tr.223]. “Sống thế nào đây lúc này!” Ông phải cắn răng lại để làm việc, để kiên trì nhẫn nại từng bước một đi tới. Những truyện ngắn và những cuốn tiểu thuyết dài hơn, chính là những

mơ ước, dự định về chúng đã nuôi dưỡng niềm vui sống của ông, để ông vượt qua tất cả các thử thách cay nghiệt. Hơn nữa, trong cuộc sống mưu sinh ấy, chính cuộc đời ấy lại là những chất liệu phong phú để làm nên những tác phẩm “đóng dấu”

trong lòng độc giả. Ông tự nhủ: “Viết, phải viết! Và phải chuẩn bị cho những tác phẩm dài hơn thì phải ghi chép kịp thời những ấn tượng của cuộc sống hôm nay, của đời sống lúc này, ở ngay nơi mình sinh sống đây”[15, tr. 237]. Và “ngồi trong căn buồng chật hẹp mùa hè như cái lò thiêu, tôi viết, được trang nào lại dúi xuống cất giấu ở dưới gầm giường cùng lũ nồi niêu soong chảo nhọ nhem”[15, tr.237].

Hàng loạt truyện ngắn ra đời: Vụ chè ba ở Pản Phố; Công trường mở ở nơi xa đăng báo Văn nghệ Quân đội và truyện Tiếng chim đăng trên báo Phụ nữ. Chuyển vùng về Hà Nội, hoạt động với tư cách nhà văn chuyên nghiệp, Ma Văn Kháng tỏ rõ bút lực sung mãn của cây viết biết chắt lọc từ cuộc đời phồn tạp những câu chuyện, những mẫu hình nhân vật, những vấn đề bức xúc đang thu hút người đọc, làm hiện lên trang văn những chân dung đặc sắc về người trí thức tâm huyết, người lao động lam lũ kiếm sống, vật lộn với miếng cơm manh áo nơi thị thành. Trong hồi ký của mình, nhà văn đã cho chúng ta biết thêm nhiều thông tin về đề tài, cảm hứng, nguyên mẫu đến sự ra đời của từng cuốn sách. Mưa mùa hạ - tiểu thuyết đầu tay về vùng đất mới đã gây xôn xao dư luận và gặp không ít trắc trở. Vì cuốn sách đã đề cập đến nhiều vấn đề của xã hội, nhân vật chính - Trọng - “là hình ảnh tôi chắt chiu được qua tháng ngày”[15, tr.257]. Có người lên án gay gắt, có người ra sức bênh vực. Người ta tranh luận, hội thảo về nó. Nhưng khi mọi sự lắng xuống, cuốn sách cũng được ra đời và được giải thưởng Văn học Công nhân lần thứ hai năm 1985, do Tổng Liên đoàn và Hội Nhà văn tổ chức. Hơn thế, cuốn sách lại được xuất bản ở Nhật Bản và tác giả được mời sang Nhật để dự hội thảo quốc tế về Văn học và Môi trường.

Với phương châm sáng tác là sống đã rồi mới viết, đi đến đâu ông cũng thực sự lắng nghe, dõi theo cuộc đời, đã sống cuộc sống với các cung bậc và luôn giữ thói quen ghi chép. Tuy nhiên, trong đời văn của mình, có lúc, “các sự kiện ghi đầy mấy cuốn sổ tay. Cảm xúc ấn tượng dạt dào tưởng như chỉ cần đặt bút là chữ

nghĩa đổ xuống trang giấy ào ào. Vậy mà không!... Trang giấy trắng đặt trên bàn ngày qua ngày cứ trống trơn đến rợn người... đâu có phải lực viết đã cạn”[15, tr.283]. Có khi tác phẩm được viết với những cảm xúc ngẫu hứng bất thần, không có trong chương trình, kế hoạch trước. Nảy nở trong ông ý nghĩ phải viết một cuốn sách về đề tài gia đình, về chính gia đình mình, về cái đời sống tự nhiên muôn thuở với những câu chuyện tạp vặt tầm phào. Nó là vẻ đẹp sống động của cuộc sống và của cả văn chương. Thế là chỉ trong mấy ngày Tết Quý Hợi nhà văn bắt tay vào viết cuốn Mùa lá rụng trong vườn. Công việc theo đà tăng tốc đến chóng mặt và cuối tháng 6 năm 1983 bản thảo đầu tiên được nộp cho nhà xuất bản Phụ nữ. Số phận cuốn sách cũng không hơn gì mấy cuốn trước vì “biên tập sách hồi ấy kĩ càng lắm”.

Cuốn sách lúc đầu có tên Mùa lá rụng, nghe tiêu điều và bi quan và phải thêm hai chữ “trong vườn”. “Lá rụng ở trong vườn, trong một gia đình thôi, có tiêu điều thì cũng chỉ tiêu điều trong một tế bào xã hội thôi”[15, tr. 286]. Đến giữa năm 1985, tiểu thuyết Mùa lá rụng trong vườn cũng đã được chào đời, được tái bản nhiều lần và được chuyển thành phim truyện, được trích đọc trong sách giáo khoa lớp 12, rồi lại được dịch sang tiếng Nga do Nhà xuất bản Rađuga ấn hành.

Tiếp theo trong hai năm 1989 và 1990, nhà văn cho in liên tiếp hai cuốn tiểu thuyết đó là cuốn Côi cút giữa cảnh đờiĐám cưới không có giấy giá thú.

Đám cưới không có giấy giá thú - cái tên của cuốn sách là “số phận bi đát của nhân vật thày giáo Tự đã được xác định. Thày là một quyển sách hay nhưng để lầm chỗ. Đời thày là một bữa tiệc dở dang. Là một đám cưới không thành ”[15, tr.358].

Cuốn sách được viết trong cái đà của hòn đá văng ra khỏi bàn tay ném. Tính luận đề cho nó sự cứng cáp, khỏe khoắn. Chất liệu tiểu thuyết lấy từ đời sống hiện thực của chính người viết. Nhà văn tâm sự: tôi viết hăm hở, say mê. Chữ nghĩa đổ cuồn cuộn như thác xuống trang giấy và có vẻ như đã thoát khỏi kí hiệu, văn tự, mỗi con chữ đều có sự sống bên trong. Vậy mà cuối cùng tôi đã phải quyết định dừng lại, chưa thể tiếp tục hoàn chỉnh cuốn sách được. “Cuốn sách còn thiếu một ánh sáng trí tuệ độc đáo. Nó cần những điểm tựa vững chắc về tư tưởng và tinh thần”[15, tr. 359].

Trong hồi ký, Ma Văn Kháng cho biết may thay bài viết của Nguyễn Xuân Tụ:

“Dắt tay nhau đi dưới tấm biển đường của trí tuệ” đã giúp nhà văn tiến một nấc thang mới trên con đường phát triển của tư duy lý luận, là ánh sáng soi rọi, góp phần lí giải cái mớ bòng bong hỗn độn hiện thực chưa lí giải phân tách được mà ông đã trình bày trong Đám cưới không có giấy giá thú. Nó là một điểm tựa cho cuốn sách của ông. Ma Văn Kháng đã chỉ ra: chính bức thư của học trò thầy giáo Tự trong tiểu thuyết là bắt nguồn từ luận điểm của bài tiểu luận nọ của Nguyễn Xuân Tụ. Tiếc là khi đọc ta thấy mạch văn đang trôi chảy thì bị ngắt quãng do yêu cầu lược bớt của nhà xuất bản. Cuốn sách Côi cút giữa cảnh đời cũng có chung số phận với Đám cưới không có giấy giá thú. Khen thì khen nức nở, mà chê thì cũng không tiếc lời. Nhiều luồng ý kiến trái chiều, xung đột nhau. Cuối cùng chân lí thuộc về lẽ phải. Nhà văn đã không uốn bút theo thời thế.

Văn học cũng đòi hỏi đổi mới về quan niệm nghệ thuật, về cách viết để thu hút sự tìm đọc của công chúng. Ma Văn Kháng tự hối thúc và trăn trở, đáp ứng yêu cầu của thời cuộc. Sáng tác của ông từ sau đổi mới đã tỏ rõ sự nở rộ, sung sức. Đề tài, thế giới nhân vật được mở rộng hơn, tư duy nghệ thuật về cuộc sống và về con người càng uyển chuyển hơn. Cùng với kinh nghiệm làm báo lâu năm và là một người viết cần mẫn có bề dày về thành tựu sáng tác, Ma Văn Kháng đã nêu một tấm gương về một nhà văn- nhà báo chiến sĩ, gắn bó với đời sống nhân dân, bền bỉ phấn đấu cho sự phát triển của xã hội, cho sự hoàn thiện của nhân cách, cho sự hữu ích về cái hay, cái đẹp của văn chương.

Một phần của tài liệu Yếu tố tự truyện trong hồi kí và tiểu thuyết một mình một ngựa của ma văn kháng (LV00930) (Trang 55 - 58)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)