Với Thép đã tôi thế đấy (N.A. Ostrovsky)

Một phần của tài liệu Yếu tố tự truyện trong hồi kí và tiểu thuyết một mình một ngựa của ma văn kháng (LV00930) (Trang 99 - 103)

Ra đời trong bối cảnh sự phát triển của phong trào cách mạng trong nước, cuộc đấu tranh với bè lũ phản động, cách mạng tháng Mười và những năm đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội, tác phẩm Thép đã tôi thế đấy (N.A.Ostrovsky) có một vị trí đặc biệt trong lịch sử văn học Liên Xô và nền văn học tiến bộ thế giới. Đây không phải là một tác phẩm văn học chỉ nhìn đời mà viết. Tác giả sống trong nó rồi mới

viết. Cũng không phải một cuốn tiểu thuyết tự thuật thường vì hứng thú hay lợi ích cá nhân mà viết. N.A.Ostrovsky viết Thép đã tôi thế đấy trên giường bệnh, trong khi bại liệt và mù, bệnh tật tàn phá chín phần mười cơ thể. Là một chiến sĩ cách mạng tháng Mười, ông đã sống một cách nồng cháy nhất để hiến dâng cuộc đời cho Tổ quốc, cho nhân dân. Mọi lý tưởng, mọi tình yêu, tâm huyết và tài năng của ông kết tụ nơi Pavel Corsaghin - “đứa con tâm tri” của mình và cũng là nhân vật trung tâm của tác phẩm, cùng hàng loạt các nhân vật đại diện cho lớp thanh niên ngày ấy... Từ những trải nghiệm chân thực về đời sống và bản thân được chuyển hóa thành hình tượng trong tác phẩm, có thể nói đây là cuốn tiểu thuyết giàu tính tự thuật của nhà văn N.A.Ostrovsky. Cũng giàu tính tự thuật, tiểu thuyết Một mình một ngựa của Ma Văn Kháng có những điểm tương đồng với Thép đã tôi thế đấy của N.A.Ostrovsky. Điểm gặp nhau lớn nhất ở cả hai tiểu thuyết này là các tác giả đã xây dựng thành công những điển hình sinh động về người cộng sản, qua đó khẳng định một thế hệ, một lớp người được hình thành từ cuộc cách mạng. Với Thép đã tôi thế đấy, lần đầu tiên trong văn học, Ostrovski thu gọn được hình ảnh con người mới trong nhân vật Pavel Corsaghin. Thép đã tôi thế đấy ghi lại cả một quá trình tôi thép, bước đường gian khổ trưởng thành của thế hệ thanh niên Xô Viết đầu tiên. Thép ở đây là Pavel, là Xeriogia, là Valia, là Jaky, cả một lớp thanh niên lao động, vừa lớn lên thì gặp ngay cách mạng, ý thức giai cấp và tuổi trẻ bừng lên trong bão táp của phong trào. Lò ngàn độ nóng tôi rèn họ là cuộc đấu tranh thật trường kì gian khổ, phát huy tự lực cánh sinh của cách mạng tháng Mười. Người thợ vĩ đại tôi rèn thép ấy là Đảng cộng sản, ngọn cờ và bộ tham mưu của cách mạng. Trong đấu tranh vũ trang cũng như công tác xây dựng, Đảng tập dần thói quen cho Pavel nhằm đích chiến thắng. Pavel từng bước một trưởng thành, trở nên một chiến sĩ cách mạng già dặn. Bệnh tật mười chết một sống là trận thử thách cuối cùng. Pavel là thép đã tôi rồi nên đã thắng, toàn thắng. Cũng như Pavel, ông Quyết Định trong Một mình một ngựa của Ma Văn Kháng là hình ảnh sáng chói và đường nét nhất: luôn vững vàng, bách chiến bách thắng. Thông qua nhân vật Quyết Định, Ma Văn Kháng đã xây dựng được điển hình sinh động về người cộng sản, tạo nên

một tượng đài tiêu biểu cho thế hệ ông, thế hệ thanh niên đầu tiên gặp gỡ và đi cùng cách mạng. Ở đây tuyệt đối không có thói cơ hội, sự giả trá. Ở đây, cái đẹp là sự thủy chung, mang tính thuần khiết sáng trong, là sự trung thành tuyệt đối, là tinh thần tự nguyện triệt tiêu cả những ý tưởng và nguyện vọng của cá nhân mình để gìn giữ sự trung thành với tổ chức.

Cách thể hiện nhân vật ở hai tác phẩm trên có những điểm chung nhưng cũng có những những nét khác biệt. Hình tượng Pavel được xây dựng gắn với biểu tượng Thép đã tôi thế đấy. Trong tác phẩm, nhà văn đã tập trung miêu tả sự trưởng thành của Pavel như quá trình tôi luyện một thanh thép thực sự. Từ nhỏ Pavel đã tỏ ra là một con người nồng nhiệt, giàu nghị lực sống và tiềm năng. Do địa vị xã hội “thấp kém”, anh đã sớm mang lòng căm thù với bọn tư sản và những bất công xã hội.

Việc gây sự với bọn con nhà giàu như Victor Lensenki và Xukhaccô hay việc liều lĩnh lấy trộm súng lục của tên trung úy Đức... dù còn mang tính trẻ con nhưng cũng tiềm ẩn ý thức giai cấp. Thời kỳ thơ ấu của anh chấm dứt khi Pavel lao vào tên lính Pếtluara để cứu Giukhơrai - người đã giác ngộ lý tưởng cộng sản cho anh và Pavel bị bắt giam. Thời kì tham gia cuộc nội chiến đã rèn luyện ý thức kỉ luật cho Pavel.

Anh đã khắc phục được nhiều khuyết điểm, đặc biệt là thói tự do vô tổ chức. Những ngày tháng trên công trường Baiơraica, ý thức Bônsêvich của Pavel càng được củng cố và phát huy. Trên mặt trận lao động này, chất Thép của con người đã được tôi luyện: cứng cáp và dày dạn. Ta thấy không chỉ có Pavel mới là thép mà cả những con người mang tầm vóc thời đại như Giukhơsai, Đôlennhic, Tôcarêp, chính ủy Klimme, Akim, anh em Xécgây và Valia, Giácki... cũng là thép. Và trong cuộc đấu tranh cho sự nghiệp cao quý nhất trên đời - sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người, Pavel không phải là người anh hùng đơn thương độc mã mà cùng chiến đấu với anh có cả một tập thể, có cả một đội ngũ của những người cùng lí tưởng ( đơn vị Hồng quân). Pavel cùng các bạn của anh đã chiến đấu và hiến dâng nhiệt tình cho sự nghiệp cách mạng... đã chiến thắng bằng chính sức mạnh của đôi chân và của cả tập thể. Cuộc đời Pavel và những người cùng chung lý tưởng với anh đã chứng minh cho chân lý: “Mục đích cao đẹp nhất trên đời là góp phần vào cuộc đấu tranh

cải tạo thế giới tốt đẹp hơn”. Khác với Pavel, hình tượng ông Quyết Định được xây dựng gắn với ý nghĩa của hình ảnh ẩn dụ một mình một ngựa: một chiến sĩ cách mạng hiên ngang, oai hùng, một hình tượng giàu tính thẩm mỹ. Bí thư Tỉnh ủy một mình một ngựa đi đến các vùng thổ ty phong kiến thuyết phục họ theo chính phủ trung ương. Trong suốt cuộc đời mình, ông Quyết Định luôn mang cái uy của thế hệ mở đường, một mình một ngựa quả cảm xông pha trong cuộc đối đầu với đối phương thời khởi đầu cách mạng, một mình đương đầu với khó khăn trong xây dựng. Nhưng ông cũng cô độc biết bao trong cuộc sống, trong việc bảo vệ chân lý, trong quan hệ với người vợ của mình. Và khái quát từ số phận một con người một mình một ngựa - vừa oai vũ, vừa cô đơn, là thân phận của tất cả các cá thể có ý thức về giá trị của mình.

Một vấn đề đặt ra cả hai tác phẩm này là thông qua các điển hình sinh động về người cộng sản và qua các sự kiện lịch sử to lớn tác giả đã đặt ra và giải quyết hàng loạt vấn đề quan trọng làm xúc động lòng người: vấn đề rèn luyện ý thức và lí tưởng cộng sản, vấn đề của lao động trong thời đại mới, vấn đề quan hệ giữa tình yêu và lý tưởng cách mạng, vấn đề vượt qua và chiến thắng những bất công trong cuộc sống... Đứng trước những vấn đề của cuộc sống đòi hỏi mỗi người phải làm như thế nào để vượt qua, tìm ra lối thoát, để chiến thắng... Nhân vật Pavel trong Thép đã tôi thế đấy đã biết vượt lên khó khăn để phấn đấu cho sự nghiệp cao quý, thậm chí có những nét khắc kỉ khi anh tự hạn chế những nhu cầu con người đặt ra đối với mình. Trong tình yêu anh chống lại quan điểm “luyến ái, phi lý tưởng, phi giai cấp”. Đối với anh cũng như tác giả: “Có thể có tình bạn mà không có tình yêu, nhưng tình yêu mà không có tình bạn, tình đồng chí, không có quyền lợi chung thì thật là ti tiện...”. Để có thời gian hoạt động cách mạng Pavel tự dứt bỏ một tình yêu đẹp với Tonhia, tìm cách lảng tránh tình yêu của Rita. Trong tiểu thuyết Một mình một ngựa ta nhận thấy, ông Quyết Định đã phải tìm cách học thêm, nhờ sự giúp đỡ của Toàn để tăng thêm sự hiểu biết, khắc phục những hạn chế của bản thân đồng thời tăng thêm sự đoàn kết trong tập thể. Thậm chí ngay cả trong chuyện riêng tư, khi biết vợ mình có quan hệ mây mưa với người khác, ông đã phải cào vào vách để

họ kịp xóa đi mọi dấu vết... Mặc dù không tránh khỏi mặc cảm cô đơn trong cuộc đời, nhưng ông Quyết Định trong thử thách, trong hoàn cảnh nghiệt ngã, đã biết vượt lên để hoàn thiện nhân cách cao thượng. Điều đó một lần nữa khẳng định một khuynh hướng thẩm mĩ quan trọng trong sáng tác của Ma Văn Kháng nói chung và trong Một mình một ngựa nói riêng:“cái đẹp ở thể bi tráng, cái đẹp ngạo nghễ trong mất mát, đau thương, thua thiệt, cái đẹp hiện lên cao cả trong hi sinh, trong bi thương”[3].

Một phần của tài liệu Yếu tố tự truyện trong hồi kí và tiểu thuyết một mình một ngựa của ma văn kháng (LV00930) (Trang 99 - 103)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)