Tiểu thuyết có yếu tố tự truyện

Một phần của tài liệu Yếu tố tự truyện trong hồi kí và tiểu thuyết một mình một ngựa của ma văn kháng (LV00930) (Trang 31 - 37)

8. Cấu trúc luận văn

1.3. Tiểu thuyết có yếu tố tự truyện

1.3.2. Tiểu thuyết có yếu tố tự truyện

Có thể thấy, xu hướng tự truyện không xa lạ với văn học phương Tây, nhất là tiểu thuyết Tây Âu thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX có nhân vật kể chuyện ở ngôi thứ nhất số ít (xưng “tôi”) có tham vọng ghi lại lịch sử tâm hồn con người từ “cái nhìn bên trong”. Chúng được coi là các tác phẩm tiểu thuyết tự thuật. Các tác phẩm tự thuật trở thành lời tác giả thuật lại đời mình một cách tự nhiên và trung thực, mỗi bối cảnh của một giai đoạn trong cuộc đời là một chủ đề xếp thành tiểu thuyết, và tùy theo mỗi sự việc ấy mà tác giả bình luận hay lý luận để tỏ rõ tư tưởng, lập trường hay chí hướng của mình. Nói cách khác, cả về nội dung và hình thức nghệ thuật, những tác phẩm đó thể hiện rõ rệt chức năng của các tự truyện. Nhà văn Mỹ Thomas Wolf cũng cho rằng: “Mọi tác phẩm nghiêm túc suy đến cùng đều có tính chất tự truyện, một người nếu muốn sáng tạo một cái gì chân thực và có giá trị thì phải sử dụng kinh nghiệm và tài liệu trong cuộc sống của mình”[29].

Trong văn học Việt Nam vốn ít có truyền thống tác giả tự kể chuyện đời mình, nhìn chung,“cái tôi của nhà văn Việt khá kín đáo” và không thích lộ diện nhưng trong khoảng vài thập kỉ trở lại đây, tự truyện trở thành một tố chất thể loại vừa mới mẻ, vừa mạnh mẽ, tự truyện trở thành một dòng chảy trong tiểu thuyết.

Xuất hiện nhiều tiểu thuyết lấy chất liệu từ bản thân cuộc đời riêng tư của tác giả, những chi tiết mang tính tiểu sử của chính nhà văn, bộc lộ cái tôi cá nhân rõ nét:

Thời xa vắng (Lê Lựu), Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Chuyện kể năm 2000 (Bùi Ngọc Tấn), Thượng đế thì cười (Nguyễn Khải), Gia đình bé mọn (Dạ Ngân), Ba người khác (Tô Hoài) và hàng loạt các tiểu thuyết của Ma Văn Kháng từ Đám cưới không có giấy giá thú, Ngược dòng nước lũ cho đến tiểu thuyết mới đây Một mình một ngựa. Mặc dù mang một số dấu hiệu của tự truyện nhưng đây không phải là tự truyện theo quy ước thể loại mà là những tiểu thuyết có khuynh hướng tự truyện. Khuynh hướng tự truyện đề cập ở đây bao gồm cả những tiểu thuyết mà yếu tố tiểu sử có tính tham chiếu rõ ràng, chẳng hạn Thượng đế thì cười (Nguyễn Khải), hay ngược lại, những tiểu thuyết gây nhiễu độc giả bằng yếu tố tự truyện như Chinatown (Thuận),...Thực tế đó cho thấy có không ít nhà văn đã viết những tác phẩm trong đó người thật, việc thật lấn át vai trò của hư cấu. Với họ thì cuộc đời chính là vốn nhuyễn nhất (đặc biệt ở những nhà văn có cuộc đời phong phú, sâu sắc) và sử dụng chính cuộc đời mình làm chất liệu trong sáng tác sẽ khiến tác phẩm trở nên hấp dẫn hơn. Tất nhiên không phải cứ đưa thẳng người thật, việc thật vào những trang viết thì tác phẩm sẽ thành công. Bởi lẽ, đời sống hàng ngày dù đa dạng phong phú đến đâu cũng không thể cung cấp cho người viết tiểu thuyết một nhân vật (hay một cốt truyện) hoàn chỉnh. Chính Tônxtôi, người được mệnh danh là bậc thầy của tiểu thuyết hiện thực Nga cũng đã chỉ ra rằng: “Cần phải quan sát nhiều người cùng loại với nhau để xây dựng một kiểu người nhất định” và “nếu miêu tả một con người mà chỉ lấy một người thật làm mẫu thì kết quả sẽ là một cái gì đó đơn nhất, ngoại lệ và không thú vị” [8, tr. 39]. Do vậy, trong vô vàn những gương mặt đời thường, giữa muôn ngàn những biến cố của hiện thực, người viết tiểu thuyết đồng hóa và tái hiện bức tranh đời sống bằng phương thức chọn lọc, tổng

hợp và sáng tạo. Tô Hoài cho rằng viết văn là một nghề mà học trò phải khác với ông thầy, phải viết được cái gì trên ông thầy cuộc đời. Như vậy, việc nhà văn lấy cuộc đời mình làm chất liệu trong sáng tác là chuyện vốn không xa lạ, tuy nhiên tùy thuộc vào mục đích cũng như cách thức thể hiện để độc giả có đọc tác phẩm như là tự truyện của nhà văn hay không. Mục đích của tự truyện là tìm hiểu một con người có thật với lịch sử hình thành nhân cách, còn tiểu thuyết, mặc dù cũng sử dụng nhân vật, cốt truyện đó nhưng được hư cấu hóa, hoặc được cấp cho một lớp vỏ hư cấu.

Xu hướng tự truyện trong tiểu thuyết là việc nhà văn lấy chất liệu từ bản thân cuộc đời riêng tư của tác giả, những chi tiết mang tính tiểu sử của chính nhà văn nhưng tất cả đã được tiểu thuyết hóa theo yêu cầu thể loại. Nghĩa là nhà văn đã đem lại cho câu chuyện kể về đời mình những màu sắc của tiểu thuyết trong sự kết hợp hài hòa với tự truyện. Các tác phẩm theo khuynh hướng này cho thấy cái tôi giàu trải nghiệm với những biến cố đặc biệt của đời tư cá nhân đặt trong không gian xã hội rộng lớn và trải dài theo dòng chảy thời gian đời người.

Sự thâm nhập của yếu tố tự truyện vào văn học nói chung và tiểu thuyết nói riêng thể hiện sự thay đổi ý thức về cái tôi cá nhân cũng như nhận thức về vấn đề sự thật - hư cấu trong sáng tạo nghệ thuật. Cái “tôi” giờ đây là cái “tôi” của sự thật, là công cụ cho sự thật dù đó là sự thực mất lòng, đau lòng... Muốn bộc lộ cái “tôi” của mình một cách thật nhất, và rõ nhất, tự truyện, động tác kể chuyện trở thành thú tội với người đọc, một hành động can đảm, thành thật, một cái “tôi” loại mới. Hiện thực trong tiểu thuyết không hiện lên như một mặt phẳng mà trở nên hỗn độn, đa tầng. Tiểu thuyết giờ đây không còn là tấm gương soi của thời đại, không chỉ là tiếng nói của dân tộc và thời đại mà quan trọng hơn còn là phát ngôn thể hiện tư tưởng, quan niệm riêng của người nghệ sĩ. Do vậy, khuynh hướng tự truyện trong tiểu thuyết giúp người đọc không chỉ giải mã con người tác giả và thời đại qua những chi tiết gắn với tiểu sử, cuộc đời thật mà còn qua những trải nghiệm sống và sự tự thú chân thành.

Theo T.S. Đỗ Hải Ninh, sự hiện diện của khuynh hướng tự truyện trong tiểu thuyết hôm nay thể hiện sắc thái mới lạ, một hình thức tiếp cận đời sống khác trước.

Dấu ấn tự thuật ở các nhà văn trẻ Việt Nam hiện nay là những yếu tố lẻ, chi tiết nhỏ trong tác phẩm chứ không chi phối đến cốt truyện, điều này xuất phát từ căn nguyên sâu xa hơn, đó là tiểu thuyết hiện nay ít quan tâm đến vấn đề cốt truyện, thường tạo ra cốt truyện mờ nhạt và chủ yếu thể hiện cái tôi cảm giác. Các nhân vật hầu như đều xưng “tôi” kể chuyện và có xu hướng in đậm dấu ấn tiểu sử cá nhân nhà văn trong tác phẩm, nhân vật mang đặc điểm nghề nghiệp, xuất thân (sinh viên du học, giáo viên mới ra trường, phóng viên văn hóa, nhà báo),... với thế giới tâm tư tình cảm của chính thế hệ họ. Chính Nguyễn Tuân cũng cho rằng “cái tôi mà các anh bảo nghèo nàn bé nhỏ ấy vô cùng giàu có: nó là một khu mỏ mà người ta đào bới cả đời không hết”. Do đó, cần phải có cái nhìn linh hoạt hơn về hiện tượng này, không nên lầm lẫn sự tìm hiểu dấu ấn tự truyện trong tác phẩm đơn thuần chỉ là sự phân định ranh giới tiểu thuyết hay tự truyện, sự đối chiếu giống hay không giống giữa đời thực vào tác phẩm. Mặc dù coi tác giả là chủ thể sáng tạo chi phối quá trình kiến tạo tác phẩm, nhưng việc nghiên cứu tiểu sử chỉ là phương tiện để khám phá tác phẩm. Mục đích sâu xa hơn nhằm khám phá yếu tố tự truyện đã đi vào cấu trúc tác phẩm ra sao, sự tham gia của yếu tố tiểu sử cuộc đời, con người tác giả trong sáng tạo nghệ thuật, sự hư cấu diễn ra như thế nào. Hướng tìm hiểu khuynh hướng tự truyện trong tiểu thuyết chấp nhận nhiều cách đọc, nhiều cách tiếp cận:

biết về tác giả hay không biết, biết đến đâu, và tham gia trò chơi hư cấu như thế nào. Đây cũng chính là cách làm hài hòa mối quan hệ giữa tác giả - tác phẩm - người đọc, thể hiện rõ hơn quan điểm người đọc là người đồng sáng tạo với tác giả và phần nào cứu gỡ “cái chết của tác giả” sau khi tác phẩm ra đời.

Như vậy, vấn đề tự truyện trong tiểu thuyết là vấn đề có ý nghĩa đối với văn học đương đại bởi nó gắn với vấn đề cái tôi tác giả - sự khẳng định cái tôi cá nhân mạnh mẽ trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, sự tương tác và dung nạp lẫn nhau giữa các thể loại. Khi nhà văn lấy đời mình làm chất liệu, một mặt sẽ dễ đem đến lòng tin cho độc giả, nó ngầm nói với họ rằng câu chuyện tôi đang kể là có thật,

những kinh nghiệm sống của cá nhân cũng là thật, mặt khác anh ta muốn bày ra một trò đố, anh ta muốn người đọc phải tham dự và giải mã trò đố ấy. Và như vậy, nó đáp ứng được yêu cầu của người đọc (thích các khuôn mặt thân thế, bên cạnh những hình tượng tiểu thuyết) đồng thời kéo họ lại gần cuốn sách hơn.

Là một hiện tượng văn học độc đáo của cao trào đổi mới văn học Việt Nam từ sau 1986, Ma Văn Kháng góp mặt ở phương diện tương tác này với tư cách là tác giả của những tiểu thuyết có yếu tố tự truyện từ Đám cưới không có giấy giá thú, Ngược dòng nước lũ cho đến tiểu thuyết gần đây Một mình một ngựa... Với những tiểu thuyết này, đặc biệt là tiểu thuyết Một mình một ngựa, Ma Văn Kháng đã đem lại cho câu chuyện kể về đời mình những màu sắc của tiểu thuyết trong sự kết hợp hài hòa với tự truyện. Đúng như lời thú nhận của nhà văn: Một mình một ngựa viết được là vì tìm được một cách diễn đạt; đó là một kiểu tự truyện, nghĩa là mình dùng cái nhìn của nhân vật Toàn, cũng chính là của mình, của tác giả để đánh giá tất cả các nhân vật khác, các sự kiện - như vậy nghĩa là, các nhân vật đó là của cái tôi nhà văn; ngoài ra, về thủ pháp mình dùng các chi tiết lặt vặt (về con chó, con ngựa, con cóc, con ong...) để tạo không khí thời đoạn, khắc họa nhân vật và tạo nên sức hấp dẫn của một câu chuyện mà ai cũng đã biết! Điều ghi nhận ở đây là sự vững vàng về tay nghề tiểu thuyết, cả trong kỹ thuật và nghệ thuật, và những vấn đề được đặt ra một cách thẳng thắn, không né tránh. Nhiều nhân vật có nguyên mẫu ngoài đời thực nhưng đã được tiểu thuyết hóa theo yêu cầu thể loại.

Qua những giới thuyết trong toàn bộ chương này, chúng tôi muốn khẳng định rằng cùng với xu hướng của nghệ thuật đương đại, sự thâm nhập lẫn nhau giữa các thể loại sáng tác là điều không thể tránh khỏi. Điều này không phải là không tốt.

Letxing- nhà mĩ học Đức nói: “chỉ trong một cuốn sách giáo khoa người ta mới cần phân biệt các thể tài một cách chính xác. Nhưng khi một nhà thơ thiên tài hỗn hợp nhiều thể loại thành một trong cùng một tác phẩm, làm như thế vì nhiều mục đích cao hơn, thì chúng ta hãy nên quên đi những cuốn sách giáo khoa và chúng ta hãy chỉ nên hỏi cái mục đích cao hơn đó có đạt được hay không mà thôi” [24, tr.436].

Mặt khác, xét từ bản chất của sáng tạo nghệ thuật, mỗi nhà văn khi cầm bút đều xuất phát từ nhu cầu giải phóng tư tưởng và bộc lộ tình cảm của mình, nói như Hêghen, con người là một thực thể biết tư duy nhận thức nên luôn có khát khao thể hiện mình. Mỗi trang viết đều là những trải nghiệm của bản thân nhà văn, là hành trình đi tìm cái tôi của cá nhân, tuy nhiên, với mỗi thời đại, mỗi khu vực văn hóa, trong mỗi nền văn học và mỗi nhà văn lại có cách thức thể hiện riêng, mục đích riêng. Do vậy, không cần phải quá cứng nhắc trong việc xác định thể loại, chỉ cần người đọc tìm thấy điều gì có ý nghĩa đối với họ trong tác phẩm mới là đủ.

Một phần của tài liệu Yếu tố tự truyện trong hồi kí và tiểu thuyết một mình một ngựa của ma văn kháng (LV00930) (Trang 31 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)