Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết

Một phần của tài liệu Yếu tố tự truyện trong hồi kí và tiểu thuyết một mình một ngựa của ma văn kháng (LV00930) (Trang 88 - 93)

2.3. Cái nhìn nghệ thuật ( của người kể chuyện) trong hồi ký

3.2.3. Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết

Tiểu thuyết Một mình một ngựa lấy bối cảnh ở O tròn (nơi sơ tán của cơ quan Tỉnh ủy Hoàng Liên trong những năm chống Mỹ) với các nhân vật trung tâm là những người cộng sản trong Tỉnh ủy: năm ông thường vụ, năm ông trợ lý và gần chục cán bộ văn phòng Tỉnh ủy. Tất cả đều là đảng viên ở những vị trí quan trọng, có lẽ chỉ có một nhân vật duy nhất trong tiểu thuyết không phải đảng viên: đó là Yên, vợ của Bí thư Tỉnh ủy Quyết Định. Bằng sự phát hiện nhạy bén, phân tích tâm lý vững vàng, nhận thức sắc sảo đặc biệt của nhà văn luận đề, Ma Văn Kháng đã xây dựng hệ thống nhân vật sống động, phong phú và chân thực: từ lý lịch xuất

thân, quá trình công tác, cái tốt lẫn sự kém cỏi, những việc làm thăng hoa bay bổng và cả những phút yếu lòng sa ngã xuống vực thẳm. Họ là con người viết hoa đáng ca ngợi nhưng đôi lúc lại là kẻ xấu đáng bị trừng phạt, lên án.

Điểm chú ý đầu tiên trong việc khắc họa nhân vật ở Một mình một ngựa là việc nhà văn miêu tả ngoại hình nhân vật như là một biểu hiện gắn liền với tính cách, bản chất của nhân vật. Với phong thái của một người anh hùng, một người đứng mũi chịu sào, ông Quyết Định được miêu tả bằng ngoại hình tương xứng:

gương mặt vuông vức. Hai con mắt một mí đối nghịch với một khuôn miệng rộng có cái cười thật hiền. Một đôi vai rộng quen gánh vác hòa hợp với đôi cánh tay căng nở từng cơ bắp”[16, tr.47]. Trong khi đó, những người có tâm địa xấu đều hiện lên với dáng vẻ “kỳ hình dị tướng”, “trông mặt mà bắt hình dong”. Chẳng hạn, ông Văn Hiến “vóc hình còi cọc xấu xí, mắt có lẹo, lại ngưỡng thiên chỉ địa...” bộc lộ bản chất một “anh chàng cố nông láu cá, tinh ma, biết tranh thủ cơ hội” . Còn Trần Quàn lộ nguyên hình là kẻ phản trắc, cơ hội với dáng bộ “khúm núm, hèn nhược, mắt cứ hay trợn ngược, khi nói yết hầu nhô ra, mồm loe loe và răng nhe nhe trông kinh kinh là”[16, tr.146].

Trọng tâm miêu tả của Ma Văn Kháng chính là thế giới tinh thần phức tạp, bí ẩn của con người. Tiểu thuyết được kể từ ngôi thứ ba, số ít. Nhưng điểm tựa để từ đó nhìn ra thế giới, cảm xúc và cảm nghĩ, lại chủ yếu đặt vào nhân vật Toàn. Vì lẽ đó, trong tác phẩm những khúc đoạn độc thoại nội tâm hầu hết là của nhân vật Toàn. Tuy nhiên, trong Một mình một ngựa, Ma Văn Kháng sử dụng kĩ thuật di chuyển điểm nhìn rất thường xuyên và hiệu quả. Nhân vật ông Ké Lanh, ông Văn Hiến, ông Gia, ông Đồng, ông Quyết Định... lần lượt thay nhau được chọn để đặt điểm nhìn nội cảm. Mỗi lần thay đổi điểm nhìn như vậy, người đọc lại có cơ hội khám phá những tầng sâu ý thức trong nội tâm nhân vật. Sức nặng của ông Quyết Định không chỉ ở hình tượng một mình một ngựa oai hùng, dũng mãnh mà còn nằm ở những đoạn độc thoại, dòng ý thức với những tâm sự sâu kín của ông. Ông đến Pha Linh với nỗi niềm lo âu vì vùng đất xa xôi này chứa nhiều nhân tố không ổn

định mà ông là người cần tìm ra nguyên nhân, ông biết: “Cách mạng là một cuộc giành giật quyền lực. Nhưng giành giật quyền lực đã khó mà bảo vệ giữ gìn nó còn khó hơn”. Đó là những suy nghĩ nghiêm túc của một nhà chính trị từng trải, lão luyện, thậm chí tạo nên ý thức đối thoại đối với người đọc (vì sao một ông Bí thư Tỉnh ủy vốn giác ngộ cách mạng từ rất sớm lại cho rằng cách mạng là cuộc giành giật quyền lực?). Trong cuộc sống riêng tư ông trải qua nhiều dằn vặt hơn bởi ông hiểu rất rõ tình cảnh của mình trước người vợ có vẻ đẹp sinh tỏa, nồng nàn sức sống mà không phải lúc nào ông cũng có thể đáp ứng được... Để nhân vật tự bộc lộ mình qua chính những suy nghĩ, độc thoại nội tâm, dòng ý thức như trên là một đặc điểm quan trọng trong xây dựng nhân vật ở tiểu thuyết Ma Văn Kháng. Bằng việc khai thác hiệu quả của thủ pháp độc thoại nội tâm, Ma Văn Kháng đã hé mở những tầng bậc sâu kín trong đời sống nội tâm phong phú, phức tạp của con người, làm hoàn chỉnh quan niệm về con người đa diện.

Đi sâu nghiên cứu tiểu thuyết Một mình một ngựa của Ma Văn Kháng, ta còn thấy nhân vật được xây dựng với phương thức huyền thoại hóa. Do đó, có sự tham gia của yếu tố kì ảo vào mục đích tô đậm những nhân vật lý tưởng, mang tính biểu tượng như ông Quyết Định, ông Đồng,... Họ là những người sống có lý tưởng đẹp đẽ, là những nhân cách cao thượng và là một khối ý chí kiên cường. Họ đáng được trân trọng, nể phục. Tính lý tưởng, biểu tượng ở nhóm nhân vật đẹp đẽ phi thường này được thể hiện ở chỗ cuộc đời họ được miêu tả, được bao bọc trong bầu không khí ít nhiều mang màu sắc kì ảo, huyền diệu. Không có những khả năng siêu phàm, hình tượng ông Quyết Định dường như vẫn được bao bọc bởi bầu không khí như huyền thoại. Cảm giác ấy có lẽ xuất phát từ tư thế hiên ngang một mình một ngựa lao vào vòng vây quân thù, bản lĩnh và tư thế hiên ngang của một con người hội tụ đầy đủ những phẩm chất anh hùng thời đại. Hoặc, hình ảnh ông Đồng như một trang anh hùng hảo hán, hoa mã tấu, đi đường cước hạ hai tên cướp để cứu ông Quyết Định. Ông chỉ huy nhóm công nhân cơ giới đào quả bom Mỹ chui sâu dưới đất ở chân cầu Nhò, giải phóng thông đường như một dũng sỹ quả cảm quyết tử hoàn thành nhiệm vụ, mang âm hưởng anh hùng ca thật tuyệt vời. Và đúng như Ma

Văn Kháng đã thừa nhận trong những trang văn của mình: “Những bậc quân tử, bậc anh hùng thường gây cho người ta ảo giác”... Cái kì ảo phát huy sức mạnh trong việc khám phá, mô tả những ẩn ức sâu kín và đời sống tinh thần vô cùng tinh diệu, phức tạp của con người. Sử dụng yếu tố kì ảo, Ma Văn Kháng có thêm một công cụ đắc lực để biểu đạt quan niệm sống động về con người đa chiều, con người của đời sống bản năng.

Một điều thường thấy trong mỗi trang tiểu thuyết của Ma Văn Kháng là niềm tin yêu, trân trọng con người được dồn nén ở những nhân vật cao cả, đẹp đẽ. Chẳng hạn, nhân vật Thiêm (Gặp gỡ ở La Pan Tẩn) được khắc họa đậm chất lý tưởng.

Thiêm, người giáo viên trẻ, tạm biệt quê hương để lên với vùng đá Mèo La Pan Tẩn. Anh như “hạt mầm đã gieo nằm lại trong đất”, gắn bó hơn mười lăm năm với mảnh đất hoang sơ, đói nghèo, lạc hậu này. Anh mang cái chữ về cho dân làng. Anh đánh kẻng mỗi sớm mai, làm thức dậy những gì tốt đẹp, thiên lương, trong sáng.

Thiêm đã trở thành ân nhân, thành “dở sấu”- ông tiên, của cả tộc người Mèo. Cuộc đời Thiêm là cả một ngọn đuốc luôn cháy rực lý tưởng, sự kiên cường và đức nhẫn nại hi sinh. Nếu Thiêm đẹp với tư cách người mở đường cho cái chữ, cho nền văn minh thì trong Một mình một ngựa ta thấy, ông Quyết Định đẹp trong tư thế hiên ngang, lẫm liệt “một mình một ngựa”, là biểu tượng sáng ngời của những người chiến sĩ cách mạng thời kì đầu, mở đường cho cả một kỉ nguyên bảo vệ độc lập, tự do, cho thắng lợi hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Ông Quyết Định hội tụ tất cả vẻ đẹp, sức mạnh, khí phách của cả một thế hệ, một thời đại, một trang sử oai hùng. Xây dựng những nhân vật lý tưởng, hội tụ đầy đủ vẻ đẹp phẩm chất, nhân cách, đạo đức, Ma Văn Kháng thể hiện một niềm tin yêu tha thiết vào những giá trị tốt đẹp của con người. Đồng thời, ta thấy được cảm hứng sử thi qua nhân vật anh hùng trong tiểu thuyết Ma Văn Kháng vẫn như tiếp nối được âm hưởng hào hùng của văn học một thời. Và khái quát từ số phận một con người “một mình một ngựa - vừa oai vũ, vừa đơn côi, là thân phận của tất cả các cá thể có ý thức về giá trị của mình”. Đặc biệt hơn, vẻ đẹp ấy không chỉ ngời sáng ở những nhân vật thuần khiết lý tưởng, mà còn lấp lánh trong những con người bình dị, đời thường. Họ chưa phải

những anh hùng, những khuôn hình lý tưởng, nhưng vẫn được phát hiện, ngợi ca ở những điểm sáng trong tài năng nhân cách. Do đó, Ma Văn Kháng đã duy trì được một cảm hứng cao quý và cân bằng một cách hài hòa giữa cảm hứng sử thi và cảm hứng thế sự qua hệ thống nhân vật lý tưởng của mình.

Tuy nhiên, nếu chỉ ngợi ca một chiều phẩm chất đạo đức, vẻ đẹp lý tưởng của con người, tác phẩm sẽ rơi vào lối mòn đơn điệu như văn học thời kì trước đổi mới. Bước tiến mới trong tư duy thẩm mỹ, trong quan niệm nghệ thuật của nhà văn, chính là việc chỉ ra những khiếm khuyết, bất toàn của con người. Quan niệm về con người đời tư, con người đa chiều đã dẫn đến sự xuất hiện của một thế giới nhân vật phong phú, đầy đặn và cực kì sống động. Ma Văn Kháng, cũng như những nhà văn thế hệ sau này, miêu tả con người không như một thực thể đơn nhất, bất biến, hoàn toàn tốt hoặc hoàn toàn xấu. Mỗi nhân vật là một tính cách đa diện, là sự hòa trộn của nhiều đối nghịch, mâu thuẫn: lòng tham, dục vọng, sự đố kỵ, ghen ghét, lòng ích kỉ, thậm chí, cả sự bội bạc, phản trắc, xấu xa. Con người là vậy, không có ai hoàn hảo, toàn bích. Ma Văn Kháng không ngần ngại chỉ ra những thói tật trong bản chất con người, kể cả ở những cán bộ lãnh đạo, những hạt nhân cốt cán của bộ máy lãnh đạo cầm quyền. Năm con ngựa kéo cỗ xe Ban Thường vụ, như cách nói hình ảnh của ông Đồng, hiện lên mỗi người một vẻ đầy tì vết. Ngay cả ông Quyết Định, có thể coi là tuấn mã, nhưng cũng có nhược điểm “còn rất hay nể nang, ngại va chạm, thấy đúng không dám bênh, thấy sai không dám chống lại”. Những người giúp việc trong văn phòng O Tròn, cũng được khắc họa như những thực thể hòa trộn đủ cả ưu và khuyết điểm: “Ông Căn có quá trình đã kinh qua lãnh đạo cấp Ty, nhưng bị kỉ luật, bất mãn, lại buông tuồng, bộp chộp, thiếu hẳn nề nếp khoa học trong công việc... Ông Bình thì chín chắn, căn cơ, tốt bụng đấy, nhưng hiền lành, rụt rè quá... Kiến thì dám đốp chát đương đầu. Nhưng Kiến tính tình tếu táo, bỗ bã, giao cho trách nhiệm phó văn phòng, trông nom việc hậu cần, nhà bếp là quá sức rồi...”[16, tr.276]. Đọc tiểu thuyết Một mình một ngựa của Ma Văn Kháng ta còn nhận thấy con người, trong quá trình vươn lên không ngừng để hoàn thiện bản thân mình, vẫn còn rơi rớt lại biết bao thói tật, xấu xa. Đó là sự nhỏ nhen, ích kỉ đố kỵ

lẫn nhau giữa những người trong cùng một tập thể, giữa những đồng nghiệp, đồng chí. Văn Hiến luôn đố kỵ với vị thế của ông Quyết Định. Trong nội bộ những lãnh đạo cao nhất, một tổ chức còn đầy rẫy những thói tật xấu của con người. Quan niệm mới ấy về con người đã hiện hữu sống động qua thế giới nhân vật trong tiểu thuyết của Ma Văn Kháng. Song với cái nhìn khoan dung, nhân bản, Ma Văn Kháng thể hiện sự cảm thông, chia sẻ với mỗi số phận, mỗi nhân vật của mình. Tất nhiên, phải là người sống sâu sắc với chính mình, trải qua những tự nghiệm chân thực mới có thể đạt đến cái nhìn thể tất nhân tình như thế...

Bởi quan niệm cuộc sống là tác phẩm tự nhiên vĩ đại nhất, còn mỗi cuốn sách là sáng tạo của riêng nhà văn, nhưng về căn bản nó cũng từ cuộc sống mà ra...

nên Ma Văn Kháng lúc nào cũng đề cao “chất liệu” để làm nên tác phẩm. Hiển nhiên, ai cũng biết, muốn viết được trước hết phải có vốn sống, tức chất liệu. Chất liệu là cuộc sống của chính mình. Ma Văn Kháng không ngần ngại bộc trực cái

“tạng” và cá tính nghệ thuật của mình:“tôi chỉ viết được những gì mình đã trải nghiệm và mỗi cuốn văn xuôi tự sự dài đều có một phần của đời tôi” [20, tr. 315].

Lối viết ấy có thế mạnh đặc biệt ở sự chân thực và sức nặng từ chính những suy ngẫm, trải nghiệm của bản thân nhà văn. “Vì rốt cục”, như lời chính tác giả đã trải lòng“viết tiểu thuyết là viết về cái mình đã có trong gan ruột mà thôi”. Vì lẽ đó, tiểu thuyết Một mình một ngựa là một thành công lớn, một đỉnh cao của Ma Văn Kháng. Mang dấu ấn tự truyện, tác phẩm đã thể hiện được những điều mà nhà văn đòi hỏi đối với một “tiểu thuyết hay”: đưa người đọc đến một “cuộc sống toàn vẹn”, phải là “ sự tiếp cận tối đa với sự thật, với hiện thực cuộc đời”[19, tr.26,27].

Có thể khẳng định, với Một mình một ngựa độc giả có thể vừa thưởng thức một cuốn tiểu thuyết văn học đích thực, vừa qua đó biết thêm nhiều điều về cuộc đời của một nhà văn khởi phát từ nhà giáo - nhà văn Ma Văn Kháng.

Một phần của tài liệu Yếu tố tự truyện trong hồi kí và tiểu thuyết một mình một ngựa của ma văn kháng (LV00930) (Trang 88 - 93)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)