Chương 3 NHỮNG CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU VỀ CÁC NHÂN VẬT KHÁC TRONG TRUYỆN CỔ TÍCH THẦN KỲ CỦA NGƯỜI VIỆT – ĐỀ XUẤT NHỮNG HƯỚNG NGHIÊN CỨU MỚI
3.1 Những nghiên cứu về các nhân vật khác trong cổ tích thần kỳ của người Việt
3.1.2. Nhân vật người đội lốt
Trong truyện cổ tích ngoài hệ thống những nhân vật nói trên, chúng ta không thể không nhắc đến một kiểu nhân vật chính nữa cũng thể hiện được ước mơ, khát vọng và lí tưởng thẩm mĩ, quan niệm nhân sinh của người lao động. Đó chính là kiểu nhân vật người mang lốt vật trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam.
Kiểu nhân vật người mang lốt vật là những nhân vật ban đầu không mang hình hài con người bình thường, hoàn thiện mà mang hình hài các con vật hoặc một lốt vật kì dị, người dị hình dị dạng nào đó, có cuộc đời, số phận gặp nhiều bất hạnh. Nhân vật này luôn phải trải qua nhiều khó khăn thử thách.
Nhưng sau khi trút lốt thường trở thành những con người đẹp đẽ, hoàn thiện, hoàn mỹ cân đối về ngoại hình và tài năng.
Trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, đây là kiểu nhân vật xuất hiện khá phổ biến trong truyện cổ tích thần kỳ. Kiểu nhân vật này xuất hiện mang cảm quan thẩm mĩ đầy nhân văn của nhân dân lao động, gắn liền với lối tư duy hoang đường kỳ ảo đầy sáng tạo của tác giả dân gian, bộc lộ rõ quan điểm của nhân dân lao động.
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu - ĐHTN http://www.lrc-tnu.edu.vn/
Trong giới nghiên cứu văn học dân gian đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về truyện cổ tích. Trong đó có một số ý kiến quan tâm đến nhân vật người mang lốt vật, ở nhiều góc độ, nhiều phương diện khác nhau.
Tác giả Chu Xuân Diên trong một công trình nghiên cứu về truyện cổ tích đưa ra ý kiến bàn về nguồn gốc của kiểu nhân vật người mang lốt vật.
Ông viết: “Loại truyện cổ tích thần kỳ cũng có những yếu tố cổ xưa có liên quan đến những quan niệm thần thoại và tín ngưỡng của con người thị tộc, bộ lạc. Thí dụ như mẫu đề: người bỏ lốt vật (trong các truyện Lấy chồng Dê, Lấy vợ Cóc)… có liên quan với quan niệm vạn vật hữu linh và tín ngưỡng vật tổ”
[8; tr205].Đồng thời ông cũng đề cập đến nghệ thuật khắc họa nhân vật này một cách cụ thể: “Truyện cổ tích thần kỳ đã miêu tả những nhân vật bất hạnh ấy theo khuynh hướng lí tưởng hóa. Đó là những con người tuy ở vào những địa vị rẻ rúm trong gia đình và xã hội nhưng lại có phẩm chất đạo đức tốt đẹp, có tài năng, đôi khi có những tài năng phi thường. Đó là những con người vừa đẹp nết, lại vừa đẹp người, ở một số truyện (như truyện Sọ Dừa, Lấy vợ Cóc...) tuy lúc đầu xấu xí, dị dạng, nhưng cuối cùng bao giờ cũng trở thành người đẹp tương xứng với tài năng và phẩm chất của mình”[8; tr205].
Tác giả Lê Chí Quế trong tiểu luận Truyện cổ tích cũng đề cập tới nguồn gốc và sự xuất hiện đặc biệt của các nhân vật mang lốt trong truyện cổ tích:
“Trong kho tàng truyện cổ tích thần kỳ Việt Nam, cũng như truyện cổ tích thế giới, loại truyện người đội lốt thú rất phổ biến… Các nhân vật này ra đời thường là do kết quả hôn phối giữa người mẹ trần thế với một lực lượng siêu hình” [70; tr126].
Trong một bài viết khác, tác giả Lê Chí Quế lại đưa ra ý kiến về số phận, cuộc đời của nhân vật người mang lốt như sau: “Các nhân vật của truyện cổ tích thần kỳ sau khi thoát khỏi lốt thú các nhân vật trở thành con người trần thế có cái đẹp hài hòa cân đối giữa phẩm chất, tài năng với ngoại hình…
Phải chăng đó là sự dự báo sớm của quá trình chuyển đổi từ kẻ quét lá đa với
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu - ĐHTN http://www.lrc-tnu.edu.vn/
con Vua mà sau này nhân dân đã đối thoại trực tiếp với bọn thống trị”
[70;tr126]. Khi viết về kiểu nhân vật này trong truyện Chàng Cóc (Ka Dong), tác giả đồng thời nhấn mạnh nguồn gốc thần thoại của nhân vật: “Các nhân vật này ra đời thường là do kết quả hôn phối giữa mẹ trần thế với lực lượng siêu hình. Chẳng hạn: “Chàng Cóc của người Ka Dong là con của Di Dật, con gái thứ ba uống nước trong tảng đá nên có chửa” [70; tr125].
Tác giả Nguyễn Thị Huế trong Nhân vật xấu xí mà có tài trong truyện cổ tích Việt Nam. Đây là một công trình nghiên cứu theo khuynh hướng và với cấp độ khác về nhân vật mang lốt trong truyện cổ tích, tác giả đã khẳng định vẻ đẹp cũng như tính chất lý tưởng của kiểu nhân vật xấu xí. Trong đó có nói tới nhân vật người mang lốt vật như sau: “Nhân vật này thường mang một vẻ ngoài xấu xí, dị dạng như: con cóc, con rắn, con dê… nhưng bên trong lại có những tài năng đặc biệt hoặc có một tâm hồn đẹp, trong sáng, cao thượng.
Quan niệm thẩm mĩ và chủ đề nhân đạo được thể hiện rõ trong đề tài và nội dung của loại truyện này”. Đồng thời tác giả cũng nhấn mạnh: “Hệ thống đề tài truyện kể về nhân vật xấu xí, dị dạng này nói chung có nội dung thường là kể về nhân vật chính xấu xí (con cóc, con nhái, con trăn) ước mơ lấy được một cô gái con nhà giàu có, thuộc tầng lớp trên… Kết thúc truyện có hậu, vợ chồng đoàn tụ hạnh phúc, có khi nhân vật xấu xí được làm Vua, làm quan và giàu có (ngoại lệ cũng có trường hợp tình yêu tan vỡ)” [29; tr218]. Cũng trong bài viết tác giả đã nhấn mạnh đến tài năng, vật phù phép của nhân vật xấu xí, dị dạng: “Tài năng của nhân vật xấu xí, dị dạng thường là: hóa phép thành chàng trai có sức khỏe, trẻ, đẹp hoàn mĩ, nên đủ sính lễ cưới cũng như làm được những công việc thử thách khó khăn”. Như nhân vật: “Sọ Dừa đã hóa thành chàng trai đẹp, biết thổi sáo hay để chăn được đàn trâu lớn, lại chặt được củi, kiếm được nhiều dây mây, chặt tre… Lệnh Trừ ( Con cóc xấu xí) đã hóa phép lạ đánh thắng giặc, lại có tiên ông giúp, nên tìm được kiệu Công chúa trong 120 kiệu khác (truyện Lệnh Trừ). Chàng Ếch biết kéo nhị
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu - ĐHTN http://www.lrc-tnu.edu.vn/
giỏi và đánh giặc giỏi như trong truyện Ếch lấy con Vua. Chàng Gù có bàn tay đổ đầy ba vựa thóc (truyện Chàng Gù). Chàng Chồn có áo lông khi rũ áo thì hóa phép rất nhiều quân lính để đánh giặc (truyện Chàng Chồn). Chàng Nhọ Nồi đã có chén cơm và con cá ăn mãi không hết trong (truyện Em bé Nhọ Nồi). Chàng Cóc đã hóa ra nhà cao cửa đẹp trong ( truyện Chàng Cóc)… Các tài năng cùng những vật phù phép đã giúp cho nhân vật vượt qua thử thách khó khăn nhất của ông bố cũng như thử thách cao nhất lo đủ sính lễ để cưới cho được cô con gái xinh đẹp con phú ông hoặc con quan, con tướng, con Vua…” [29; tr211]. Tác giả đã đặt ra một cách có hệ thống về kiểu truyện người mang lốt, giúp cho những nhà nghiên cứu sau này có một điểm tựa vững chắc, làm cơ sở tiền đề khi nghiên cứu về nhân vật người đội lốt vật theo những cách khai thác khác nhau.
Tác giả Nguyễn Thị Ngọc Lan khi tìm hiểu về Kiểu truyện người mang lốt vật trong truyện cổ tích truyện dân gian các dân tộc Việt Nam, đã có kết luận về kiểu nhân vật này như sau: “Nhân vật mang lốt thể hiện quan niệm đạo đức… quan niệm thẩm mĩ của người Việt Nam” [50; tr48-52]. Đồng thời tác giả cũng đưa ra ý kiến về cuộc đời, số phận của nhân vật này: “Tuy hoàn cảnh xuất thân khác nhau, nhưng các nhân vật này đều trải qua giai đoạn là con vật, nhân vật thường phải chịu sự đối xử bất công, ghẻ lạnh của cộng đồng, thậm chí của cả những người ruột thịt. Song cuộc đời đã đem lại cho số phận không may của họ một sự đền bù xứng đáng, đó là việc nhân vật mang lốt kết hôn với cô gái xinh đẹp, chàng trai nhân hậu” [50; tr78].