Tính cấp thiết của đề tài

Một phần của tài liệu Quá trình leo thang chiến tranh của mĩ tại việt nam (1954 1969) (Trang 20 - 24)

Chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến tranh dài ngày nhất và hao người tốn của nhất trong lịch sử nước Mĩ. Trải qua sáu đời tổng thống Mĩ với thiệt hại về người và của gấp hai lần so với chiến tranh Triều Tiên. Đặc biệt, dưới thời kì cầm quyền của Tổng thống Lyndon B.Johnson, người Mĩ đã tham chiến trực tiếp vào Việt Nam với số lượng lớn về quân đội viễn chinh Mĩ. Người Mĩ dựa vào ưu thế tuyệt đối về vũ khí, phương tiện chiến tranh để đàn áp phong trào cách mạng Việt Nam. Nhưng cuối cùng, Mĩ đã phải kí Hiệp định Paris (1973) và rút quân về nước. Do đó, chiến tranh Việt Nam của Mĩ đã thu hút rất nhiều sự quan tâm, nghiên cứu của các nhà khoa học ở Việt Nam, Mĩ và trên thế giới. Tuy nhiên, hiện nay cũng nhiều quan điểm không thống nhất với nhau về cuộc chiến tranh Việt Nam của Mĩ.

Thứ nhất, về nguyên nhân Mĩ xâm lược trực tiếp vào Việt Nam, các nhà khoa học Việt Nam thường thống nhất với nhau rằng Mĩ xâm lược Việt Nam là muốn biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới của Mĩ và muốn chia cắt lâu dài Việt Nam. Mặt khác, Mĩ rất cần nguồn tài nguyên, nhiêu liệu của Việt Nam như cao su, dầu mỏ, vôn-pham, sắt, thiếc….Một số tác giả cũng đề cập đến khía cạnh vị trí địa chính trị và địa kinh tế của Việt Nam trong khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Ngược lại, một số nhà khoa học của Mĩ cũng như các nhà hoạch định chính sách của Mĩ thì lại cho rằng Mĩ phải giúp Nam Việt Nam trong cuộc chiến chống lại sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản xuống vùng Đông Nam châu Á. Người Mĩ còn cho rằng Việt Nam là “chốt chặn”, là “quân bài chủ chốt” trong Thuyết Domino để ngăn chặn sự sụp đổ của các nước nước tự do trong sự xâm lược của chủ nghĩa cộng sản. Do đó, Mĩ phải giữ vai trò lãnh đạo “thế giới tự do” chống lại chủ nghĩa cộng sản và Nam Việt Nam là một vị trí quan trọng trong chiến lược đó. Vì vậy, Mĩ đã phải đưa sức người, sức của để giúp nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến đó. Thậm chí, tháng 2-1965, chính phủ Mĩ còn công bố Sách Trắng về Việt Nam và xác định nhiệm vụ của Mĩ ở Việt Nam.

Như vậy, về nguyên nhân Mĩ xâm lược Việt Nam đang tồn tại rất nhiều luồng ý kiến, quan điểm khác nhau. Tùy vào góc độ của các nhà khoa học mà mỗi người có một cách lý giải cho vấn đề. Hiện nay, rất nhiều tài liệu mật của Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mĩ trong giai đoạn cầm quyền của Tổng thống Johnson đã được công bố, giải mật. Do đó, chúng tôi thiết nghĩ việc tiếp cận với nguồn tài liệu gốc này để có cách nhìn nhận, đánh giá lại nguyên nhân chính quyền Johnson quyết định trực tiếp xâm lược Việt Nam là vấn đề cần thiết.

Thứ hai, về quá trình thực hiện chính sách của các tổng thống Mĩ đối với Việt Nam cũng có nhiều điểm còn tranh luận.

Các nhà khoa học Việt Nam xuất phát từ tính chính nghĩa của cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nên tập trung nghiên cứu vào khía cạnh hoạt động quân sự của Mĩ.

Hầu hết các công trình nghiên cứu ở Việt Nam đều tập trung làm rõ quá trình triển khai các chiến lược quân sự của Mĩ tại Việt Nam và những thành tựu vĩ đại trong cuộc kháng chiến, đánh bại các chiến lược quân sự của Mĩ dưới thời Eisenhower, Kennedy và Johnson như “chiến tranh đơn phương”, “chiến tranh đặc biệt”, “chiến tranh đặc biệt” tăng cường (1963-1965), “chiến tranh cục bộ” (1965-1968). Đồng thời, các công trình cũng nhấn mạnh đến những nguyên nhân thắng lợi và ý nghĩa lịch sử đối với Việt Nam mà chưa có tiếp cận với vấn đề từ phía chính phủ Mĩ.

Ngược lại, các nhà hoạch định chính sách của Mĩ thì lại chú trọng nhiều đến các mục tiêu khác như chính trị, kinh tế, văn hóa và quân sự. Một số nhà khoa học lẫn chính trị Mĩ thường xem quân sự chỉ là một giải pháp để thực hiện hiệu quả chính sách đối ngoại của Mĩ với Việt Nam để xây dựng miền Nam Việt Nam thành một

“quốc gia tự do, dân chủ” và có thể tự đứng vững trong cuộc chiến chống chủ nghĩa cộng sản ở châu Á. Do đó, Mĩ đã ra sức viện trợ kinh tế cho chính quyền Sài Gòn, xây dựng chương trình phát triển kinh tế, văn hóa nhằm ổn định chính trị, tăng cường lực lượng quân đội Sài Gòn để cùng Mĩ thực hiện chiến lược toàn cầu của Mĩ.

Như vậy, tùy vào góc độ và mục tiêu nghiên cứu mà các nhà khoa học có những nhận định, đánh giá chưa thống nhất với nhau về chính sách của Mĩ đối với Việt Nam.

Do đó, việc tìm hiểu, đánh giá toàn diện lại chính sách của các tổng thống Mĩ đối với vấn đề Việt Nam cũng là một việc làm cần thiết.

Thứ ba, vấn đề “đi tìm một giải pháp phù hợp” để kết thúc chiến tranh của Mĩ ở Việt Nam từ năm 1965-1968 cũng còn nhiều vấn đề tranh luận khác nhau.

Về phía Việt Nam, những cuộc tiếp xúc cũng như những chính sách trong hòa đàm Việt-Mĩ từ 1965-1968 vẫn chưa được chú trọng nhiều và chỉ được đề cập đến trong một số công trình nhất định. Các nhà khoa học và chính trị Việt Nam đều nhất trí là “Johnson đã hô hào đàm phán không điều kiện” nhưng thực chất đó là một trò

“lừa bịp dư luận thế giới”. Mĩ đã không thực tâm muốn đàm phán mà còn mở rộng chiến tranh ném bom phá hoại miền Bắc Việt Nam. Việt Nam đã nhiều lần “tố cáo”

Mĩ trước dư luận quốc tế để vạch rõ tội ác của Mĩ và vận động cuộc ủng hộ cho nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, ở Việt Nam cũng có một số rất ít nhà khoa học lại cho rằng Việt Nam đã nhiều lần “từ chối” cơ hội đàm phán với Mĩ. Việt Nam luôn tin tưởng vào khả năng đánh bại Mĩ nên không chấp nhận đàm phán với Mĩ.

Về phía Mĩ, các nhà nghiên cứu cũng như một số nhà chính trị và thậm chí là Tổng thống Johnson lại cho rằng “Mĩ luôn muốn hòa bình” và chấp nhận đi bất cứ nơi đâu, gặp bất cứ ai để đàm phán về vấn đề Việt Nam. Tuy nhiên, Mĩ đã không nhận được tín hiệu tích cực từ Hà Nội. Do đó, Mĩ phải tiếp tục cuộc chiến tranh ở Việt Nam với mức độ lớn hơn. Ngược lại, cũng có những nhà khoa học Mĩ lại cho rằng Mĩ đã không trung thực trong việc thực hiện các tuyên bố của mình và chưa thành tâm muốn tiếp xúc với Hà Nội để đàm phán, kết thúc chiến tranh.

Như vậy, về quá trình đàm phán Việt-Mĩ trước Hội nghị Paris cũng là vấn đề còn rất nhiều tranh luận giữa các nhà khoa học ở Việt Nam và cả phía Mĩ. Vậy thực chất quá trình hòa đàm Việt-Mĩ từ 1965-1968 như thế nào? Đó cũng là vấn đề cần làm rõ khi tìm hiểu về chiến tranh Việt Nam.

Tóm lại, cuộc chiến tranh Việt Nam dưới thời Tổng thống L.B.Johnson đã được nghiên cứu dưới nhiều góc độ, mục đích khác nhau nên còn nhiều vấn đề chưa được làm sáng tỏ, rõ ràng. Những vấn đề các nhà nghiên cứu đưa ra phần lớn chưa tiếp cận được với nhiều nguồn tư liệu gốc của Mĩ và do nhiều nguyên nhân khác nên vẫn còn mang tính chủ quan và mâu thuẫn với nhau. Vì vậy, việc căn cứ trên những tài liệu gốc của Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mĩ về Việt Nam để làm sáng tỏ những vấn đề trên là một việc làm cấp thiết vừa mang tính khoa học, vừa mang tính thực tiễn.

Do đó, chúng tôi chọn đề tài Quá trình “leo thang” chiến tranh của Mĩ tại Việt Nam (1954-1969) để làm sáng tỏ những vấn đề trên.

Một phần của tài liệu Quá trình leo thang chiến tranh của mĩ tại việt nam (1954 1969) (Trang 20 - 24)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(147 trang)