Sự thất bại của “giải pháp Bảo Đại”

Một phần của tài liệu Quá trình leo thang chiến tranh của mĩ tại việt nam (1954 1969) (Trang 51 - 55)

2.1. Tổng thống D.Eisenhower và chính sách “đẩy lùi cộng sản”

2.1.1. Sự thất bại của “giải pháp Bảo Đại”

Trước nguy cơ thất bại của Pháp tại Đông Dương, Mĩ xem Đông Nam Á là một trận địa quan trọng để chống lại sự bành trướng thế lực của chủ nghĩa cộng sản xuống vùng Đông Nam châu Á vì “việc một nước Đông Nam Á bị cộng sản xâm chiếm sẽ đem lại hậu quả nguy kịch về phương diện tâm lý, chính trị và kinh tế” [21, tr.103].

Như vậy, Đông Nam Á không còn chỉ dừng lại ở vị trí chiến lược quan trọng với Mĩ mà nó trở thành vấn đề lớn hơn: tầm ảnh hưởng của Mĩ sẽ bị đe dọa nghiêm trọng nếu mất khu vực này. Vì thế, Mĩ đã đẩy mạnh quá trình can dự vào khu vực này.

Trong đó, Việt Nam nhanh chóng trở thành trọng điểm trong chính sách của Mĩ vì

“Nam Việt Nam bị mất về tay cộng sản thì các nước tự do khác ở Đông Nam Á như Lào, Miến Điện, Thái Lan… và ngay cả Đại Hàn, Đài Loan, Ấn Độ cũng sẽ mất về tay cộng sản” [50, tr.33]. Để lý giải cho quá trình Mĩ tiếp tục viện trợ cho Pháp, Ngoại trưởng Dean Rusk cho rằng “mất Việt Nam sẽ làm cho các quốc gia còn lại ở Đông Nam Á đứng trước nguy cơ tiêu vong… có nhiều lí do rộng lớn chỉ rõ tại sao việc bảo vệ Nam Việt Nam là điều sống còn đối với chúng ta và đối với cả thế giới tự do”

[64, tr.16]. Rõ ràng, giới cầm quyền Mĩ đã rất lo ngại về một hệ quả dây chuyền nếu để mất Nam Việt Nam.

Ngay cả tổng thống Eisenhower cũng xem việc để mất Việt Nam hoàn toàn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự kiểm soát của Mĩ ở khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là các nước láng giềng với Việt Nam như Lào, Cambodia… Từ cuối năm 1952, trong thời gian vận động tranh cử chức tổng thống, Eisenhower đã phê phán chính sách ngăn chặn của Truman là “mang tính chất phòng ngự, bị động và không hiệu quả. Chính sách đó cuối cùng không giành nhằm thắng lợi” [35, tr.108]. Vì vậy, Eisenhower đẩy mạnh thêm một bước nữa, thực hiện chính sách đẩy lùi cộng sản (policy of rolling back Communism).

Đối với chính quyền Eisenhower, Đông Dương là khu vực rất giàu về nguồn tài nguyên cần thiết cho kĩ nghệ chiến tranh của Mĩ như “phía Bắc có thiếc, von-phram, kẽm, măng-gan, than đá, gỗ, gạo; ở phía Nam có cao su, gạo, chè, hồ tiêu…” [83, tr.11]. Bên cạnh những giá trị về kinh tế, Đông Dương cũng có vị trí chiến lược rất quan trọng.

Trong diễn văn tại Hội nghị hàng năm của Thống đốc các Bang ngày 21-8-1953, Eisenhower cho rằng “nếu mất Đông Dương thì Miến Điện cũng không thể bảo vệ được mà Mã Lai cũng không còn. Chúng ta cũng không thể còn nhận được của Indonesia cao su, tung-xteng mà chúng ta rất cần thiết. Ấn Độ sẽ bị tràn ngập và thế giới tự do sẽ không còn giữ được xứ Đông Dương giàu có nữa” [83, tr.12]. Quan trọng hơn, tổng thống Eisenhower đã lo ngại rằng “mất Việt Nam hoàn toàn sẽ ảnh hưởng tai hại tới các vị trí của Mĩ trong các nước láng giềng với Việt Nam tựa như quân bài domino xếp thành hàng có thể bị ngã hết quân này đến quân khác, tức là không còn chịu ảnh hưởng của Mĩ nữa” [24, tr.15]. Quan điểm này được người Mĩ gọi là Thuyết Domino (Domino Theodry) và nó đã chi phối giới cầm quyền Mĩ suốt những năm sau đó.

Để ngăn chặn Đông Dương không bị rơi vào tay cộng sản, Tổng thống D.

Eisenhower quyết định sẽ can thiệp vào cuộc chiến tranh Đông Dương. Dựa vào ưu thế về vũ khí hạt nhân, Tổng thống D. Eisenhower lấy chiến lược “trả đũa ồ ạt” làm chiến lược quân sự toàn cầu mới để tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược ở Việt Nam.

Trước khi Pháp cử Navarre sang Đông Dương để thị sát tình hình và vạch ra một kế hoạch mới nhằm giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh tại đây. Ngày 24-3-1953, J.F.Dulles đã từng lưu ý rằng “Đông Dương còn quan trọng hơn cả Triều Tiên vì kết quả của cuộc chiến ở vùng đất này sẽ tác động đến cả khu vực Đông Nam Á” [142, tr.135]. Ngay tổng thống Eisenhower cũng cho rằng "vào thời mùa xuân năm 1953, công việc chính của chúng tôi là thuyết phục thế giới rằng cuộc chiến ở Đông Nam Á là một hành động xâm lược của cộng sản nhằm khuất phục cả vùng” [33, tr.87].

Ngày 29-4-1953, Hội đồng An ninh Quốc gia Mĩ thông qua NSC-149/2. Theo đó, Mĩ rất có khả năng sẽ can thiệp trực tiếp vào Đông Dương, trong trường hợp xảy ra một cuộc tiến công của Trung Quốc ở đây, hoặc tình hình trải qua những thay đổi sâu sắc [142, tr.138]. Như vậy, quan điểm của chính phủ Mĩ đã rất rõ ràng là sẽ can thiệp vào Đông Dương nếu điều kiện đòi hỏi: sự tấn công của Trung Quốc vào khu vực này. Tháng 5-1953, Pháp nhận được sự viện trợ, ủng hộ của Mĩ nên cử tướng H.Navarre sang làm Tổng chỉ huy quân đội Pháp tại Đông Dương. Navarre đề ra kế hoạch quân sự mới với hi vọng giành thắng lợi quyết định trong vòng 18 tháng và kết thúc chiến tranh. Kế hoạch Navarre được chia làm hai bước:

Bước 1- trong thu đông 1953 và xuân 1954, Pháp sẽ giữ thế phòng ngự chiến lược ở Bắc Bộ, tiến công chiến lược để bình định Trung Bộ và Nam Đông Dương, giành lấy nguồn nhân lực, vật lực; xóa bỏ vùng tự do Liên khu V, đồng thời tập binh lực, xây dựng đội quân cơ động chiến lược mạnh.

Bước 2- từ thu đông 1954, Pháp chuyển lực lượng ra chiến trường Bắc Bộ, thực hiện tiến công chiến lược, cố giành thắng lợi quân sự quyết định, buộc Việt Minh đàm phán theo hướng có lợi cho Pháp để kết thúc chiến tranh.

Navarre dự định sẽ tập trung 44/84 tiểu đoàn quân Pháp trên toàn Đông Dương ở đồng bằng Bắc Bộ để chuẩn bị tấn công Việt Bắc, kết thúc chiến tranh theo hướng có lợi cho Pháp. Ngay cả Thủ tướng Laniel cũng cho rằng “kế hoạch Navarre chẳng những được chính phủ Pháp mà cả những người bạn Mĩ cũng tán thành. Nó cho phép hi vọng đủ mọi điều” [75, tr.61]. Thế nhưng, những hi vọng của Pháp – Mĩ nhanh chóng bị thay thế bằng những nguy cơ thất bại của Pháp tại Đông Dương.

Từ cuối năm 1953 đầu năm 1954, liên quân Việt-Miên-Lào liên tục tấn công Pháp trên khắp các mặt trận và buộc Navarre phải phân tán lực lượng để đối phó. Kế hoạch Navarre đang lâm vào khó khăn khi Navarre phải căng lực lượng Pháp ra để đối phó với các cuộc tấn công chiến lược của lực lượng giải phóng ở Lai Châu, Trung Lào, Thượng Lào và Bắc Tây Nguyên. Trong đó, Pháp phải tập trung một lực lượng quân sự lớn cho Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Theo Douglas Johnson, giáo sư nghiên cứu tại Viện nghiên cứu chiến lược Đại học Chiến tranh Quân đội Mĩ thì “Đó (Điện Biên Phủ - ND) là nỗ lực nhằm cắt hậu phương địch, ngăn nguồn tiếp tế và chi viện để thiết lập vị trí cố thủ tại hậu phương và cắt đứt phòng tuyến của địch. Như vậy, kẻ địch sẽ bị lừa vào trận địa chết” [147]. Thế nhưng, thực trạng chiến trường không như người Pháp mong muốn. Pháp ngày càng “lún sâu vào vũng lầy Đông Dương” và ngày càng nhiểu khó khăn khi kéo dài cuộc chiến ở đây.

Paris bắt đầu tính đến một giải pháp kết thúc cuộc chiến tranh Đông Dương khi ngoại trưởng Pháp Georges Bidault đã “tự đặt mình vào vị thế thực sự khẩn cầu Molotov đưa Đông Dương vào chương trình nghị sự ở Geneva” [33, tr.89]. Tuy nhiên, phía Mĩ không đồng ý với giải pháp này. Dulles khăng khăng đòi chỉ bàn đến vấn đề Đức và Áo, gạt bỏ ý kiến triệu tập Hội nghị 5 nước lớn (trong đó có Trung Quốc) bàn việc giảm tình hình căng thẳng ở Viễn Đông. Cuối cùng, các nước thỏa thuận việc sẽ triệu tập một Hội nghị quốc tế với sự tham gia của CHND Trung Hoa tại Geneva từ ngày 26-4-1954 để bàn giải pháp chính trị cho vấn đề Triều Tiên và giải quyết cuộc chiến ở Đông Dương.

Tháng 3-1954, cuộc tấn công của Việt Minh vào Điện Biên Phủ bắt đầu, Navarre hiểu rất rõ rằng “nếu Bộ chỉ huy Pháp thất bại tại Điện Biên Phủ thì Việt Minh sẽ thắng cuộc chiến tranh về mặt chính trị” [60, tr.14]. Do đó, người Pháp cố duy trì tình hình ở đây và mong chờ sự viện trợ từ phía Mĩ. Trước nguy cơ thất bại của Pháp tại

Điện Biên Phủ, ngày 25-3-1954, Hội đồng An ninh Quốc gia Mĩ đã xác định hai mục tiêu quan trọng trước mắt là:

1- Soạn thảo một kế hoạch về một hành động thống nhất có thể có nhằm hỗ trợ hay thậm chí thay Pháp ở Đông Dương và

2- Xem xét những đường lối hành động khác nhau trong trường hợp Pháp quyết định rút khỏi đây. Nghị quyết cũng nhấn mạnh rằng "Mĩ sẽ sử dụng mọi phương tiện có thể có để tác động lên chính phủ Pháp nhằm chống lại việc kết thúc cuộc chiến theo những điều kiện không phù hợp với các mục tiêu căn bản của Mĩ” [33, tr.90].

Tuy nhiên, quan điểm này của Mĩ đã vấp phải những khó khăn không thể vượt qua.

1- Quốc hội Mĩ chỉ ủng hộ chính phủ trong vấn đề giải vây cho Pháp tại Điện Biên Phủ trong sự liên minh với các nước tự do khác ở Đông Nam Á, Philippines và

Khối Thịnh Vượng chung của Anh.

2- Người Pháp phải đồng ý xúc tiến nhanh chương trình trao trả độc lập cho các Quốc gia liên kết để mọi người không diễn dịch rằng sự trợ giúp của Mĩ đồng nghĩa với sự ủng hộ chủ nghĩa thực dân Pháp.

3- Người Pháp phải đồng ý không rút lực lượng của họ ra khỏi cuộc chiến, nếu chúng ta đưa lực lượng chúng ta vào [33, tr.91-92]

Khó khăn lớn nhất mà Mĩ vấp phải là sự không đồng thuận của Anh trong việc gởi quân trực tiếp giải vây cho Điện Biên Phủ. Mặt khác, Pháp lúc này cũng không thể thực hiện được việc trao trả độc lập cho Việt Nam như phía Mĩ yêu cầu. Rõ ràng, đây là những khó khăn không thể vượt qua của Mĩ về vấn đề Điện Biên Phủ. Cuối cùng, ngày 23-4-1954, Eisenhower trả lời dứt khoát rằng “sẽ không có chuyện can thiệp mà không có đồng minh”. Ngày 25-4-1954, chính phủ Anh cũng công bố lập trường là “chúng ta không sẵn sàng đưa ra, trước khi Hội nghị Genève nhóm họp, bất kỳ lời hứa nào liên quan đến hành động quân sự của Anh ở Đông Dương” [33, tr.94].

Như vậy, sự bất đồng quan điểm của Mĩ với Anh, Pháp cùng áp lực của Quốc hội Mĩ, vấn đề Đông Dương đã không được thông qua. Cuối cùng, Mĩ không thể gửi quân giải vây cho Điện Biên Phủ.

Chiều ngày 7-5-1954, Tướng De Castries và toàn bộ hơn 16.200 quân đã bị thất bại tại Điện Biên Phủ. De Castries, một vị tướng lĩnh đã được 21 lần vinh danh công trạng, một nhà thể thao đua ngựa tài ba đã khóc vì ngã ngựa tại Điện Biên Phủ xa xôi.

Điện Biên Phủ sụp đổ đã khiến cả nước Pháp bàng hoàng và chấm dứt đô hộ gần một thế kỉ của Pháp tại Đông Dương. Sự thất bại của Pháp buộc chính phủ Mĩ phải tìm một giải pháp mới cho Việt Nam.

Sự thất bại của Pháp tại Điện Biên Phủ nói riêng và Đông Dương nói chung đã tạo một quan ngại lớn cho chiến lược toàn cầu của Mĩ. Ngày 9-3-1954, Dulles tuyên bố rằng “Đông Dương có những căn cứ hải quân và không quân vào bậc nhất” [83, tr.12]. Rõ ràng, giới cầm quyền Mĩ đã nhận thấy Việt Nam là một “tiền đồn” quan trọng bậc nhất trong chiến lược toàn cầu của Mĩ ở Đông Nam Á. Vì vậy, Mĩ đã từng bước giúp Ngô Đình Diệm thành lập một chính phủ thân Mĩ ở miền Nam Việt Nam để thực hiện các mục tiêu chiến lược của Mĩ. Ngày 7-7-1954, Mĩ đã đưa Ngô Đình Diệm (người được Mĩ nuôi dưỡng từ lâu) về nước làm Thủ tướng thay thế Bửu Lộc.

Đây là động thái quan trọng mở đầu cho quá trình can dự trực tiếp của vào Việt Nam.

Ngày 21-7-1954, Hiệp định Geneva được ký kết, Pháp chấp nhận thất bại trong cuộc chiến tranh Đông Dương và rút quân đội về nước. Theo Điều 7 của Hiệp định

“đối với Việt Nam, việc giải quyết các vấn đề chính trị, thực hiện trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, sẽ phải làm cho nhân dân Việt Nam được hưởng những tự do căn bản, bảo đảm bởi những tổ chức dân chủ thành lập sau tổng tuyển cử tự do và bỏ phiếu kín. Để cho việc lập lại hòa bình tiến triển đến mức cần thiết, và để thực hiện tất cả những điều kiện cần thiết cho nhân dân Việt Nam có thể tự do bày tỏ ý muốn, cuộc tổng tuyển cử sẽ tổ chức vào tháng 7-1956, dưới sự kiểm soát của một ban quốc tế gồm đại biểu những nước có chân trong ban giám sát và kiểm soát quốc tế đã nói trong Hiệp định đình chỉ chiến sự” [33, tr.194].

Như vậy, theo Điều 7 hiệp định Geneva, Việt Nam sẽ thống nhất đất nước bằng con đường tổng tuyển cử tự do vào tháng 7-1956 dưới sự kiểm soát của một Ủy ban Quốc tế do Ấn Độ làm chủ tịch. Nhân dân Việt Nam sẽ tự quyết định tương lai chính trị của họ. Tuy nhiên, Tổng thống Eisenhower đã rất quan ngại khi phải thừa nhận rằng “không một người nào có hiểu biết về Đông Dương mà tôi có dịp nói chuyện hay trao đổi thư từ lại không đồng ý rằng nếu cuộc bầu cử diễn ra vào lúc cuộc chiến đang tiếp diễn, thì sẽ có đến 80% người dân bỏ phiều chọn Hồ Chí Minh làm nhà lãnh đạo của họ, thay vì bầu cho Quốc trưởng Bảo Đại” [33, tr.204]. Rõ ràng, Eisenhower đã nhận thấy được khả năng không thể thắng của Bảo Đại trước Hồ Chí Minh nếu cuộc bầu cử diễn ra. Vì vậy, chính quyền Eisenhower phải nhất quyết cản trở điều đó [36, tr.24]. Do đó, Mĩ đã không thừa nhận tính hợp pháp của Hiệp định Geneva.

Như vậy, giải pháp Bảo Đại mà người Mĩ hi vọng đã không thành công. Sự thất bại của Pháp và khả năng không thể thắng của Bảo Đại nếu bầu cử diễn ra là quan ngại lớn nhất của Mĩ trong vấn đề Việt Nam. Do đó, Mĩ phải tìm một giải pháp khác cho vị trí, vai trò của họ tại Việt Nam.

Một phần của tài liệu Quá trình leo thang chiến tranh của mĩ tại việt nam (1954 1969) (Trang 51 - 55)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(147 trang)