Chương 3. Việt Nam trong chính sách của Lydon B.Johnson (1963 – 1969)
3.1. Quá trình “leo thang” quân sự” của Mĩ tại Nam Việt Nam
3.1.3. Sự “leo thang” quân sự của Mĩ ở miền Nam Việt Nam
Mặc dù Mĩ đã có nhiều cố gắng để cứu vãn tình thế ở Nam Việt Nam nhưng tình hình đầu năm 1964 cũng không khả quan hơn bao nhiêu. Ngày 16-3-1964, McNamara đã gởi cho Johnson một báo cáo và nêu rõ là “không nghi ngờ gì, các điều kiện ở Nam Việt Nam đã tồi tệ hơn sau cuộc đảo chính. Điều nổi lên rõ ràng là thế suy yếu của Chính phủ (Sài Gòn). Bắc Việt Nam tiếp tục tăng sự hậu thuẫn cho cuộc nổi dậy, nhưng nhân tố lo lắng nhất vẫn là khả năng tồn tại không chắc chắn của Chính phủ Nguyễn Khánh” [72, tr.123]. Như vậy, bản báo cáo của McNamara đã chỉ ra được tình hình ảm đạm tại Nam Việt Nam. Vấn đề chính mà McNamara lo lắng là khả năng tồn tại của chính phủ Nguyễn Khánh. Nếu Nguyễn Khánh thất bại thì cũng đồng nghĩa là Mĩ gặp khó khăn rất lớn tại Việt Nam.
Ngày 17-3-1964, Johnson tán thành kế hoạch McNamara và nổ lực tăng cường các hoạt động chiến tranh, phát triển quân đội Sài Gòn làm chỗ dựa chủ yếu cho kế hoạch Johnson-Mac Namara. Trong những năm 1964-1965, Mĩ tăng cường lực lượng
chính quyền Sài Gòn và quân địa phương lên tới 561.000 tên, quân chủ lực Sài Gòn biên chế thành 9 sư đoàn, 7 trung đoàn độc lập và 20 tiểu đoàn lẻ được trang bị 375 máy bay trong đó có 100 máy bay lên thẳng, 732 xe tăng và xe bọc thép M113, quân địa phương gồm có 10 tiểu đoàn, 533 đại đội bảo an, 3.780 trung đội và 2.570 tiểu đội đóng rải rác ở tất cả các xã, ấp trên toàn miền Nam. Đồng thời, Mĩ đưa vào miền Nam 989 máy bay cùng lực lượng cố vấn quân sự Mĩ lên tới 26.200 người [36, tr.35].
Như vậy, với sự giúp đỡ của Johnson, lực lượng quân đội và số lượng vũ khí hiện đại của VNCH ngày càng tăng lên đáng kể. Người Mĩ hi vọng với sự trợ giúp này, Nguyễn Khánh và chính quyền Sài Gòn có thể tự đứng vững trên đôi chân của mình.
Thế nhưng, tình hình Nam Việt Nam rõ ràng không như người Mĩ hi vọng. Ngày 26-3-1964, McNamara lại chỉ ra rằng “việc nhiều người bản xứ ủng hộ Việt cộng chứng tỏ rằng giải pháp phải vừa mang cả tính chính trị và kinh tế vừa mang cả tính quân sự”; và rằng “con đường phía trước ở Việt Nam sẽ là dài lâu, khó khăn và thất vọng” [72, tr.126]. Như vậy, Bộ trưởng Quốc phòng Mĩ đã nhận thấy được vấn đề quan trọng hiện tại là sự mất lòng tin của nhân dân vào chính phủ Nguyễn Khánh. Sự ủng hộ của nhân dân đối với lực lượng quân giải phóng ngày càng tăng đã làm cho quá trình can thiệp của Mĩ gặp nhiều trở ngại lớn. Tình hình này là một thách thức lớn với Mĩ vì "vấn đề không còn phải là xem xét có phải là ta (Mĩ) đang thua cuộc chiến tranh hay không mà là xem xét Mĩ và Nam Việt Nam đang thua cuộc chiến tranh với tốc độ nào và liệu còn có một hi vọng mỏng manh nào để cứu vãn tình hình không" [55, tr.15]. Theo báo cáo này, từ năm 1964, người Mĩ đã nhận ra một thực trạng “không thể thắng” của Mĩ tại Việt Nam. Nhưng vấn đề người Mĩ lo ngại là uy tín của nước lớn và hậu quả dây chuyền của thuyết domino. Do đó, Mĩ không thể tìm đến việc rút quân khỏi Nam Việt Nam vào lúc này. Vậy giải pháp nào là phù hợp cho vấn đề Việt Nam? Đây là câu hỏi không dễ trả lời cho Johnson và nội các của ông.
Tháng 4-1964, Johnson báo cho Đại sứ C.Lodge tại Sài Gòn rằng "Ông phải chuẩn bị mọi thứ cần thiết để giúp Nam Việt Nam tiến hành công việc và về phần tôi, tôi cam đoan sẽ hành động ngay tức khắc để xoá bỏ những trở ngại hoặc hạn chế dù chúng xuất hiện ở đâu" [100, tr.130]. Thông báo này của Johnson đã cho thấy một sự quyết tâm cần thiết để giải quyết vần đề Việt Nam. Mặc dù Johnson hứa là hành động ngay tức khắc nhưng một giải pháp quân sự trực tiếp vẫn chưa được Johnson thông qua cũng như chưa có một quyết định gởi quân trực tiếp sang Nam Việt Nam.
Ngày 15-5-1964, CIA lại gởi một đánh giá tình báo đặc biệt về Việt Nam và cho rằng “tình hình bao trùm ở Nam Việt Nam là cực kỳ mỏng manh…Nếu chiều hướng đang xấu đi này không bị chặn lại vào cuối năm nay, thì vị trí chống cộng của
Nam Việt Nam sẽ không thể đứng vững” [72, tr.129]. Rõ ràng, dù dưới góc độ nào, giới chức quân sự Mĩ đều có cùng nhận định về thực trạng ngày càng tồi tệ ở Nam Việt Nam. Thậm chí, người Mĩ không còn đủ niềm tin vào sự tồn tại của chính quyền quân sự Nguyễn Khánh và “khả năng nắm giữ quyền lực của Khánh chỉ là 50/50, chính quyền Sài Gòn mang nhiều triệu chứng của chủ nghĩa thất bại” [72, tr.157]. Có thể nói, những hành động mà tổng thống Johnson cho rằng đủ ở Nam Việt Nam đã không mang lại kết quả như mong muốn. Những bất đồng trong nội bộ chính quyền Sài Gòn cũng như những thắng lợi của quân giải phóng miền Nam Việt Nam đã làm cho Washington không thể vững tin vào chính quyền Nguyễn Khánh.
Ngày 25-5-1964, Quốc hội Mĩ đã thông qua Dự thảo Nghị quyết về những hành động ở Đông Nam Á. Theo đó “Mĩ coi việc duy trì độc lập và toàn vẹn quốc gia của Nam Việt Nam và Lào là có tính chất sống còn đối với lợi ích quốc gia của Mĩ và hòa bình thế giới” và “nếu Tổng thống thấy cần thiết…Mĩ sẵn sàng sử dụng mọi biện pháp, kể cả việc đưa đến các lực lượng vũ trang…để chống lại hoạt động xâm lược hoặc lật đổ do bất kì một nước cộng sản nào ủng hộ, kiểm soát hoặc chỉ huy” [123, tr.287]. Như vậy, với Nghị quyết này, Quốc hội Mĩ đã cho phép tổng thống quyền sử dụng các lực lượng vũ trang, nếu điều đó là cần thiết, để can thiệp trực tiếp vào miền Nam Việt Nam. Sự đồng thuận của Quốc hội trong vấn đề Việt Nam là một lợi thế lớn cho Johnson trong những quyết định sau này.
Trước tình trạng ngày càng khủng hoảng trầm trọng của Nam Việt Nam nêu trên, ngày 1-6-1964, cuộc họp giữa McNamara, H.C.Lodge, W.C.Westmoreland và Đô đốc Grant Sharp tại Bộ chỉ huy quân đội Mĩ ở Thái Bình Dương tại Honolulu đã đánh giá rằng “việc Nam Việt Nam và Lào rơi vào tay cộng sản sẽ gây tác hại sâu sắc tới vị trí của Mĩ ở Viễn Đông, đặc biệt bởi vì Mĩ đã cam kết kiên trì, dứt khoát và công khai với việc cộng sản nắm quyền ở hai nước này. Thất bại ở đây sẽ phá hoại uy tín của Mĩ, và sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới độ tin cậy về ý chí và khả năng của Mĩ trong việc ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản bành trướng ở bất cứ nơi nào trong khu vực” [72, tr.134]. Như vậy, giới cầm quyền Washington đã thống nhất với nhau về mục tiêu cuộc chiến tranh Việt Nam của Mĩ. Theo họ, Mĩ tham chiến không chỉ dừng lại vì quyền lợi an ninh của Mĩ mà nó còn là sự thể hiện uy tín của một cường quốc số một thế giới. Quan trọng hơn, giới quân sự Mĩ vẫn rất lo ngại về hậu quả dây chuyền của Thuyết Domino. Do đó, cuộc họp được tiếp nối bằng một loạt các biện pháp gây sức ép về quân sự, mà đỉnh cao là tiến công bằng không quân hạn chế chống lại Bắc Việt Nam (việc này có thể sẽ do quân đội Nam Việt Nam tiến hành tới mức độ lớn nhất có thể được) [72, tr.131]. Có thể nói, cuộc thảo luận ở Honolulu đã góp
phần đưa nước Mĩ tiến gần đến miệng vực của sự “leo thang” chiến tranh ở Việt Nam kéo dài cho đến đầu những năm 70. Tuy nhiên lúc này, những đề nghị của giới quân sự đã không được Johnson tán thành. Nguyên nhân chính để Johnson chưa có một quyết định dứt khoát và can thiệp quân sự trực tiếp vào Nam Việt Nam là do năm tranh cử tổng thống. Mặc khác, Johnson cũng ra sức để thực hiện chương trình “Xã hội vĩ đại” tại Mĩ để lấy lòng cử tri Mĩ trong cuộc bần cử sắp đến.
Tuy nhiên, đến tháng 10-1964, chính quyền Nguyễn Khánh vẫn suy yếu trầm trọng và ngày càng có nhiều những lời kêu gọi đòi trở lại chính quyền dân sự. Như vậy, những nỗ lực của Mĩ để giúp cho Nguyễn Khánh ổn định lại tình hình Nam Việt Nam đã không mang lại kết quả nào đáng kể và “giới lãnh đạo Mĩ đã bắt đầu thấy rõ thêm mà trước đây chưa thấy rằng tình hình Việt Nam đang suy sụp quá tồi tệ đến mức nỗ lực đầu tư Mĩ vào đấy từ trước đến nay không thể thay đổi được chiều hướng”
[29, tr.28]. Thực trạng này đặt ra chính phủ Mĩ là phải có một giải pháp phù hợp và kịp thời để cứu nguy cho chính quyền Sài Gòn.
Đến tháng 11-1964, một ký giả Mĩ cho rằng “chỉ còn một khả năng có thể ngăn chặn sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn…đó là sự can thiệp của các lực lượng quân sự Mĩ. Một cuộc chiến tranh lớn trên bộ và trên trên không của Mĩ ở Việt Nam không thể nào tránh được” [146]. Mặt khác, Đông – Xuân năm 1964-1965, quân giải phóng miền Nam Việt Nam đã mở chiến dịch tiến công Mĩ-Sài Gòn ở miền Đông Nam Bộ với trận mở màn đánh vào Bình Giã (Bà Rịa, ngày 2-12-1964). Trong trận này, Việt Nam đã loại khỏi vòng chiến đấu trên 1.700 lính, phá hủy hàng chục máy bay và xe bọc thép, đánh thắng các chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” của Mĩ-Sài Gòn;
chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” bị phá sản về cơ bản. Tiếp đó, quân dân miền Nam giành thắng lợi ở An Lão (Bình Định), Ba Gia (Quảng Ngãi), Đồng Xoài (Bình Phước) v.v.., gây cho quân đội Sài Gòn những thiệt hại nặng, có nguy cơ tan rã, làm phá sản hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mĩ. Đến đầu năm 1965, nguy cơ thất bại của chiến tranh “đặc biệt” đã hiện rõ vì Quân đội đội Sài Gòn đã rệu rã, mất hết sức chiến đấu. Trong khi đó, chính quyền Nguyễn Khánh bị khủng hoảng sâu sắc và quốc sách “Ấp chiến lược” phá sản hoàn toàn. Trái ngược với dự định và mong muốn của Mĩ, lực lượng Quân giải phóng Việt Nam không những không bị suy yếu mà ngược lại ngày càng trở nên thiện chiến hơn và có thể làm thất bại mọi vũ khí và
chiến thuật của Mĩ. Vùng giải phóng của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam chiếm gần 4/5 lãnh thổ với 2/3 dân số toàn miền Nam” [88, tr.404]. Như vậy, Johnson đã thất bại trong việc thực hiện chiến lược chiến tranh đặc biệt tăng cường
tại Nam Việt Nam. Sự kiện này buộc Washington phải tìm một giải pháp mới cho vấn đề Việt Nam.
Tóm lại, đến cuối năm 1964, tình hình chính trị và quân sự ở Nam Việt Nam xấu đi nhanh chóng, làm căng thẳng thêm tình trạng tiến thoái lưỡng nan cho các nhà hoạch định chính sách Mĩ - đó là giữa việc tránh can thiệp quân sự trực tiếp vào Việt Nam và không để mất Nam Việt Nam. Trước những đánh giá ảm đạm trong báo cáo của CIA và của các quan chức cấp cao, Johnson đã yêu cầu Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng soạn thảo một kế hoạch hành động từng bước, kết hợp cả chính trị và quân sự chống lại Bắc Việt Nam [72, tr.129-130]. Như vậy, Johnson đã bắt đầu tính đến một giải pháp can dự mạnh mẽ hơn kể cả kết hợp với việc ném bom Bắc Việt Nam để cứu nguy cho chính quyền Sài Gòn.
Để tìm ra giải pháp phù hợp, ngày 2-11-1964, Tổng thống Johnson đã thành lập một nhóm công tác gốm các thành viên như: Phó Đô đốc Lloyd M.Mustin – sĩ quan cao cấp của Tham mưu trưởng liên quân, Harold Ford – sĩ quan cao cấp về Châu Á- Trung Quốc của CIA, John T.Mac Naughton – Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về các vấn đề an ninh quốc tế. Nhóm công tác này do Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao William Bundy chỉ đạo để xem xét lại các lựa chọn chính sách của Mĩ đối với Việt Nam. Theo nhóm công tác, Mĩ “không thể đảm bảo duy trì một Nam Việt Nam không cộng sản mà lại thiếu sự cam kết quân sự của chúng ta (Mĩ) ở bất cứ một mức độ cần thiết nào để đánh Bắc Việt Nam và rất có thể Trung cộng bằng quân sự” [72, tr.165]. Như vậy, theo nhóm công tác này, điều cần thiết để giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh Việt Nam là phải sử dụng giải pháp quân sự. Tuy nhiên, giải pháp này rất có thể sẽ làm chiến tranh lan rộng ra toàn bộ châu Á và đụng chạm đến cả Trung Quốc. Do đó, ngày 19-11-1964, Nhóm công tác đã gởi đến tổng thống Johnson một báo cáo tập trung vào ba phương án:
1- tìm một giải pháp thông qua thương lượng trên bất cứ một cơ sở nào có thể có được;
2- tăng mạnh sức ép quân sự với Bắc Việt Nam;
3- chính sách xen kẽ giữa gây sức ép đối với Bắc Việt Nam đồng thời nỗ lực duy trì các kênh tiếp xúc trong trường hợp Hà Nội mong muốn có một giải pháp [72, tr.165].
Như vậy, các nhà nghiên cứu Mĩ đã bắt đầu tính đến một giải pháp thương lượng với VNDCCH để kết thúc chiến tranh. Tuy nhiên lúc này, giới quân sự Mĩ không thể chấp nhận một giải pháp thương lượng. Tướng Wallace Greene cho rằng nếu Mĩ muốn ở lại và chiến thắng ở miền Nam Việt Nam thì mục tiêu này phải được theo đuổi bằng toàn bộ tinh lực của Mĩ. Còn C.LeMay lại tin rằng phải ném bom các căn
cứ hậu cần và đường hành quân tiếp viện của Bắc Việt Nam và Việt cộng ở Lào và Campuchia để có thể ngăn chặn sự tiếp viện của Bắc Việt cho lực lượng giải phóng tại miền Nam. Do đó, Tham mưu Trưởng liên quân Mĩ bắt đầu tập trung nhiều vào giải pháp quân sự- tăng lực lượng Mĩ ở Nam Việt Nam và tiến hành phá hoại Bắc Việt Nam.
Tuy nhiên, những đề nghị này đã không được Johnson chấp thuận ngay. Trong bức điện riêng đề ngày 30-12-1964 của Johnson gửi đại sứ Maxwell Taylor ở Sài Gòn đã nói “Cứ mỗi lần tôi nhận được một khuyến nghị quân sự, họ (các tham mưu trưởng liên quân) lại đề nghị ném bom trên quy mô lớn. Tôi chưa hề tin rằng chúng ta sẽ thắng trong cuộc chiến này bằng không quân... Điều cần hơn và có hiệu quả hơn là
phải có sức mạnh quân sự đủ mạnh trên mặt đất... Tôi sẵn sàng ủng hộ các nỗ lực của Mĩ theo hướng đó” [72, tr.169]. Như vậy, nếu tình hình buộc Mĩ phải can thiệp trực tiếp vào Nam Việt Nam, thì theo Johnson, chính phủ Mĩ nên sử dụng lực lượng bộ binh. Chủ trương của Johnson là vậy, nhưng Bộ quốc phòng lúc này cũng đã bắt đầu xét duyệt một kế hoạch bí mật tấn công Bắc Việt bằng lực lượng biệt kích nhằm vào các khu quân sự của VNDCCH .
Ngày 6-1-1965, Taylor đã gửi cho Johnson một bản phân tích về tình hình Nam Việt Nam. Ông viết: “ở Nam Việt Nam, chúng ta đang phải đối mặt với một tình hình ngày càng xấu đi nghiêm trọng bởi sự xáo động chính trị, sự thiếu trách nhiệm và chia rẽ trong quân đội, … cùng với sự nhụt chí, mất tinh thần trên toàn Nam Việt Nam. Nếu tình hình này không thay đổi bằng cách này hay cách khác, thì chúng ta sẽ sớm đối mặt với... việc thành lập một chính quyền thù địch và chính quyền này sẽ yêu cầu chúng ta đi khỏi đây..” [72, tr.169].
Như vậy, cả Đại sứ Taylor và các Tham mưu trưởng Liên quân, các nhà hoạch định chính sách của Mĩ đều thống nhất quan điểm là “phải thay đổi chính sách của Mĩ ở Nam Việt Nam”. Vấn đề chính mà giới cầm quyền Mĩ chú trọng là phải kết hợp giải pháp quân sự bằng sự can thiệp trực tiếp vào Nam Viêt Nam. Tiếp đó, ngày 27- 1-1965, McNamara và cố vấn quốc gia Mc George Bundy gửi Johnson báo cáo và nhấn mạnh rằng: “kế hoạch hành động kém hiệu quả nhất là tiếp tục duy trì vai trò rất thụ động hiện nay mà cuối cùng chỉ dẫn đến thất bại và hãy thoát ra khỏi tình cảnh nhục nhã này”. Hai ông đã cho rằng “không hi vọng thành công trong việc lập một chính phủ ổn định, trừ khi và cho đến khi chúng ta thay đổi chính sách và các ưu tiên của chúng ta”. Chúng tôi thấy có hai giải pháp:
Thứ nhất, sử dụng sức mạnh quân sự của chúng ta ở Viễn Đông và buộc cộng sản phải thay đổi chính sách của họ.