Sự ra đời chiến lược toàn cầu của Mĩ

Một phần của tài liệu Quá trình leo thang chiến tranh của mĩ tại việt nam (1954 1969) (Trang 28 - 32)

Chiến lược toàn cầu là khái niệm chỉ chính sách đối ngoại của Mĩ đối với các quốc gia trên thế giới từ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Tổng thống F.Roosevelt được xem người là mở đầu cho chiến lược toàn cầu của Mĩ. Từ năm 1928, Roosevelt đã cho rằng “trong tương lai, tình trạng cô lập của các quốc gia cũng khó như tình trạng cô lập của New England hay miền Nam hiện nay”[31, tr.69]. Như vậy, trước khi trở thành tổng thống có nhiều nhiệm kì nhất nước Mĩ, Roosevelt đã nhận thấy được sự yếu thế trong chính sách biệt lập của Mĩ trước chiến tranh thế giới thứ hai.

Vì vậy, ông đã có ý thức điều chỉnh dần chính sách đối ngoại của Mĩ trong bối cảnh mới.

Năm 1936, trong diễn văn đọc tại New York, Roosevelt cho rằng “chúng ta không phải là những người theo xu hướng biệt lập, trừ trường hợp chúng ta tự cách ly khỏi chiến tranh”[31, tr.69]. Tuy nhiên, quan điểm này chưa nhận được sự ủng hộ của chính phủ và cả nhân dân Mĩ. Tháng 12-1941, Nhật Bản bất ngờ tấn công Mĩ tại Trân Châu Cảng đã làm thay đổi căn bản chiến lược đối ngoại của Mĩ. Trước sự kiện Trân Châu Cảng, Roosevelt chưa biết làm cách nào để thuyết phục Quốc hội và nhân dân Mĩ ủng hộ việc phá bỏ chính sách biệt lập và tham chiến nếu Nhật tấn công Philippines. Thế nhưng, Nhật tấn công Hawai như là “một cơ may” cho Roosevelt và nội các. Ngày 8-12-1941, Roosevelt đã tuyên bố “Tôi yêu cầu Quốc hội tuyên bố rằng do cuộc tiến công không bị khiêu khích và hèn nhát của Nhật ngày Chủ nhật 7-12- 1941, tình trạng chiến tranh đã xuất hiện giữa Hợp Chúng Quốc và Đế quốc Nhật Bản”[31, tr.109]. Lời tuyên bố này nhanh chóng được Quốc hội thông qua với số phiếu tuyệt đối ở Thượng viện và chỉ một phiếu chống ở Hạ viện. Như vậy, lời tuyên chiến của Mĩ đối với Nhật Bản ngày 8-12-1941 đã đặt dấu chấm hết cho chính sách biệt lập trong đường lối đối ngoại của Mĩ. Từ những năm 40, Mĩ bắt đầu chuyển sang chính sách toàn cầu.

Năm 1944, trong cuốn sách The Geography of the Peace, Nicholas J.Spykman cho rằng “một trong những nguyên tắc cơ bản trong chính sách đối ngoại của Mĩ là

phải làm sao ngăn cản không cho khối Âu-Á có thể thống nhất dưới một cường quốc”

[52, tr.13] vì “ai thống trị được hai châu Âu-Á thì kiểm soát được vận mạng cả thế giới” [52, tr.14]. Quan điểm này đã có tác động mạnh mẽ đến việc hoạch định chính sách của giới lãnh đạo Mĩ sau chiến tranh thế giới thứ hai.

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, trước sự lớn mạnh và ảnh hưởng ngày càng lớn của Liên Xô ở Đông Âu, H.Truman đã đẩy mạnh hơn nữa chính sách đối ngoại của Roosevelt. Tháng 12-1946, nhà ngoại giao George Kennan đã gởi cho Tổng thống Harry Truman một bản báo cáo dài 8.000 chữ và nêu lên nhiệm vụ của Mĩ đối với Liên Xô. G. Kennan cũng đã trình bày cụ thể về cách nhìn nhận của Liên Xô đối với thế giới sau chiến tranh, mục tiêu chiến lược và sự vận dụng sách lược của Liên Xô và đưa ra kiến nghị về chính sách của Mĩ đối với Liên Xô. Theo đó, “Sau chiến tranh Liên Xô đã bị suy yếu, kiệt quệ cả về vật chất lẫn tinh thần, chỉ cần đặt trước Liên Xô một lực lượng mạnh mẽ thì trong một thời gian từ 10 – 15 năm, Liên Xô sẽ tự bị tiêu diệt và sẽ ngăn chặn được chủ nghĩa cộng sản bành trướng trên thế giới. Kennan chủ trương “ngăn chặn lâu dài”, “ngăn chặn” một cách kiên trì nhưng phải cứng rắn và cảnh giác trước những khuynh hướng xâm lược của người Nga, điều đó phải là một nhân tố chủ yếu của bất cứ chính sách nào của Mĩ đối với Nga”[73, tr.237]. Như vậy,

theo Kennan thì Mĩ cần phải có chính sách đối phó lâu dài với Liên Xô, nếu Mĩ làm được điều này thì nguy cơ chủ nghĩa cộng sản bành trướng sẽ không còn nữa, bởi vì Liên Xô là đầu tàu của con tàu chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới. Theo G. Kennan, Liên Xô đã vượt ra khỏi khuôn khổ, có mưu đồ mở rộng sự kiểm soát của mình ra ngoài khu vực địa lý đã được hình thành sau chiến tranh. Do đó, Mĩ cần “phải có một chính sách dài hạn, kiên nhẫn nhưng cương quyết ngăn chặn sự bành trướng của Liên Xô”[49, tr.17].

Báo cáo của Kennan đã làm nổi cộm lên bốn yêu cầu chiến lược bức thiết thôi thúc các nhà cầm quyền Mĩ phải giải quyết trong giai đoạn sau chiến tranh là:

Thứ nhất, Mĩ phải luôn biết tận dụng tốt những cơ hội mới, kịp thời giải quyết những khó khăn đảm bảo nền kinh tế phát triển mạnh mẽ và không gặp khủng hoảng lớn. Xây dựng nước Mĩ hùng mạnh về mọi mặt, vươn xa tầm ảnh hưởng của họ trên thế giới, qua đó thực hiện mục tiêu bá chủ toàn cầu.

Thứ hai, Mĩ coi Liên Xô là “nhân tố cản trở” và phong trào cộng sản quốc tế là một thách thức trên con đường chinh phục ngôi vị bá chủ. Vì vậy, Mĩ phải ra sức ngăn chặn, đẩy lùi Liên Xô và phong trào cộng sản quốc tế.

Thứ ba, đàn áp, đẩy lùi và dập tắt phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Tìm cách dính líu, can thiệp và hất cẳng các nước đế quốc bị suy yếu để biến thành chư hầu, thuộc địa thực dân kiểu mới của Mĩ.

Thứ tư, Mĩ vừa viện trợ, giúp đỡ các nước đồng minh khôi phục kinh tế sau chiến tranh, củng cố chủ nghĩa tư bản ở các nước này, đồng thời Mĩ cũng tăng cường viện trợ cho các nước khác trên thế giới để tập hợp, lôi kéo những nước này vào mục đích chống chủ nghĩa cộng sản của Mĩ, qua đó mở rộng tầm ảnh hưởng và tạo ra thị trường mới quan trọng cho Mĩ”[77, tr.21].

Như vậy, theo quan điểm này thì chiến lược toàn cầu của Mĩ là phải đảm bảo vị thế một cường quốc kinh tế, dùng sức mạnh kinh tế để chi phối các nước đồng minh nhằm thực hiện mục tiêu chống lại sử mở rộng ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản và đàn áp phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Báo cáo của Kennan đã đặt nền tảng cho một chính sách đối ngoại lâu dài của các chính phủ Mĩ sau này.

Tháng 3-1947, Tổng thống Truman công bố “Chủ thuyết Truman” và cho rằng Mĩ “sẽ buộc Liên Xô phải lùi bước, sẽ làm tan rã nhà nước Liên Xô và xoá bỏ chủ nghĩa cộng sản bất cứ ở nơi đâu trên thế giới” và Mĩ “phải ủng hộ những dân tộc tự do chống lại các mưu toan nô dịch, bất kể chúng xuất phát từ những thiểu số có vũ trang (ám chỉ phong trào giải phóng dân tộc ở các nước – ND) hay từ sức ép bên ngoài (ám chỉ sự can thiệp của Liên Xô – ND)… Tôi (Truman) nghĩ rằng sự giúp đỡ

của chúng ta chủ yếu là ủng hộ về kinh tế và tài chính cần thiết cho tình trạng ổn định về kinh tế và một sinh hoạt chính trị bền vững”[34, tr.24-25]. Chủ thuyết Truman đã đánh dấu bước chuyển quan trọng trong nền tảng chính sách đối ngoại của Mĩ. Từ nay, giới cầm quyền Mĩ dù thuộc đảng nào (Dân chủ hay Cộng hòa) sẽ từ bỏ chủ nghĩa biệt lập (Isolationism) và chọn chủ nghĩa toàn cầu (Globalism) làm cơ sở cho nền ngoại giao của họ. Đây được xem mốc mở đầu cho quá trình can thiệp trực tiếp của Mĩ vào các nước Tây Âu.

Theo một số nhà sử học Việt Nam thì chiến lược toàn cầu là “những tham vọng, âm mưu thống trị toàn thế giới của đế quốc Mĩ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Ba mục tiêu cơ bản của nó là:

1- Ngăn chặn, đẩy lùi tiến tới tiêu diệt hệ thống xã hội chủ nghĩa trên phạm vi thế giới.

2- Đàn áp phong trào giải phóng dân tộc và phong trào công nhân

3- Bắt các nước tư bản, đế quốc khác phụ thuộc vào sự chỉ huy của đế quốc Mĩ”[54, tr.81].

Như vậy, theo khái niệm này, chiến lược toàn cầu của Mĩ được thực hiện và điều chỉnh thông qua nhiều chiến lược cụ thể, dưới tên gọi các học thuyết khác nhau nhằm dập tắt mọi cản trở ảnh hưởng đến việc chi phối toàn thế giới. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm của Mĩ là lãnh đạo thế giới tự do chống lại sự bành trướng, ảnh hưởng của Liên Xô trên phạm vi thế giới. Đồng thời, Mĩ khống chế các nước đồng minh theo quỹ đạo của Mĩ, phục vụ cho mưu đồ bá chủ toàn cầu. Trong ba mục tiêu trên, vấn đề ngăn chặn, đẩy lùi và tiêu diệt chủ nghĩa cộng sản trên phạm vi thế giới là quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại của Mĩ. Các tổng thống Mĩ dù có thực hiện các sách lược khác nhau nhưng luôn thống nhất với nhau về mục tiêu chiến lược đó.

Ngoài ra, khái niệm này cũng được đề cập đến trong một số công trình nghiên cứu khác. Theo Từ điển Bách khoa quân sự của Bộ Quốc phòng thì chiến lược toàn cầu là “chiến lược của một nước hoặc một tổ chức quốc tế để giải quyết những vấn đề có quan hệ đến toàn thế giới, chi phối các chiến lược từng khu vực, trong từng thời kì nhằm những mục đích nhất định. Hoạch định chiến lược toàn cầu thường là những nước lớn, nước có sức mạnh về kinh tế, chính trị, quân sự (hoặc một trong các lĩnh vực đó) tự thấy mình có nhu cầu và khả năng chi phối cục diện thế giới, trực tiếp tác động tới các quốc gia, các khu vực theo những mục tiêu, ý đồ nhất định. Chiến lược toàn cầu không cố định mà vận động theo sự phát triển nội tình của mỗi nước và cục diện thế giới”[84, tr.154]. Như vậy, chiến lược toàn cầu theo khái niệm này là chính

sách đối ngoại của các cường quốc, nhằm tác động và chi phối các quốc gia khác theo hướng có lợi cho mình. Chiến lược toàn cầu được thay đổi một cách linh hoạt phù hợp với bối cảnh quốc tế từng giai đoạn nhất định.

Tóm lại, chiến lược toàn cầu là chính sách đối ngoại của Mĩ nhằm chi phối các quốc gia, các khu vực trong tầm ảnh hưởng của mình. Mĩ dực vào sức mạnh về kinh tế, quân sự để chi phối các nước đồng minh nhằm mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi và tiến tới tiêu diệt chủ nghĩa cộng sản và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Chiến lược này được điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp với từng điều kiện lịch sử cụ thể. Cơ sở để một quốc gia hoạch định chiến lược toàn cầu thường là những nước lớn, nước có sức mạnh về kinh tế, chính trị, quân sự (hoặc một trong các lĩnh vực đó) tự thấy mình có nhu cầu và khả năng chi phối cục diện thế giới, trực tiếp tác động tới các quốc gia, các khu vực theo những mục tiêu, ý đồ nhất định”[84, tr.154]. Như vậy, mục tiêu quan trọng của chiến lược toàn cầu là chi phối cục diện thế giới để phục vụ cho lợi ích quốc gia. Nguồn gốc của việc hoạch định chiến lược toàn cầu là sức mạnh quốc gia về một trong các lĩnh vực như kinh tế, chính trị và quân sự. Xét về góc độ này, Mĩ có đủ những điều kiện cần thiết để thực hiện chiến lược toàn cầu để vươn lên làm bá chủ thế giới.

Một phần của tài liệu Quá trình leo thang chiến tranh của mĩ tại việt nam (1954 1969) (Trang 28 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(147 trang)