Chương 3. Việt Nam trong chính sách của Lydon B.Johnson (1963 – 1969)
3.2. Chính sách của Mĩ đối với Việt Nam Dân chủ cộng hòa
3.2.2. Quân và dân miền Bắc Việt Nam đánh bại chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mĩ
Ngay trong phi vụ đầu tiên của chiến dịch phá hoại được thực hiện vào ngày 2- 3-1965, Mĩ và Sài Gòn huy động 19 máy bay A-1 Skyraider của Không lực VNCH đánh phá căn cứ hải quân VNDCCH ở Quảng Khê. Trong chiến dịch Sấm Rền, các máy bay không kích của Mĩ chủ yếu xuất phát từ 4 căn cứ không quân tại Thái Lan là Korat, Takhli, Udon Thani, và Ubon. Sau khi tấn công các mục tiêu (thường bằng cách bổ nhào cắt bom), các máy bay sẽ hoặc bay thẳng về Thái Lan hoặc thoát ra ngoài vùng biển tương đối an toàn tại vịnh Bắc Bộ. Tuy nhiên, ngay trong đợt “ra quân” này, người Mĩ đã bị sốc khi 6 máy bay của họ bị bắn hạ [140, tr.86] và 5 trong số các phi công bị bắn rơi đã được cứu thoát, nhưng đó chỉ là khởi đầu cho những gì
sắp tới [111, tr.54]. Thiệt hại này là điều mà người Mĩ không hề mong đợi và nó mở đầu cho một chuỗi thất bại tiếp theo của không quân Mĩ trên bầu trời Bắc Việt Nam.
Để lý giải cho những thất bại trong các chiến dịch ném bom của Mĩ, Earl Tilford - sử gia không quân Mĩ cho rằng “việc đặt các mục tiêu rất khác với thực tế ở chỗ chuỗi các cuộc tấn công không hiệp đồng với nhau và các mục tiêu được duyệt một cách ngẫu nhiên - thậm chí phi lôgic. Các sân bay của miền Bắc, cái mà đáng ra phải được đánh đầu tiên theo bất cứ một chiến lược hợp lí nào, lại cũng nằm ngoài phạm vi cho phép” [96, tr.109]. Theo nhận định này, ngay từ mục tiêu ra quân của Mĩ đã có vấn đề và không thống nhất với nhau trong các hành động.
Nhận định về việc Mĩ mở rộng ném bom Bắc Việt Nam, ngày 27-3-1965, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khái quát cuộc chiến Mĩ là “từng bước đưa lực lượng chiến đấu của Mĩ và chư hầu vào miền Nam để quyết giữ một số vùng chiến lược quan trọng, ngăn chặn sự tan rã của quân đội tay sai…đồng thời, chúng mở rộng hoạt động không quân, ném bom bắn phá miền Bắc để gây áp lực hòng làm cho ta giảm sức tiến công chúng ở miền Nam, hạn chế sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam…và chiến tranh đã vượt ra khỏi phạm vi miền Nam lan đến miền Bắc” [86, tr.213]. Đến lúc này, đúng như nhận định trên vì ở Nam Việt Nam, lực lượng quân đội Mĩ và đồng minh đã hiện diện với lực lượng hùng hậu. Đồng thời, Mĩ đã mở rộng việc ném bom ra Bắc Việt Nam.
Ngày 24-7-1965, một máy bay F-105 của Mĩ bị tên lửa SA-2 Guideline bắn rơi.
Sự kiện này buộc chính phủ Johnson phải tính đến khả năng đánh phá các địa điểm đặt tên lửa của VNDCCH. Tuy nhiên, người Mĩ đã rơi vào một cái bẫy tinh vi khi mà các địa điểm trên hóa ra lại là trận địa giả, bao quanh bởi các trận địa pháo phòng không. Một phi công Mĩ đã miêu tả diễn biến tiếp sau đó "như thể ngày tận thế" [111, tr.109] vì Mĩ có đến 6 trong số các máy bay tấn công đã bị bắn rơi trong trận thua này (2 phi công thiệt mạng, 1 mất tích, 2 bị bắt, 1 được cứu thoát) [111, tr.109]. Đây là
một thành tích đáng tự hào và chứng tỏ quân dân ta hoàn toàn có khả năng đánh bại các cuộc tấn công bằng không quân của Mĩ.
Trong cuộc kháng chiến chống chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam của Mĩ, quân dân ta đã linh hoạt, khéo léo vận dụng mọi vũ khí có được như súng bộ binh, pháo phòng không, tên lửa…đã bắn rơi nhiều máy bay chiến đấu của Mĩ. Lực lượng phòng không miền Bắc đã trở thành đối thủ đáng sợ đối với không lực Mĩ. Có đến khoảng 10% máy bay Mĩ tham gia đánh phá miền Bắc Việt Nam bị bắn rơi [53, tr.316]. Các phi đội của Không quân đã bay 25.971 lượt, thả 32.063 tấn bom. Hải quân bay 28.168 lượt và thả 11.144 tấn bom. Không lực VNCH đóng góp 682 phi vụ,
số bom đã thả không rõ bao nhiêu [140, tr.316]. Như vậy, chiến dịch Sấm Rền đã được Washington tiến hành một cách mạng mẽ và mở rộng về phạm vi lẫn số lượng các lượt máy bay ném bom vào Bắc Việt Nam. Tuy nhiên, người Mĩ đã thất bại nặng nề trong chiến dịch này.
Cuộc tiến công của Mĩ cũng đã gây nhiều thiệt hại cho VNDCCH. Theo ước tính của CIA, đến đầu năm 1968, thiệt hại vật chất của VNDCCH lên tới 370 triệu USD, trong đó có 164 triệu USD thiệt hại về các tài sản quan trọng (chẳng hạn nhà máy, cầu đường, và nhà máy điện). Ngoài ra, CIA còn ước lượng số thương vong đối với dân số VNDCCH mỗi tuần là 1.000 người, nghĩa là khoảng 90.000 thương vong trong thời gian 44 tháng, trong đó, 72.000 người là dân thường [135, tr.32]. Đây là thiệt hại lớn cho VNDCCH nhưng không vì thế mà nhân dân Việt Nam chịu khuất phục. Ngược lại, với tinh thần “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”, đánh tan giặc Mĩ xâm lược, quân dân miền Bắc đã chiến đấu anh dũng và gây nhiều tổn thất lớn lao cho Mĩ.
Theo thống kê từ phía Việt Nam, từ ngày 5-8-1964 đến ngày 1-11-1968, quân dân miền Bắc đã bắn rơi và bắn cháy 3.234 máy bay Mĩ (trong đó có 6 máy bay B52, 3 máy bay F111), diệt và bắt sống hàng nghìn giặc láy Mĩ, bắn chìm và bị thương 143 tàu chiến và tàu biệt kích [53, tr.135]. Còn theo số liệu từ phía Mĩ, số phi công Mĩ thiệt mạng tại Việt Nam trung bình 1 phi công /40 phi vụ. Trong các đợt không kích vào Bắc Việt Nam, Không quân Mĩ có 526 máy bay, lực lượng hải quân có 397 chiếc và Lực lượng thủy quân lục chiến có 19 máy bay đã bị bắn rơi trên miền Bắc Việt Nam hay gần đó, chưa kể số trúng đạn hư hỏng nhưng rơi ngoài biển hay cố gắng bay về được căn cứ.
Trong suốt chiến dịch Sấm Rền, trong số 745 phi công bị bắn rơi, Không lực Mĩ ghi nhận 145 người được cứu thoát, 255 bị chết, 222 bị bắt (23 người trong số đó đã chết trong khi bị giam giữ do bị thương nặng hoặc vì bom của Mĩ), và 123 mất tích [114, tr.53]. Con số thương vong của hải quân và Thủy quân lục chiến khó tìm hơn. Từ ngày 6-1-1964 đến ngày 1-11-1968, Mĩ bị thiệt hại 458 trong tổng số 912 phi công thuộc lực lượng Hải quân Mĩ bị chết, bị bắt, hoặc mất tích trong các chiến dịch kết hợp trên vùng trời miền Bắc Việt Nam và Lào [97, tr.82]. Đây là thiệt hại về nhân mạng nhiều nhất trong các cuộc chiến tranh của Mĩ kể từ ngày lập quốc. Mĩ đã phải trả một cái giá rất đắc cho việc “leo thang” ném bom Bắc Việt Nam. Sự thiệt hại lớn về người và của tại Việt Nam đã gây ra một làn sóng chống chính phủ rất mạnh mẽ tại Mĩ.
Tóm lại, từ năm 1964-1968, song song với cuộc chiến tranh trên bộ được tiến hành với quy mô ngày càng lớn ở miền Nam Việt Nam, Mĩ đã tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại ngày càng ác liệt ở Bắc Việt Nam. Cuộc “chiến tranh kép” này của Mĩ nhằm phá hoại, ngăn chặn và tiến tới khuất phục Hà Nội kết thúc chiến tranh theo hướng có lợi cho Mĩ. Tuy nhiên, những thiệt hại nặng nền do cuộc chiến tranh kép gây ra (cho cả Mĩ và Việt Nam) đã không thể khuất phục được ý chí quyết tâm bảo vệ đất nước của nhân dân Việt Nam. Đồng thời, nó cũng làm bùng nổ phong trào chống chính phủ Mĩ ngay tại nước Mĩ.
3.3. Quá trình Mĩ tìm một “giải pháp phù hợp” cho chiến tranh Việt Nam 3.3.1. Những cuộc thương lượng “gián tiếp” giữa Mĩ – VNDCCH (1964 –
1965): chính sách “cây gậy và củ cà-rốt”
Ngày 1-6-1964, cuộc họp giữa McNamara, Henry C.Lodge, tướng William C.Westmoreland và đô đốc G.Sharp tại Bộ chỉ huy Quân đội Mĩ ở Honolulu đã đề ra nhiều biện pháp để gây sức ép quân sự bằng việc tiến công bằng không quân hạn chế chống lại Bắc Việt Nam. Cuộc thảo luận ở Honolulu đã góp phần đưa nước Mĩ tiến gần đến miệng vực của sự “leo thang” chiến tranh ở Việt Nam. Trước thực trạng này, Johnson đã có những “động thái” chuẩn bị cho việc “leo thang” chiến tranh ở Việt Nam – đó là việc nhờ Đại diện của Canada là Seaborn tiếp xúc bí mật với Hà Nội.
Để chuẩn bị cho kế hoạch mở rộng chiến tranh phá hoại Bắc Việt Nam mà không bị phản đối từ phía người Mĩ, Johnson đã thông qua vai trò của người Canada để tiếp xúc bí mật với Hà Nội.
Ngày 28-5-1964, trong lúc gặp Thủ tướng Canada tại New York, Johnson đã nói “tôi muốn cho Hà Nội biết rằng, trong khi Tổng thống là người của hoà bình, không có ý định cho phép người Bắc Việt Nam tiếp quản Đông Nam Á. Tổng thống cần một người đối thoại tin cẩn và có trách nhiệm để chuyển cho Hà Nội một thông điệp về thái độ của Mĩ. Trong khi vạch ra những nét đại cương về lập trường của Hoa Kỳ, đã có thảo luận về củ cà rốt và cái gậy” [55, tr.18]. Như vậy, Johnson muốn thông qua vai trò của một người trung gian để báo cho Hà Nội biết lập trường không để mất Nam Việt Nam của Mĩ. Người được phía Mĩ chọn lúc này là J.Blair Seaborn - đại diện của Canada trong Ủy ban Kiểm soát quốc tế (ICC).
Ngày 18-6-1964, Seaborn đã đến Hà Nội gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng và đọc một Thông điệp nêu lên lập trường của Mĩ là “Mĩ có lợi ích phải chống đối lại một thắng lợi của VNDCCH ở miền Nam Việt Nam” và “Mĩ quyết tâm kiềm chế VNDCCH trong phạm vi lãnh thổ do Hiệp nghị Geneva quy định” [55, tr.21]. Như vậy, lập trường của Mĩ là phải chống lại sự thắng lợi của phong trào cách mạng miền
Nam mà Mĩ cho rằng có sự chỉ đạo từ Hà Nội. Seaborn còn cho biết thái độ của Mĩ là “chắc chắn sẽ chọn con đường mở rộng các hoạt động quân sự, trừ phi Hà Nội chấm dứt chiến tranh nếu không Mĩ sẽ dùng không quân và hải quân đánh Bắc Việt Nam cho đến khi Hà Nội chấm dứt chiến tranh” [55, tr.17]. Đồng thời, Mĩ đã đưa ra
“củ cà rốt” là khi Hà Nội chấm dứt chiến tranh, Mĩ sẽ:
1- Hành động để nối lại buôn bán giữa Bắc và Nam Việt Nam "giúp vào việc thiếu lương thực của Bắc Việt Nam hiện nay”.
2-Viện trợ thực phẩm cho Bắc Việt hoặc bán cho Bắc Việt lấy tiền địa phương.
3-Bỏ sự kiểm soát của Mĩ đối với tích sản của Bắc Việt Nam và giảm kiểm soát của Mĩ trong buôn bán Mĩ - Bắc Việt Nam [55, tr.20].
Rõ ràng, mục tiêu của Mĩ là thông qua Seaborn để chuyển đến Hà Nội một thái độ vừa đe dọa, vừa dụ dỗ VNDCCH chấm dứt chiến tranh. Mĩ muốn gây sức ép ngoại giao để buộc Hà Nội chấp nhận đề nghị của Mĩ. Đây là bước chuẩn bị cho kế hoạch mở rộng chiến tranh sắp tới của Mĩ.
Nhận thức rõ bản chất xâm lược của Mĩ, Phạm Văn Đồng trả lời Seaborn rằng
“cần có một giải pháp đúng đắn cho vấn đề thống nhất nước Việt Nam. Chúng tôi muốn thống nhất đất nước một cách hoà bình, không có áp lực bên ngoài”. Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh: “nếu Mĩ tăng cường chiến tranh ở miền Nam Việt Nam thì sẽ là một cuộc chiến đấu quyết liệt đến cùng” [55, tr.22-23]. Như vậy, lập trường của Việt Nam là công việc của Việt Nam phải để cho người Việt Nam tự giải quyết và không có sự can thiệp từ bên ngoài. Do đó, Mĩ phải rút khỏi Việt Nam thì hòa bình sẽ đến với Việt Nam bằng con đường thương lượng. Đây là sự tiếp xúc bí mật đầu tiên giữa Mĩ và VNDCCH từ sau khi Mĩ vào xâm lược miền Nam năm 1954. Nhận định về cuộc tiếp xúc này, phía Mĩ cho rằng họ đã thành công trong việc chuyển thông điệp cho Hà Nội. Nhưng rõ ràng, thông điệp này không hề mang thiện chí hòa bình mà nó ép buộc VNDCCH phải chấm dứt chiến tranh. Đồng thời, nó cũng cảnh báo cho VNDCCH biết là cuộc chiến sẽ lan rộng ra Bắc Việt Nam. Vì vậy, thông điệp này đã không được phía Việt Nam chấp thuận.
Trước thái độ kiên quyết của Hà Nội, ngày 25-7-1964, Đại sứ Taylor đã gởi Bộ Ngoại giao Mĩ một bức thư và cho rằng nếu Mĩ không ủng hộ “kế hoạch Bắc tiến”
của VNCH thì “sẽ gây ra một mối bất hòa ngày càng tăng với Mĩ”. Do đó, Mĩ sẽ
“tham gia vạch một kế hoạch chung cho tình huống sau này dưới nhiều hình thức mở rộng chống Bắc Việt Nam” [123, tr.288-289]. Bây giờ, Mĩ cần có là một “cái cớ” để có thể mở rộng chiến tranh ra Bắc Việt Nam.
Ngày 4 và 5-8-1964, Mĩ đã dựng lên sự kiện Vịnh Bắc bộ khi cho rằng hai tàu Maddox và Turner Joy đang hoạt động trên vùng biển cách bờ biển Bắc Việt Nam 100km thì bất ngờ bị tấn công trong hoàn cảnh trời “tối hơn đêm 30” và những chứng cứ về một cuộc tiến công vẫn chưa đủ chính xác. Thậm chí, McNamara phải tạm thời đình chỉ việc thực hiện các trận oanh tạc để kiểm tra cho chắc là có xảy ra các cuộc tấn công hay không. Nhưng cuối cùng, sự kiện này vẫn được xem như một bằng chứng về sự tấn công vô cớ của Bắc Việt Nam đối với hai tàu chiến Mĩ. Lợi dụng sự kiện đó, Tổng thống Johnson ngay lập tức đề nghị Quốc hội cho phép sử dụng các biện pháp trả đũa đối với Việt Nam. Ngày 5-8, máy bay Mĩ bắt đầu ném bom trả đũa vào các căn cứ hải quân Bắc Việt Nam. Mĩ đã dựng lên sự kiện Vịnh Bắc Bộ để có
“cái cớ” mở rộng đánh phá Bắc Việt Nam. Rõ ràng, việc đánh phá Bắc Việt là hành động đã được cảnh báo trước qua thông điệp của Johnson chuyển cho Hà Nội ngày 18-6. Bây giờ, Johnson lại tiếp tục cử Seaborn làm đại diện sang Việt Nam với một thông điệp mới.
Ngày 8-8-1964, Mĩ đã gởi đến Sứ quán Canada tại Washington một Công hàm về việc nhờ J.Blair Seaborn chuyển thông điệp mới đến cho Hà Nội. Mĩ cho rằng việc hai tàu Maddox và Turner Joy bị tấn công là hành động “có chủ đích và vô cớ của VNDCCH, vì vậy, Mĩ thấy cần thiết phải triển khai thêm không lực sang Nam Việt Nam và Thái Lan để phòng ngừa” [123, tr.290]. Ngày 10-8-1964, Seaborn trở lại Hà Nội.
Ngày 13-8-1964, Seaborn chuyển tới Thủ tướng Phạm Văn Đồng một Thông điệp cho rằng việc Mĩ ném bom Bắc Việt Nam “là cuộc đánh trả hạn chế và thích đáng. Chính sách của Mĩ là yêu cầu Bắc Việt phải hạn chế tham vọng của mình ở Nam Việt Nam. Mĩ quyết tâm giúp Nam Việt Nam chống xâm lược và lật đổ…” và
khẳng định “Quốc hội Mĩ đã thông qua quyết định hầu như nhất trí tán thành các biện pháp của chính phủ Mĩ. Điều đó chứng tỏ Chính phủ và nhân dân Mĩ kiên quyết chống lại các cố gắng của VNDCCH nhằm lật đổ chính phủ Nam Việt Nam và Chính phủ Lào" [55, tr.26-27]. Đây là một lời cảnh báo Việt Nam về hành động sắp tới của Mĩ. Seaborn đã đưa ra kết luận là “nếu VNDCCH tiếp tục đường lối hiện nay thì có thể tiếp tục phải chịu những hậu quả. VNDCCH cần biết mình phải làm gì nếu muốn hoà bình được lập lại" [123, tr.291]. Như vậy, việc Seaborn đến Việt Nam chỉ là hành động biện minh cho hành động mở rộng chiến tranh của Mĩ và ép buộc VNDCCH phải theo những điều kiện do Mĩ đưa ra. Chẳng những thế, Johnson còn đỗ lỗi hoàn toàn cho Việt Nam và xem đây là “cơ hội hòa bình lần thứ hai” bị Việt Nam bỏ lỡ vì
“Hà Nội không quan tâm gì đến một giải pháp hòa bình hay một giải pháp thỏa hiệp nào”. Rõ ràng, đây là nhận xét vô căn cứ và sự đe dọa của Johnson đối với Việt Nam.
Như vậy, thông qua vai trò trung gian của Canada, Mĩ đã hai lần tiếp xúc bí mật với VNDCCH trước và sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ. Hai thông điệp mà Seaborn chuyển cho Hà Nội đã bộc lộ được bản chất của chính phủ Mĩ. Đó là một lời vừa dụ dỗ, vừa đe dọa và ép buộc VNDCCH chấm dứt chiến tranh và chấm dứt chi viện cho miền Nam. Đây là điều kiện tiên quyết của Mĩ mà Hà Nội sẽ không bao giờ chấp nhận.
Ngoài mặt, Mĩ hô hào muốn tìm cách tiếp xúc, thương lượng với Việt Nam nhưng thực tế là Mĩ chuẩn bị cho việc ““leo thang” ” chiến tranh ở Việt Nam. Rõ ràng, việc cử Seaborn sang Việt Nam đã tạo ra thành công một cac1i cớ để Mĩ đánh phá Bắc Việt Nam. Do đó, hai cuộc tiếp xúc bí mật đầu tiên đã không thành công trong việc mở ra một “giải pháp thương lượng” cho vấn đề Việt Nam. Tuy nhiên, nó đã thành công khi truyền tải được thái độ và âm mưu của Mĩ đối với Việt Nam. Từ đây, Mĩ bắt đầu thực hiện chính sách ngoại giao biện minh cho sự ““leo thang” ” chiến tranh của Mĩ tại Việt Nam.
3.3.2. Những “sáng kiến hòa bình” của Johnson (1965-1967)
Cuộc “chiến tranh kép” – vừa trên bộ, vừa trên không – của chính phủ Johnson đã gây ra tình trạng chia rẽ trong nội bộ chính quyền Mĩ. Tháng 11-1964, Thứ trưởng Ngoại giao-G.Ball gởi cho Dean Rusk, MacBundy và McNamara một Bản ghi nhớ và đề nghị chính phủ nên bắt tay vào nghiên cứu một giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam. Tuy nhiên, bản ghi nhớ này của G.Ball đã không nhận được sự tán thành của Washington.
Bên cạnh đó, cuộc “chiến tranh kép” cũng đã gieo bao tàn phá và chết chóc xuống Việt Nam. Số nạn nhân ở Bắc Việt Nam do cuộc ném bom phá hoại gây ra ngày càng nhiều. Số người chết tăng nhanh chóng. Theo số liệu thống kê của CIA, số nạn nhân ở miền Bắc tăng lên từ 13.000 người năm 1965 lên 24.000 năm 1966 và
tăng đến 100.000 người năm 1967, trong số đó, 80% là dân thường [21, tr.132]. Do đó, lương tâm người Mĩ bị xúc phạm. Khắp nơi trên đất Mĩ, người dân xuống đường, trương các biểu ngữ: “Chúng ta không phải là một dân tộc giết người”, “Tại sao chúng ta thiêu cháy, tra tấn, giết chóc người dân Việt Nam?”, “Trẻ em sinh ra không phải để bị thiêu cháy”… Những người biểu tình gọi đích danh chủ nhân Nhà Trắng:
“Johnson, hôm nay ông đã giết được bao nhiêu trẻ em?” (LBJ, how many kids did you kill today?) [122, tr.36]. Gặp bộ trưởng Bộ quốc phòng McNamara ở sân bay Seattle, một người đàn ông hét lên : “Kẻ giết người!” rồi nhổ nước bọt vào mặt ông ta. Một lần khác, khi Mc Namara và vợ đang ngồi ăn trong nhà hàng, một phụ nữ tiến