Chương 3. Việt Nam trong chính sách của Lydon B.Johnson (1963 – 1969)
3.4. Quá trình “xuống thang” chiến tranh của Mĩ tại Việt Nam
3.4.1. Nguyên nhân Mĩ phải “xuống thang chiến tranh” ở Việt Nam
Đầu năm 1968, chính quyền Johnson đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn cả trong nước Mĩ lẫn trên chiến trường Việt Nam.
Thứ nhất, trong nước, mâu thuẫn nội bộ ngày càng sâu sắc giữa giới quân sự với những người dân sự trong chính quyền. Mâu thuẫn sâu sắc không chỉ giữa các quan chức dân sự với quân sự mà cả trong nội bộ giới quân sự với nhau. Đầu năm 1967, Tư lệnh Hải quân Paul Nitze và Mcnamara nhận được một báo cáo ngắn từ một đơn vị có tên là Nhóm đánh giá về Việt Nam của Hải quân. Nhóm đã lên được một loạt các phương án bao gồm việc xây dựng một bức tường dọc theo đường giới tuyến Bắc và biên giới phía Tây của Nam Việt Nam, thả mìn các hải cảng, oanh kích ồ ạt và đánh phá tuyến giao thông trên sông Hồng. Họ còn đưa ra phương án khác là đưa quân Mĩ đến Bắc Việt Nam và đòi hỏi phải có thêm ít nhất 500.000 quân Mĩ nữa ở khu vực này.
Tuy nhiên, ngày 13-6-1967, Cy Vance và McNamara đề nghị Tổng thống Johnson bác bỏ kế hoạch của Hải quân vì “một cuộc “leo thang” quy mô lớn sẽ dẫn đến thảm hoạ: Không một kiểu phá hoại lật đổ nào ở Hà Nội lại có thể ép được Bắc Việt Nam xuống thang, chừng nào họ còn tin tưởng rằng họ có cơ hội thắng được
“cuộc chiến tranh tiêu hao” ở Nam Việt Nam... Những hành động để lật đổ Hà Nội sẽ đẩy chúng ta vào cuộc chiến tranh với Liên Xô và Trung Quốc” [72, tr.274]. Rõ ràng, lúc này việc ném bom Bắc Việt Nam đã trở thành vấn đề tranh cãi gay gắt.
Những người tự do và ôn hoà chỉ trích Tổng thống Johnson là đã không “xuống thang” chiến tranh, trong khi những kẻ diều hâu ở cả hai đảng - được sự ủng hộ của các Tham mưu trưởng liên quân - đòi mở rộng cuộc chiến tranh. Sự mâu thuẫn này ngày càng gay gắt giữa các nhà lãnh đạo Washington. Thậm chí, người ta còn xem
“Việt Nam là một cuộc nội chiến tinh thần của Mĩ…tác đụng chấn thương của nó đến hình ảnh bên trong của nước Mĩ sẽ vẫn tồn tại” [74, tr.11]. Thật vậy, nói đây là cuộc nội chiến trong lòng nước Mĩ cũng chính xác vì nó đã tác động làm phân hóa, mâu thuẫn sâu sắc trong giới cầm quyền của Mĩ. Johnson phải đứng giữa và bị chi phối bởi hai luồng ý kiến khác nhau: yêu cầu tăng quân của giới quân sự và yêu cầu xem xét, tìm một giải pháp phù hợp cho vấn đề Việt Nam-thông qua thương lượng chứ không phải bằng việc tăng quân.
Mặc dù cả hai ý kiến trên đều nhằm mục đích giúp Mĩ giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh Việt Nam nhưng việc chọn con đường nào thì lại rất khó khăn. Trong lúc đó, Johnson phải đối mặt với một mối lo lắng mới. Tháng 6-1967, Ngoại trưởng Dean Rusk từ chức và Johnson dù không muốn cũng phải chấp thuận. Sau đó, tháng 7-1967, Trợ lý Bộ trưởng Quốc Phòng McNaughton chết trong một vụ tai nạn máy bay - dưới sự chỉ đạo của Leslie H.Gelb - một thành viên của ISA lúc đó và hiện nay là Chủ tịch Hội đồng Quan hệ đối ngoại. Sự mất mát nhân sự này cũng đã tác động không nhỏ đến việc hoạch định chính sách của Johnson.
Đầu năm 1968, McNamara gởi cho Tổng thống Johnson một bức thư và xác định rằng “cứ tiếp tục tiến trình hiện nay thì tới cuối năm 1968 chúng ta vẫn chưa đến gần hơn với thắng lợi, dưới con mắt của công chúng Mĩ, là ngăn chặn việc những người ủng hộ chúng ta dính líu vào Việt Nam ngày càng giảm đi”. Nhưng, trong thời gian đó chúng ta sẽ “phải đối phó với những yêu cầu về tăng cường thêm lực lượng mặt đất, dẫn đến việc tăng cường động viên hoặc gọi thêm lực lượng dự trữ”. Và điều này sẽ dẫn đến việc nâng số thương vong của Mĩ lên gấp đôi vào năm 1968…chúng ta sẽ có: “Thêm khoảng 10.900 đến 15.000 quân Mĩ chết, 30.000 đến 45.000 người nữa bị thương phải vào bệnh viện” [72, tr.303]. Do đó, McNamara cho rằng việc tăng
cường ném bom - chẳng mang lại hi vọng đáng kể gì trong khi lại tiến hành mở rộng chiến tranh. Theo ông, cách thức duy nhất có thể thấy được là: “ổn định các hoạt động quân sự của Mĩ ở miền Nam, cùng với việc tỏ rõ là những trận tấn công bằng không quân của chúng ta vào miền Bắc không cản trở đàm phán dẫn đến một giải pháp hoà
bình”. Tôi kiến nghị những bước đi cụ thể:
+ Tuyên bố chính sách duy trì ổn định.
+ Dừng ném bom Bắc Việt Nam vào trước cuối năm để mang lại đàm phán.
+ Xem xét lại những hoạt động trên bộ ở miền Nam để giảm thương vong của Mĩ, chuyển cho người Nam Việt Nam trách nhiệm lớn hơn trong việc bảo vệ an ninh của chính họ và giảm bớt thiệt hại chiến tranh cho Nam Việt Nam [72, tr.303].
Như vậy, McNamara muốn Johnson dừng ném bom Bắc Việt Nam để tìm một giải pháp thương lượng, kết thúc chiến tranh và để cho người Việt Nam tự giải quyết vấn đề của họ. Dĩ nhiên lúc này, giới quân sự không thể nào chấp nhận giải pháp này.
Họ không tin rằng VNDCCH chịu đàm phán và hoàn toàn không đồng ý việc rút quân khỏi Việt Nam. Ngay cả Clark Clifford – người sẽ thay McNamara làm Bộ trưởng Quốc phòng cũng không tán thành cách giải quyết này. Clifford “ tin là tiến trình hành động được nêu trong đó sẽ làm chậm lại chứ không đẩy nhanh khả năng kết thúc cuộc xung đột” và “Tổng thống và tất cả mọi người xung quanh ông muốn kết thúc chiến tranh. Nhưng tương lai của con cháu chúng ta yêu cầu chúng ta phải đạt được những mục tiêu của mình khi kết thúc cuộc chiến, đó là ngăn cản sự xâm nhập của Bắc Việt Nam được Trung Quốc và Liên Xô viện trợ”. Như vậy, Clifford vẫn nghiên về với giới quân sự và ngay cả Johnson cũng không chấp nhận kế hoạch này. Khi McNamara đưa ra kết luận và nói thẳng với Tổng thống rằng “chúng ta không thể đạt được mục tiêu ở Việt Nam bằng bất cứ biện pháp quân sự nào; và vì thế chúng ta phải tìm kiếm một mục tiêu chính trị nhỏ bé hơn thông qua đàm phán” [72, tr.308]. Thế nhưng, Tổng thống Johnson không sẵn sàng chấp nhận điều đó và cũng không thay đổi ý kiến. Sự bất đồng quan điểm dẫn đến ngày 29-2-1968, McNamara sang giữ chức Giám đốc Ngân hàng thế giới và Clifford lên làm Bộ trưởng Quốc phòng Mĩ.
Rõ ràng, sự bất đồng trong giới cầm quyền Mĩ đã tác động không nhỏ và tiêu cực đến tiến trình chiến tranh của Mĩ tại Việt Nam.
Thứ hai, cuối năm 1967 đầu năm 1968, phong trào chống chiến tranh Việt Nam của nhân dân Mĩ tiếp tục diễn ra. Ngày 21-10-1967, 20.000 người biểu tình chống chiến tranh diễu hành về phía Lầu Năm Góc, quyết tâm đóng cửa toà nhà. Ngày 27- 4-1968, các cuộc biểu tình chống chiến tranh nổ ra rầm rộ ở các thành phố lớn của Mĩ như: New York, san Francisco, Chicago. Thời gian này, có khoảng 200.000 sinh
viên, học sinh tham gia bãi khoá ở vùng ven New York. Tại Chicago, có khoảng 20.000 người đã xuống đường biểu tình và hơn 50 người đã bị bắt. Những người biểu tình, bãi khoá đều tố cáo cuộc chiến tranh của Mĩ ỡ Việt Nam là “vô đạo đức và bất công” [46, tr.43]. Bên cạnh đó, các cuộc đấu tranh ở trường Đại học cũng bùng nổ mạnh mẽ.
Cũng tháng 4-1968, diễn ra cuộc nổi dậy ở Đại học Tổng hợp Columbia. Tại đây, sinh viên tập trung vào bản phân tích mối liên hệ giữa quân sự với đại học. Các sinh viên Đại học Tổng hợp Columbia chiếm giữa vài toà nhà trong gần một tuần.
Nhưng cuối cùng, cuộc biểu tình đã bị cảnh sát đàn áp, 711 sinh viên đã bị bắt. Cuộc đấu tranh của sinh viên đã phản ánh phong trào chống chiến tranh của Mĩ ở Việt Nam ngày càng lan rộng và đe doạ đến sự cầm quyền của Tổng thống Johnson.
Bên cạnh phong trào đấu tranh của sinh viên, một nhân vật cũng rất nổi và hi sinh cả cuộc đời mình để phản đối chiến tranh ở Việt Nam là tiến sĩ Martin Luther King. Từ tháng 7-1965, Martin Luther King đã lên tiếng yêu cầu: “Cuộc chiến tranh ở Việt Nam phải được chấm dứt. Phải giải quyết nó bằng thương lượng” . Ông cho rằng chiến tranh Việt Nam là “một trong những cuộc chiến tranh tàn bạo và vô nghĩa nhất trong lịch sử” (one of history’s most crual and senseless wars) [143] và “đường lối của Mĩ ở Việt Nam là đáng xấu hổ và phi chính nghĩa”. Do đó, ông kêu gọi mọi người dân Mĩ “Chúng ta không thể im lặng…Chúng ta phải tiếp tục lên tiếng nếu nước chúng ta cứ khăng khăng đi theo con đường sai lầm ở Việt Nam. Chúng ta phải sẵn sàng gắn hành động với lời nói bằng cách tìm ra mọi cách phản đối… Chúng ta phải chuyển từ sự do dự trong quá khứ sang hành động. Chúng ta phải tìm ra những cách nói mới cho hòa bình ở Việt Nam cũng như cho công lý trong thế giới đang phát triển”[149].
Trong hội nghị tổ chức ở Coliseum (Chicago) năm 1967, ông kêu gọi các đại biểu hãy “biến cuộc bầu cử (tổng thống Mĩ) năm 1968 thành một cuộc trưng cầu ý dân về chiến tranh (Việt Nam)” [122, tr.129]. Ngày 12-1-1968, ông tuyên bố: “Chúng tôi sẽ không bỏ phiếu cho những người tiếp tục xem việc bắn giết người Việt Nam và người Mĩ như cách tốt nhất để xúc tiến các mục đích tự do và tự quyết ở Đông Nam Á” [143]. Chính những lời nói và việc làm của Martin Luther King đã tác động mạnh mẽ đến tình hình nước Mĩ nói chung và của chính quyền Johnson nói riêng. Thậm chí, Tổng thống Johnson còn cho rằng “Mối đe doạ chủ yếu đối với chúng ta đến từ những kẻ chủ trương hoà bình”[149]. Do đó, Martin Luther King đã bị người ta chụp cho ông cái mũ cộng sản. Lúc 18 giờ ngày 4-4-1968, Martin Luther King đang đứng ở bao lơn lầu 2 của khách sạn Lorraine ở Memphis (bang Tennessee, Mĩ) thì mấy
tiếng súng vang lên. Bạn bè của ông đưa ông vào bệnh viện Saint Joseph cấp cứu.
Nhưng vết thương quá nặng, ông trút hơi thở cuối cùng. Martin Luther King đã ra đi khi vừa tròn 40 tuổi đời. Sự nghiệp của ông tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong lòng người Mĩ nói riêng và nhân dân thế giới nói chung một sự cảm phục sâu sắc về tinh thần yêu chuộng hòa bình, lẻ phải và công lý cùa ông. Sự bùng nỗ phong trào chống chiến tranh Việt Nam tại Mĩ đã tác động không nhỏ đến việc hoạch định chính sách của Jonhson.
Thứ ba, chương trình “xã hội vĩ đại” mà Johnson đề ra trong cuộc tranh cử năm 1964 cũng đang bị phá sản và uy tín của chính phủ cũng bị giảm sút nghiêm trọng.
Theo ước tính của Ủy ban kế hoạch quốc gia, muốn thực hiện chương trình “xã hội vĩ đại”, Mĩ phải chi khoảng 340 tỷ USD trong 5 năm. Trong đó:
1- chi cho giáo dục 30 tỷ USD,
2- chi cho xây dựng đường sá 75 tỷ USD,
3- chi cho dọn sạch những khu nhà ổ chuột, xây dựng những ngôi nhà cho thuê giá thấp và xây dựng những công trình phục vụ đô thị 100 tỷ USD,
4- chi cải thiện cung cấp nước và bảo vệ tự nhiên 60 tỷ USD, 5- chi cho việc xây dựng bệnh viện và bảo vệ sức khỏe 35 tỷ USD,
6- chi cho việc làm sạch không khí và các chương trình khác trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển là 40 tỷ USD [1, tr.250-251]. Như vậy, nếu chương trình “xã hội vĩ đại” được thực hiện sẽ mang lại nhiều quyền lợi ích cho nhân dân và những người lao động Mĩ.
Thế nhưng, đến năm 1968, chương trình “xã hội vĩ đại” của Johnson vẫn chủ yếu trên lý thuyết. Johnson đề ra kế hoạch thực hiện là 340 tỷ USD nhưng Quốc hội chỉ đồng ý chi cho Tổng thống Johnson có 76,4 tỷ USD [1, tr.251] (chỉ hơn 1/5 so với yêu cầu). Do đó, kế hoạch này của Johnson đã vấp phải khó khăn ngay từ lúc ban đầu. Vì vậy, hầu như chương trình “Xã hội vĩ đại” của Johnson cũng bị phá sản hoàn toàn. Năm 1968, Johnson tuyên bố rằng vấn đề giáo dục đã không thể giải quyết được.
Chương trình “Xã hội vĩ đại” cuối cùng cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì quan trọng cho người lao động. Cuộc sống khó khăn, thất nghiệp vẫn đe dọa những người lao động. Do đó, hàng loạt cuộc nổi dậy đấu tranh của công nhân, người lao động đã bùng nổ. Từ năm 1964-1968, có ít nhất là 815 cuộc phản kháng của người lao động bùng nổ ở 560 thành phố. Trong đó, đỉnh cao nhất là hai năm 1967-1968 với 775 cuộc phản kháng bùng nổ ở 500 thành phố [1, tr.259]. Những bất ổn về kinh tế, xã hội trong nước đã tác động không nhỏ đến chính phủ Johnson. Quan trọng hơn, nó làm cho uy tín của chính phủ giảm sút trong nhân dân.
Như vậy, ngay trong lòng nước Mĩ, chính quyền Johnson đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, chương trình “Xã hội vĩ đại” không thành công và cuộc sống của nhân dân không được cải thiện đã làm mất lòng tin của nhân dân vào chính phủ. Đó có thể là một trong những nguyên nhân quan trọng để Johnson tuyên bố không tiếp tục ứng cử tổng thống nhiệm kì thứ hai.
Thứ tư, ở Việt Nam, chiến lược chiến tranh cục bộ của Mĩ tiến hành ở Nam Việt Nam cũng đang lâm vào khó khăn và số lính Mĩ chết ở Việt Nam cũng ngày càng tăng cao. Thiệt hại sinh mạng của quân đội Mĩ khoảng 300 người/tuần, các chi tiêu quân sự của Mĩ ở Việt Nam lên tới 20 tỉ USD mỗi năm [21, tr.175]. Ngược lại, lực lượng cách mạng miền Nam Việt Nam ngày càng trưởng thành và đánh bại nhiều cuộc hành quân càn quét của Mĩ như cuộc hành quân Cellda Fall, Junction City…Do đó, từ cuối năm 1967 đầu 1968, Bộ Chính trị và Trung ương Đảng Lao Động Việt Nam chuẩn bị cho một cuộc tấn công mới.
Tháng 1-1968, Hội nghị lần thứ 14 Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam nhận định “Mĩ đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan về chiến lược”
còn ta thì “đã thắng địch về cả chiến lược lẫn chiến thuật, thế và lực của ta phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết”. Do đó, Ban chấp hành Trung ương Đảng quyết định
“chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kì mới, thời kì tiến công và nổi dậy giành thắng lợi quyết định” [86, tr.70]. Như vậy, phía Việt Nam đã nhận thấy được thời cơ cho cuộc khởi nghĩa giành lại chính quyền đã đến nên đã quyết định phát động cuộc nổi dậy trên toàn miền Nam.
Mục tiêu quan trọng nhất của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam là tiêu diệt sinh lực địch, đánh sập ngụy quân, ngụy quyền, giành chính quyền về tay nhân dân, buộc Mĩ phải phải đàm phán rút quân đội về nước. Còn theo Nguyễn Phú Đức - Cố vấn đặc biệt tổng thống Nguyễn Văn Thiệu thì “mục đích của Hà Nội là làm ta rã quân lực VNCH , chính phủ Nam Việt Nam sụp đổ, “cắt cỏ” dưới bàn chân của người Mĩ, làm quân đội Mĩ mất chỗ dựa quân sự và chính trị Nam Việt Nam để tiếp tục chiến tranh” [21, tr.140]. Đêm 30 rạng 31-1-1968, Cuộc tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam bắt đầu, quân giải phóng tấn công vào trung tâm của 4/6 đô thị lớn, 37/44 tỉnh trên toàn miền Nam. Quân giải phóng đồng loạt nổi dậy tiến công và giáng đòn sấm sét vào sào huyệt của Mĩ – Sài Gòn như đại sứ quán Mĩ, đài phát thanh, sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ tổng tham mưu VNCH . Trong đợt 1 tiến công và nổi dậy, ta loại khỏi vòng chiến đấu 147.000 tên địch (43.000 tên Mĩ). Trận đánh quan trọng nhất là việc một tiểu đội 19 binh sĩ đặc công đánh vào Sứ quán Mĩ trên đường Thống Nhất và giết chết 5 lính thủy đánh bộ Mĩ đang canh giữ Sứ quán. Sự
kiện này khiến Westmoreland phải thốt lên rằng “địch (Quân giải phóng miền Nam Việt Nam) đã đem chiến tranh vào các thành phố " [29, tr.144].
Cuộc tấn công bất ngờ này đã gây sửng sốt cho giới cầm quyền Mĩ. Đại tướng Westmoreland đã phải nhìn nhận: "chúng ta không biết trước được quy mô của cuộc tấn công này…Tôi cũng không dự kiến là họ sẽ đánh lại các đô thị và lấy đấy làm mục tiêu tấn công… chúng ta phải nhìn nhận là địch đã giáng cho VNCH một đòn choáng váng [29, tr.144]. Như vậy, Mĩ và Sài Gòn đã bất ngờ và choáng váng trước sự tấn công này.
Ở Mĩ, Harry Mc Pherson - cố vấn đặc biệt chuyên viết diễn văn cho Tổng thống kể lại: "Tôi có cảm tưởng là chúng ta đã gặp phải một cách gay go chưa từng thấy và tôi rất bối rối…Tôi có cảm giác rằng cả nước đều đã chán ngán rồi, chỉ còn muốn đừng phải lãnh thêm nữa mà thôi”. Còn William Bundy cũng không kém bi quan:
"Tôi đã sớm có quan niệm rằng các cuộc tấn công đã có tác hại đối với miền Bắc nhưng cũng đã gây đổ vỡ cho miền Nam nhất là trong lĩnh vực bình định, cho nên muốn cân nhắc cho đúng phải tùy thuộc vào điểm liệu cả nước có đoàn kết được hay không [29, tr.152]. Như vậy, cuộc tấn công bất ngờ của Quân giải phóng miền Nam Xuân Mậu Thân (1968) đã gây nên một chấn động trong chính giới Mĩ. Sự anh dũng tấn công
Trước những tác động trên, chính phủ đã có nhiều cố gắng để làm giảm bớt sự ảnh hưởng tiêu cực của cuộc Tổng tiến công. Ngày 2-2-1968, trong buổi họp báo, tổng thống Johnson cho biết là "cuộc tổng nồi dậy đã thất bại không đạt được các mục tiêu đã được đề ra". Đồng thời, ông đã tranh thủ Hội đồng Bộ trưởng để đề cao quan điểm của chính quyền và đã phủ dụ cùng trấn an dân chúng [29, tr.154]. Tuy nhiên, đối với dân chúng và báo chí Mĩ thì đó là “một thảm họa. Một tâm trạng thất vọng và buồn nản đã đè nặng lên giới chính quyền Washington. Chính quyền bị chấn động không những vì cuộc tấn công Tết Mậu Thân mà còn vì các việc làm chủ động khác của Cộng sản.
Gabriel Kolko cho rằng “cuộc tiến công Tết là sự kiện quan trọng nhất và phức tạp nhất của chiến tranh Việt Nam”, còn Maxwell D. Taylor lại nói “những điều bất ngờ thực sự mà cuộc tiến công Tết 1968 đã gây cho tôi không phải là việc đối phương đã mở được một cuộc tiến công lớn mà chính là việc họ đã mở cùng một lúc nhiều trận tiến công mãnh liệt đến như thế”. Thời báo New York, số ra ngày 1-2-1968 bình luận: “Cuộc tiến công của đối phương đột nhập cả đại sứ quán Mĩ ở Sài Gòn cho thấy thêm những bằng chứng đau xót về sức mạnh có hạn của Mĩ ở châu Á [144]. Như