Chương 3. Việt Nam trong chính sách của Lydon B.Johnson (1963 – 1969)
3.1. Quá trình “leo thang” quân sự” của Mĩ tại Nam Việt Nam
3.1.2. Mĩ tiến tới tham chiến trực tiếp tại Nam Việt Nam
Ngay từ lúc còn là Phó tổng thống, Lyndon B.Johnson đã dành một sự quan tâm đặc biệt đối với vấn đề Việt Nam. Tháng 5-1961, Johnson đã sang Nam Việt Nam và kết luận rằng “trong cuộc chiến chống chủ nghĩa cộng sản ở Đông Nam Á, Mĩ cần
phải tham gia vào một cách mạnh mẽ và quyết tâm giành thắng lợi ở nơi đó, nếu không, người Mĩ sẽ phải từ bỏ Thái Bình Dương và xây dựng phòng tuyến ngay trên bờ biển của nước Mĩ” và “những hòn đảo tiền tiêu như Philippines, Nhật Bản, Đài Loan sẽ không còn được an ninh và Thái Bình Dương bao la sẽ trở thành Biển đỏ (Red sea) [123, tr.128]. Rõ ràng, Johnson đã nhận thấy được vị trí rất quan trọng của Việt Nam trong việc thực hiện chính sách ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản của Mĩ ở châu Á. Do đó, sau khi Kennedy bị ám sát, Johnson lên thay và tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa sự can thiệp của Mĩ vào Việt Nam.
Đối với Johnson, Nam Việt Nam là một thử thách về sự kiên quyết của Mĩ trước các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc đang bùng nổ mạnh mẽ ở châu Á sau chiến tranh. Đồng thời, nó cũng là nơi thể hiện uy tín của nước Mĩ trên trường quốc tế. Bên cạnh những mục tiêu về chiến lược kinh tế, chính trị và quân sự như các tổng thống tiền nhiệm, Johnson còn nhận thấy thêm một vấn đề nữa là uy tín của Mĩ trong cuộc chiến này. Đây là một nhân tố quan trọng buộc Mĩ phải tiếp tục sa lầy trong cuộc chiến tranh Việt Nam vì nếu chỉ vì những món lợi trực tiếp về kinh tế thì những khó khăn, thất bại có thể sẽ khiến chính giới Mĩ dừng bước, nhưng nếu vì uy tín, thể diện thì Mĩ không thể nào rút lui cho đến khi không còn khả năng thực hiện được nữa.
Ngày 24-11-1963, Johnson đã triệu tập cuộc họp với các cố vấn của mình về Việt Nam. Ông coi việc những người cộng sản (bao gồm không những Bắc Việt Nam, Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam mà cả Liên Xô và Trung Quốc) chiến thắng ở Nam Việt Nam là một bước để họ đạt được mục tiêu phá vỡ chính sách ngăn chặn của Mĩ và ông quyết tâm không để điều đó xảy ra. Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh với các cố vấn của mình là “ông muốn giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh này”
[72, tr.112-113]. Như vậy, khác với thái độ có phần lưỡng lự của Kennedy, Johnson đã tỏ ra khá dứt khoát trong vấn đề Việt Nam. Mục tiêu quan trọng mà Johnson muốn nhìn thấy là một chiến thắng cần thiết của Mĩ tại đây.
Cũng trong ngày 24-11-1963, Johnson chỉ chị cho C.Lodge trở lại Sài Gòn và báo cho các tướng lĩnh Sài Gòn biết rằng, Lyndon Johnson có ý định giữ lời hứa trong việc tiếp tục ủng hộ và giúp đỡ cho chính quyền mới ở đây. Ngày 25-11-1963, trước Quốc hội và cũng như trước nhân dân Mĩ, Tổng thống Johnson đã tuyên bố rằng
"Chúng ta (Mĩ) sẽ giữ những cam kết của chúng ta từ Nam Việt Nam đến Tây Bá Linh (Berlin)” [55, tr.31]. Đây được xem là quyết định quan trọng đầu tiên của Johnson về Việt Nam. Để giải thích cho quyết định này, Tổng thống cho rằng mục tiêu trước mắt là "kịp thời đem lại cho nhân dân châu Á niềm tin và sự giúp đỡ mà họ cần để tập hợp các nguồn lực của họ một cách có tổ chức nhằm sống trong hoà
bình, ổn định bên cạnh các nước láng giềng hùng mạnh" và như Ngoại trưởng Dean Rusk đã khẳng rằng: nếu Mĩ không bảo vệ Nam Việt Nam thì "những bảo đảm của chúng tôi đối với Berlin sẽ thiếu độ tin cậy" [100, tr.129]. Sự khẳng định lập trường đối với Việt Nam của Johnson đã chứng minh được thái độ kiên quyết của Washington đối với vấn đề Việt Nam. Qua đó, Việt Nam như một minh chứng cho vị trí, vai trò và uy tín của Mĩ đối với các nước đồng minh của mình.
Ngày 26-11-1963, Bị vong lục Hành động An ninh Quốc gia 273 (NSAM 273)
“đã ghi nhận lời hứa của Johnson vào chính sách của Mĩ và khẳng định rằng, mục tiêu trung tâm của Mĩ là giúp "nhân dân và chính quyền" Nam Việt Nam giành "chiến thắng trong cuộc thử nghiệm chống cộng sản" [100, tr.122]. NSAM 273 là một lời đảm cho sự ủng hộ của Mĩ đối với VNCH nói riêng và đối với các đồng minh của Mĩ nói chung trong cuộc chiến chống lại sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản xuống vùng Đông Nam Á. So với Kennedy, Johnson có phần dứt khoát và cứng rắn hơn.
Ông xem vấn đề Nam Việt Nam là một thử thách về sự kiên quyết của Mĩ và đặc biệt là một thử thách đối với khả năng của Mĩ trước các cuộc “chiến tranh giải phóng dân tộc” [72, tr.117]. Như vậy, lập trường của chính phủ Johnson là phải “giành thắng lợi trong cuộc chiến chống cộng sản ở Việt Nam” bằng mọi giá. NSAM 273 được Johnson mô tả là “quyết định quan trọng đầu tiên của ông về Việt Nam”, xác định
“trọng tâm của nước Mĩ tại Việt Nam là giúp dân tộc và chính phủ ở đó đạt tới thắng lợi trong cuộc chiến đấu chống lại mưu toan do cộng sản điều khiển và yểm trợ từ bên ngoài” [146]. Sự điều khiển và yểm trợ từ bên ngoài ở đây là Johnson ám chỉ sự giúp đỡ, viện trợ của Trung Quốc, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa cho VNDCCH .
Rõ ràng, thái độ của chính phủ Johnson là rất kiên quyết trong vấn đề Việt Nam.
Mục tiệu hàng đầu mà người Mĩ quan tâm trong lúc này là sự đe dọa của cộng sản đến an ninh nước Mĩ. Nếu để Đông Nam Á rơi vào tay cộng sản thì Mĩ sẽ không thể kiểm soát được châu Á-Thái Bình Dương nữa. Đó là điều mà chính phủ Johnson không hề mong muốn nó xảy ra. Về Việt Nam, Tổng thống Johnson đã xác định rằng
“mục tiêu duy nhất của ông là hoà bình ở Việt Nam và tự do của nhân dân ở đó, miền Nam Việt Nam có nguy cơ bị chủ nghĩa cộng sản đánh bại, nên Mĩ phải giúp đỡ đồng minh, nước Mĩ sẽ không để con em mình đi chết thay cho con em châu Á” [55, tr.33].
Nhưng giải pháp nào cho Việt Nam? Đây là một câu hỏi lớn mà ngay chính Johnson cũng phải đau đầu khi tìm câu trả lời.
Giới cầm quyền Mĩ vẫn rất lo ngại về hậu quả dây chuyền của Thuyết Domino.
Họ cho rằng việc thất bại của Mĩ ở Nam Việt Nam sẽ gây ra một hậu quả nghiêm
trọng đối với “sứ mệnh bảo vệ thế giới tự do” của Mĩ vì nếu Nam Việt Nam thất bại thì “Lào gần như chắc chắn sẽ nằm trong vòng ảnh hưởng của Bắc Việt Nam, Campuchia tuy mang vẻ bề ngoài trung lập nhưng trên thực tế sẽ phải chấp nhận sự khống chế của Trung Quốc cộng sản, Thái Lan sẽ rất không ổn định và Mã Lai, vốn đã bị Indonesia quấy rầy cũng sẽ như vậy; kể cả Miến Điện cũng sẽ coi những diễn biến này như một dấu hiệu rõ ràng là cả khu vực giờ đây phải hoàn toàn ngã theo chủ nghĩa cộng sản (với hậu quả nghiêm trọng cho nền an ninh của Ấn Độ)” [72, tr.117].
Do đó, uy tín quốc tế của Mĩ và phần lớn ảnh hưởng của Mĩ đang đứng trước nguy cơ trực tiếp ở Việt Nam. Như vậy, vấn đề Việt Nam bây giờ không chỉ dừng lại ở mức độ lợi ích nước Mĩ mà nó nâng lên mức cao hơn – uy tín quốc tế của Mĩ. Do đó, Washington không thể nào để mất Nam Việt Nam. Mĩ cần phải có những hành động mới để cứu nguy cho Sài Gòn. Hành động mới ở đây là gì?
Lý giải vấn đề này, McNamara cho biết “Tổng thống đã yêu cầu bộ Ngoại giao và bộ Quốc phòng soạn thảo một kế hoạch hành động từng bước, kết hợp cả chính trị và quân sự chống lại Bắc Việt Nam. Bộ Ngoại giao đã dự thảo một nghị quyết nhằm tìm kiếm sự phê chuẩn của Quốc hội trong việc mở rộng các hoạt động quân sự của Mĩ tại Đông Dương”[72, tr.130]. Như vậy, từ đầu năm 1964, Washington đã bắt đầu tính đến một giải pháp mới có phần mạnh mẽ hơn, kết hợp cả đấu tranh chính trị lẫn mở rộng các hoạt động quân sự để tìm một chiến thắng tại Việt Nam.
Năm 1964, tình hình Nam Việt Nam xấu đi trầm trọng và đe dọa đến vai trò của Mĩ ở Đông Nam Á. Johnson vẫn cho rằng “nếu chúng ta rút khỏi Việt Nam và bỏ rơi cho Đông Nam Á sụp đổ thì sẽ kéo theo một cuộc tranh chấp phân hóa tai hại trong nội bộ nước ta... một cuộc tranh chấp về việc ai đã để mất Việt Nam, tai hại cho chúng ta trong sinh hoạt quốc gia và gây ra một sự rút lui trong những cam kết của chúng ta tại châu Âu và Trung Đông cũng như tại châu Á" [29, tr.62-63]. Do đó, Johnson buộc phải xem xét lại để tìm giải pháp phù hợp cho Việt Nam.
Ngày 22-1-1964, các Tham mưu Trưởng Liên quân Mĩ quả quyết rằng “để giành thắng lợi, Mĩ phải sẵn sàng gạt sang một bên nhiều hạn chế tự áp đặt đang hạn chế những cố gắng của chúng ta, và Mĩ phải có những hành động táo bạo hơn dù có thể có những rủi ro lớn hơn” [72, tr.118]. “Hành động táo bạo hơn” ở đây ám chỉ việc tăng cường lực lượng quân sự Mĩ tại miền Nam Việt Nam và ném bom phá hoại miền Bắc, từng bước “leo thang” và mở rộng cuộc chiến tranh Việt Nam.
Mặc dù trước thực trạng khủng hoảng của Nam Việt Nam và những đề nghị tăng quân ở miền Nam, phá hoại Bắc Việt Nam của giới quân sự Mĩ, nhưng Tổng thống Johnson vẫn chưa có “quyết định dứt khoát” về vấn đề này. Tổng thống chưa
sẵn sàng dùng sức mạnh quân sự Mĩ với quy mô lớn vào đầu năm 1964 vì ông và các cố vấn của mình sợ rằng việc Mĩ hoá cuộc chiến tranh sẽ làm giảm tinh thần tự lực của chính quyền VNCH.
Đồng thời, việc đưa lực lượng Mĩ với quy mô lớn vào Việt Nam sẽ tạo ra những làn sóng thù địch Mĩ trên phạm vi toàn thế giới. Nó có thể gây rối loạn lớn trong nước, đe dọa chương trình lập pháp của Johnson cùng chiến dịch tranh cử tổng thống của ông ta. Do vậy, “Johnson bác bỏ đề nghị của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân về việc tiến hành các hoạt động tác chiến trên không và trên bộ chống Bắc Việt Nam” [100, tr.130]. Như vậy, cho đến những tháng đầu năm 1964, Johnson vẫn chưa có quyết định để thay đổi hành động ở Việt Nam. Nhìn chung, Johnson vẫn tiếp tục thực hiện chính sách do người tiền nhiệm – Kennedy để lại nhưng được tiến hành với mức độ cao hơn với mong muốn có được hiệu quả hơn.
Tóm lại, từ tháng 11-1963 đến cuối tháng 3-1964, chính quyền Johnson dù đã có nhiều nhìn nhận, đánh giá về thực trạng tình hình Nam Việt Nam và cũng có nhiều đề nghị tăng quân đội ở miền Nam và gây chiến tranh phá hoại Bắc Việt Nam để hi vọng giành thắng lợi trong cuộc chiến này. Tuy nhiên, nhìn chung chính sách của Johnson vẫn không có nhiều thay đổi. Johnson vẫn còn e ngại việc mở rộng chiến tranh sẽ đụng chạm đến Trung Quốc, Liên Xô nên chưa có quyết định dứt khoát về Việt Nam. Trên cơ bản, Johnson mong muốn Mĩ vẫn “cứ thực hiện như cũ nhưng hiệu quả hơn”. Tuy nhiên, thực tế không như Johnson mong muốn và phải có những quyết định mạnh mẽ hơn vào những tháng sau đó.