Chương 2: CƠ SỞ LÍ LUẬN
2.1. CƠ SỞ LÍ LUẬN VỀ THUẬT NGỮ VÀ THUẬT NGỮ PHỤ SẢN
2.1.2. Tiêu chuẩn của thuật ngữ và thuật ngữ phụ sản
Những tiêu chuẩn cần có của thuật ngữ là vấn đề được các nhà nghiên cứu ở trên thế giới cũng như ở Việt Nam hết sức quan tâm và đã có những tranh luận về vấn đề này. Theo quan điểm của Dafydd Gibbon,
“Thuật ngữ kĩ thuật phải chính xác, chỉ chứa những đặc điểm cần thiết và nên có một hình thái ngữ pháp phù hợp với khái niệm”. Ông cũng nhấn mạnh thêm “Thuật ngữ kĩ thuật không nên thay đổi vì bất kì một lí do nào,…thuật ngữ kí thuật lí tưởng chỉ nên biểu hiện một khái niệm, trong trường hợp chưa rõ, phải chỉ ra sự thay đổi” (Dẫn theo [65, tr.19]).
Ở Việt Nam, các nhà Việt ngữ học cũng đưa ra nhiều ý kiến khác nhau về các tiêu chuẩn làm căn cứ đặt thuật ngữ. Người đầu tiên đề cập tới vấn đề này là Hoàng Xuân Hãn. Trong công trình nghiên cứu mang tên
“Danh từ khoa học” tác giả đã chỉ ra tám điểm cần có của thuật ngữ như sau [33]:
(1) Mỗi ý phải có một danh từ để gọi;
(2) Danh từ ấy phải dùng tên riêng về ý ấy;
(3) Mỗi ý đừng có nhiều danh từ;
(4) Danh từ phải làm cho dễ nhớ đến ý;
(5) Danh từ trong các môn phải thành một thể duy nhất và liên lạc;
(6) Danh từ phải gọn;
(7) Danh từ phải có âm hưởng Việt Nam;
(8) Danh từ phải đặt theo lối đặt các tiếng thường và phải có tính chất quốc gia.
Tiếp theo quan điểm của Hoàng Xuân Hãn, năm 1964, trong báo cáo trình bày tại hội nghị bàn về vấn đề xây dựng thuật ngữ khoa học do Ủy ban Khoa học Nhà nước tổ chức, Lưu Vân Lăng đã đưa ra các tiêu chuẩn của thuật ngữ bao gồm: (1) Tính chất khoa học; (2) Tính chất dân tộc và (3) Tính chất đại chúng. Lê Khả Kế đồng quan điểm với Lưu Vân Lăng khi ông cho rằng, thuật ngữ cần phải khoa học, mà tính khoa học ở đây là sự chính xác và có hệ thống, tính dân tộc và đại chúng được hiểu là phải đặt thuật ngữ sao cho ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ và dễ hiểu (Dẫn theo [98, tr.1- 9]). Khi thảo luận về các đặc điểm của thuật ngữ, Lê Văn Thới đưa ra đặc điểm về mặt nội dung và hình thức. Theo tác giả “Về nội dung: (1) Danh từ phải chỉ riêng một ý mà thôi, (2) Mọi ý không nên có nhiều danh từ, (3) Danh từ trong một bộ phận phải nằm trong một hệ thống chung, (4) Danh từ phải gới đến ý chính. Về hình thức: (5) Danh từ phải ngắn gọn, (6) Danh từ phải nằm trong hệ thống chung của ngôn ngữ” [Dẫn theo [98, tr 1-9].
Ngoài các đặc điểm nêu trên của thuật ngữ. Nguyễn Văn Tu [106] và Nguyễn Thiện Giáp [25]còn đưa ra tính quốc tế cần có của thuật ngữ Theo quan điểm của Nguyễn Đức Tồn, đặc điểm mang tính bản thể của thuật ngữ là tính khoa học và tính quốc tế. Trong đó, tính khoa học bao gồm tính chính xác, tính hệ thống và tính ngắn gọn [101, tr. 345].
Rõ ràng, cho đến nay, có nhiều ý kiến được đưa ra khi bàn luận về tiêu chuẩn hay đặc điểm của thuật ngữ. Tuy nhiên, ý kiến của các nhà khoa học có những nội dung trùng lặp hoặc lồng ghép trong nhau. Chẳng hạn, khi nói đến tính chính xác của thuật ngữ là đã thể hiện tính đơn nghĩa. Từ những quan điểm khác nhau của các tác giả về tiêu chuẩn của thuật ngữ, chúng tôi cho rằng, các tiêu chí trên đưa ra đối với thuật ngữ đều có ý
nghĩa và nếu như việc thuật ngữ khoa học đảm bảo được đầy đủ các tiêu chí đó thì thật là lí tưởng. Tuy nhiên, trên thực tế, khi đặt thuật ngữ sẽ không thể đảm bảo được tất cả các đặc điểm nêu trên. Do đó, chúng tôi quan niệm rằng, trong các tiêu chuẩn để đặt thuật ngữ có những tiêu chuẩn bắt buộc (đây là điểm phân biệt thuật ngữ với từ không phải là thuật ngữ) và các tiêu chuẩn không bắt buộc. Theo chúng tôi, tính chính xác, tính hệ thống, tính ngắn gọn và tính quốc tế là những đặc điểm bắt buộc đối với thuật ngữ, còn tính dân tộc và tính đại chúng là đặc điểm không bắt buộc.
Do lĩnh vực phụ sản có thể có những đối tượng định danh tương đối nhạy cảm, cho nên ở những trường hợp này thường sử dụng cách diễn đạt bằng uyển ngữ hoặc các từ ngữ Hán Việt, từ ngữ vay mượn mang tính trang trọng. Vì thế, chúng tôi thấy rằng tính đại chúng không phải là tiêu chuẩn cần có của hệ thống thuật ngữ phụ sản. Như vậy, các tiêu chuẩn của thuật ngữ phụ sản gồm:
1)Tính khoa học (bao gồm: tính chính xác, tính đơn nghĩa, tính ngắn gọn, tính hệ thống);
2) Tính quốc tế.
Sau đây chúng tôi sẽ phân tích cụ thể các tiêu chuẩn trên để làm cơ sở cho việc đánh giá và chuẩn hoá hệ thống thuật ngữ phụ sản.
a) Tính khoa học
Muốn có tính chất khoa học thì thuật ngữ phải bảo đảm được sự chính xác, rõ ràng. Cho nên, biểu hiện thứ nhất của tính khoa học của thuật ngữ nói chung và thuật ngữ phụ sản nói riêng là tính chính xác.
Thuật ngữ nói chung và thuật ngữ phụ sản nói riêng phải biểu hiện đúng nội dung khái niệm khoa học một cách rõ ràng mà không gây nhầm lẫn. Một thuật ngữ lí tưởng là thuật ngữ phản ảnh được đặc trưng cơ bản,
nội dung bản chất của khái niệm. Tuy nhiên, không thể đòi hỏi thuật ngữ phản ảnh đầy đủ mọi phương diện, mọi khía cạnh của khái niệm; thậm chí cá biệt có trường hợp thuật ngữ chỉ phản ảnh một đặc trưng không cơ bản của khái niệm, nhưng đó là đặc trưng đủ để khu biệt thuật ngữ ấy với thuật ngữ khác. Như vậy về nguyên tắc, trong mỗi hệ thống khoa học mỗi khái niệm có một thuật ngữ và mỗi thuật ngữ chỉ một khái niệm.
Tính chính xác về ngữ nghĩa làm cho thuật ngữ không mang những ý nghĩa biểu thái. Chắc năng duy nhất của thuật ngữ là định danh (gọi tên khái niệm), cho nên những yếu tố biểu thái hầu như không xuất hiện ở thuật ngữ. Vì thế chúng ta không thể tìm thấy trong hệ thống thuật ngữ những từ và cụm từ đồng nghĩa mang tính biểu cảm như gặp trong phong cách văn học nghệ thuật. Để đặt ra được những thuật ngữ chính xác, cần có cố gắng sao cho trong nội bộ một ngành khoa học mỗi khái niệm chỉ nên có một thuật ngữ biểu hiện và ngược lại mỗi thuật ngữ chỉ được dùng để chỉ một khái niệm, nghĩa là không nên có hiện tượng đồng âm, đồng nghĩa. Lẽ đương nhiên chũng ta sẽ không thể tuyệt đối hóa được nguyên tắc một đối một này. Có thể có trường hợp do sự phát triển của khoa học mà một thuật ngữ cũ vẫn song song tồn tại một thời gian với thuật ngữ mới, v.v… Mặt khác, điều quan trọng không kém là mỗi thuật ngữ chỉ nên có một nghĩa để đảm bảo tính chính xác.
Biểu hiện thứ hai của tính khoa học là tính hệ thống. Thuật ngữ không chỉ đơn thuần biểu thị một khái niệm/ đối tượng đơn lẻ mà nó có mối quan hệ chặt chẽ với các thuật ngữ biểu thị các khái niệm/ đối tượng khác trong cùng một lĩnh vực khoa học hoặc chuyên môn. Do vậy, tiêu chuẩn khoa học của một thuật ngữ không chỉ cần phải minh định về ý nghĩa biểu đạt mà tự thân thuật ngữ đó còn phải phản ảnh được vị trí của nó trong hệ thống và mối quan hệ của nó với các thuật ngữ khác trong cùng hệ thống.
Ở Việt Nam, một số các nhà nghiên cứu cho rằng tính hệ thống của thuật ngữ là hệ thống ở mặt nội dung, một số khác lại coi đây là tiêu chuẩn về hình thức.
Theo chúng tôi, cần chú ý đến cả hai mặt: hệ thống khái niệm và hệ thống kí hiệu. Một hệ thuật ngữ phải có sự tương ứng giữa hệ thống khái niệm và hệ thống kí hiệu. Muốn đặt được hệ thống kí hiệu thì trước tiên phải xác định được hệ thống khái niệm.
Hệ thuật ngữ, cũng như từ vựng nói chung, là một hệ thống, nghĩa là một tập hợp gồm nhiều đơn vị có quan hệ qua lại với nhau. Tính hệ thống về nội dung của thuật ngữ quy định tính hệ thống về hình thức của thuật ngữ. Các nghĩa của thuật ngữ nằm trong phạm vi các tiểu hệ thống, các nhóm tách biệt, tạo thành hệ thuật ngữ mỗi ngành cụ thể, có liên hệ chặt chẽ với nhau.
Khi bàn về xây dựng hệ thống thuật ngữ, Lưu Vân Lăng cho rằng tính hệ thống là một tiêu chuẩn cần thiết đối với thuật ngữ. Trong khoa học, các khái niệm được tổ chức thành hệ thống, có tầng, có lớp, có bậc hẳn hoi, có khái niệm hạt nhân làm trung tâm tập hợp, nhiều khái niệm khác nhau thành từng trường khái niệm, thành từng nhóm, từng cụm. Mỗi trường khái niệm có thể coi như là một hệ thống con. Mỗi hệ thống con có một khái niệm hạt nhân, và khái niệm hạt nhân này lại có thể tập hợp nhiều khái niệm hạt nhân khác (cũng tựa hồ như hệ thống hành tinh trong vũ trụ). Do đó một hệ thống lớn bao gồm nhiều hệ thống nhỏ được sắp xếp thành tầng bậc có hạt nhân. Chẳng hạn, khoa học gồm khoa học tự nhiên, và khoa học xã hội. Trong khoa học tự nhiên có toán học, vật lí, hóa học, sinh vật học…Hóa học có hóa học vô cơ và hóa học hữu cơ…Y học có tim mạch, nhi, lão, thần kinh, phụ sản,v.v... Theo ông, tính hệ thống của thuật ngữ
thường được thể hiện rõ ràng qua mối quan hệ liên tưởng (thay thế theo trục dọc) và mối quan hệ ngữ đoạn (nối tiếp theo trục ngang) của các tín hiệu trong ngôn ngữ. Chính vì muốn đảm bảo tính hệ thống mà trong các thuật ngữ phụ sản đã dùng các yếu tố như: cắt (-ectomy): cắt dạ con, cắt tử cung, cắt bỏ noãn sào; viêm (-itis): viêm buồng trứng; u, bướu(-oma): ung thư buồng trứng,v.v…
Rõ ràng, tính hệ thống có thể làm tăng thêm khả năng sinh sản của thuật ngữ. Cho nên, khi đặt thuật ngữ không thể tách rời từng khái niệm ra để định kí hiệu, mà phải đặt nó trong tổng thể, phải nghĩ đến hệ thống khái niệm.
Biểu hiện thứ ba của tính khoa học của thuật ngữ nói chung và thuật ngữ phụ sản nói riêng là tính ngắn gọn.
Thuật ngữ không những phải xác định, có hệ thống, mà còn phải ngắn gọn. Đứng trên nguyên tắc thông tin, thuật ngữ ngắn gọn làm cho lượng thông tin của nó càng cao, thuật ngữ dài dòng, khó đạt được tính hệ thống về hình thức, mà đôi khi còn làm lu mờ hoặc thậm chí phá vỡ tính chất thuật ngữ của nó. Hơn nữa, thuật ngữ là những tín hiệu ngôn ngữ dùng để chỉ một khái niệm khoa học nhất định trong toàn bộ hệ thống khái niệm thuộc một lĩnh vực khoa học. Từ ngữ chuyên môn, mang tính chất định danh. Một
“thuật ngữ” dài dòng, thường có tính chất định nghĩa. Nếu dài dòng, cấu trúc của thuật ngữ dễ bị lỏng lẻo. Do đó, muốn cho cấu tạo của thuật ngữ được chặt chẽ, đảm bảo tính chất định danh của thuật ngữ thì kết cấu về mặt hình thức của thuật ngữ phải ngắn gọn, cô đọng. Phần lớn các nhà khoa học khi bàn về vấn đề thuật ngữ đều có nói đến yêu cầu này, thậm chí có người lại nêu vấn đề này lên hàng đầu. Tiếng Việt là một ngôn ngữ phân tính, từ tiếng Việt phần lớn chỉ gồm một hoặc hai âm tiết nên yêu cầu ngắn gọn đối với
thuật ngữ không những phù hợp với đặc điểm của tiếng Việt, mà còn phù hợp với tâm lí của người Việt nói chung.
Chính vì thế, ngành y nói chung và lĩnh vực phụ sản nói riêng phải dùng những thuật ngữ rất ngắn gọn như loạn dưỡng (rối loạn dinh dưỡng), hậu sản (các bệnh phụ khoa sau khi sinh), v.v…
Muốn đảm bảo tính ngắn gọn, cô đọng của thuật ngữ thì khi đặt thuật ngữ phải chọn những yếu tố thật cần thiết như những yếu tố gốc, súc tích và cần loại bỏ những yếu tố thừa, không cần thiết cho sự diễn đạt chính xác của nó... Trong tiếng Việt, ta có thể bỏ các yếu tố chỉ kết quả sau một động từ, như “bỏ” trong “cắt bỏ”. Ví dụ trong phụ sản có thể dùng cắt dạ con, cắt buồng trứng, cắt cổ tử cung mà không cần để cắt bỏ dạ con, cắt bỏ buồng trứng, cắt bỏ cổ tử cung.
b) Thuật ngữ phải có tính quốc tế
Thuật ngữ là một bộ phận trong hệ thống từ ngữ của một ngôn ngữ.
Tuy nhiên, bên cạnh những đơn vị thuật ngữ bản ngữ thì hiện tượng vay mượn thuật ngữ nước ngoài cũng hết sức phổ biến. Đây chính là một trong những lí do để thuật ngữ có tính quốc tế. Mặt khác, thuật ngữ biểu đạt khái niệm/ đối tượng trong lĩnh vực khoa học/ chuyên môn nhất định, mà kiến thức khoa học thì có tính nhân loại hay quốc tế. Do vậy, thuật ngữ phải có tính quốc tế. Trong xu thế toàn cầu hóa và quốc tế hóa hiện nay, giao lưu quốc tế trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội đang ngày càng diễn ra hết sức mạnh mẽ và sâu rộng thì công tác đặt thuật ngữ cần đặc biệt chú ý tới tính quốc tế.
Tính quốc tế của thuật ngữ cũng thể hiện ở hai mặt nội dung và hình thức. Tính quốc tế về mặt nội dung là điều hiển nhiên vì chúng biểu hiện các khái niệm khoa học là tri thức chung của nhân loại. Về hình thức, tính quốc
tế được biểu hiện ở mặt ngữ âm và các thành tố cấu tạo nên thuật ngữ.
Thông thường các thuật ngữ có tính thống nhất về hình thức trong phạm vi ảnh hưởng của những ngôn ngữ và vùng văn hóa lớn như khu vực Tây – Âu với tiếng Latinh, khu vực Bắc Phi, Tiểu Á, Cận Đông với tiếng Ả Rập, khu vực Ấn Độ với tiếng Pali, khu vực Đông Á, Đông Bắc Á, Trung Quốc với tiếng Hán. Các thuật ngữ như: oxy, acid, gen, chúng ta đều thấy có trong hàng loạt ngôn ngữ. Trong một số ngành khoa học như ngành y, dược, sinh học hầu hết các hệ thống danh pháp được giữ nguyên tiếng Latinh mà không cần phiên chuyển âm và chuyển tự sang hình thức ngữ âm và văn tự phù hợp với từng ngôn ngữ. Đối với khu vực văn hóa như: Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, tính quốc tế thể hiện rõ nét ở cả hình thức và nội dung các thuật ngữ khi chúng ta vay mượn nguyên dạng hoặc phiên âm thuật ngữ nước ngoài từ ngôn ngữ Ấn Âu hoặc tiếng Hán.
Trên đây, chúng tôi đã bàn luận về những tiêu chuẩn của thuật ngữ khoa học nói chung, thuật ngữ phụ sản nói riêng, đó là: tính khoa học (tính chính xác, tính hệ thống, tính ngắn gọn), tính quốc tế. Một thuật ngữ lí tưởng sẽ phải đáp ứng tất cả các tiêu chí trên. Nếu vi phạm một trong số những tiêu chuẩn trên nhất là tiêu chuẩn về tính khoa học, thì thuật ngữ sẽ bị coi là không đạt chuẩn và đó là trường hợp cần chuẩn hoá.