Chương 2: CƠ SỞ LÍ LUẬN
2.1. CƠ SỞ LÍ LUẬN VỀ THUẬT NGỮ VÀ THUẬT NGỮ PHỤ SẢN
2.1.5. Thuật ngữ với lý thuyết định danh
Cũng như các đơn vị từ ngữ khác, thuật ngữ có chức năng định danh.
Vì thế, mục này chúng tôi sẽ tìm hiểu lí thuyết định danh để làm cơ sở tìm hiểu phương thức định danh của thuật ngữ.
Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, từ trước đến nay đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về định danh. Hiểu một cách đơn giản nhất, định danh là đặt tên gọi cho sự vật, hiện tượng, v.v... Tuy nhiên, các tác giả khác nhau đã đưa ra những quan niệm khác nhau về định danh. Theo G.V.
Kolshansky “Định danh (nomination) là gắn cho một kí hiệu ngôn ngữ một khái niệm – biểu niệm phản ảnh đặc trưng nhất định của một biểu vật (denotat) - các thuộc tính, phẩm chất và quan hệ của các đối tượng và quá trình thuộc phạm vi vật chất và tinh thần, nhờ đó các đơn vị ngôn ngữ tạo thành yếu tố nội dung của giao tiếp ngôn ngữ” (Dẫn theo [98, tr.1]).
L.Phoi-ơ-bắc viết “Tên gọi là cái gì? Một phù hiệu dùng để phân biệt, một dấu hiệu đập vào mắt mà tôi đem làm thành đặc trưng của đối tượng, làm thành cái tiêu biểu cho đối tượng, để hình dung đối tượng trong tính chỉnh thể của nó” (Dẫn theo [98, tr.1]).
Như vậy, rõ ràng là khi muốn định danh sự vật, hiện tượng..., trước hết cần phải tìm ra những đặc trưng tiêu biểu, có tính chất khu biệt nhằm
phân biệt sự vật, hiện tượng, quá trình...khác nhau. Về vấn đề này, tác giả Lê Khả Kế cũng đã nhấn mạnh “Lí tưởng nhất là thuật ngữ phản ảnh được đặc trưng cơ bản, nội dung cơ bản của khái niệm” (Dẫn theo [65, tr.106]).
Để định danh sự vật, tính chất hay quá trình..., tác giả Nguyễn Đức Tồn cho rằng, cần tiến hành quy loại khái niệm và chọn đặc trưng khu biệt [98, tr.1]. Tác giả cũng chỉ ra rằng, việc lựa chọn đặc trưng làm cơ sở định danh cần gắn với hai loại đối tượng là đối tượng cần định danh thuộc phạm vi đời sống hàng ngày và đối tượng cần định danh thuộc phạm vi khoa học hay một ngành chuyên môn nhất định. Theo định nghĩa và tiêu chuẩn của thuật ngữ, loại đối tượng thứ hai được áp dụng cho việc định danh thuật ngữ khoa học.
2.1.5.2. Quá trình định danh
Theo Nguyễn Như Ý, định danh trong ngôn ngữ trước hết là quá trình tự tạo từ ngữ trong một ngôn ngữ để gọi tên sự vật, hiện tượng, khái niệm tồn tại trong thế giới tự nhiên, trong xã hội, phân biện chúng với nhau nhờ cái vỏ âm thanh của ngôn ngữ [112, tr.89].
Một thực tế không thể phủ nhận, tồn tại trong thế giới khách quan là hằng hà sa số các sự vật, hiện tượng với những thuộc tính và mối liên hệ khác nhau. Trong quá trình tiếp xúc với các sự vật, hiện tượng, con người đã phát hiện và tổng hợp được những đặc trưng cơ bản của chúng. Khi định danh sự vật, hiện tượng thì chỉ một trong số những đặc trưng cơ bản có ý nghĩa khu biệt sự vật, hiện tượng này với sự vật, hiện tượng khác được lựa chọn. Việc làm này được V.G. Gac gọi là hành vi phân loại. Theo V.G.Gac
“Trong ngôn ngữ tự nhiên, quá trình gọi tên tất yếu gắn với hành vi phân loại. Nếu như cần phải biểu thị đối tượng X nào đó mà trong ngôn ngữ chưa có tên gọi, thì trên cơ sở các đặc trưng đã được tách ra trong đối
tượng này, nó được quy vào khái niệm “A” hoặc “B” mà trong ngôn ngữ đã có cách biểu thị riêng cho chúng và nhận tên gọi tương ưng. Nhưng đồng thời cũng diễn ra sự “lắp ráp” bản thân các từ vào hiện thực: khi thì người ta bỏ đi một cái gì đó vào sự hiểu biết ban đầu của mình, khi thì, ngược lại, bổ sung thêm một cái gì đó vào sự hiểu biết ban đầu ấy” (Dẫn theo [101, tr.165]). Ví dụ, để gọi tên một loại bệnh có biểu hiện bề ngoài nổi thành khối/ cục người ta quy vào khái niệm đã có tên trong ngôn ngữ là “u”. Tiếp tục, dựa vào vị trí của khối u trên cơ thể, người ta phân biệt thành các loại u khác nhau, từ đó hình thành các tên gọi như: u buồng trứng, u tử cung, u tuyến vú, v.v... Hoặc dựa vào tính chất, mức độ nguy hiểm của khối u mà phân biệt các loại u, từ đó hình thành các tên gọi như: u buồng trứng lành tính, u buồng trứng ác tính, u tử cung lành tính, u tử cung ác tính, v.v...
Trong quá trình định danh sự vật hiện tượng... thuộc thế giới khách quan, ngoài việc quy loại và lựa chọn đặc trưng có ý nghĩa khu biệt, vấn đề lí do của tên gọi cũng có ý nghĩa quan trọng. Về lí do của tên gọi, theo tác giả Nguyễn Đức Tồn, căn cứ vào chủ thể định danh và đối tượng định danh – hai tham tố trực tiếp tham gia vào quá trình định danh – có lí do chủ quan và lí do khách quan (Dẫn theo [101, tr165]). Trong đó, lí do chủ quan phụ thuộc vào chủ thể định danh, lí do khách quan phụ thuộc vào đối tượng định danh. Loại lí do khách quan được hiểu là một đặc trưng nào đó của sự vật có ý nghĩa khu biệt với sự vật khác. Ví dụ khi siêu âm, bác sĩ kết luận tên gọi của thai phụ khi mang số lượng thai có: thai một, thai đôi, thai ba, v.v...
Như vậy, quá trình định danh được thực hiện theo trình tự từ sự nhận biết sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan bằng các cơ quan cảm giác để tổng hợp các đặc trưng, thuộc tính phản ánh bản chất của sự vật, hiện tượng, sau đó quy loại sự vật hiện tượng dựa vào các đặc trưng, thuộc
tính đã tổng hợp và lựa chọn đặc trưng có ý nghĩa khu biệt sự vật, hiện tượng đó với sự vật, hiện tượng khác để đặt tên gọi.
2.1.5.3. Nguyên tắc định danh
Trong quá trình nghiên cứu của đặc điểm định danh sự vật, V.G.Gak đã đưa ra các nguyên tắc định danh, đó chính là gắn quá trình gọi tên với hành vi phân loại. “Nếu như cần phải biểu thị một đối tượng “X” nào đó mà trong ngôn ngữ chưa có tên gọi, thì trên cơ sở các đặc trưng đã được tách ra trong đối tượng này, nó được quy vào khái niệm “A” hoặc “B” mà trong ngôn ngữ đã có cách biểu thị riêng cho chúng và nhận tên gọi tương ứng. Nhưng đồng thời cũng diễn ra sự “lắp ráp” bản thân các từ vào hiện thực: khi thì người ta bỏ đi một cái gì đó khỏi sự hiểu biết ban đầu của mình, khi thì, ngược lại, người ta lại bổ sung thêm một cái gì đó vào sự hiểu biết đầu tiên ấy” (Dẫn theo [98, tr.1]).
Nguyễn Đức Tồn đã nêu ví dụ sau minh họa cho luận điểm lí thuyết này: Để đặt tên loài cây cỡ nhỏ, than có gai, lá kép có rang, hoa màu hồng…có hương thơm, quá trình định danh diễn ra như sau: trước hết, dựa vào các đặc trưng đã được tách ra như trên, người Việt quy nó vào khái niệm đã có tên gọi trong ngôn ngữ là “hoa”, và chọn cả đặc trưng màu sắc
“đập vào mắt” cũng đã có tên gọi là “hoa hồng”. Nhưng về sau, người ta thấy màu sắc của loài cây này không chỉ có màu hồng, mà còn có thể là màu trắng hay màu đỏ thẫm như nhung, v.v...Tên gọi ban đầu hoa hồng được được bổ sung hoặc bỏ bớt đi cái gì đó (chẳng hạn như màu trắng, v.v...) và hoa hồng đã hình thành tên gọi chung cho một loại hoa, nên có những tên gọi mới, ví dụ: hoa hồng bạch, hoa hồng nhung,v.v... Như vậy, quá trình định danh một sự vật, tính chất hay quá trình gồm hai bước là quy
loại khái niệm của đối tượng được định danh và chọn đặc trưng nào để định danh [102, tr.33-34].
2.1.5.4. Đơn vị định danh
Xét trên bình diện ngữ nghĩa, đơn vị định danh được chia thành đơn vị định danh gốc và đơn vị định danh phái sinh. Trong đó, “định danh gốc (định danh bậc một) được tạo ra bởi những đơn vị tối giản về mặt hình thái cấu trúc, mang nghĩa đen, được dùng làm cơ sở để tạo ra các đơn vị định danh khác” ([Dẫn theo [44, tr.72]). Nhóm thuật ngữ gồm đơn vị định danh gốc có một thành tố cấu tạo với chức năng gọi tên các sự vật, hiện tượng, quá trình và tính chất cơ bản thuộc một chuyên ngành cụ thể. Ví dụ: thai, u,... là những đơn vị định danh gốc trong hệ thuật ngữ phụ sản tiếng Việt.
Đơn vị định danh phái sinh (đơn vị định danh bậc hai) là những đơn vị định danh có hình thái cấu trúc phức tạp hơn đơn vị định danh bậc một, gồm có hai thành tố cấu tạo trở lên, trong đó có thành tố chính và các thành tố phụ với chức năng gọi tên các sự vật, hiện tượng, quá trình, tính chất của một chuyên ngành cụ thể. Ví dụ, các thuật ngữ: thai to, thai suy, u nang, u tử cung, v.v...là những đơn vị định danh phái sinh.