Chương 2: CƠ SỞ LÍ LUẬN
2.2. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CƠ BẢN CỦA NGÔN NGỮ HỌC SO SÁNH ĐỐI CHIẾU
Được hình thành trong trào lưu nghiên cứu so sánh chủ yếu ở các nước Tây Âu, trải qua một chặng đường dài phát triển, đến nay ngôn ngữ học so sánh đối chiếu đã trở thành một chuyên ngành khoa học hoạt động độc lập. Ngôn ngữ học so sánh đối chiếu ra đời trước hết xuất phát từ yêu cầu của việc dạy học ngoại ngữ. Như chúng ta đều biết, một trong những
rào cản đối với người học trong quá trình thụ đắc ngoại ngữ là những khác biệt giữa các ngôn ngữ. Do đó, quá trình nghiên cứu đối chiếu ngôn ngữ góp phần xoá bớt những rào cản ngôn ngữ cho người học, nhằm mục đích nâng cao chất lượng giảng dạy ngoại ngữ. Về vấn đề này, nhà ngôn ngữ học người Pháp Di Pietro đã viết “Ngôn ngữ học đối chiếu ra đời từ kinh nghiệm dạy tiếng. Mỗi người học và dạy ngoại ngữ đều dễ dàng nhận ra một điều là trong nhiều trường hợp, tiếng mẹ đẻ đã cản trở không nhỏ việc hiểu và nắm thuần thục ngoại ngữ. Vì vậy, việc tích luỹ những tri thức và kinh nghiệm sẽ giúp ta khắc phục một cách có hiệu quả khó khăn này”
(Dẫn theo [87, tr.35]). Bên cạnh đó, nghiên cứu đối chiếu ngôn ngữ còn
“giúp chúng ta thâm nhập vào thực chất của các quá trình ngôn ngữ cũng như hiểu sâu sắc hơn các quy luật điều khiển các quá trình này” [87, tr.35].
Thuật ngữ “ngôn ngữ học đối chiếu” là một vấn đề đã được chú ý bàn luận nhiều. Về vấn đề này, giáo sư Lê Quang Thiêm trong cuốn Nghiên cứu đối chiếu các ngôn ngữ đã đưa ra ý kiến của riêng tác giả mà theo chúng tôi là thoả đáng, đó là “Nói chung, nghiên cứu đối chiếu giúp chúng ta xác định cái giống nhau và khác nhau của các ngôn ngữ về mặt cấu trúc, hoạt động và sự phát triển của chúng” [87, tr.35 - 41].
Để thực hiện đối chiếu một cách có hiệu quả, cần đặt ra những nguyên tắc cụ thể và trong quá trình đối chiếu cần tuân thủ các nguyên tắc đã đặt ra. Tác giả Bùi Mạnh Hùng đã đưa ra bốn nguyên tắc trong đối chiếu ngôn ngữ như sau [42, tr.131-146].
Nguyên tắc 1: Bảo đảm các phương tiện trong hai ngôn ngữ đối chiếu phải được miêu tả một cách đầy đủ, chính xác và sâu sắc trước khi tiến hành đối chiếu để tìm ra điểm giống và khác nhau giữa chúng.
Nguyên tắc 2: Việc nghiên cứu đối chiếu không thể chỉ chú ý đến các phương tiện ngôn ngữ một cách tách biệt mà phải đặt trong hệ thống.
Nguyên tắc 3: Phải xem xét các phương tiện đối chiếu không chỉ trong hệ thống ngôn ngữ mà còn trong hoạt động giao tiếp.
Nguyên tắc 4: Phải đảm bảo tính nhất quán trong việc vận dụng các khái niệm và mô hình lí thuyết để miêu tả các ngôn ngữ được đối chiếu.
Trong nghiên cứu đối chiếu ngôn ngữ, ngoài việc thiết lập các nguyên tắc đối chiếu, việc xác định phạm vi đối chiếu cũng có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Trước hết, phạm vi ngôn ngữ thể hiện ở khâu xác định ngôn ngữ đối chiếu. Theo Lê Quang Thiêm, có hai khả năng chính xảy ra khi lựa chọn ngôn ngữ đối chiếu. Khả năng thứ nhất là “Lấy một ngôn ngữ làm cơ sở chỉ đạo, ngôn ngữ này là ngôn ngữ đối tượng cần phân tích, làm sáng tỏ. Ngôn ngữ (hay các ngôn ngữ) còn lại sẽ là phương tiện, là điều kiện cho phép làm sáng tỏ đặc điểm ngôn ngữ đối tượng. Chọn ngôn ngữ nào làm đối tượng, ngôn ngữ nào làm phương tiện tuỳ thuộc vào nhiệm vụ lý luận và thực tiễn đặt ra cho người nghiên cứu”. Khả năng thứ hai là phân tích đối chiếu song song cả hai ngôn ngữ. Đối với cách thức đối chiếu này phạm vi các vấn đề đối chiếu là ở cả hai ngôn ngữ và nghiên cứu đối chiếu song song thường được thực hiện đối chiếu với các ngôn ngữ cùng loại hình, các ngôn ngữ có cùng hoặc gần gũi về ngữ hệ [87, tr.333]. Theo một số tác giả, phạm vi đối chiếu ngôn ngữ có thể chia thành đối chiếu hệ thống và đối chiếu bộ phận. Trong đó, “Đối chiếu hệ thống là đối chiếu tổng thể hai ngôn ngữ với nhau. Còn đối chiếu bộ phận là đối chiếu các đơn vị, phạm trù, hiện tượng cụ thể của hai ngôn ngữ” [42, tr.150]. Theo Lê Quang Thiêm, có đối chiếu phạm trù, đối chiếu cấu trúc hệ thống, đối chiếu chức năng và hoạt động, đối chiếu phong cách và đối chiếu lịch sử - phát triển.
Tác giả Bùi Mạnh Hùng cho rằng “sự phân biệt các phạm vi đối chiếu cần xác định trên cơ sở phân biệt các bình diện phân tích ngôn ngữ: ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp và ngữ dụng” [42, tr.151].
Sau khi đã xác định được nguyên tắc và phạm vi đối chiếu ngôn ngữ, công tác đối chiếu cần được thực hiện theo từng bước cụ thể. Một số nhà nghiên cứu ngôn ngữ đã thống nhất đưa ra ba bước tiến hành đối chiếu ngôn ngữ như sau:
1. Miêu tả;
2. Xác định những cái có thể đối chiếu được với nhau;
3. Đối chiếu.
Theo chúng tôi, ba bước tiến hành đối chiếu trên đây là cần thiết nhưng thứ tự từng bước có thể thay đổi linh hoạt theo bình diện nội dung ngôn ngữ cần đối chiếu.
Như vậy, có thể thấy rằng để công tác nghiên cứu đối chiếu ngôn ngữ được thực hiện có hiệu quả, người nghiên cứu cần xác lập được các nguyên tắc đối chiếu, các bước đối chiếu, phạm vi nghiên cứu và vận dụng các phương pháp, thủ pháp hợp với mục đích, đối tượng và phạm vi nghiên cứu.